Chuyên đề

Từ ngọn nguồn quê hương

Câu chuyện văn hoá
07:35 | 07/02/2023
Trong dòng văn học cách mạng miền Nam, tên tuổi của nhà thơ Giang Nam từ lâu đã trở nên quen thuộc và thân thiết với bạn đọc cả nước. Trước năm 1975, ở miền Bắc không mấy ai trong lứa tuổi học trò lại không biết đến bài thơ Quê hương nổi tiếng của ông. Người ta chép vào sổ tay rồi mang ra ngâm ngợi trong những lần sinh hoạt văn hóa, liên hoan văn nghệ. Quả thật, bài thơ đã có một sức cuốn hút khá mãnh liệt đối với lớp trẻ lúc bấy giờ
aa

TƯỞNG NHỚ NHÀ THƠ GIANG NAM (1929-2023)

Trong dòng văn học cách mạng miền Nam, tên tuổi của nhà thơ Giang Nam từ lâu đã trở nên quen thuộc và thân thiết với bạn đọc cả nước. Trước năm 1975, ở miền Bắc không mấy ai trong lứa tuổi học trò lại không biết đến bài thơ Quê hương nổi tiếng của ông. Người ta chép vào sổ tay rồi mang ra ngâm ngợi trong những lần sinh hoạt văn hóa, liên hoan văn nghệ. Quả thật, bài thơ đã có một sức cuốn hút khá mãnh liệt đối với lớp trẻ lúc bấy giờ. Ở các đô thị miền Nam, trong các buổi xuống đường đấu tranh chính trị hoặc diễn thuyết, thanh niên sinh viên thường lấy thơ Giang Nam để kêu gọi đoàn kết, thức tỉnh lòng yêu quê hương xứ sở. Đó chính là cái duyên thơ mà có lẽ không phải bất kỳ người làm thơ nào cũng có được.

Nhà thơ Giang Nam có tên khai sinh là Nguyễn Sung. Ông chào đời ngày 2/2/1929 trong một gia đình hiếu học ở xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa. Ngay từ những ngày còn học ở trường Quốc học Quy Nhơn, được thọ giáo bởi cụ Ngô Xuân Thọ (thân phụ của nhà thơ Xuân Diệu) chàng thanh niên trẻ đã tập làm thơ. Cách mạng Tháng Tám thành công, sau khi tốt nghiệp Thành chung, ông trở về quê tham gia hoạt động thông tin, tuyên truyền. Những bài thơ giàu nhiệt huyết của Giang Nam lần lượt xuất hiện trên tờ báo THẮNG trong đó đáng chú ý có bài Về vùng bị chiếm được đông đảo công chúng hoan nghênh. Các đồng chí lãnh đạo của tỉnh Khánh Hòa lúc bấy giờ như Nguyễn Minh Vỹ, Lý Văn Sáu, Võ Văn Sung, là những người đã có công phát hiện ra tài năng thơ của Giang Nam.

Vì lẽ đó, tháng 5/1948, Nguyễn Sung được điều về Ty Thông tin Khánh Hòa và trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của cơ quan này. Từ đây, ông bước vào con đường hoạt động văn học, sử dụng thơ ca như một thứ lợi khí phục vụ cách mạng. Không biết tự khi nào những câu thơ man mác nỗi buồn của thi sĩ Hồ Dzếnh tài hoa đã thấm vào hồn ông:

Tô Châu lớp lớp phù kiều

Trăng đêm Dương Tử, mây chiều

Giang Nam.

Với sự ám ảnh không gì cưỡng nổi cho nên khi đặt bút làm thơ, ông đã chọn luôn cái bút hiệu “Giang Nam” đầy ý nghĩa. Xuất hiện ngay trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng phải đợi đến khi bài thơ Quê hương đoạt giải nhì của Tạp chí Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) thì cái tên Giang Nam mới được neo lại trong lòng bạn đọc.

