Chuyên đề

Tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”

PV
Hội nhà văn VN
10:14 | 13/02/2025
Baovannghe.vn - Sáng 12/2/2025 (Rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ), Hội Nhà văn Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”.
aa
Tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”
Toàn cảnh tọa đàm

Tham dự tọa đàm, phía tỉnh Ninh Bình, có ông Tống Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Ninh Bình, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Ninh Bình cùng các sở, ban, ngành về dự.

Phía Hội Nhà văn Việt Nam có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và đông đảo các nhà văn, nhà thơ từ mọi miền Tổ quốc.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong lời dẫn nhập tọa đàm đã cho biết: Thơ ca có giá trị đối với đời sống ở chỗ con người biết vịn vào sự tử tế của thi ca. Thơ ca không chỉ đưa con người vượt qua những trắc trở trong cuộc sống và ca tụng vẻ đẹp của nó, mà từ đó còn chưng cất lên một vẻ đẹp khác cao hơn, mang tính lý tưởng, biến lý tưởng thành khát vọng. Thơ ca tạo ra khát vọng để con người vươn tới. Và khát vọng gắn chặt với trách nhiệm của nghệ sĩ.

Tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”
Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

Với 11 tham luận, ý kiến tại tọa đàm, các nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học đã đặt ra các vấn đề liên quan đến trách nhiệm và khát vọng của những người hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực thi ca.

Nhà thơ trẻ Nguyên Như cho biết: Là một tay ngang bước vào nghề viết, tôi cảm thấy may mắn khi gặp được những người cùng chí hướng và nhận được khá nhiều phản hồi của độc giả ngay từ những tác phẩm đầu tiên, có khen và chê. Dù vậy, trong tâm trí, tôi luôn nghĩ đến việc tìm mới, nghĩ mới, viết mới, ý niệm đó giúp tôi kiên định đồng hành cùng thơ, và yêu thơ hơn bao giờ hết. Mỗi ngành, lĩnh vực đều có trách nhiệm và nghĩa vụ khác nhau, và công việc làm thơ cũng vậy, nó có nhiệm vụ của riêng mình. Quan điểm của tôi khá giống với số đông: thơ không thể tách rời với đời sống – xã hội, đất nước và thân phận con người.

Nhà thơ trẻ cũng chia sẻ về khát vọng của nhà thơ: Tại sao thơ ca nước nhà chưa thể vươn tầm, thậm chí độc giả nước nhà cũng chưa mấy mặn mà, quan tâm? Tôi luôn mong muốn thơ ca nước nhà được lan tỏa, đồng cảm và đón nhận rộng rãi. Sau khi đến với thơ, tôi có thêm nhiều người bạn, người thân. Từ đó tôi nghĩ rằng tôi sẽ theo thơ cùng một khát vọng, đó là khát vọng bắc cầu tới những tâm hồn đẹp, những người, những trí tuệ đẹp…

Nhà thơ Hà Phạm Phú cho rằng phẩm chất của khát vọng của nhà thơ là một xã hội lý tưởng, được gây dựng trên nền tảng Chân – Thiện – Mỹ. Nhưng xã hội khát vọng ấy có chút thần bí tôn giáo, khác với xã hội nhà thơ đang sống. Thơ có thể làm gì để xây dựng một xã hội Chân - Thiện - Mỹ? Hiển nhiên thơ sẽ không trực tiếp can thiệp, thay đổi vận mệnh thực sự của con người, nhưng nó sẽ tác động đến xã hội một cách tinh tế… Thơ là một mô hình thu nhỏ của xã hội. Sứ mệnh thu nhỏ của thơ là quay trở lại với xã hội, cảm nhận và mô tả nỗi đau của xã hội, quan tâm đến mọi đối tượng có thể quan tâm. Trách nhiệm của nhà thơ là đi TIÊN PHONG và DỰ BÁO nó.

Trong tham luận “Nghĩ về trách nhiệm của nhà thơ hôm nay” nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ cho rằng, trách nhiệm lớn nhất của một nhà thơ, một văn nghệ sĩ bây giờ là phải giúp cho con người ta biết sợ hãi những cái mà chúng ta tưởng như là bền vững trăm năm, nghìn năm trong con người mình, đó là tâm thức của con người cộng đồng, con người của làng xã, con người của gia đình chứ không phải là con người cá nhân, con người cá nhân độc lập với một tư cách độc lập. Chỉ khi nào con người cá nhân được khơi dậy, được sống dậy, thì người ta mới có thể cất lên tiếng nói, mới có thể đóng góp gì thật riêng biệt để thúc đẩy sự tiến bộ, còn nếu không thì làm thơ viết văn cũng chỉ là lao động chân tay…

