Nhìn lại chiến thắng lịch sử 30 tháng 4 năm 1975, mốc son in đậm trên nền lịch sử của truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất non sông, nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố, điều nổi bật lên là tinh thần quật cường, đấu tranh không ngại hy sinh để giành lại độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của người Việt Nam, đã được hun đúc qua rất nhiều thế hệ. Khí tiết phẩm hạnh của nhiều anh hùng, liệt sỹ, chí sỹ là tấm gương cho các thế hệ tiếp nối. Nhiều sử gia, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo quốc tế khi công bố hàng loạt tác phẩm về sự kiện “giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam”, cũng đã ghi nhận sự hun đúc tuyệt vời tinh thần yêu nước này, qua nhiều thế hệ của dân tộc Việt Nam.
Kỷ niệm chiến thắng lịch sử 30 tháng 4 năm 1975, kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam và 110 năm ngày mất của một nhân vật nghĩa sỹ nổi tiếng ở Quảng Nam, một hội thảo cũng vừa diễn ra ở Quảng Nam (do Ban Thường Vụ Huyện ủy Đại Lộc tổ chức ngày 27/4/2021) đã góp phần làm rõ thêm điều này.
Chân dung cụ Đỗ Đăng Tuyển do Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc sưu tầm và tặng huyện Đại Lộc |
Người Việt Nam đầu tiên đi vào lịch sử cận đại thế giới với phương thức tuyệt thực để đấu tranh
Chí sỹ Đỗ Đăng Tuyển (sinh ngày 14/5/1856 tại làng Ô Gia, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc), với những tư liệu vừa được công bố tại hội thảo, ông là một trong những tấm gương đã hun đúc tinh thần bất khuất, kiên trung lẫm liệt ấy.
“Cùng với các đồng chí của mình, ông đã “làm rung chuyển bộ máy thống trị của triều đình phong kiến tay sai đương thời và chế độ đô hộ của chủ nghĩa thực dân. Một mốc son chói ngời trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta” – ông Đặng Văn Kỳ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội thảo ngày 27/4/2021 Ảnh T.Ngọc |
Nếu vào năm 1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức là người đầu tiên đã tự thiêu để phản đối chế độ độc tài – gia đình trị Ngô Đình Diệm, thì chí sỹ Đỗ Đăng Tuyển (cùng đồng chí của ông là chí sỹ Châu Thượng Văn,1856-1908) đã sử dụng sớm nhất phương thức đấu tranh tuyệt thực.
“Ở nhà lao Nghệ An, Đỗ Đăng Tuyển đã 2 lần tìm đến cái chết (tự rạch bụng và cắn lưỡi) để giữ tròn khí tiết. E ngại ý chí bất khuất của Đỗ Đăng Tuyển sẽ ảnh hưởng đến tâm lý những bạn tù chính trị, giặc đày ông lên nhà lao Lao Bảo (Quảng Trị). Tại đây, người con ưu tú của đất Quảng đã tuyệt thực bảy ngày và qua đời vào ngày mồng 4 tháng tư năm Tân Hợi, tức ngày 2/5/1911, khi mới 55 tuổi. Cho đến lúc ấy, Đỗ Đăng Tuyển cùng với Châu Thượng Văn là những người đầu tiên trên thế giới đấu tranh với kẻ thù bằng hình thức tuyệt thực, trước cả lãnh tụ Gandhi của Ấn Độ” – TS. Nguyễn Minh Phương, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho biết.
Lần giở lại sử xưa, trong trong Thi tù tùng thoại, chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng cũng từng viết về hành động anh hùng, quả cảm này, như sau:
"Bị giam trong ngục mà nhịn ăn từ thánh Cam Địa (Gandhi) Ấn Độ về sau, nhiều nơi bắt chước đã thành việc cơm bữa không gì lạ. Nhưng Châu quân (tức Châu Thượng Văn), Đỗ quân (tức Đỗ Đăng Tuyển) lại trước Cam Địa và nhất định tuyệt thực cho đến chết, cao hơn Thánh hùng Cam Địa một bậc nhỉ!".
Nhân vật trọng yêu của 2 phong trào yêu nước lớn: Nghĩa hội và Duy Tân hội
Chủ trì hội thảo, trong đề dẫn quan trọng của mình, Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, ông Nguyễn Hảo nhấn mạnh rằng: “Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Đại Lộc là một trong những căn cứ của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, là nơi khởi xướng phong trào chống thuế miền Trung năm 1908. Chí sỹ Đỗ Đăng Tuyển – một trong nhiều người con ưu tú của quê hương Đại Lộc - đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước, hết lòng vì phong trào Nghĩa hội, tận trung với quê hương, đất nước, sẵn sàng hy sinh để giữ trọn khí tiết”.
Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, ông Nguyễn Hảo phát biểu tại hội thảo Ảnh T.Ngọc |
Nhà nghiên cứu lịch sử Trần Viết Ngạc (Thành phố Hồ Chí Minh) đã dẫn đôi dòng thơ (của hai Cụ Phan Bội Châu và Đặng Đoàn Bằng trong Việt Nam Nghĩa liệt sỹ; học giả Tôn Quang Phiệt dịch lại), để phác họa chân dung tuyệt đẹp của một sỹ phu yêu nước, đã hoạt động trong phong trào Cần Vương (1885-1887), rồi tham gia sáng lập và lãnh đạo Duy Tân hội (1904-1911): Cụ Đỗ Đăng Tuyển:
Đánh thù, lòng như đá
Lo nước, tóc thành tơ
Thơ rượu, sầu thần thánh…
Thạc sỹ Lê Năng Đông (Phó phòng Thông tin- Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam) cho biết: Sau khi phong trào Nghĩa hội của Quảng Nam thất bại, vào tháng 5/1904 (cũng có tài liệu nói trung tuần tháng 4), tại Nam Thạnh Sơn Trang, Cụ Phan Bội Châu cùng Tiểu la Nguyễn Thành đã tổ chức một cuộc họp lịch sử để thành lập Duy Tân hội. Cuộc họp có khoảng 20 nhân vật trong yếu, thảo luận và quyết định chương trình, kế hoạch hoạt động, bầu ra ban lãnh đạo Duy Tân hội. Và trong cuốn Tự phán, Cụ Phan có nhắc đến tên 5 người cùng dự họp mà cụ gọi là “hội viên trọng yếu” gồm: Tiểu La (Nguyễn Thành), Trình Hiền (Đỗ Đăng Tuyển), Lê Võ, Đặng Tử Kính và Đặng Thái Thân.
Thạc sỹ Lê Năng Đông, Phó phòng Thông tin- Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam Ảnh T.Ngọc |
Như vậy, chí sỹ Đỗ Đăng Tuyển - vị Tán tương quân vụ của Nghĩa hội ngày nào – về sau đã trở thành sáng lập viên của một tổ chức cách mạng có quy mô cả nước vào đầy thế kỷ XX: Duy Tân hội.
Chúng ta còn nhớ, năm 1908, vụ chống thuế ở Trung Kỳ bùng nổ, bắt đầu ở huyện Đại Lộc, nổi khắp tỉnh Quảng Nam. Rồi từ Quảng Nam phát triển phía Bắc Thanh Hóa, phía Nam đến Phú Yên. Một phong trào đấu tranh chính trị công khai với khẩu hiệu đòi giảm sưu thuế sau đó tiến đến các biện pháp bạo động mạnh mẽ. “Tòa sứ Hội An đã bị dân vây đến cả tháng trời. Rồi dân vây phủ huyện đòi quan huyện phải cùng đi đấu tranh với dân. Đỉnh cao của khí thế vùng dậy, ở một vài nơi quần chúng đã trừng trị một số tên tay sai ác ôn. Trong gần 3 tháng, phong trào đã làm rung động 10 tỉnh Trung Kỳ” - TS. Nguyễn Minh Phương, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh.
Nhưng rồi thực dân Pháp đã đàn áp đẫm máu phong trào. Hàng loạt chí sỹ Duy Tân Hội bị cầm tù, tra tấn. Lúc này đảm nhận công việc của Duy Tân Hội ở các tỉnh ở phía Nam Huế, yểm trợ cho Đặng Thái Thân (Nghệ Tĩnh) và cho Phan Bội Châu (ở bên ngoài), cụ Đỗ Đăng Tuyển đã tỏ rõ tài năng lãnh đạo của mình trong một tình hình hết sức khó khăn (suốt từ năm 1908 đến năm 1910).
Nhìn xuyên suốt phong trào đấu tranh yêu nước từ Nghĩa hội Quảng Nam cuối thế kỷ XIX đến phong trào Duy Tân, Đông Du đầu thế kỷ XX, cụ Đỗ Đăng Tuyển là nhân vật trọng yếu và ông đã dành trọn tâm sức của mình cho mọi hoạt động của các tổ chức này.
