Sáng tác

Trên đồi hoa - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Cẩm

Nguyễn Thị Cẩm
Truyện
07:00 | 30/03/2025
Baovannghe.vn - Bác nông dân già sống cùng cô cháu nội trong nếp nhà tranh nhỏ một gian hai chái trên sườn đồi thoáng mát.
aa

Bà con quanh vùng thường gọi ngọn đồi bác ở là đồi hoa, gọi bác già là bác chắt Hoa, vì bác vỡ hoang và trồng trên đồi nhiều loại hoa: Những luống hoa ly rực rỡ hồng tươi, hoa đồng tiền đỏ thắm, giàn mướp hoa vàng, giàn thiên lý xanh nõn, giữa rặng ổi thưa và hai cây bưởi đào trái mùa ngào ngạt hoa thơm đến lúc líu quả tròn.

Bác già đang cuốc đất đồi, vun luống hoa. Cô cháu nội quấn quít bên ông, giúp ông nhặt cỏ vừa chơi đùa đuổi bướm, bắt chuồn chuồn. Có tiếng chim ríu rít trên rặng ổi thưa.

- Ông ơi! Có tổ chim – Cô cháu nội reo lên gọi ông.

- Ông biết rồi! Có chim làm tổ cạnh nhà. Đó là điềm lành. Cháu hãy để yên. Nếu ta động đến tổ, chim tha tổ đi nơi khác, cháu không tìm thấy đâu!

Ba con chim non tập bay ra ràng, chưa vững cánh ngã xuống đất, rạn xương chân. Chim mẹ dìu con vào tổ, tha mồi về tổ nuôi đàn chim con. Điều lạ, chim mẹ còn ngậm lá cây thuốc về tổ, dịt vết thương cho chim con liền xương chân. Ông khẽ rỉ tại cháu:

- Nhìn con chim mẹ; đầu, cổ, ngực đến bụng đuôi, cái đuôi dài lông đen ánh thép, vai và cánh nâu thẫm, ông biết đấy là giống chim bìm bịp. Loài chim này biết tìm các loại lá cây thuốc trong rừng chữa lành vết thương.

Ông ngừng lời, ông không hiểu được vì sao chim bìm bịp ăn được đủ loại thịt rắn, kể cả các loại rắn độc như rắn cạp nong, rắn lục, hổ mang, hổ lửa.

Trên đồi hoa - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Cẩm

Chim bìm bịp. Ảnh: Suckhoedoisong.vn

Không muốn làm cháu sợ, ông chỉ dặn cháu:

- Thịt chim bìm bịp ngâm rượu uống: bổ, khoẻ người. Nhưng ông cháu mình không nên bắt, giết thịt giống chim quý.

Từ buổi ấy, mỗi ngày ông cùng cháu nhỏ bốc nắm kê vàng trong vại nhà, rắc hạt kê gần tổ chim, giúp chim mẹ không phải đi tìm mồi xa. Lần lượt, ba con chim non hết đau chân, đã bay được ra ràng.

Đến lượt bác già đột ngột vấp bậc đá, ngã rạn xương chân.

Vắng một ngày không thấy hai ông cháu, chim mẹ cùng ba chim non rảo quanh nhà kêu hoài bìm bịp! Bìm bịp!

Bác già bảo cháu nhỏ dìu mình ra cửa âu yếm nhìn mẹ con nhà chim, trỏ vào vết thương bầm tím trên chân mình.

Bốn mẹ con nhà chim hối hả bay đi. Chỉ một lát sau, chim liên tiếp ngậm lá thuốc thả vào nhà bác chắt Hoa tốt bụng – Bác lấy lá thuốc vò nát, buộc vào vết thương cho đến khi lành vết thương, bác già cùng cô cháu nhỏ lại ra vườn đồi cuốc, xới, vun luống gốc hoa, gốc cau.

Bốn mẹ con chim bìm bịp cùng hai ông cháu bác chắt Hoa quấn quít bên nhau. Chim đi tìm mồi khắp chốn gần xa, chiều trở về đồi hoa, thân thiết gọi: Bìm bịp! Bìm bịp!...

Văn nghệ, số 5+6+7/2013
Hiệu sách cô Viên. Tản văn của Phượng Nguyễn

Hiệu sách cô Viên. Tản văn của Phượng Nguyễn

“…Tôi vẫn thích viết về những người tốt. Có điều những người đó sẽ không được sung sướng vì tôi nghĩ, tốt mà được đền đáp thì người đời rủ nhau sống tốt hết rồi.
Chạy theo chiều - Thơ Đỗ Trọng Khơi

Chạy theo chiều - Thơ Đỗ Trọng Khơi

Baovannghe.vn- Tôi đi một mình/ một mình tôi thôi
Trình Thủ tướng: Đề án bảo vệ, phát huy giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm

Trình Thủ tướng: Đề án bảo vệ, phát huy giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm

Baovannghe.vn - Bộ VHTT&DL vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt “Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, tỉnh Nghệ An giai đoạn 2026 – 2030” (gọi tắt là Đề án)
Thơ ca và bản sắc văn hóa phương Nam trong dòng chảy văn học hiện đại

Thơ ca và bản sắc văn hóa phương Nam trong dòng chảy văn học hiện đại

Baovannghe.vn - Trong sự giao thoa giữa thách thức thời cuộc và niềm tin vào tương lai, thơ ca và văn hóa phương Nam đang định hình một diện mạo văn học giàu bản sắc...
Tổ chức triển lãm tư liệu "Đại thắng Mùa Xuân 1975 qua các trang sách"

Tổ chức triển lãm tư liệu "Đại thắng Mùa Xuân 1975 qua các trang sách"

Baovannghe.vn - Triển lãm tư liệu kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), dự kiến diễn ra vào tháng 4-5 năm 2025 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam