Văn hóa nghệ thuật

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Không thể làm nghệ thuật mà không có sự kế thừa

Lê Mỹ Ý (thực hiện)
Mỹ thuật
13:23 | 11/07/2024
Không một lịch sử hội họa nào tách rời khỏi sự kế thừa. Kể cả các thiên tài - họ không bao giờ xuất hiện nếu không được thừa kế điều gì đó.
aa

Họa sĩ cho biết một vài thông tin ngắn gọn về tiểu sử và quá trình khởi đầu hoạt động mỹ thuật?

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Tôi sinh năm 1959. Từ bé đã mê vẽ rồi. Sau khi tốt nghiệp phổ thông tôi thi vào trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nhưng mãi tới lần thứ ba mới đỗ. Đó là khóa 1979-1983. Tôi không bao giờ quên được cái cảm giác sung sướng khi nhận được giấy báo trúng tuyển, chính vì vậy tôi học với tất cả lòng say mê. Trong quá trình học tôi ghi chép tài liệu đến nơi đến chốn, và cũng từ đó thực tế đã giúp tôi trưởng thành lên rất nhiều. Tôi làm theo đúng tất cả các tiêu chuẩn classic mà nhà trường đưa tới cho sinh viên. Sau này, khi ra ngoài đời, tôi mới hiểu nghệ thuật rất phong phú, cho ta được sáng tạo, và người họa sĩ muốn đi xa thì phải có kiến thức cơ bản. Nhưng ngược lại, nếu anh bị trói chặt quá vào đó thì cũng chẳng thể bay xa được. Nhiều người đã rơi vào tình trạng này - khi họ muốn bay bổng hơn trong sáng tác thì bị trói quá chặt vào nền tảng cơ bản. Vì thế họ không làm việc được nữa. Không phải họ mất đi cảm xúc, không phải mất điều gì mà bởi họ quá gò bó. Họ vẽ cái gì ra cái đó, không dám vẽ sai, không dám vẽ hỏng. Theo tôi được học nhiều thì sẽ làm được nhiều hơn, nhưng điều này cũng như con dao hai lưỡi.

Từ khi nào anh bắt đầu thành danh trong môi trường hội họa?

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Không phải là thành danh. Mà nói rằng bây giờ nhiều người biết mình, với sự yêu mến, tôn trọng, thân quen... Thực ra tôi không muốn phỏng vấn và ngại gặp báo giới, trừ những ai quen thân, những người tôi quý mến thì mới có thể cởi mở được.

Cuối những năm 80, tôi có sự làm việc kiên trì, hết mình. Tôi muốn có một bước ngoặt cho mình sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp. Chính vì vậy với những tìm tòi còn mờ nhạt (nhưng rõ ràng là rất muốn có một tiếng nói riêng), tôi đã tích cực tham gia các cuộc triển lãm Thủ đô, triển lãm toàn quốc... Khi đó các nhóm họa sĩ trẻ chưa hình thành hoặc mới chỉ là manh nha ở Hà Nội. Họ theo con đường một chiều, ít cái mới trong sáng tạo. Khi công chúng, nhất là các bậc thầy, phát hiện ra những họa sĩ trẻ, có năng lực chút ít, làm việc hăng say... thì rất thích và mang đến cho chúng tôi sự động viên. Từ đó mà tôi cảm thấy mình có thể làm việc.

Tới đầu những năm 90, tôi và một nhóm bạn bè mang tên Gang of Five (Bộ Ngũ), ngoài tôi có Trần Lương, Hà Trí Hiếu, Phạm Quang Vinh, Hồng Việt Dũng. Chúng tôi có tổ chức một cuộc triển lãm với nhau. Hồi đó nói đến việc triển lãm cá nhân là rất xa vời, chỉ có các bậc tiền bối như bác (Nguyễn) Sáng, bác (Nguyễn Tư) Nghiêm... mới dám làm. Còn lại rất hiếm. Triển lãm đầu tiên của chúng tôi tổ chức tại số 7 Hàng Khay - Hà Nội nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất Van Gogh năm 1990 đã khiến cho anh em họa sĩ trẻ cảm thấy họ cũng có thể làm được điều gì đó. Có lẽ đó là phát súng hiệu đầu tiên để lần lượt các nhóm họa sĩ trẻ xuất hiện sau đó.