Cũng với câu hỏi “trách nhiệm và khát vọng”, nhà thơ lão thành Vũ Quần Phương bày tỏ: “Dưới nhiều tên gọi khác nhau, vấn đề này luôn hiện diện trong nhiều cuộc đàm đạo văn chương, từ cổ đến kim, từ phương Đông sang phương Tây. Gần đây nhất có cuộc tranh luận quanh chủ đề chức năng của nghệ thuật. Nghệ thuật phục vụ cho cuộc đời, đấu tranh cho hạnh phúc con người hay nghệ thuật phục vụ chính nó. Bên nào cũng có lý, và không bên nào có lý hoàn toàn. Những cuộc tranh cãi thường dừng lại nửa chừng vì có chỗ cho hai bên cùng nương náu: Ấy là chỗ muốn giúp đời, thực thi được trách nhiệm với xã hội thì trước hết nghệ thuật phải thực sự là nghệ thuật.”

Nhà thơ nhấn mạnh: Trong quá trình viết tham luận này, ông cứ bị ám ảnh bởi chủ đề trách nhiệm và khát vọng. Về định tính, chúng như nhau, đều là những đòi hỏi tích cực của cuộc đời mà mỗi chúng ta nên hoàn thiện, cần hoàn thiện, phải hoàn thiện. Nhưng về định lượng thì có khác nhau. Trách nhiệm có tính bắt buộc, như bổn phận không hoàn thành là thiếu sót, nhưng cái đích ngắn hơn, cụ thể hơn, nhiều khi như việc của thường ngày. Khát vọng thì không bắt buộc ai cũng phải có, cái trưng ra, cái đích đến của khát vọng cũng cao hơn, cũng xa hơn, nhiều khi là cả đời người…

Ngoài ra, các nhà thơ nổi tiếng như Đặng Huy Giang, Nguyễn Việt Chiến, Khuất Bình Nguyên…đều có những tham luận bàn sâu về chủ đề mà mọi người đều quan tâm này.

Sau 2 giờ làm việc, lắng nghe tham luận của các nhà thơ, nhà nghiên cứu … nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp đã tổng kết: Các tham luận, ý kiến của các nhà thơ tại buổi tọa đàm đều tập trung vào hai vấn đề chính của chủ đề, đó là trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ. Thơ đương đại cần nhất là tinh chất. Càng nhiều tiếng nói, nhiều cá tính, nhiều tìm tòi, nhiều ngả đường thì càng nhiều cơ hội để chúng ta có những tác phẩm đinh cao. Quyền năng sáng tạo gắn liền với trách nhiệm và khát vọng, đi đến tận cùng biểu đạt những gì sâu thẳm nhất.

Tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ” là một trong những hoạt động quan trọng của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 23. Với mong muốn hoạt động của Ngày thơ đi vào chiều sâu, gần đây BCH đã tổ chức nhiều tọa đàm mang tính học thuật. Cụ thể, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 có tọa đàm "Thơ hiện nay với hôm nay", Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 tọa đàm chủ đề “Từ bản lĩnh đến bản sắc của nhà thơ”… Hoạt động này đã và đang tạo được không khí và không gian để các nhà thơ ngoài thưởng thức các thi phẩm hay nhất được tinh tuyển từ đời sống thơ ca hằng năm, còn có thể bày tỏ những quan điểm của mình xoay quanh vai trò và mối quan hệ của nhà thơ và thơ ca.

Bản tin Văn nghệ ngày 25/4/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 25/4/2025

Baovannghe.vn -Tổ chức Tuần phim kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Non sông gấm vóc - Một dải vinh quang"... là sự kiện được điểm trong bản tin ngày 25/4
Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước

Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước

Baovannghe.vn - Khai mạc Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước tại Nhà Quốc hội.
Vĩ Tuyến một cánh đồng - Thơ Phan Duy

Vĩ Tuyến một cánh đồng - Thơ Phan Duy

Baovannghe.vn- Tôi bất giác nghĩ về vĩ tuyến/ theo cái nghĩa đơn thuần như để chia đôi
Khai mạc triển lãm “50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam đồng hành với dân tộc” tại Nhà Quốc hội

Khai mạc triển lãm “50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam đồng hành với dân tộc” tại Nhà Quốc hội

Baovannghe.vn - Triển lãm "50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam đồng hành với dân tộc" diễn ra vào ngày 25/4 tại sảnh Nhà Quốc hội (Ba Đình, Hà Nội).
Khi Giáo viên được chọn SGK dạy cho học sinh của mình

Khi Giáo viên được chọn SGK dạy cho học sinh của mình

Baovannghe.vn - Tham gia vào quá trình chọn SGK sẽ giúp GV hiểu rõ cấu trúc, triết lý, ưu điểm của SGK, chủ động hơn trong thiết kế bài học, đổi mới phương pháp.