Văn hóa nghệ thuật

Tọa đàm nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Dương Bích Liên

Hân My
Mỹ thuật 06:49 | 14/07/2024
Buổi tọa đàm "Họa sĩ Dương Bích Liên - Ánh chớp thầm lặng" được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 13/7 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh họa.
aa

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh họa Dương Bích Liên (17/7/1924 - 17/7/2024), sáng 13/7, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Art talk Họa sĩ Dương Bích Liên - Ánh chớp thầm lặng.

Buổi tọa đàm có sự góp mặt của họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam và họa sĩ Đặng Thị Khuê - nguyên Ủy viên Ban Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam; cùng người thân của cố họa sĩ, các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên và đông đảo công chúng yêu nghệ thuật.

Họa sĩ Dương Bích Liên sinh ra trong một gia đình trí thức Nho học, quê ở Hưng Yên. Ông từng theo học Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1940-1945). Cùng với Nguyễn Tư Nghiêm (1918-2016), Nguyễn Sáng (1923-1988), Bùi Xuân Phái (1920-1988), Dương Bích Liên chính là một trong "tứ trụ" của giới mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Các tác phẩm tiêu biểu của ông được sáng tác trên chất liệu sơn dầu và sơn mài, như: Hồ Chủ tịch qua suối; Hào; Đi học thêm; Hành quân đêm; Thiếu nữ áo trắng; Chiều vàng; Mùa gặt... Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2000.

Ngoài hội họa, ông còn say mê triết học, văn học và sân khấu. Với vốn ngoại ngữ giỏi, ông luôn cập nhật thông tin về thế giới nghệ thuật hiện đại, lấy sách và những người bạn trí thức trẻ thuộc nhiều ngành giới làm tri kỷ, tâm giao.

Tọa đàm nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Dương Bích Liên
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ tại tọa đàm - Ảnh: Thụy Du

Tại buổi tọa đàm, công chúng yêu nghệ thuật được xem phim tài liệu về sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Dương Bích Liên; thưởng thức một số tác phẩm của ông; lắng nghe nhận xét của giới chuyên môn về tài năng của danh họa; cũng như được biết thêm những câu chuyện đời thường về họa sĩ thông qua chia sẻ của người thân trong gia đình ông hay người mẫu ông từng vẽ...

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, nền mỹ thuật hiện đại của Việt Nam may mắn có được "tứ trụ" cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có họa sĩ Dương Bích Liên. Họ là gạch nối quan trọng tạo sự phát triển ngày càng đa dạng của nền mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Dương Bích Liên là một nhà tri thức uyên bác, ông đọc nhiều, học nhiều, nhưng sống và cống hiến thầm lặng. Đời sống nghệ thuật của ông là dòng chảy lặng lẽ, nhưng phong cách của ông kiêu hãnh và chói sáng.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ: "Dấn thân vào lý tưởng của mình, Dương Bích Liên tham gia kháng chiến, và cống hiến trọn đời cho cách mạng và nghệ thuật. Những kỷ niệm kháng chiến được ông lưu giữ, đặc biệt là những tháng ngày ở chiến khu, được nung nấu hàng thập kỷ, để làm nên những tác phẩm để đời cho hậu thế". Theo bà, tranh của danh họa Dương Bích Liên xuất phát từ cảm hứng lãng mạn, trữ tình, là phong vị điển hình cho sắc thái tâm hồn con người Việt Nam đầu thế kỷ. Ông tựa một ánh sao, một tia chớp thầm lặng ngang qua bầu trời nghệ thuật thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ rồi Đổi mới và để lại những ánh hào quang lung linh.

Tọa đàm nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Dương Bích Liên
Họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ về cuộc đời, tác phẩm của họa sĩ Dương Bích Liên - Ảnh: ĐBND

"Khiêm nhường, ẩn dật và nhẫn nhịn trong đời sống, ông dồn hết năng lượng và nhiệt huyết cho nghệ thuật. Vì thế, tranh Dương Bích Liên dù là chất liệu gì, thể loại nào cũng đều mang vẻ đẹp huyền ảo, lung linh, lãng đãng cổ kính, vừa gợi cảm vừa bí ẩn", họa sĩ Đặng Thị Khuê nhận định.

