Ở phương Đông, khởi thuỷ của truyện trinh thám là những truyện từ thời nhà Nguyên (tk 13-14) kể về chuyện xử án của Bao Công đời Tống, mở đầu cho thể loại truyện công án (gong’an hay gong an). Sau đó đến đời Minh nó bắt đầu được phát triển mạnh, chủ yếu vẫn xoay quanh chuyện xét xử của Bao Thanh Thiên, làm thành những truyện Bao Công án (tức là Truyện xét xử của Bao Công). Đến đời Thanh, truyện công án được mở rộng thêm với những truyện về xử án của quan án Địch nổi tiếng từ đời Đường (Địch Nhân Kiệt), có thêm các truyện được gọi là truyện Địch Công án (Truyện xét xử của Địch Công). Đồng thời, vào đời Thanh, truyện công án được pha trộn thêm với các yếu tố của truyện võ hiệp (wuxia). Trong khi Bao Công án là những vở kịch và truyện hầu hết có tác giả, thì Địch Công án là tập truyện khuyết danh.
Ở phương Tây, năm 1815, nữ văn sĩ người Anh Jane Austen cho xuất bản cuốn tiểu thuyết Emma, được dư luận coi là cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tiên, nhưng nó cũng được coi là “một cuốn tiểu thuyết trinh thám không có thám tử”, hay là “một cuốn tiểu thuyết trinh thám không có án mạng”. Có lẽ vì thế mà truyện vừa The Murders in the Rue Morgue của nhà văn Mỹ Adgar Poe (1809-1849), xuất bản năm 1841, mới được coi là tác phẩm sáng lập thực sự cho thể loại tiểu thuyết trinh thám phương Tây. Poe sáng tác tất cả 5 truyện trinh thám, với nhân vật thám tử nghiệp dư xuyên suốt 3 tác phẩm là hiệp sĩ Auguste Dupin, một quý tộc người Pháp sống ở Paris. Phương pháp điều tra của Dupin là suy đoán diễn dịch, nhiều khi ông nhập vai vào đối tượng để đọc các suy nghĩ của họ. Poe ảnh hưởng đến nhiều nhà văn trinh thám, trong đó đặc biệt có nhà văn Pháp Émile Gaboriau.
Émile Gaboriau (1832-1873), xuất bản truyện trinh thám đầu tiên của mình vào năm 1863. Với số lượng truyện trinh thám đồ sộ so với lúc bấy giờ và với nhân vật thanh tra Lecoq xuyên suốt các tác phẩm trinh thám, ông cũng được coi là cha đẻ của truyện trinh thám, hay chính xác hơn là của truyện trinh thám Pháp. Nhân vật chính của ông là thanh tra Lecoq được coi là nhân vật thám tử đầu tiên sử dụng suy luận lôgic và phân tích khoa học cho việc điều tra. Và chính thanh tra Lecoq đã ảnh hưởng đến nhà văn trinh thám Anh nổi tiếng Conan Doyle (nhà văn Anh, 1859-1930) để ông này sáng tạo ra nhân vật trinh thám trứ danh Sherlock Holmes, người được coi là hình tượng nhân vật thám tử khoa học kinh điển của truyện trinh thám. Người ta nói rằng sở dĩ Sherlock Holmes, nhân vật sống tại ngôi nhà 221B phố Baker (Baker Street), vượt trội hơn hẳn những nhân vật trinh thám trước ông là vì ông là con đẻ của chủ nghĩa thực chứng rất thịnh hành ở nửa cuối thế kỷ XIX. Đó chính là lý do của thái độ sùng bái tinh thần khoa học của thám tử. Ở Holmes người ta thấy có sở thích tập hợp và phân loại các dữ liệu làm cho ông trở thành môn đệ của nhà thực chứng luận người Pháp Auguste Comte, của nhà triết học người Anh Stuart Mill và nhà tự nhiên học người Anh Charles Darwin (thế kỷ XIX). Nếu như thanh tra Lecoq vẫn còn sử dụng các biện pháp suy đoán cảm tính, thì Holmes thực sự sử dụng công cụ phân tích lô gic - khoa học. Có thể nói, trong khi Lecoq là một nhân vật lãng mạn tình cảm, thì Holmes là người hùng lãng mạn lý trí. Lecoq cũng yêu thương, đau khổ, thất bại trong tình yêu; trong điều tra cũng phải mầy mò, dò dẫm, có lúc cũng nhầm lẫn như người thường; còn Holmes thì lạnh lùng, cứng rắn và có lôgic khoa học hoàn hảo không sai sót. Lecoq là một nhân vật; Holmes là một người hùng, một siêu nhân. Điều này làm cho tác phẩm của Conan Doyle vượt lên tầm cao của chủ nghĩa lãng mạn phương Tây thế kỷ XIX.
