Sinh thời, P. Neruda - nhà thơ lớn người Chile - Giải thưởng Nobel văn chương 1971 yêu Santiago của ông đến nỗi: “Có thể nhớ về Santiago không có tôi trong ấy/ Nhưng không thể nhớ về mình mà không có Santiago” và “Chỉ một chút lãnh đạm của người thôi/ Cũng đủ thành mũi dao đâm tôi đau nhói”. Còn B. Brecht -nhà thơ lớn người Đức thì luôn coi quê hương là máu thịt và đã khẳng định điều này bằng hai câu thơ có tầm khái quát cao: “Không nơi đâu thánh thiện/ Bằng chính quê hương mình”.
Như thấm nhuần “quê hương là tất cả”, nhà thơ Khuất Bình Nguyên cũng yêu đến tận cùng Sơn Tây của ông từ nguồn cội, gốc rễ. Dường như dòng máu Sơn Tây, dòng máu xứ Đoài lúc nào cũng chảy trong huyết quản của ông và nuôi nấng thơ ông. Bởi thế mà ông tự hào về người đồng hương Giang Văn Minh là quan nhà Lê Trung Hưng trong lịch sử Việt Nam - vị sứ thần “bất nhục quân mệnh” (không để nhục mệnh vua), vì đã đối đáp thẳng thắn và khảng khái trước triều đình Trung Quốc, rồi bị vua Minh Tư Tông hành hình vào năm 1638. Ấy là người “Sông Đà mang giọng nước đi theo/ Mất dấu huyền đến tận Bắc Kinh/ Sang sảng Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (“Người tha hương”). “Mang giọng nước” và “mất dấu huyền đến tận Bắc Kinh” là đặc trưng về kiểu phát âm mà chỉ người xứ Đoài vẫn giữ như một sự cố hữu, đáng yêu. Ông cho rằng: Nắm đất lẫn đá ong xứ Đoài đã nặn nên “Tam thế xứ Đoài” và “Tam thế xứ Đoài” là một tứ thơ thật lạ, đã trộn lẫn đạo với đời, đời với đạo, không phân biệt, không chia tách:
Phật đi chợ người Phật ở muôn nơi
Lăn lóc thiện tai chợ trời, chợ tạm
Phật với người lưu đày lận đận
Gánh nặng đời người rạn cả hai vai.
Chưa hết. Tứ thơ “Tam thế xứ Đoài” còn lạ nữa trong các chi tiết: “Hiện tại chảy xót xa bờ sông Tích”, “Sông Đáy buông lơi trời đất ngả mây vàng”, “Hạt mưa rơi xuống đất mãi chưa tròn”...
Sơn Tây còn trở lại mãnh liệt trong thơ thơ Khuất Bình Nguyên bằng “Cát bụi ca trù” và “Tự khúc tháng ngày”. Đó là “Đàn đáy ba dây/ Thở than lời non nước/ Năm khổ trống chầu lá phách đổ dồn mưa/ Người Sơn Tây/ Khen ai khéo gõ/ Con Sít lội sống đi tìm/ Con mắt lim dim” và “Nước non cát bụi dạn dày/ Phổ cùng trầm trên đàn đáy ba dây/ Người Sơn Tây con mắt lim dim/ Sao con Sít vẫn lội sông đi tìm”. Đó là “Tôi lên Tản Viên mây trời nhiều thế kỷ/ Tháng thì vơi ngày lại đong đầy/ Hoa biêng biếc thu mình năm cánh nhỏ/ Rầm rì thơm không rõ ở đâu đây”, “Non nước xứ Đoài gần mà xa biết mấy/ Sông Đáy buông lơi trời đất ngả mây vàng” và “Đà Giang lang thang có khi nào vội/ Tháng chưa đầy ngày lại chợt vơi”, “Đà giang mê mải bao nhiêu nước/ Bến sông xao xác lửa giao thừa/ Năm cũ bỏ bùa vàng đỉnh núi/ Lạc đường vào bóng Tản Viên xưa”... Tạo dựng được cái chất Sơn Tây theo lối “ý tại ngôn ngoại” như thế, thật riêng như thế, có cá tính như thế, quả là không dễ, nếu không muốn nói là “độc nhất vô nhị”! Khuất Bình Nguyên đã làm nên được một điều gì đó thật đáng kể mang tính tiếp nối, sau những “Đôi mắt người Sơn Tây/ U uẩn chiều lưu lạc/ Buồn viễn xứ khôn khuây”, “Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì” và “Sông đáy chậm nguồn qua phủ Quốc” mà người đồng hương - nhà thơ Quang Dũng để lại.
Chưa hết. Hẳn độc giả sẽ còn nhớ ông, ít nhất là hai cặp lục bát rất gần ca dao, vừa giản dị, vừa sâu sắc lại có âm vang lớn, vừa dào dạt, vừa lay động trong “Xa hơn cả thời xưa”.
Cặp thứ nhất thuộc về:
Nhà quê nhẫn nhịn một đời
Củ nâu xấu xí nhuộm người nâu non
Cặp thứ hai thuộc về:
Về làng mở cổng làng ra
Bao nhiêu xưa cũ nhà nhà trăng trăng...
Có thể coi chất tha hương là nguồn cảm hứng lớn, nguồn tâm sự lớn trong “Người tha hương”, cũng là xuất phát điểm của “Người tha hương”, bao trùm lên “Người tha hương” và cũng là những lời cảnh báo của “Người tha hương”. “Thế giới phẳng đưa người đi tha hương/ Ngọn gió di dân lênh đênh trái đất” - đó là hai câu thơ phản ánh một hiện thực có thật và cũng là một hiện thực lớn mang tính toàn cầu. Và người có thể “Tha hương cùng An-đéc-xen” được thì cũng là người có thể viết được những câu thơ tha hương đau đáu và xa xót đến tận cùng:
Tiếng chuông tha hương trên trái đất
Sóng biển khơi cô quạnh đến muôn trùng
(“Tiếng chuông nhà thờ ở Vơ-ni-dơ”)
Đến đây, thiết tưởng cũng cần nói thêm: Ở tập thơ này, còn xuất hiện mảng thơ tâm sự về thời cuộc, về chiến tranh, về sự lên ngôi của cái ác, về sự có lý và vô lý của thế giới đa cực, về sự bất bình đẳng của đời sống cộng sinh. Đó là những câu thơ đau đớn trước thời cuộc mà người viết ra nó đang sắp bước vào tuổi 75 và đã tự mình buông bỏ nhiều thứ.
Không chỉ có biển có một mình mà rừng cũng thế! Ta bắt gặp hiện tượng này trong “Lá gửi trần gian” như một phát hiện: “Triệu lá rừng rơi chỉ một chiếc rơi vào giấc ngủ/ Mới hay rừng cô đơn lâu quá ở thượng ngàn”. Đấy là “nhìn ra”, còn “nhìn vào” thì “Bước qua cổng làng tôi thành người lớn/ Tha hương học cách làm người”.
Trong làng thơ Việt, chúng ta có thi sĩ Thanh Tùng. Chỉ vì “tiếc đi không hết tháng ngày đắm say” mà có “thời lá đỏ”, mà có hẳn một đời thơ. Vậy thì làm nên “Người tha hương” nhờ Sơn Tây và chất tha hương, là điều không khó với thi sĩ Khuất Bình Nguyên.
