Diễn đàn lý luận

Tinh thần phản chiến qua hình tượng người về từ tiền tuyến trong văn học miền Nam

Đỗ Hải Ninh
Lý luận phê bình
13:30 | 29/07/2024
Baovannghe.vn - Kỉ niệm 50 năm đất nước thống nhất, Ban Tuyên giáo Trung ương đã đề ra nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết, đánh giá lại di sản văn học miền Nam...
aa

Hướng tới kỉ niệm 50 năm đất nước thống nhất, vừa qua Ban Tuyên giáo Trung ương đã đề ra nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết, đánh giá lại di sản văn học miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Đây là một nhiệm vụ quan trọng và hết sức có ý nghĩa, phù hợp với chủ trương hòa hợp hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước bởi văn học miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 là một khu vực cần được coi như một bộ phận không thể tách rời trong tổng thể lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Ở đó có những tác phẩm, những khuynh hướng với những đóng góp về giá trị tư tưởng và nghệ thuật cần được ghi nhận một cách khách quan, khoa học. Bài viết này tìm hiểu một khía cạnh nhỏ để quan sát văn học viết về chiến tranh giai đoạn 1954 - 1975 ở miền Nam: tự sự về “người lính trở về” qua các tác phẩm Đừng đến sân ga của Hoàng Ngọc Tuấn, Con thú tật nguyền của Ngụy Ngữ, Hòa bình nàng tình rỗng của Cung Tích Biền.

1. Cả ba tác giả Hoàng Ngọc Tuấn, Ngụy Ngữ và Cung Tích Biền đều là những nhà văn có những đóng góp nổi bật trong đời sống văn chương báo chí Sài Gòn giai đoạn 1954 - 1975.

Tinh thần phản chiến qua hình tượng người về từ tiền tuyến trong văn học miền Nam
Hoàng Ngọc Tuấn (1947 - 2005)

Hoàng Ngọc Tuấn sinh năm 1947 tại Huế, sau đó vào Sài Gòn sống bằng nghề viết. Mặc dù không tự nhận mình là “một tác giả viết về tuổi thơ” nhưng theo cuộc phỏng vấn Đi tìm các tác giả được ưa thích hiện nay của tuần báo Khởi hành, cái tên Hoàng Ngọc Tuấn luôn được độc giả nhắc đến nhiều lần, đều đặn trên mỗi số báo, ông là một trong năm tác giả được yêu thích nhất của giới trẻ vì “tính chất thơ mộng của văn chương”.

Những tác phẩm được giới trẻ Sài Gòn yêu thích như: Hình như là tình yêu, Cô bé treo mùng, Buổi chiều Hạ Lan... Sau 1975, Hoàng Ngọc Tuấn tiếp tục sáng tác và thuộc vào lớp hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2000, Nxb Trẻ ấn hành Tuyển tập tác phẩm Hoàng Ngọc Tuấn (3 tập). Ông mất tại Sài Gòn năm 2005.

Tinh thần phản chiến qua hình tượng người về từ tiền tuyến trong văn học miền Nam
Nguyễn Văn Ngữ (1947 - 2022)

Nhà văn Ngụy Ngữ tên thật là Nguyễn Văn Ngữ (1947 - 2022). Trước 1975 ông thường xuyên viết cho tạp chí Văn, Đất nước… Năm 1974, truyện ngắn Con thú tật nguyền của Ngụy Ngữ được Nxb Văn nghệ Giải phóng in trong tuyển tập truyện ngắn của phong trào đô thị miền Nam. Năm 1980, Ngụy Ngữ công tác tại Hãng phim Giải phóng và chuyển sang làm biên kịch.

Ông đã chuyển thể tác phẩm Con thú tật nguyền và được đạo diễn Hồ Quang Minh dựng thành phim. Ông còn là tác giả biên kịch của nhiều bộ phim gây được sự chú ý của đông đảo công chúng như: Xóm nước đen, Bụi hồng, Những năm tháng đã qua, Mẹ con Đậu Đũa, Gái nhảy, Cánh đồng bất tận…

Tinh thần phản chiến qua hình tượng người về từ tiền tuyến trong văn học miền Nam
Cung Tích Biền

Nhà văn Cung Tích Biền tên thật là Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937 (1938?) tại Quảng Nam. Ông từng đăng nhiều truyện trên các báo Nghệ thuật, Công chúng, Da vàng. Ông viết nhiều tác phẩm đáng chú ý như: Ngoại ô, Dĩ An và linh hồn tôi, Ai tỉnh ai điên, Nỗi buồn thắp sáng, Cõi ngoài, Hòa bình nàng tình rỗng... Truyện Ngoại ô, Dĩ An và linh hồn tôi là tác phẩm lên án chiến tranh và xã hội miền Nam với sự khuynh đảo của đồng đô la Mĩ đã làm tan nát những gia đình truyền thống và làm tha hóa những tâm hồn trong trắng như Dĩ An. Truyện ngắn Thằng bắt quỷ của ông được in trong Tổng tập truyện ngắn Việt Nam thế kỉ XX (Nxb Kim Ðồng, 2022), truyện ngắn Không thể là hiện thực in trong tuyển tập Ðêm bướm ma (Nxb Văn học, 1998).

