Cách nay đã trên 40 năm, Trịnh Công Lộc đã có thơ. Vào cuối năm 1972 , những ngày Hà Nội đang làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”, những ngày Hà Nội đầy “bom rơi đạn lạc”, trên những hoang tàn đổ nát ở thời điểm cuối cuộc “Chiến tranh phá hoại” của Mỹ, ông đã háo hức và đau đáu viết một loạt thơ, trong đó có các bài như “Mảnh gương”, “Màu trắng những ngôi nhà Khâm Thiên”… Đấy là những câu thơ run rẩy và giằng xé của ông ở thuở ban đầu.
Những tác phẩm đầu tiên ông trình làng trên báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội những năm 1972 - 1973, trong đó còn nhớ lại được trên tạp chí Văn nghệ quân đội là “Cánh buồm nâu”, hồi hai nhà thơ là Phạm Ngọc Cảnh và Văn Thảo Nguyên đang giữ và gác cửa thơ ở nhà số 4 phố Lý Nam Đế.
|
Thời điểm này cũng là thời điểm Trịnh Công Lộc đang là sinh viên Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà nội và ông rất hăng hái tham gia các hoạt động giao lưu thơ. Ông cũng có sáng kiến thành lập ra “ Câu lạc bộ thơ khoa văn Đại học sư phạm”. Ông bảo: “Chúng tôi hướng tới bạn bè ở Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Rồi trong những lần “kết duyên” ấy, đầu năm 1973 chúng tôi đã gặp nhiều nhà thơ đang viết rất sung sức, đồng thời là những khuôn mặt thơ sáng giá như Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Bế Kiến Quốc, Vương trọng… Thời ấy, tuy chúng tôi ăn như “sư”, ở như “phạm”, nhưng yêu thơ lắm. Thời ấy, thơ còn thiêng liêng lắm và là lực hấp dẫn kỳ lạ đối với công chúng. Những đêm đọc thơ thời ấy, đặc biệt là “không khí” của những đêm thơ ấy, vẫn còn ấn tượng mãi với tôi cho đến tận bây giờ. Đó là những kỷ niệm nói theo cách của một nhà thơ thì “lâu đến bao nhiêu cũng không già”. Đó cũng là những kỷ niệm một đi không trở lại.
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai cũng là người trong cuộc với Trịnh Công Lộc. Bà nói: “Ở trường tôi một thời, anh Lộc nổi tiếng lắm. Anh có nhiều vần thơ mà bây giờ, tôi vẫn còn nhớ. Và hễ có ai hỏi thăm anh thì cánh sinh viên chúng tôi thường nói: À, đấy là “ông tầng tư” (hồi ấy, Trịnh Công Lộc là sinh viên nội trú ở tầng 4 trong ký túc xá). Ông ấy mê thơ còn hơn mê gái”.
Trong hành trình thơ của mình, tuy có một xuất phát sớm như vậy, nhưng phải đến năm 2011 (tức là sau gần 40 năm), Trịnh Công Lộc mới bình tĩnh cho xuất bản tập thơ đầu tiên mang tên “Cánh buồm nâu” qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Có người bảo: Đấy là sự biết mình, biết người. Có người bảo: Đó là sự giữ mình. Có người bảo: Đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng của một người “tu tập” lâu năm, chờ đúng thời điểm mới “xuống núi”… Riêng tôi lại không hoàn toàn nghĩ như vậy. Có thể cái đức kiên nhẫn và sự trầm lặng đã “hoạch định” nên một bản lĩnh thơ Trịnh Công Lộc.
Chỉ một năm sau, có một lần Festival thơ Quốc tế diễn ra ở Quảng Ninh, tôi và một số nhà thơ nữa có dịp đến “đại bản doanh” của Trịnh Công Lộc. Thời điểm ấy, ông đang tại chức, là Trưởng ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh. Ông hào hứng bật băng cho chúng tôi nghe ca khúc “Mộ gió” (nhạc: Vũ Thiết, lời: Trịnh Công Lộc) vừa mới “ra lò” không lâu. Chúng tôi thực sự xúc động. Riêng tôi nghe xong mà lặng người đi. Rồi tôi góp ý: Nên chỉnh lại một chữ, thay “như” bằng “là”, để câu Chạm vào gió như chạm vào da thịt/ Chạm vào buốt nhói Hoàng Sa thành Chạm vào gió là chạm vào da thịt/ Chạm vào buốt nhói Hoàng Sa cho nó trực tiếp hơn. Tất nhiên, như nhiều nhà thơ khác vốn yêu câu, yêu chữ hoặc đau câu, đau chữ của mình, Trịnh Công Lộc kiên quyết… giữ nguyên.
