Họ Quách tìm về tập chuyên khảo về lịch sử văn học thời kỳ Trung Đại của người Mường vùng Hòa Bình do nhà thơ Lê Va khảo cứu. Với bốn mươi năm công tác ở Hòa Bình, hơn nửa đời người gắn bó với người dân tộc Mường Lê Va như được sinh ra từ xứ núi. Anh làm việc trong ngành công an và sáng tác thơ như một người con của Hòa Bình. Tập chuyên khảo này của anh nghiên cứu đầy đủ và chi tiết về một trong nhiều nhánh dòng họ Quách nhà Lang Mường vùng Hòa Bình, Thanh Hóa, Tây Nguyên, cuốn hút ngay từ những dòng đầu tiên.
Người Mường có một nền văn minh cổ xưa gần gũi với người Kinh, trong lịch sử thì người Mường được coi là người Việt Cổ. Nhưng nếu người Kinh có một nền văn minh sông Hồng rực rỡ với chữ viết và nền văn hóa đại diện cho đất nước Việt Nam, thì người Mường do không có chữ viết, nên đã khiến cho những di tích về văn hóa phong tục, lối sống, văn bia, bài mo khấn, v.v… bị mai một rơi vãi theo thời gian. Những di sản phi vật thể còn giữ lại được đến nay chủ yếu bằng hình thức truyền miệng. Các câu chuyện thơ, cổ tích như Nàng Nga Hai Mối, Đẻ Đất Đẻ Nước v.v. được lưu dưới hình thức các bài mo khấn và kể của thầy Mo (thầy cúng), do đó có nhiều dị bản theo đặc trưng tác phẩm văn học dân gian. Các công trình nghiên cứu qua các thời kỳ của lịch sử văn học thì gần như không đề cập đến văn học của người Mường thời kỳ Trung Đại. Nhà thơ Lê Va bằng niềm tin mang đậm tính khoa học nhưng cũng đầy cảm tính và tình yêu văn hóa Mường, đã đi tìm dòng văn học Trung Đại của người Mường, bắt đầu từ lịch sử dòng họ Quách, một dòng họ nhà Lang Mường lớn nhất trong cộng đồng người Mường Hòa Bình.
Từ thời phong kiến, nhà nước phong kiến đã đặt ra chức quan Lang để cai quản xứ Mường. Chức vụ ấy được coi như ông vua nhỏ cai quản miền núi cao sông sâu vùng Tây Bắc, nên được kế thừa dòng họ đời này qua đời khác. Trong lịch sử, người Mường Hòa Bình chịu sự cai quản của bốn dòng họ lớn là: Đinh, Quách, Bạch, Hà (Hoàng); chia theo bốn Mường lớn là: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động. Người Mường Hòa Bình có câu “Nhất Bi, Nhì Vang, Tam Thàng, Tứ Động”, được hiểu là quan Lang Mường Bi có uy tín bao trùm cả bốn Mường, sau đó mới đến các Mường còn lại sắp xếp theo thứ tự lần lượt như trên.
Trong tập khảo cứu, Lê Va chủ yếu tập trung vào dòng họ Quách, một dòng họ lớn nhà Lang cai quản xứ Mường, đồng thời tập trung những cá nhân xuất sắc của người Mường Hòa Bình. Tác giả đã chọn hướng từ lịch sử một dòng họ để tìm ra dòng chảy của một thời kỳ lịch sử, một nền văn học và văn hóa. Đó là lối đi bài bản vừa mang tính khoa học, vừa thực tế phù hợp quy trình khảo cứu di sản dân gian… Trong hoàn cảnh điều kiện di chuyển ở vùng cao miền núi đã không phải dễ dàng gì, hơn nữa mọi việc lại khởi động từ đam mê, cho nên trong suốt quá trình đòi hỏi phải có nhiều tâm huyết cùng với sự kiên trì với mục đích ban đầu, để việc nghiên cứu không bị dở dang.
Với tập chuyên khảo này, Lê Va đã thành công khi dựng lại chân dung những nhân vật, những sự kiện lịch sử, văn hóa và văn học, tái hiện một giai đoạn thời kỳ Trung Đại để thấy người Mường không chỉ ở Hòa Bình, đã hòa nhập với xã hội hiện đại một cách văn minh như ngày nay.