Rồi các nhà văn trinh thám khác như Maurice Leblanc (Pháp, 1864-1941) với nhân vật Arsène Lupin, được coi là Sherlock Holmes của Pháp; Gaston Leroux (Pháp, 1868-1927) với nhân vật dẫn dắt Rouletabille; Agatha Christie (nữ văn sĩ người Anh, 1890-1976) với hai nhân vật thám tử là Hercule Poirot và Miss Marple; Georges Simenon (nhà văn Bỉ nói tiếng Pháp, 1903-1989) nổi tiếng với thanh tra Maigret và là nhà văn Bỉ được đọc nhiều nhất trên thế giới (550 triệu bản) và được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất (3.500 bản dịch ra 47 thứ tiếng).
Người ta cũng nói là ban đầu, truyện trinh thám cùng với các thể loại truyện giải trí phiêu lưu khác như truyện khoa học viễn tưởng, truyện huyễn tưởng, truyện du ký... chỉ được coi là những thể loại cận văn học (chưa phải là văn học). Nhưng chính các tên tuổi nổi tiếng nói trên đã làm cho truyện trinh thám trở thành những tác phẩm văn học có giá trị nghệ thuật cao. Có lẽ đến khoảng đầu thế kỷ XX thì truyện trinh thám được công nhận là một thể loại văn học. Trong bối cảnh này, luận án tiến sĩ của nhà văn Pháp Régis Messac “Le ‘Detective Novel’ et l’influence de la pensée scientifique” năm 1929 có thể được coi là công trình quan trọng đánh dấu sự công nhận quy chế văn học cho thể loại truyện trinh thám. Chỉ tiếc rằng trong chuyên luận này, khi nói đến tiền thân của truyện trinh thám, Messac đã không hề nhắc đến loại truyện công án của Trung Quốc. Messac cũng là người đề cao thể loại truyện khoa học viễn tưởng và cũng là người đóng góp cho việc khẳng định quy chế văn học của thể loại truyện này.
Như vậy ta có thể coi truyện trinh thám thời Minh - Thanh của Trung Quốc là trinh thám sơ khai, truyện trinh thám thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX của phương Tây là trinh thám cổ điển, truyện trinh thám nửa cuối thế kỷ XX đến nay là trinh thám hiện đại với những tìm tòi, đổi mới như Friedrich Durrenmatt (1921-1990), với Quan toà và đao phủ (1950), Nghi ngờ (1951), Lời hứa (1958])..., hay Nicolae Mărgeanu (1928-1994), với Vòng tròn ma thuật, Máu đen (1965), Tiểu thuyết giết người (1970), Mặt trái của tấm huy chương (1979..., Umberto Eco (1932-2016) với Tên của đoá hồng (1980), hay Paul Auster của Mỹ với những câu truyện pha trộn trinh thám (1947-, Bộ ba truyện New York (The New York Trilogy), 1987, Trịnh Lữ dịch là Trần trụi với văn chương, 2007), truyện của nhà văn Mỹ này được gọi là “meta-detective novel”, “anti-detective novel”, sự pha trộn giữa trinh thám và “tiểu thuyết mới”, hay là trinh thám “hậu hiện đại”... Những tác phẩm trinh thám hiện đại này không chỉ là trinh thám mà còn là những câu chuyện về số phận con người, về thế sự. Đa số không còn giữ khuôn mẫu của tiểu thuyết trinh thám cổ điển với các cuốn tiểu thuyết có nhân vật chính xuyên suốt. Tuy nhiên, cho dù có giữ lại đặc trưng về nhân vật chính xuyên suốt này, như tiểu thuyết của Mărgeanu với nhân vật chính là đại uý công an Mircea Vigu, thì nhân vật cũng không còn như người hùng lãng mạn của trinh thám cổ điển mà là con người thường, với những niềm vui và nỗi buồn của một người bình thường. Đại uý Mircea Vigu của Mărgeanu còn phải lòng cả em gái của một tên kẻ cướp. Nhưng đặc biệt là Vigu tỏ rõ là một người của thời hiện đại, với những trải nhiệm cuộc sống và có phương pháp điều tra linh hoạt kết hợp lý trí với tính nhạy cảm thẩm mỹ của một nhà khoa học và nghệ sĩ hiện đại.
