Chuyên đề

Văn học miền núi và đóng góp của Phạm Duy Nghĩa

Câu chuyện văn hoá
09:26 | 20/10/2021
Trong văn xuôi Việt Nam đương đại viết về miền núi, Phạm Duy Nghĩa là cây bút có thành tựu. Anh đã tạo dựng được một thế giới miền núi của riêng mình, bằng một thứ văn đẹp, giàu chất thơ. Nói như nhà văn Sương Nguyệt Minh, đó là một “thế giới miền núi lung linh, huyền ảo, gợi cảm”, và “Phạm Duy Nghĩa đã và đang góp phần làm nên sự sang trọng của văn chương miền núi”.
aa

Trong văn xuôi Việt Nam đương đại viết về miền núi, Phạm Duy Nghĩa là cây bút có thành tựu. Anh đã tạo dựng được một thế giới miền núi của riêng mình, bằng một thứ văn đẹp, giàu chất thơ. Nói như nhà văn Sương Nguyệt Minh, đó là một “thế giới miền núi lung linh, huyền ảo, gợi cảm”, và “Phạm Duy Nghĩa đã và đang góp phần làm nên sự sang trọng của văn chương miền núi”.

Đáng chú ý là, đóng góp của Phạm Duy Nghĩa cho văn học miền núi không chỉ ở lĩnh vực sáng tác. Anh còn là một trong số rất ít những nhà nghiên cứu chuyên tâm về mảng văn học này, thể hiện ở khá nhiều bài viết được in rải rác trong những năm qua, và đặc biệt ở cuốn chuyên luận của anh – “Văn xuôi Việt Nam hiện đại về dân tộc và miền núi”[1].

Tập chuyên luận của TS, nhà văn Phạm Duy Nghĩa bản in lần 1 và lần 2.

Tập chuyên luận của Phạm Duy Nghĩa vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Đây có thể coi là một công trình nghiên cứu hệ thống, công phu lột tả cái tinh thần, cái bản chất, chỉ ra một cách thuyết phục thành tựu và hạn chế, những phong cách tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam hiện đại về dân tộc và miền núi. Chuyên luận có một kết cấu logic, trong độ dài hơn 300 trang với 4 chương: “Diện mạo văn xuôi Việt Nam hiện đại về dân tộc và miền núi”; “Văn xuôi miền núi nhìn từ các bình diện về con người”; “Nghệ thuật văn xuôi miền núi và vấn đề truyền thống - hiện đại”; “Nhận diện một số phong cách văn xuôi miền núi”.

Tác giả trước hết giám định cẩn trọng, đầy đủ các công trình nghiên cứu cũng như các sáng tác văn xuôi về miền núi để trình bày một bức tranh tổng quát, toàn cảnh về văn xuôi miền núi. Tác giả dẫn lối đi vào một khu rừng văn học bề thế, dày rậm với mục đích cho người đọc vừa thấy cây vừa thấy rừng, để thưởng lãm và làm giàu thêm cho mình kiến văn về miền núi và dân tộc.

Sức thuyết phục của một công trình khoa học là đặt ra vấn đề mới và giải quyết vấn đề trong tính hợp lí của nó. Cái mạch bản chất có lí ở chuyên luận này là đi tìm các kiểu quan hệ người được thể hiện trong văn xuôi miền núi. Nó đặt con người miền núi vào các quan hệ để tìm ra mối liên hệ bản chất: quan hệ với xã hội, với văn hóa, với tự nhiên. Đây có thể coi là những quan hệ chiều ngang, bề nổi mà chuyên luận đã tập trung mô tả cụ thể. Không chỉ có thế, chuyên luận còn làm nổi lên cái quan hệ chiều dọc, chìm vào bên trong, là cái ứng xử với bản năng. Sống giữa thiên nhiên thuần khiết, con người như được trở về với cái nguyên thủy nên rất mạnh về bản năng. Một nét riêng của văn xuôi miền núi là tái hiện độc đáo cái bản năng – đặc điểm này được chuyên luận quan tâm phân tích, lí giải.