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Không thể làm nghệ thuật mà không có sự kế thừa
Họa sĩ Đặng Xuân Hòa - Ảnh: VK

Hiện nay có nhiều cách đánh giá khác nhau về môi trường hoạt động mỹ thuật; có người cho rằng môi trường hiện tại tốt, kích thích tài năng, người khác cho rằng chẳng ai quan tâm giúp đỡ, không thể sáng tạo được trong bối cảnh chật hẹp. Xin cho biết quan điểm của riêng anh?

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Tôi thấy môi trường hiện nay suôn sẻ, chưa hề thấy điều gì trục trặc lắm. Các họa sĩ khi thích có thể triển lãm chung với nhau, cũng có thể làm riêng. Tôi thấy tốt khi mọi người đều có thể tự phát huy năng lực của mình. Mọi người đều có khả năng thành đạt.

Theo tôi, trong xã hội nào cũng vậy, trước hết nghệ sĩ phải tạo điều kiện cho mình. Vẽ cũng như vậy. Nếu đổ lỗi cho xã hội thì anh sẽ bị thối chí. Nếu anh vẽ cái gì cũng dở, thì khi đó cần tự trách mình đầu tiên. Khi tự trách mình, thứ nhất họa sĩ sẽ rất thiệt thòi; thứ hai, anh sẽ được trải nghiệm điều gì đó. Xã hội chỉ đóng góp một phần rất nhỏ, bản thân mình mới là quan trọng. Anh phải đổ công sức ra mới được người ta công nhận. Riêng tôi, ý nghĩ đó không nằm trong đầu. Xã hội nào cũng có cái dở và xã hội nào cũng có cái hay. Nếu chúng ta chờ xã hội tạo cho mình điều gì đó thì không bao giờ có đâu.

Đã từng có ý kiến so sánh, ví dụ như với Nhật Bản: khi một nghệ nhân đi đâu đó mang thành tích về được cấp lãnh đạo nhà nước ra tận sân bay đón. Còn ở Việt Nam không bao giờ có chuyện đó. Anh cảm nhận thế nào về ý kiến so sánh đó?

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Tôi thấy lãnh đạo nước ta còn phải đi lo cơm áo cho người dân, lo cho tới từng người ở từng vùng - thì làm sao có thể ra sân bay đón người nghệ sĩ mang tấm huân chương về? Sẽ không bao giờ có việc đó. Lãnh đạo phải lo cho đồng bào lũ lụt, đồng bào bị đói rét trên miền ngược… còn chưa hết việc. Tôi thấy bắt tay lãnh đạo cũng như bắt tay bạn bè, bắt tay người yêu mến... Cũng có thể người ta ra sân bay đón, trao huân chương cho cầu thủ bóng đá, hoặc ca sĩ… Đó là những lĩnh vực hoạt động mang tính xã hội hơn, có tính chất quảng đại hơn… Còn nghệ sĩ, họa sĩ hoàn toàn là mảng độc lập. Nhất là trong xã hội, họa sĩ có tính cá nhân, rất độc lập. Có thể người ta sẽ đứng và chụp ảnh cạnh ca sĩ nổi tiếng, nhưng họa sĩ nổi tiếng, ngay cả đến như Van Gogh, Gauguin… cũng chưa từng bắt tay một ông Tổng thống nào. Họa sĩ có nét đặc biệt như thế, hòa vào xã hội nhưng cũng có cái rất xa. Họa sĩ không cần huân huy chương, không cần nổi tiếng quá. Tôi nghĩ ở nước ta họa sĩ mà nổi tiếng quá là sắp hỏng đến nơi rồi. Tranh của mình mà được nhiều người thích là phải xem lại mình. Cầu thủ có thể được triệu triệu người thích - không sao, nhưng họa sĩ được triệu triệu người thích là không ổn. Tôi nghĩ nhiều khi người ta cũng chỉ thích bằng tai chứ không phải thích bằng mắt. Bởi xã hội vẫn chỉ là đám đông. Tôi dám khẳng định cả một dòng người xếp hàng mấy cây số để vào xem bức La Gioconda - quá nửa trong đó không biết bức tranh này do ông nào vẽ. Họ chỉ vào cốt để chụp bức ảnh bên cạnh bức tranh, thế là xong.