Đối với họa sĩ Đặng Thị Khuê, tác phẩm ấn tượng nhất của họa sĩ Dương Bích Liên là Hồ Chủ tịch qua suối (giải Nhất tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1980) - bảo vật quốc gia hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bên cạnh đó, tác phẩm Hào cũng mang tầm tư tưởng lớn, được ông vẽ trong 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội (1972). Tranh thiếu nữ của Dương Bích Liên cũng là đóng góp quan trọng, lưu giữ dung nhan đẹp đẽ của phụ nữ Việt qua thời gian...

Sinh thời, nhà lịch sử mỹ thuật Thái Bá Vân cho rằng, nghệ thuật của Dương Bích Liên là một thế giới sang trọng, miên man trí thức. Nhận xét này quả rất đúng với tầm trí tuệ và nhân cách của danh họa.

Hội Nhà văn Việt Nam kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Kim Lân Khởi động Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam Ra mắt bộ tem kỷ niệm 100 năm sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Trần Hữu Thung Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Đêm nhạc Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao
Trò chơi tỷ đô trên lưng giới sáng tạo

Trò chơi tỷ đô trên lưng giới sáng tạo

Tại Hoa Kỳ, hàng loạt vụ kiện bản quyền đang bùng nổ nhằm vào các công ty phát triển trí tuệ nhân tạo như Meta, OpenAI, Anthropic, với cáo buộc đã sử dụng trái phép hàng triệu tác phẩm có bản quyền để huấn luyện mô hình AI. Các phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ gần đây cho thấy cuộc tranh cãi pháp lý không đơn thuần là chuyện giữa Big Tech và giới xuất bản, mà đang trở thành vấn đề có ảnh hưởng sâu rộng đến tương lai của sáng tạo văn hóa toàn cầu. Diễn biến này đặt ra nhiều câu hỏi đáng lưu tâm về quyền sở hữu trí tuệ, đạo đức công nghệ và vai trò của nhà sáng tạo trong thời đại AI.
Người mù uống rượu - Thơ Dương Thắng

Người mù uống rượu - Thơ Dương Thắng

Baovannghe.vn- Sẽ có một trận mưa lớn/ Đêm nay tiếng sấm ùng oàng
Trải nghiệm Lý thuyết đương đại hay là sự tìm kiếm những cách đọc văn chương mới

Trải nghiệm Lý thuyết đương đại hay là sự tìm kiếm những cách đọc văn chương mới

Trong bối cảnh các lý thuyết phê bình đương đại ngày càng lan tỏa vào đời sống văn học Việt Nam, cuốn sách Trải nghiệm lý thuyết đương đại quy tụ 12 bài nghiên cứu, vận dụng các khung lý thuyết như hậu thực dân, sinh thái, hậu nhân văn, nữ quyền, liên văn bản… để “đọc lại” những tác phẩm kinh điển cũng như hiện đại. Cuốn sách không chỉ giới thiệu những hướng tiếp cận mới, mà còn mở rộng khả năng đối thoại giữa văn học Việt Nam với các trào lưu tư tưởng toàn cầu.
Mách lẻo - Thơ Phạm Bội Anh Thuyên

Mách lẻo - Thơ Phạm Bội Anh Thuyên

Baovannghe.vn- Hạt mưa mách lẻo lá xanh/ Rằng Trăng gặp gió ru tình đêm nay
Kiến tạo không gian phát triển: chiến lược phát triển du lịch bền vững

Kiến tạo không gian phát triển: chiến lược phát triển du lịch bền vững

6 tháng đầu năm 2025 đánh dấu một giai đoạn đặc biệt với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL): vừa là chặng nước rút tổng kết nhiệm kỳ, vừa là thời điểm khởi đầu cho những thiết kế thể chế mới trong bối cảnh tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Trên nền tảng ấy, nhiều chuyển động đồng bộ đang diễn ra, từ cải cách bộ máy, định hình chính sách thể thao, xây dựng sản phẩm du lịch mới, đến chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tất cả nhằm hướng đến một mục tiêu: kiến tạo không gian phát triển bền vững.