Lấy quan niệm về con người làm điểm tựa, tác giả chuyên luận đã giải quyết hai vấn đề cốt lõi của khu vực văn xuôi miền núi là nghệ thuật và bản sắc dân tộc. Văn xuôi miền núi có bộ mặt nghệ thuật như thế nào, qua từng giai đoạn, được chuyên luận phân tích, chỉ ra thành tựu và hạn chế ở ba phương diện cơ bản là nhân vật, cốt truyện, ngôn ngữ. Nhấn mạnh vào mặt hạn chế, khác với nhiều công trình thiên về khen ngợi một chiều, thái độ sòng phẳng này của tác giả chuyên luận theo tôi là rất đáng ghi nhận.

Việc chỉ ra nhược điểm của văn học miền núi, ở ngay cả tác phẩm của những nhà văn lớn, tài năng, theo tôi cũng thể hiện một thái độ công tâm của người viết chuyên luận.

Một trong những nhân tố mang tính hạt nhân thúc đẩy tiến trình văn học của bất kì khu vực văn học nào là vấn đề truyền thống và hiện đại. Ở khu vực văn học dân tộc và miền núi, vấn đề này đặt ra càng cấp thiết hơn. Hiểu rõ điều ấy, tác giả chuyên luận đã công phu khảo sát, trên cơ sở đó đi tìm các biện pháp góp phần đổi mới văn xuôi miền núi; đổi mới, hòa nhập nhưng vẫn giữ được và làm giàu thêm bản sắc. Theo tôi, đây là vấn đề mang tính chiến lược, không chỉ quan trọng đối với giới sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học, mà còn là ý kiến trong tư cách chuyên gia rất đáng được lưu tâm đối với các nhà quản lí văn nghệ.

Có thể hình dung ngôi nhà văn xuôi miền núi vững vàng bề thế là nhờ bốn cái cột chống lực lưỡng. Trong chuyên luận, đây là bốn phong cách tiêu biểu: Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng, Vi Hồng – bốn cây đại thụ mà mỗi cây tỏa bóng che rợp một cánh rừng, đủ cả Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, cả nhà văn dân tộc Kinh, cả nhà văn dân tộc thiểu số. Bản thân cũng là người viết văn xuôi về miền núi, nên tác giả chuyên luận dễ tìm được sự đồng cảm trên các trang viết và gọi ra được cái “hồn vía”, cái tạng của mỗi nhà văn. Mặc dù họ đều là những cây bút lớn, quen thuộc, đã được nghiên cứu nhiều, nhưng trong cuộc đi tìm lại họ trên những mảnh đất miền núi, ngoài những cái nhìn chung, người viết chuyên luận vẫn có phát hiện riêng, có đóng góp.

Ngòi bút văn xuôi sáng tác của Phạm Duy Nghĩa mang một phẩm chất rất miền núi là đậm đà chất thơ. Ngòi bút nghiên cứu Phạm Duy Nghĩa cũng thấm đượm chất thơ này, thể hiện ở lối lập luận chặt chẽ mà uyển chuyển, ở những phát hiện tinh tế nhiều cảm xúc, ở ngôn ngữ phân tích giàu hình tượng. Những trang nghiên cứu vừa không xa rời tính khách quan khoa học vừa mềm mại chất văn như tập chuyên luận này, thường chỉ thấy được ở một người sáng tác.

TS, nhà văn Phạm Duy Nghĩa. Ảnh: TL

Sự đồng cảm tri âm giữa người sáng tác với người sáng tác, và cả chất văn trong nghiên cứu của Phạm Duy Nghĩa, đã được chính nhà văn Ma Văn Kháng chỉ ra sau khi ông đọc trọn vẹn cuốn chuyên luận này. Tôi rất tâm đắc với những nhận xét của ông:

“Nhà văn Phạm Duy Nghĩa là một tài năng văn xuôi thật sự. Nhưng anh đâu phải chỉ là một nhà văn. Xuất thân anh còn là một thầy giáo giảng dạy văn học. Nhiều năm trước đây anh đã dạy văn ở trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Và tôi từ rất lâu nay thực sự là vẫn bị ám ảnh bởi câu nói sau đây của Ben Jonson, một nhà thơ lớn ở thế kỉ XVI: “Thẩm định văn chương là việc khó. Không có kinh nghiệm nghệ thuật thì làm việc đó không khác gì gãi ngứa ngoài giầy. Chỉ có thi sĩ, không phải là tất cả mà là những thi sĩ vào hạng ưu tú mới đủ bản lĩnh phê bình thi sĩ thôi”.