Anh đánh giá thế nào về sự kế thừa trong hội họa đương đại Việt Nam? Sự phát triển có được gắn với đường lối giảng dạy của trường Mỹ thuật Đông Dương xưa kia?

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Không thể làm nghệ thuật mà không có sự kế thừa. Không một lịch sử hội họa nào tách rời khỏi sự kế thừa. Không một nền hội họa nào bỗng nhiên từ cung trăng rơi xuống. Kể cả các thiên tài - họ không bao giờ xuất hiện nếu không được thừa kế điều gì đó. Theo tôi, trước đây trường Đại học Mỹ thuật Đông Dương đã đào tạo ra những họa sĩ nổi tiếng và trường Mỹ thuật hiện nay cũng đào tạo sinh viên có thể so sánh được với các nước bạn, có bài bản, vững vàng. Họ không bị hoa mắt vì những gì quá modern. Họ có sức cảm nhận và có khả năng làm việc. Điều này cho ta hy vọng vào một nền hội họa Việt Nam đương đại có thể phát triển không thua kém những nước trong khu vực.

Vậy vị trí của chúng ta đang ở đâu?

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Hãy nhìn vào các cuộc triển lãm khu vực, ví dụ ở giải Philip Morris (giải Mỹ thuật ASEAN thường kỳ). Trong các lần triển lãm đó, tranh Việt Nam dù chưa giành được chiến thắng rực rỡ nhưng cũng đã được ghi nhận một cách xác đáng. Năm nào chúng ta cũng có giải; tất nhiên giải lớn thì chưa có, mới chỉ đạt các giải nhì, ba… Đó là bài toán so sánh cụ thể nhất, cũng tương tự như trong bóng đá, người ta có thể nói bóng đá Việt Nam chỉ thua Thái Lan.

Nói về hội họa, chúng ta hơn nhiều nước khác ở hệ thống trường sở, phong trào… Chúng ta có hai trung tâm hội họa lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, những nơi phong trào rất mạnh, đặc biệt là lớp trẻ. Họ vẽ cuồng nhiệt, hết mình. Tôi nghĩ chẳng sớm thì muộn chúng ta cũng sẽ đoạt được các giải lớn khu vực và quốc tế. Hội họa Việt Nam so với thế giới là một nền hội họa trẻ, có duyên, có thẩm mỹ. Chỉ thiếu đời sống xã hội. Và hiếm nhân tài.

Vậy 20 năm nữa, anh có nghĩ chúng ta sẽ sản sinh ra được các nhân tài?

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Đó là sự lộng ngôn. 20 năm thật sự là dài với một đời người, nhưng để nói về đời sống hội họa, đời sống âm nhạc thì quá ngắn. Một thế kỷ có bao nhiêu nhân tài? Trong lịch sử nhân loại, có những thế kỷ không sản sinh được ai, cũng có giai đoạn nở rộ nhân tài. 20 năm chỉ đủ thời gian để một chú bé lớn lên thành người lớn.

Vậy chúng ta sẽ đi theo con đường nào để sản sinh nhân tài? Thế nào là con đường đúng? Thế nào là con đường sai?