Sau Hiệp định Genève (1954), Giang Nam không đi tập kết theo sự phân công của Đảng, ông bí mật hoạt động ở Nha Trang. Để che mắt địch, thời gian đầu ông làm công nhân của hãng cưa máy “Việt Nam kiến trúc”, rồi làm thư ký cho một nhà thầu khoán. Bàn chân ông đã in dấu khắp các nẻo đường từ Khánh Hòa vào Biên Hòa, Xuân Lộc, Thủ Dầu Một... Lợi dụng báo chí công khai trong vùng địch kiểm soát, Giang Nam đã có nhiều bài thơ đăng trên các báo ở Sài Gòn, đặc biệt là tờ Gió Mới ở Nha Trang, kín đáo ngợi ca kháng chiến, đồng thời chống lại âm mưu chia cắt đất nước của kẻ thù.

Một hôm vào quãng giữa năm 1960, nhà thơ Giang Nam đột ngột hay tin người vợ trẻ cùng đứa con gái mới 8 tháng tuổi bị địch bắt ở Thủ Đức và mất tích. (Thực chất hai người bị giam ở khám Chí Hòa, sau đày ra Nha Trang và mãi đến năm 1962 mới được thả). Sự việc xảy ra sau vụ thảm sát Phú Lợi không lâu nên càng khiến cho nỗi đớn đau uất ức được nhân lên bội phần. Trong một đêm tại căn cứ Hòn Dù (nay thuộc huyện Khánh Vĩnh - Khánh Hòa) ông đã viết bài thơ Quê hương. Hình ảnh người con gái “mắt đen tròn” với nụ “cười khúc khích” đã gieo vào lòng bạn đọc niềm xúc động khôn nguôi. Cái chết tức tưởi của cô gái báo hiệu sự vùng lên tất yếu của nhân dân miền Nam.

Hòa bình tôi trở về đây

Với mái trường xưa, bãi mía,

luống cày

Lại gặp em

Thẹn thùng nép sau cánh cửa

Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ

- Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)

...

Hôm nay nhận được tin em

Không tin được dù đó là sự thật

Giặc bắn em rồi, quăng mất xác

Chỉ vì em là du kích, em ơi!

Đau xé lòng anh, chết nửa

con người!

Bật lên từ nỗi đau tột cùng, bài thơ đã đem lại vinh quang cho người sáng tạo. Trong cuộc đời mỗi người cầm bút thật chẳng dễ gì có được một “Quê hương” như thế, bởi nó được đánh đổi bằng cả máu và nước mắt.

Sau này có dịp hồi tưởng lại quá trình sáng tác, nhà thơ Giang Nam kể rằng trong thời kỳ đen tối có lúc ông viết ra trước hết để cho mình, “để mình đọc, để tự nhắn nhủ với người thân yêu của mình ở trong tù”. Một lần nhận được lá thư của người em gái từ miền Bắc báo tin được vào đại học, nhà thơ ở vào tâm trạng vừa phấn khởi tự hào lại vừa giằng xé, băn khoăn. Thế nhưng cũng liền đó, chứng kiến sự hy sinh anh dũng của một chú bé giao liên ngay trên mảnh đất Đại Điền Nam (Diên Khánh), xúc cảm dạt dào khiến ông cầm bút viết nên bài thơ Nghe em vào đại học với những câu thơ có sức lay động lạ lùng.

Anh chưa bước chân vào trường

đại học

Chưa lên giảng đường, chưa mặc

áo sinh viên

...

Mai ngày nước nhà thống nhất

Em lại về dạy chữ cho anh

Không phải bằng than vẽ,

gạch thềm đình

Không phải phập phồng giữa vành

đai giặc!

Anh sẽ để riêng một đêm thức suốt

Kể em nghe chuyện chiến đấu

miền Nam

Câu chuyện mở đầu: “Thuở ấy,

ở quê hương

Anh chỉ học có một trường:

Cách mạng!

Hoạt động không biết mệt mỏi trên cương vị Phó ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Khánh Hòa, nhà thơ Giang Nam được điều lên Khu 6 vừa mới thành lập, cơ quan đóng bên dòng Krông Nô (bắc Đà Lạt). Chưa kịp ấm chỗ thì ông lại được cấp trên cử đi học trường Đảng của Miền và sau đó giữ chức Phó Tổng thư ký Hội văn nghệ giải phóng miền Nam. Từ đây, ông vừa dõi theo phong trào hoạt động văn nghệ trong vùng giải phóng và của các lực lượng tiến bộ, vừa trực tiếp đi xuống các địa phương, bám theo các cánh quân để viết về cuộc sống chiến đấu đầy hy sinh gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của đồng bào, đồng chí miền Nam.