Đặc biệt là tên cuốn tiểu thuyết Lời hứa của Durrenmatt còn có thêm một phụ đề là “Lời ai điếu cho tiểu thuyết trinh thám” (Nguyên văn tiếng Đức: Das Versprechen: Requiem auf den Kriminalroman, tiếng Anh: The Pledge: Requiem for the Detective Novel). Không thoả mãn với tiểu thuyết trinh thám cổ điển, hay đúng hơn là phản ứng trước sự nhàm chán của nó, Durrenmatt đã đề xuất một kiểu trinh thám mới. Đó là trinh thám của một nhân cách trong thế giới bất ổn hiện đại chứ không phải của một thám tử. Trong cuốn tiểu thuyết ngắn nói trên, nhân vật chính là một cảnh sát giải nghệ, thấu hiểu xã hội hiện đại và sự sinh tồn của con người trong xã hội đó. Ông nhập tâm vào nạn nhân và tội phạm để hình dung hành vi gây án. Cái độc đáo và vô cùng xúc động của tác phẩm này là nhân vật thám tử đã bị ám ảnh bởi công việc điều tra tới mức trở thành một con người vĩnh viễn mất trí! Thật là một thái độ nhân đạo sâu sắc nhưng âm thầm cay đắng và cũng thật là phi lý! Đó là ý nghĩa nhân văn sâu sắc của tiểu thuyết trinh thám hiện đại mà Durrenmatt muốn phát triển để thay thế cho tiểu thuyết trinh thám cổ điển muộn khi đó đã trở thành khuôn mẫu. Nếu như trong tiểu thuyết trinh thám cổ điển, thám tử không bao giờ thất bại, thì tiểu thuyết Lời hứa của Durrenmatt là câu chuyện về sự thất bại của thám tử, thất bại trước cái ngẫu nhiên của cuộc sống phi lý hiện đại. Có thể thấy, tiểu thuyết trinh thám hiện đại tỏ ra phong phú, đa dạng và đa chiều hơn tiểu thuyết trinh thám cổ điển.
Tất nhiên những giai đoạn phân chia này chỉ là tương đối, chúng có sự chồng lấn lên nhau, như việc truyện trinh thám cổ điển có thể kéo dài đến nửa cuối thế kỷ XX với các nhà văn kinh điển như Agatha Christie, Georges Simenon...
Ở Việt Nam, truyện trinh thám xuất hiện từ nửa đầu thế kỷ XX với tên tuổi của Phạm Cao Củng (1913-2012). Chịu ảnh hưởng của truyện truyền kỳ Việt Nam và của văn học lãng mạn phương Tây, Phạm Cao Củng chuyên tâm sáng tác thể loại “truyện huyễn tưởng”, gồm những truyện phiêu lưu, ly kỳ, rùng rợn, và trong đó nổi bật là truyện trinh thám. Với những tác phẩm Vết tay trên trần (1936), Chiếc tất nhuộm bùn (1938), Kỳ Phát giết người (1941), Đám cưới Kỳ Phát (1942), Vụ án mạng thứ sáu (1950)... Phạm Cao Củng đã xây dựng nên một nhân vật trung tâm xuyên suốt là Kỳ Phát, giống như các nhà văn phương Tây đã làm với Auguste Dupin, thanh tra Lecoq, Sherlock Holmes, Rouletabille, Hercule Poirot, thanh tra Maigret... Trong cuốn sách tổng kết một giai đoạn văn học Nhà văn hiện đại (1942-1943), Vũ Ngọc Phan đã đánh giá cao Phạm Cao Củng và coi ông là nhà văn thành công nhất trong lĩnh vực truyện trinh thám. Vì thế, Phạm Cao Củng được coi là người mở đầu cho thể loại truyện trinh thám Việt Nam.
Đến giai đoạn sau 1945, truyện trinh thám Việt Nam đi theo xu hướng tình báo và phản gián với những tên tuổi của Đặng Thanh: Cất vó, 1960, in thành sách 1967; X30 phá lưới, 1975, in thành sách 1976; Lần theo chuỗi hạt, 1987...; Trần Diễn: Cuộc truy tìm T72, 1986; Đường dẫn đến tội lỗi (1988), Trùm phản chúa (1990); Nguyễn Sơn Tùng: tập truyện Hoa hồng trắng, Miền đất lạ, Viên đạn ngược chiều, Một mình trên đất khách, 1987...; Nguyễn Trường Thiên Lý (Trần Bạch Đằng): Ván bài lật ngửa, 1982-1988...
Gần đây, truyện trinh thám Việt Nam bắt đầu trở lại theo xu hướng trinh thám kinh dị với tên tuổi của Di Li (Nguyễn Diệu Linh): Trại Hoa Đỏ, 2009; Câu lạc bộ số 7, 2016... Xu hướng này cho thấy truyện trinh thám Việt Nam đã hội nhập trở lại với thế giới để duy trì và phát triển một thể loại truyện trinh thám hiện đại.
Truyện trinh thám có ý nghĩa kích thích tư duy lôgic, nó bổ sung một mảng hiện thực thuộc mặt trái của xã hội thường bị che khuất, lôi cuốn người đọc tìm hiểu một cuộc sống hiện thực không tô vẽ của xã hội và con người. Và nó là một thể loại dễ tiếp cận đối với quần chúng đông đảo. Theo điều tra của Bộ Văn hoá Pháp năm 2010, tiểu thuyết trinh thám là thể loại được đọc nhiều nhất so với bất cứ thể loại tiểu thuyết nào khác.
Nguyễn Văn Dân
Nguồn Văn nghệ số 48/2022