Ý tưởng này có phần cực đoan, chắc chắn rồi! Tuy vậy, tôi vẫn cần phải nói rằng, trong chuyên luận này của nhà văn Phạm Duy Nghĩa, cũng như trong cuốn sách nghiên cứu trước đây của anh về Nguyễn Minh Châu, có những dấu tích của một tài năng văn xuôi đích thực. Ở đó có năng lực khám phá của một nội lực văn hóa, lí luận. Ở đó có sự trải nghiệm tinh tế của một ngòi bút sáng tác có thành tựu đặc sắc”[2].

Tôi cũng cho rằng để viết cuốn sách này, khi mảng văn học miền núi vốn chưa được giới phê bình quan tâm đúng mức, thì chỉ có một vài người đích đáng, thích hợp, trong đó Phạm Duy Nghĩa là một người hội tụ đầy đủ những yếu tố cần thiết: là người miền núi (lớn lên ở Yên Bái, trưởng thành ở Lào Cai), là nhà văn viết về miền núi với những truyện ngắn đặc sắc, từng đoạt khôi nguyên truyện ngắn Tuần báo Văn nghệ. Anh còn làm thơ, là tác giả một tập thơ với không ít bài mang cảnh sắc núi đồi. Và anh còn là nhà báo quân đội rất mực cẩn trọng, kĩ lưỡng trong công tác biên tập; là nhà giáo - tiến sĩ văn học tham gia giảng dạy ở bậc đại học, sở hữu những đức tính: tâm huyết, chân thành, nghiêm cẩn, trung thực.

Văn học là thành tố cơ bản của văn hóa. Nói đến việc làm giàu bản sắc văn hóa trước hết phải nói tới làm giàu bản sắc văn hóa trong văn học. Văn hóa Việt Nam đa dạng, sinh động là nhờ sự nhiều vẻ của văn hóa các dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam, bởi vậy việc tìm hiểu, nghiên cứu văn học các dân tộc là việc làm mang tính nền móng, cơ bản, chiến lược. Những người như Phạm Duy Nghĩa đang đi đầu trên con đường ấy.

N.T.T

…………………………………………….

[1] “Văn xuôi Việt Nam hiện đại về dân tộc và miền núi” (Nxb Văn hóa dân tộc, 2012), chuyên luận nghiên cứu của Phạm Duy Nghĩa, nhận Giải thưởng Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam 2012, Tặng thưởng Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương 2010-2012. Năm 2020, cuốn sách này được Nxb Văn hóa dân tộc tái bản theo đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

[2] Bút tích của nhà văn Ma Văn Kháng viết cho cuốn chuyên luận của Phạm Duy Nghĩa nhân dịp tái bản.

Nguồn VNQĐ


Khoảnh khắc không mùa - Thơ Đỗ Bạch Mai

Khoảnh khắc không mùa - Thơ Đỗ Bạch Mai

Baovannghe.vn- Người đi trên phố nắng/ Ta về sau cơn mưa
Khoe giọng - Thơ Phạm Đình Ân

Khoe giọng - Thơ Phạm Đình Ân

Baovannghe.vn- Quẩn quanh trong lồng sắt/ năng hót
Thách thức và cơ hội của BSR với "chính sách, thị trường và xu thế mới trong kinh doanh xăng dầu"

Thách thức và cơ hội của BSR với "chính sách, thị trường và xu thế mới trong kinh doanh xăng dầu"

Baovannghe.vn - Chiều ngày 8/11, tại TP HCM, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức Hội thảo về Chính sách, thị trường và xu thế mới trong kinh doanh xăng dầu.
Chính phủ:  Gần 6.000 tỷ đồng được huy động để xóa nhà tạm, nhà dột nát

Chính phủ: Gần 6.000 tỷ đồng được huy động để xóa nhà tạm, nhà dột nát

Baovannghe.vn - Ngày 10/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Viết cho ai cũng nên quên mình đi

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Viết cho ai cũng nên quên mình đi

Baovannghe.vn - Nhà văn Võ Thị Xuân Hà có khá nhiều trang viết dành cho thiếu nhi, nơi chị thường lồng vào những thông điệp nhẹ nhàng về lối sống tốt đẹp.