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Trong nghệ thuật không có đúng sai. Hội họa cũng vậy. Khi tôi sáng tạo, mọi người sáng tạo, thì sự sáng tạo đó lúc nào cũng đúng. Và lúc nào cũng rất sai. Đúng là bởi vì sự sáng tạo là đi tìm cái mới, cái chưa có, và như vậy ắt phải là đúng. Còn sai, bởi nếu đó không phải là sự sáng tạo thật, hoặc là sáng tạo hết mình nhưng lực bất tòng tâm thì nghệ thuật sẽ trở nên kệch cỡm. Khi tôi làm điều gì đó, chưa đạt tới ý của sự sáng tạo thì tôi cho là mình đã sai mất rồi. Còn con đường của hội họa Việt Nam không bao giờ sai cả, lúc nào cũng là đúng. Mọi người đi trên con đường đó đều nhắm tới mục tiêu tìm ra cái Đẹp.

Xin cho biết quan điểm của anh về cái Đẹp và sự Dễ hiểu trong hội họa có thể gắn kết vào một được không?

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Quan niệm này không giống nhau ở mỗi người. Nhưng chung nhất, tôi nghĩ sự Đẹp và Dễ hiểu trong hội họa không có quan hệ gì. Dễ hiểu mà không Đẹp thì cũng vứt đi. Nhưng ngược lại, anh chỉ cần vẽ đẹp cái gì đó, sẽ được người ta thông cảm. Cái thông cảm, cái cảm thụ đó sẽ giúp người ta hiểu được. Cái hiểu của hội họa không giống cái hiểu của văn chương, hay điện ảnh, có thể không nói được bằng lời. Hội họa cần người xem thêm một lần đồng cảm với tác giả, và họ có những cảm thụ riêng. Còn cảm thụ thế nào mới là điều đáng nói. Khi một tác phẩm đã hoàn thành, được treo lên cho công chúng thưởng thức, thì một lần nữa, cảm xúc của họa sĩ sẽ được kiểm tra bằng sự rung động của người xem. Nếu ai đó yêu thích và rung động được, tức là khi đó họ hiểu được. Mỗi bức tranh sẽ có 10, 100 kiểu rung động khác nhau, tức là có hàng trăm kiểu hiểu khác nhau. Họa sĩ đôi khi cũng không thể hiểu tại sao khi sáng tác mình lại tạo ra tác phẩm như thế. Lấy tôi làm ví dụ, khi làm việc cũng thường xuyên rơi vào tình trạng đó - tôi không hiểu tại sao mình làm thế này chứ không phải làm thế kia. Sự vô vọng là thường xuyên. Cảm xúc luôn dẫn dắt bản thân, là khó khăn nhất của người sáng tạo nhưng cũng là sự thú vị nhất, hạnh phúc nhất khi được cầm bút vẽ. Người họa sĩ không bao giờ làm hai lần giống nhau.

Nói người xem có thể hiểu theo cách riêng của người ta, chuyện đó đúng. Cứ để cho tác phẩm thăng hoa trong trí tưởng tượng của người xem. Có thể chúng ta phải chờ 1 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa. Tôi hy vọng vào một lớp người thưởng thức nghệ thuật trong tương lai, khi đó với họ nghệ thuật cần như cơm ăn nước uống hàng ngày.

Trở về với chuyện Đẹp và Dễ hiểu, tôi nghĩ chúng không có gì ràng buộc lẫn nhau. Đôi khi trong tác phẩm, người ta sẽ thấy những nét phác, nét quơ lại rất hay, còn càng chi tiết, càng cụ thể thì lại thấy trơ trẽn, đối chọi. Người xem chỉ có thể đồng cảm với tác giả, chứ không thể cố gắng giải nghĩa tại sao lại có cánh đồng này, bầu trời kia… Tóm lại, nếu càng muốn cố hiểu nghệ thuật thì càng không bao giờ hiểu được. Người hiểu nghệ thuật không bao giờ hỏi, chỉ cần cảm thụ. Giống như kịch câm, không có lời nào mà người ta vẫn thích. Chỉ căn cứ vào kinh nghiệm sống của mỗi người mà hiểu nội dung tư tưởng của vở kịch câm thôi. Hội họa cũng vậy.