Có thể thấy đây đều là những tác giả đáng chú ý của văn học miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 với những mảng đề tài đặc sắc. Sau khi đất nước thống nhất, họ vẫn tiếp tục có những đóng góp trên nhiều lĩnh vực và phần nào đã được hiện diện trở lại trên văn đàn, tuy nhiên sáng tác của họ chưa được nghiên cứu nhiều.

2. Trong bối cảnh lịch sử đầy biến động và nhiều bất ổn do chiến tranh, văn học đã phản ánh chân thực đời sống xã hội miền Nam và những số phận con người trong bối cảnh đó. Nhiều cây bút hoạt động trong các nhóm phái khác nhau và mặc dù mang nhiều quan điểm chính trị khác biệt, thậm chí đối lập, nhưng tác phẩm của họ đi sâu vào khám phá vấn đề thân phận con người và số phận của dân tộc trong chiến tranh. Có cả một dòng văn học phản chiến đi từ nhận thức sức mạnh hủy diệt và sự tàn khốc của chiến tranh đến cất tiếng nói (một cách kín đáo hoặc công khai) phản đối chiến tranh, hướng đến một tương lai hòa bình cho con người.

Mặc dù thời điểm đó, cuộc chiến tranh vẫn đang diễn ra nhưng có không ít tác phẩm văn học giai đoạn này đã chọn viết về nhân vật người lính trở về. Họ có thể là những nhân vật giải ngũ, thương binh, hoặc thậm chí là tử sĩ. Văn học miền Nam viết khá nhiều về tâm trạng của những người lính trở về này, gắn với “nỗi buồn chiến tranh” và nỗi đau mất mát. Đừng đến sân ga, Con thú tật nguyền Hòa bình nàng tình rỗng là những tác phẩm viết về nhân vật người lính trở về từ chiến tranh. Trong Đừng đến sân ga, Toàn là thương binh bị cụt một chân, tìm về gặp Lục - người bạn gái, đồng nghiệp đang làm hiệu trưởng ở một ngôi trường tiểu học. Mặc dù Lục cố gắng động viên, quan tâm nhưng Toàn luôn cảm thấy mặc cảm vì bị cụt chân, anh thấy mình trở thành người tàn phế, vô dụng. Họ đã cùng nhau tìm lại những phút giây lãng mạn, ấm áp bên nhau như ngày xưa nhưng đến lúc cả hai cuồng nhiệt dâng hiến trọn vẹn thể xác cho nhau thì Toàn chợt chết lặng người, thân thể trơ lì nhạt nhẽo vì nhận thấy sự tàn tật của mình rõ hơn bao giờ hết. Ở truyện Con thú tật nguyền, có hai người lính trở về: một là nhân vật “tôi”, cùng với chị Nga, chị gái của Bình, đưa chiếc quan tài đựng thân thể tan nát của Bình về quê chôn cất; hai là nhân vật Bình dù đã chết nhưng đang trở về cùng những kí ức của nhân vật “tôi” trong hành trình về quê. Truyện Hòa bình nàng tình rỗng là một cảnh trở về khác của người lính sau khi chiến tranh kết thúc. (Truyện này tác giả viết năm 1969, khi cuộc chiến tranh còn đang diễn ra nhưng tác giả đã hi vọng đến một ngày kết thúc chiến tranh và hư cấu nên câu chuyện hậu chiến của nhân vật.) Nhân vật Toàn vốn là một trung úy, khi nghe tin hòa bình, Toàn thấy mình “phải đương đầu với một sự trống rỗng, y như một chuyến bay cực nhọc rơi vào khoảng chân không”. Toàn về thăm thành phố quê anh nhưng cảm giác mình như một người khách lạ, và rời bỏ quê nhà như một cuộc chạy trốn, anh phiêu bạt khắp nơi để tìm lại Âu Lang - người yêu thất lạc trong chiến tranh.