Trước hiện thực bề bộn của cuộc chiến đấu, đôi lúc cảm thấy dường như thơ không còn đủ sức ôm chứa, ông đã chuyển hướng ngòi bút qua văn xuôi. Điều ít ai ngờ là Giang Nam viết văn xuôi từ khá sớm. Và ông từng đoạt giải ba cuộc thi truyện ngắn do báo Thống Nhất tổ chức (1960) với truyện Những người thợ đá. Đến nay, nhiều người vẫn còn nhắc đến những thiên bút ký sống động, nóng hổi tính thời sự của ông như Đồng bằng đánh Mỹ, Đất lửa. Đó là kết quả những chuyến đi về Long An “trung dũng kiên cường” và Củ Chi đất thép. Mảng văn xuôi của Giang Nam có các tập đáng chú ý như: Vở kịch cô giáo (1962) Người Giồng Tre (1969) Rút từ sổ tay chiến tranh (1968)...

Ròng rã suốt ba mươi năm gắn bó với dải đất Khu Năm dằng dặc và lăn lộn trên chiến trường Nam Bộ rộng lớn, con người cán bộ cách mạng và con người nhà văn trong ông đã quyện tỏa làm một. Ngần ấy năm cầm bút, có thể nói quê hương luôn là nỗi niềm đau đáu thường trực trong thơ Giang Nam. Với ông, quê hương ấy là “rẫy lúa, nương khoai” là “tiếng xa quay dìu dịu ngân dài”. Những tập thơ ra đời sau ngày đất nước thống nhất như Hạnh phúc từ nay (1978) Thành phố chưa dừng chân (1985) được ông chắt lọc từ chính cái “mạch nước ngầm trong mát” ấy.

Là một cán bộ văn nghệ, nhà thơ Giang Nam đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau. Ông từng là đại biểu Quốc hội khóa 6, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 2 và khóa 3. Tổng biên tập Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Phú Khánh (cũ) rồi Khánh Hòa, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa... Bằng tài năng và tâm huyết của mình, ông đã có những đóng góp xứng đáng vào sự hình thành và phát triển của văn học cách mạng miền Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng sau này. Trong cuộc sống thường ngày, nhà thơ Giang Nam là người rất giàu tình cảm, ân cần và chu đáo. Đối với những người viết trẻ mới vào nghề, ông luôn biết cách trò chuyện gợi mở, biết cách lắng nghe và quan trọng hơn là không khi nào ông áp đặt ý kiến chủ quan của mình.

Một đời văn, một đời người song hành với những năm tháng hào hùng nhất trong lịch sử dân tộc, thật đáng tự hào. Những trang viết của Giang Nam tựa như một dòng sông chảy xiết giữa đôi bờ yêu thương và ấm áp ân tình. Khởi đi từ ngọn nguồn quê hương, dòng sông phương Nam ấy đã bắt kịp biển lớn thi ca cách mạng. Điều dễ nhận thấy nơi thơ ông là tình cảm thiết tha gắn bó với đồng bào, đồng chí và toát lên niềm lạc quan tin tưởng ở tương lai tươi sáng của đất nước.

Với những thành tựu trong sáng tác, nhà thơ Giang Nam đã có một vị trí xứng đáng trên văn đàn và cả trong lòng bạn đọc. Dù đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên (2001) song Giang Nam vẫn miệt mài phấn đấu và không thôi mong mỏi tự hoàn thiện mình. Ông quan niệm: “Nhân cách của nhà văn là cái quý nhất, cái cần bảo vệ nhất nếu muốn có tác phẩm hay, những tác phẩm xứng đáng với tấm lòng tin yêu của mọi người”.

Vẫn biết với quy luật “Sinh lão bệnh tử”, không ngoại trừ một ai. Nhưng tôi vẫn cảm thấy hẫng hụt vì trưa mùng 2 Tết Quý Mão (23/1/2023), nhà thơ Quê hương đã tạ thế tại thành phố biển Nha Trang, hưởng thọ 95 tuổi. Tiếc thương ông!

Nguyễn Minh Ngọc

Nguồn Văn nghệ số 5/2023


Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.