Cô quạnh hay cô đơn ám ảnh những trang viết của Khuất Bình Nguyên và đi cùng ông, không buông tha ông, tựa như không có chúng thì không có ông, không có thơ vậy! Ngay cả khi thưởng ngoạn cái đẹp của hoa và nỗi vất vả của người bán hoa, có lúc, ông cũng vẫn chạnh lòng và phải thốt lên:
Người đâu lấm láp ngược xuôi
Tìm bông cúc trắng một thời bơ vơ
( “Cúc hoạ mi”)
Vì cô quạnh hay cô đơn như thế nên cái vô hình, cái hư không cũng đi vào thơ Khuất Bình Nguyên một cách tự nhiên. Ông là người phát hiện ra: “Một trời thu để lại bến hư không” trong “Xuyến chi”, “Rừng buông một chiếc lá hư không” trong “Lá thu”.
Ít nhất ông có đến “quá tam ba bận” gọi tên” một nhà thơ và một nhà văn một cách chuẩn xác đến từng chi tiết, cả người văn và đời văn, cả người thơ và đời thơ. Người thứ nhất là Hàn Mặc Tử với: “Cả đời thắp nến lo trăng rụng/ Trăng sáng không lời nến lệ rơi” (“Thi sĩ đồng trinh”). Người thứ hai là Hoàng Cầm với: “Nghiêng một đời người/ Làm hạt mưa rơi/ Long lanh mắt ướt” (“Hoàng Cầm mưa”). Người thứ ba là Nguyên Hồng với: “Vườn địa đàng nào chả còn cây xấu hổ” và “Sóng đỏ bùn giàn giụa một đời văn” (“Nhã Nam”).
Đọc “Người tha hương”, tôi thích những chữ ánh nhờ được đặt vào một vị trí đắc địa. Đó là “lấm láp” trong “Người đâu lấm láp ngược xuôi”, “nêm” trong “Quá khứ nêm ân nghĩa vàn hiện tại”, “đeo” trong “Quả đất nặng hơn vì đeo thêm súng đạn”, “se chỉ” trong “Đêm một mình se chỉ đợi bình minh”, “rì rầm thơm” trong “Rầm rì thơm không rõ ở đâu đây”, “vun” trong “Lá đa vun mùa hè nhỏ lại”, “Tôi heo may” trong “Tôi heo may cõi phong trần”...
Tôi tâm đắc với một số bài thơ của Khuất Bình Nguyên, trong đó có “Nhị nguyên luận”, “Giọt chiều”. Đó là một “Nhị nguyên luận” rất khó viết mà sâu sắc với: “Sông Giác chảy thầm mà sóng ngầm dữ thế/ Gần hết đời người còn ở giữa nông sâu” và “Sông gột rửa bụi đời thay đổi hết/ Kiếp chúng sinh đau đớn được làm người”. Đó là một “Giọt chiều” thật đời và cũng thật ngẫm ngợi thi sĩ:
Thu về nhạt lá cô liêu
Hoàng hôn rơi mấy giọt chiều băn khoăn
Tôi heo may cõi phong trần
Ngổn ngang lối cũ bước gần bước xa.
Nhiều câu thơ trong “Người tha hương” rất thân phận. Thơ trong “Người tha hương” có nhiều bài mang hơi hướm cổ thi nhưng vẫn là thơ của người hiện đại, viết ở thời hiện đại. Được vậy là nhờ cái cảnh, cái tình, cái sự khác lạ trên cái nền trải nghiệm và học vấn sâu rộng. Sự dẫn dắt của cảm xúc cũng làm thơ gần với đời sống này, cuộc đời này và gắn bó đời sống này.
Tôi tin Khuất Bình Nguyên sau “Người tha hương”. Bởi vì, từ trong sâu thẳm, Khuất Bình Nguyên vẫn: “Tôi để dành một đời/ Cho thời gian không tuổi/ Tôi để dành bối rối/ Cho một đời làm thơ (“Để dành thời gian”).
Vâng, cái quan trọng là “để dành bối rối” cho thơ, vì thơ. Không có sự bối rối này, thơ không thể mới từng ngày, thay đổi từng ngày một cách tự thân được.
Thơ Khuất Bình Nguyên Người bị hại - Thơ Khuất Bình Nguyên Thơ Đặng Huy Giang |