Trong các tác phẩm văn học này, người trở về là những người bước ra từ chiến tranh, tàn phế, rã rời, tan nát cả về thể xác và tinh thần. Những chấn thương ăn sâu vào đời sống hậu chiến tranh của họ, khiến họ không thể trở về là người bình thường. Toàn (Đừng đến sân ga) mất một chân, khiếm khuyết về cơ thể khiến mặc cảm làm người đàn ông đeo đẳng biến nhân vật trở nên khiếm khuyết về tâm hồn. Trong Con thú tật nguyền, Bình gia nhập chiến tranh với một nỗi uất hận gia đình tan nát vì chiến tranh, bố mẹ chết, chị gái làm đĩ, trên tay Bình xăm hàng chữ “Ra đi vì đời”. Nỗi hận thù cuộc đời khiến Bình không muốn trở về, Bình nói với bạn “tao không trở về nữa đâu, tao chết mày bỏ mìn vào bụng bấm cho tung bét cả đi”. Người bạn đưa xác Bình trở về cũng đau khổ thú nhận: “Chúng ta là những con thú tật nguyền khốn đốn mang vết thương về, lặng lẽ liếm vết máu mình, nằm chết”. Các tác phẩm cất lên tiếng nói tố cáo chiến tranh làm băng hoại và hủy hoại con người. Chị Nga, người thân duy nhất còn lại trong gia đình Bình, trong vòng xoáy chiến tranh đã rơi vào cuộc đời sa đọa khiến Bình không thể chấp nhận chị. Trong Ngoại ô, Dĩ An và linh hồn tôi, chị Liêm vốn là một nữ sinh có nhan sắc, tính tình hiền hậu, giàu tình cảm, sau khi người chồng chưa cưới tử trận, gia đình sa sút, chị đã tiêu phá cuộc đời mình vào đời sống Sài Gòn thực dụng. Các tác phẩm đã thể hiện tinh thần phản chiến khi lên án mạnh mẽ tội ác chiến tranh, đó là cỗ máy tàn phá cuộc đời con người, nhất là những người lính trở về. Nhân vật Toàn trong Hòa bình nàng tình rỗng, sau những chặng đường phiêu bạt đi tìm nàng Âu Lang thất lạc, đã thú nhận: “Tình cảnh hậu chiến là một thứ tình cảnh của một xác chết”. Các nhà văn miền Nam, ngay từ trong giai đoạn chiến tranh, đã sớm nhận thức về tội ác chiến tranh và nhận thấy di chứng lâu dài của chiến tranh gây sang chấn cho con người như thế nào. Các tác giả cũng không né tránh nói đến thân thể và nhu cầu bản năng của con người trong các tác phẩm viết về chiến tranh. Có một sự gặp gỡ của các tác giả miền Nam giai đoạn này với những tác giả văn học viết về chiến tranh sau Đổi mới, ở cái nhìn sẻ chia, thông cảm với những mất mát đau thương và những chấn thương hậu chiến như Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh, Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh…

Tuy nhiên, trong thảm cảnh chiến tranh và nỗi đau hậu chiến, mỗi tác giả đều nương tựa vào một niềm hi vọng, dẫu rất nhỏ nhoi cho những người lính trở về. Kết truyện Con thú tật nguyền, nhân vật xưng “tôi” - bạn đồng hương, đồng ngũ của Bình, trước nỗi tuyệt vọng của chị Nga đã động viên “chị cầu kinh đi” và hứa với chị “em ở lại đây… không đi nữa”. Ở tác phẩm Đừng đến sân ga, chị Lục đã đuổi theo Toàn trước khi tàu rời ga để giữ Toàn lại vì “chúng ta cần có nhau”. Cuối cùng của truyện dài Hòa bình nàng tình rỗng, ông già tự nhận là quen thân với Toàn khi cầm bức thư từ một thiếu nữ xa lạ đã nói với cô: “Con à, lão tin rằng ông Toàn sẽ khóc vì sung sướng. Từ hai mươi năm nay ông không cầm bút viết thư và không hề nhận một lá thư nào của đồng loại”. Trong hành trình trở về bi thương của những người lính, cuối cùng vẫn le lói một tia sáng cuối đường hầm. Nhà văn Trần Trung Sáng từng nhận xét: “Hoàng Ngọc Tuấn đến với bạn đọc bằng một thế giới hiền hòa, chẳng mảy may thù hận, chừng như nơi đó, ông nỗ lực xây dựng một không gian trú ngụ cho những khát vọng thương yêu, bình an và thơ mộng bên cạnh thực tại cuộc chiến tranh tàn khốc”. Có lẽ đây cũng là lời nhận xét cho cả ba tác giả bởi những tác phẩm của họ đều cho thấy những nỗ lực hàn gắn đau thương bằng cuộc tái hợp, dẫu chỉ là trong mơ ước.

3. Bài viết trên đây là những khảo sát bước đầu về ba trường hợp tiêu biểu viết về chiến tranh của các nhà văn miền Nam giai đoạn 1954 - 1975, từ một góc quan sát cụ thể. Từ ba trường hợp có thể thấy các tác giả đã thẳng thắn, trực diện nhìn vào thực trạng chiến tranh và nỗi đau của con người trong cuộc chiến. Ở các tác phẩm này, nhà văn cũng không ngần ngại thể hiện tinh thần phản chiến, lên tiếng phản đối chiến tranh đã hủy hoại con người cả thể xác và tinh thần. Bằng sự mẫn cảm của nghệ sĩ, họ đã sớm khám phá những chấn thương tinh thần của con người hậu chiến trên tinh thần nhân văn, vì con người. Đó là những đóng góp đáng ghi nhận của các tác giả viết về chiến tranh trong văn học miền Nam giai đoạn 1954 - 1975.

Đỗ Hải Ninh |Báo Văn Nghệ

*Tên bài viết do Baovannghe.vn đặt

Khoảng trống lý luận và phê bình mỹ thuật Trại sáng tác cho các tác giả nghiên cứu lý luận, phê bình văn học - 2024 Đời sống nghệ thuật: Khi nhà phê bình cô đơn, chực chờ “chạy làng” Lý luận phê bình văn học hôm nay: Thực trạng và giải pháp Lý luận, phê bình vẫn là "khoảng trống" của sân khấu
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".