Ở tổ chức Nghĩa Hội, Cụ Sơn Tẩu Đỗ Đăng Tuyển và Trần Đỉnh (Tú Đỉnh) trong chức vụ Tán Tương Quân Vụ, đồng lãnh đạo những cánh quân phía Bắc Tân Tỉnh thuộc vùng Đại Lộc, Hiên, Giằng.
Theo nghiên cứu và công bố của ông Phan Vân Trình (Giám đốc Trung tâm VHTT- TTTH huyện Đại Lộc), trong 3 năm (1885-1887), lực lượng nghĩa quân do các Cụ chỉ huy đã tiêu hao khá nhiều quân địch lấn chiếm vùng phạm vi quản hạt. Với trọng trách Lãnh Binh Tân Tỉnh, Cụ Nguyễn Duy Hiệu quyết định “thay đổi chiến lược từ thế thủ qua thế công”, để rồi toàn thể lực lượng Nghĩa Quân kéo về phủ Điện Bàn đánh chiếm tỉnh lỵ hành chánh Quảng Nam ở thành La Qua (Vĩnh Điện), khiến các Tổng đốc, Bố chánh, Án sát phải bỏ chạy.
Từ chỗ làm chủ từng địa phương, các bậc thủ lĩnh Nghĩa Hội công khai tổ chức chính quyền mới, lập lại việc nội trị hành chánh xã, thôn, biến Quảng Nam "Như một nước riêng, đặt Tân Tỉnh tại Trung Lộc". Dưới góc nhìn của lịch sử hiện đại, đây là trường hợp đặc biệt của cao trào “nhân dân nổi dậy cướp chính quyền về tay nhân dân”.
Có một câu chuyện rất thú vị giữa lịch sử cận đại và hiện đại trong bối cảnh đấu tranh đánh đuổi ngoại xâm và tay sai, giành lại độc lập, tự do và chủ quyền của nhân dân Việt Nam. Đó là từ những năm 1885, ông cha ta đã biết “dựa lưng vào dãy Trường Sơn để duy trì công cuộc kháng chiến chống ngọai xâm về lâu về dài”.
“Các Cụ chỉ huy đã chiêu mộ quan chức dưới quyền và nhân dân trong tỉnh, vận dụng việc “bình trị miền Thượng du Quảng Nam” để biến đổi các khu sơn phòng Quế Sơn, Trà My, Dương Yên, A Bá, An Lâm thành căn cứ địa, chiến khu cho Nghĩa Quân Tân Tỉnh, xây dựng - huấn luyện – nuôi dưỡng lực lượng để “Đuổi Pháp ra khỏi nước; Thanh trừng Việt gian và tay sai cho Pháp” – tham luận ((Chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu ) của tác giả Phan Vân Trình cho biết.
Sau này, trong kháng chiến chống Pháp, tính từ khi Đảng ta ra đời và lãnh đạo cuộc kháng chiến (1930), cho đến ngày toàn thắng của chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân (1975); ở cả 3 miền đều có những căn cứ địa, chiến khu mà kẻ địch dù có muốn phá sạch – đốt sạch cũng không thể xóa sạch. Và đặc biệt, xưa cha ông tựa lưng vào dãy Trường Sơn đánh Pháp, thì sau đó, thế hệ cháu con “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
“Với Hội thảo khoa học này, chúng ta cùng thắp nén nhang tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của chí sỹ Đỗ Đăng Tuyển đối với các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tưởng nhớ ông, chúng ta nguyện học tập ý chí kiên cường, luôn phấn đấu vì hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Không gì hơn, thế hệ ngày nay, nhất là các bạn trẻ hãy tìm hiểu, học tập và noi theo tấm gương của Cụ Đỗ cũng như các bậc tiền bối đã một lòng kiên trung, bất khuất, hết lòng vì quê hương, đất nước” – Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, ông Nguyễn Hảo bộc bạch.
Nhà yêu nước Sào Nam - Phan Bội Châu trong bài thơ khóc Đỗ Đăng Tuyển từng “trút hết ruột gan”: “Bội Châu không Bác e vô sự” (ý là: Tôi mà không có Bác e cũng không thể làm nên nổi việc gì). Và khí tiết hy sinh lẫm liệt của Bác (tức cụ Đỗ Đăng Tuyển) đã khiến nhà tù Lao Bảo trở nên nổi tiếng! (Lao Bảo nhờ ông mới có danh).
L.A.D – T.N