Rồi cũng chẳng lâu la gì. Cuối năm 2011, bài thơ “Mộ gió” của Trịnh Công Lộc ăn giải kép: Giải nhì về thơ và giải nhì về ca khúc (cùng với nhạc sĩ Vũ Thiết) trong cuộc thi thơ và nhạc mang tên “Đây biển Việt Nam” do Hội Nhà văn, Hội Nhạc sĩ Việt nam cùng báo Vietnamnet tổ chức. Riêng giải nhì về ca khúc không có giải nhất và cái tên “Mộ gió” được đổi thành “Khúc tráng ca biển” cho an toàn, bớt bi lụy. Trên cái đà ấy, cuối năm 2012, Trịnh Công Lộc cho in tập thơ “Mộ gió”. Có nhà nghiên cứu nhận định: Với những tác phẩm này của Trịnh Công Lộc đã là dấu ấn của chất sử thi, chất anh hùng ca mới trong thơ.
Tôi đã đọc rất kỹ “Mộ gió” và nhận thấy: Hơn ai hết, Trịnh Công Lộc là người rất sợ “lòng nguội tắt” và lúc nào cũng cần “sự nồng ấm con người. Bởi thế mà trong “Thế giới ngôi nhà mình”, ông mới hạ bút: Thế giới ngôi nhà mình/ sống và chết ra sao, nhà mình vẫn đẹp. Với ông, mẹ là trên hết. Cho nên, dù đi đâu về đâu, ông vẫn luôn cảm thấy có mẹ trong đời: Mẹ ơi, con đâu biết/ mẹ “trốn” con trước mặt/ lại về, đứng sau lưng (Mẹ đã “trốn” con). Với ông, hình thức luôn chỉ là hình thức, hình thức không thể thay thế được nội dung. Và nếu ví hình thức chỉ đơn thuần là sự “thay áo” thì: Thay áo đến ngàn lần/ Vẫn kẻ lành, người rách (Thay áo).
Những chi tiết thơ trên cho thấy: Trịnh Công Lộc là người luôn duy cảm, luôn nặng lòng (có lúc còn yếu lòng) trước cái tâm trong sáng và thơ ông luôn được viết ra từ gan ruột.
Đôi lúc, ông cũng là con người ưa ngẫm ngợi, ưa đau đáu với những gì nhỏ hoặc nhỏ lẻ để đúc rút hoặc khái quát một điều gì lớn lao hơn. Bài “Em - những gì nhỏ nhất” là ví dụ thứ nhất: Em riêng em, những gì nhỏ nhất/ Giấu vào nhau, không biết tự bao giờ. Bài “Ngày gánh” là ví dụ thứ hai: Ngày ơi! Ngày là đòn gánh/ gánh lên tất cả mà đi/ đời ta bao nhiêu phải gánh/ có khi không gánh được gì. Bài “Bắt đầu từ nhỏ lẻ” là ví dụ thứ ba. Riêng “Bắt đầu từ nhỏ lẻ” khai thác một cái tứ ngược với “tích tiểu thành đại”. Xa xưa, nói đến “tích tiểu thành đại” là nói đến quá trình tiết kiệm, quá trình gom những cái nhỏ để được một cái lớn. Còn trong tứ thơ này, Trịnh Công Lộc nói đến “bắt đầu từ nhỏ lẻ” là nói đến quá trình buông lỏng, quá trình tha hóa và quá trình đánh mất những cái lớn như nhân cách, danh dự: Bắt đầu từ nhỏ lẻ/ rồi đã thành thói quen/ lấy quả, không hỏi xin/ lấy tiền, không biết sợ/ Bắt đầu từ nhỏ lẻ/ chén rượu, cốc bia/ đến chuyện phong bì/ lót tay tiền tỷ/ chạy tội cho nhau/ Bắt đầu từ nhỏ lẻ/ một người đến vài người/ bớt xén ăn chia/ mọc lên như nấm/ Bắt đầu cũng từ nhỏ lẻ/ rồi đã thành thói quen/ phải - trái rối ren/ trắng - đen lẫn lộn/ Biết đâu đến một ngày/ đem cả trời đi bán… Và phải là người tha thiết, có tâm sự lớn và giàu trải nghiệm giữa cuộc đời lắm, Trịnh Công Lộc mới viết: Sông về đâu, sóng cũng đổ về ta (Hai phía một đời sông).