Tập chuyên khảo Họ Quách Tìm Về đã làm nổi bật lên phương thức khảo cứu của tác giả, tìm hiểu và xác minh thông tin bằng nhân vật cụ thể. Chính vì thế mà nội dung cuốn sách vừa có tính khoa học của lịch sử, lại vừa có đặc trưng nghệ thuật của văn học. Tính khoa học thể hiện qua cách trình bày những sự kiện lịch sử và con người tuân theo trục thời gian thuần túy, cái gì xảy ra trước thì kể trước, cái gì xảy ra sau thì kể sau. Tác giả đã dựng lại chân dung dòng họ Quách, từ khi được nhà vua cho trấn giữ vùng Tây Bắc xứ Mường từ thời phong kiến, cho đến thời hiện đại. Vừa mới đây, thành phố Hồ Chí Minh đã lấy tên Quách Điêu đặt tên đường, và người Hòa Bình vừa mới biết thông tin. Tập sách đã dựng lại quá trình phát triển của dòng họ Quách được bao quát bằng cái nhìn khoa học làm sáng tỏ vấn đề lịch sử của dòng họ, là cơ sở phát triển cho dòng văn học Trung Đại tiêu biểu của người Mường Hòa Bình. Còn tính văn học của cuốn sách được thể hiện trong các câu chuyện kể về sự tích các vùng đất, lịch sử của các vị tướng tài giỏi, các danh nhân là người Mường trong hành trình dựng nước và giữa nước. Tác giả qua đó đã làm nổi bật chân dung các bậc anh hùng vì nghĩa mà xả thân hy sinh, được nhân dân thờ phụng.
Các câu chuyện kể được kể bằng giọng điệu chân thực và hấp dẫn, chân dung các nhân vật trong dòng họ Quách qua các thế hệ tiếp nối được miêu tả, tái hiện nổi bật trong hành trình xây dựng đất nước giúp nhà vua dẹp giặc. Họ đã cùng người Kinh sống hòa hợp trong nền văn minh lúa nước, trồng lúa nơi ruộng thấp. Đôi khi, những câu chuyện kể có thể tách riêng ra thành một tác phẩm độc lập, có đời sống riêng.
Trong phần nội dung, tác giả cũng lược thuật phần truyện thơ với chủ đề rất bao quát là đánh giặc giữ nước. Những câu chuyện được kể trong bản chuyên khảo trở nên sinh động hơn, gần gũi, giản dị những cũng đậm tính văn chương nhiều hơn, giúp người đọc dễ dàng tiếp cận thể loại truyện thơ văn vần. Thành công của tác giả là tạo lập được một văn bản chuyên khảo nghiêm túc khoa học, mà lại hấp dẫn như một tác phẩm văn học.
Trước đây, nhà thơ Lê Va đã có công trình nghiên cứu sưu tầm truyện thơ Đinh Công Trinh dài gần 400 câu thơ. Có thể nói đó là bước khởi đầu đầy hy vọng cho việc kết nối nền văn học Trung Đại của người Mường với nền văn học cận hiện đại để đi tới quá trình hội nhập. Có thể còn là quá sớm đối với việc nghiên cứu vẫn đang ở bước khởi đầu, Nhưng bằng tâm huyết với văn học nghệ thuật, và đặc biệt là tình yêu vô hạn với mảnh đất và con người xứ Mường Hòa Bình, tin rằng nhà thơ Lê Va đã, đang và sẽ thành công.
Nếu ai đã từng làm nghiên cứu khoa học, thì việc nghiên cứu về văn học dân gian thực sự là một khó khăn bởi những sự thất lạc rơi rụng của sự kiện. Nhưng câu chuyện được lưu truyền trong dân gian bằng hình thức truyền miệng thực sự là khó có cơ sở để xác minh độ chuẩn xác và khoa học của nó. Việc đi tìm lại nơi phát tích câu chuyện lại là một khó khăn khác khi con người đã khuất bóng, khi cảnh vật đã thay đổi bởi thiên tai chiến tranh. Đặc biệt là trong phong tục lối sống của người Mường gần như ý thức lưu giữ những gì của đời trước để lại là rất hiếm hoi. Tiếp cận tài liệu khoa học trên cơ sở dữ liệu cũng gần như thách thức lòng kiên trì của tác giả. Vì thế tập bản thảo mới dừng lại ở tập 1, nhưng chúng ta có thể tin sẽ có một công trình chuyên khảo đầy đặn thông tin khoa học, đạt chất lượng khoa học lịch sử xã hội. Hơn tất cả, là sẽ đạt mục đích tái hiện con đường và dòng chảy của nền văn hóa văn học của người Mường ở Hòa Bình trong sự nghiệp xây dựng đất nước mở mang bờ cõi.
Hy vọng tập sách này của Lê Va sẽ là cây cầu kết nối đời sống lịch sử, văn hóa, văn học của người Mường với thế giới hiện đại. Quá khứ sẽ là bức tranh phản chiếu gương mặt của tương lai. Trân trọng quá khứ là lối sống nhân văn để hướng đến tương lai một cách an toàn và tự tin. Hòa nhập dân tộc hướng đến hòa hợp với thế giới hiện đại là cách vừa bảo vệ được những giá trị truyền thống mang tính nhân văn, vừa tự tin bước ra với nhân loại.
Nguồn Văn nghệ số 24/2022