Trên thế giới đã có những trường hợp như vậy. Trên bức tranh không thấy súng ống, nhưng lại đề tên “Chiến tranh”. Trong bảo tàng Modern Art rất lớn ở New York - Mỹ, là nơi lưu giữ các tác phẩm danh tiếng nhất thế giới có trưng bày bức tranh chỉ có một màu xanh - chẳng có gì đáng để hiểu cả, bởi có cái gì mà hiểu? Nhưng nó vẫn đi vào lịch sử hội họa thế giới.

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Không thể làm nghệ thuật mà không có sự kế thừa
Tranh sơn dầu "Gia đình nghệ sĩ" của họa sĩ Đặng Xuân Hòa - Ảnh: VK

Anh nhìn nhận đời sống lý luận và đời sống sáng tác của nước ta hiện nay có đi song hành với nhau không? Mối quan hệ của hai bên?

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Theo cách nói của một số người làm nghề, ở nước ta, đời sống lý luận chưa song hành với đời sống sáng tác. Có người làm mãi theo một lối mòn, viết đi viết lại những điều đã cũ, chẳng có tác dụng gì cho nền mỹ thuật Việt Nam. Hoặc nếu có tác động thì chỉ trong vài người với nhau. Nhìn chung là khen chê kiểu dĩ hòa vi quý, có thể là khen giả vờ. Điều đó rất nguy hiểm đối với những ai không có bản lĩnh.

Tất nhiên tôi nói vậy không phải là mất niềm tin hoàn toàn. Chúng ta đã có những người làm phê bình mỹ thuật xuất sắc như anh Phan Cẩm Thượng, anh Nguyễn Quân…, trước đây có anh Thái Bá Vân. Họ là những người đóng góp rất nhiều cho nền lý luận mỹ thuật. Nhưng thời gian qua, người thì mất rồi, người thì chuyển sang việc khác. Các anh ấy đã cố gắng rất nhiều - họ biết tìm tòi từ vốn cổ, khai thác lý luận, sưu tập tài liệu, viết sách… Nhưng để lý luận cụ thể, phân tích, phê bình từng cuộc triển lãm… thì hiện nay người làm việc đó rất hiếm.

Xin cho hỏi, có khi nào anh e ngại bản thân sẽ bị mất đi nhiệt huyết sáng tác không?

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Đây là một câu hỏi tôi rất tâm đắc. Bởi, đó là điều tôi sợ nhất. Người nghệ sĩ sợ bị trì trệ vì tuổi tác, sợ mòn mỏi về quan niệm, về cái nhìn, sợ cảm xúc bị tê liệt… Tất cả những cái đó đều có thể khiến nghệ sĩ mất nhiệt huyết. Với tôi, để chống lại điều đó chỉ có cách duy nhất là tự mình tìm ra nhiệt huyết và lấy lại nhiệt huyết. Phải tự rèn luyện, chắt lọc vốn sống trong cuộc sống. Xét từ xưa tới nay, chưa bao giờ có bài học nào cho nỗi sợ đó để rút kinh nghiệm cả. Đối với việc lưu trữ cảm xúc, cất giữ vốn để lúc nào đó mang ra xài, tôi nghĩ không phải lúc nào cũng hiệu nghiệm. Bởi đôi lúc lôi lại vốn cũ ra dùng, chúng ta sẽ nhận ra mình quá già, đã xa rời cuộc sống từ lâu. Còn khi có đầy nhiệt huyết thì bản thân luôn chịu một nỗi sợ không đủ năng lực. Song biết sao được, đó là cuộc sống.

Rất cảm ơn họa sĩ.

Viết & Đọc - Chuyên đề mùa xuân 2024

Họa sĩ Đinh Ngọc Thắng: Người kể câu chuyện về " Dòng thời gian" Hoài niệm về Hoạ sĩ Nguyễn Sáng Hiểu Tô Ngọc Vân qua “Những kỷ niệm về họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân” Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân: Phong độ thì nhất thời, đẳng cấp thì vĩnh viễn Họa sĩ Ngô Xuân Khôi: Trắc trở con đường đến với hội họa
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.