Có hai mảng đề tài mà Trịnh Công Lộc hay trở đi trở lại trong “Mộ gió” là than và biển đảo. Những “Than tổ ong”, “Vào ca than”, “Tượng đài than”… rồi “Đảo vắng”, “Đá và nước”, “Lời của sóng”, “Từ biển mà đi”, “Mộ gió” là những minh chứng sinh động, cụ thể nhất. Không phải ai cũng nhìn, thấy, cảm nhận được sự vất vả, ý nghĩa của công việc lẫn sứ mệnh cao cả của người thợ mỏ khi vào ca than: Vào ca/ trăng đổ vàng mặt đất/ những mắt sao nao nao/ tháng năm tầm tã/ lấy da thịt vá trời/ lấy máu xương vá đất/ vuốt nhọn gian nan/ mở đường than trập trùng thế kỷ. Không phải ai cũng phát hiện ra được vẻ đẹp lẫn sứ mệnh của những hòn đảo giữa trùng khơi và gọi được tên ra như thế này: Mỗi đảo nhỏ như trái tim của biển/ những trái tim, nhịp đập trùng khơi (Lời của sóng); Mỗi đảo nhỏ đã hóa thành ngọn nến/ thắp thiêng liêng rừng rực sao trời (Từ biển mà đi). Riêng “Mộ gió” xin dành để nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: “Bài thơ ẩn chứa sự đau đớn, cảm phục và tôn vinh một cách toàn bích hình ảnh sự hy sinh anh dũng của người chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Cảm xúc rất mạnh, dâng lên, dâng lên cao trào. Cấu trúc chặt, không rườm rà, tứ thơ cứ được đẩy lên đến vô tận. Không có chỗ “phô”. Tác phẩm dự thi của Trịnh Công Lộc thực sự là một bài thơ có tầm, hướng về giá trị lớn. Đó là sức mạnh của toàn dân tộc…”
Đây là những câu thơ trích từ “Mộ gió” cho thấy cái đỉnh của cao trào:
Mộ gió đây, giăng từng hàng từng lớp
vẫn hùng binh giữa biển, đảo xa khơi
là mộ gió, gió thổi hoài, thổi mãi
thổi bùng lên những ngọn sóng ngang trời.
Tôi tin, trước những bài thơ về đề tài biển đảo kể trên, Trịnh Công Lộc đã sớm manh nha những ý tưởng của mình từ “Đất - những con đường” được sáng tác trước đó. Bởi thế ông mới sớm cho ra đời những câu thơ tràn trề thi hứng lịch sử và hào hùng như thế này:
Lại những con đường thuở hồng hoang lên rừng, xuống bể
đã ngàn vạn con đường qua thời binh lửa
rào rào như tên, như nỏ
dáng rồng tiên cuồn cuộn bay lên…
Có lẽ vì rất tâm đắc với “Mộ gió” nên Trịnh Công Lộc mới lấy tên bài thơ đặt tên cho tập thơ.
Sau hai giải thưởng trên, năm 2014, Trịnh Công Lộc còn đoạt thêm hai giải thưởng nữa: Một giải nhì văn học công nhân của Tổng liên đoàn Lao động và một giải ba của ngành than.
Ngoài ra, cũng có đến hai lần (2014 và 2015), hai tập thơ: Mộ gió” và “Mặt trời đêm” của ông lọt vào vòng chung khảo giải thường niên Hội Nhà văn.
Riêng về bài thơ “Mộ gió”, Trịnh Công Lộc nói kỹ càng hơn: “Mộ gió có cả một nghìn năm trước. Đấy là những ngôi mộ tượng trưng được hình thành sau những lễ chiêu hồn dành cho những người đi biển không về. Đến thời Gia Long (1802 đến 1836), mới có mộ gió ở Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi đã tìm được những tư liệu và hình ảnh về mộ gió từ lịch sử. Cảm hứng từ lịch sử và những chuyển đi biển đảo, nhất là những lần ngủ trên sóng cận kề biên giới Tổ quốc trên biển, đã tạo thi hứng và chất liệu để tôi hoàn thành “Mộ gió”. Thật tình, tôi chỉ là người có công xới xáo lại thôi”.
Nhưng có lẽ điều đáng nói vào thời điểm sau 2011, sau khi “Mộ gió” của Trịnh Công Lộc ra đời và được tôn vinh ngay lập tức, nhiều bài thơ, nhiều bản nhạc, áng văn đã được đưa hình tượng mộ gió vào, nhiều người cũng thường xuyên nói về mộ gió, nhất là từ điểm biển Đông có nhiều biến động đến bây giờ.
Như vậy, Trịnh Công Lộc và “Mộ gió” đã tạo ra hiệu ứng xã hội và tạo nên một “hội chứng mộ gió”.
Văn nghệ số 29/2016
Biển đảo Việt Nam. Ảnh Internet |