Diễn đàn lý luận

Văn nghệ nuôi dưỡng tinh thần quân dân Khu 4 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

PDS. TS Trần Khánh Thành
Lý luận phê bình
10:10 | 11/04/2025
Baovannghe.vn - Quân khu 4 gồm các tỉnh Bắc miền Trung, một vùng đất có truyền thống anh hùng, bất khuất. Hiện thực đời sống gian khổ, ác liệt, tinh thần quyết chiến, quyết thắng; hành động anh hùng, dũng cảm của quân dân Khu 4 đã thôi thúc văn nghệ sĩ sáng tạo, để lại nhiều tác phẩm có giá trị vượt thời gian, tiêu biểu cho dòng văn học - nghệ thuật (VHNT) về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng.
aa

Nguồn cảm hứng mãnh liệt cho sáng tạo

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân khu 4 là nơi chiến tuyến, nơi thường trực giáp mặt với kẻ thù trên vĩ tuyến 17 suốt 20 năm dằng dặc khi đất nước bị chia cắt đôi miền. Những địa danh cầu Hàm Rồng, Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, đảo Cồn Cỏ, Vĩnh Linh, sông Bến Hải... đã đi vào lịch sử dân tộc như những biểu tượng sinh động nhất cho tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường, sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam.

Thiên nhiên, đất nước, con người và hiện thực chiến tranh vô cùng khốc liệt đã tạo nên bao cảm xúc mãnh liệt cho các văn nghệ sĩ. Với tình cảm yêu nước nồng nàn, với ý thức trách nhiệm cao cả của người nghệ sĩ-chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, nhiều thế hệ văn nghệ sĩ chúng ta đã có mặt ở tuyến lửa Khu 4 trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh; sáng tạo những bài thơ, bản nhạc, trang văn, vở kịch, bức họa, thước phim... đầy hùng tráng và trữ tình.

Dựa vào sự kiện Vịnh Bắc Bộ (tháng 8-1964), đế quốc Mỹ lấy cớ đánh phá miền Bắc, văn nghệ sĩ cũng lên đường hành quân vào Thanh-Nghệ-Tĩnh, Bình-Trị-Thiên khói lửa để động viên cổ vũ quân và dân ta chiến đấu với lũ giặc trời. Nhạc sĩ Tân Huyền vừa tới Nghệ An đã có ngay bài hát trữ tình đằm thắm mà hào sảng, đậm chất dân ca Nghệ Tĩnh “Tiếng hò trên đất Nghệ An”. Cũng thời điểm ấy, nhạc sĩ Hoàng Vân hành quân từ Hà Nội đến tận vùng đất Quảng Bình. Khi đang ở trận địa của Hải quân Việt Nam, máy bay Mỹ ném bom xuống Quảng Bình, trong cảm xúc trào dâng, ông đã để lại một nhạc phẩm bất hủ “Quảng Bình quê ta ơi!” Bài hát có ca từ đẹp, gắn với nhiều địa danh Quảng Bình; nhạc điệu vừa mượt mà êm dịu, vừa tươi vui khỏe khoắn, thấm đẫm chất dân ca hò khoan Lệ Thủy, trở thành bản tình ca tuyệt đẹp của Quảng Bình trong những năm tháng chiến tranh.

Văn nghệ nuôi dưỡng tinh thần quân dân Khu 4 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Tiết mục văn nghệ chào mừng Hội thảo khoa học "Quân khu 4 - Tiền tuyến kiên cường, hậu phương vững chắc" do Báo Quân đội nhân dân và Quân khu 4 tổ chức, tháng 4-2025. Ảnh: Tuấn Huy

Nhạc sĩ có nhiều ca khúc hay về dải đất Bắc miền Trung trong những năm chống Mỹ là Xuân Giao. Ông cùng với anh chị em văn nghệ sĩ nhiều lần đi phục vụ ở vùng tuyến lửa và để lại nhiều nhạc phẩm mang tính thời sự nóng hổi của hiện thực chiến tranh vừa truyền cảm sức mạnh tinh thần to lớn của đoàn quân ra tiền tuyến: “Giữ biển trời Quảng Bình-Vĩnh Linh” (năm 1966), “Cô gái mở đường” (năm 1966), “Chào sông Mã anh hùng” (năm 1967)...

Còn có bao ca khúc trữ tình hùng tráng viết thời chống Mỹ khơi nguồn cảm hứng từ cuộc sống kháng chiến vùng Quân khu 4 còn sống mãi trong tâm hồn nhiều thế hệ như: “Người con gái sông La” (Doãn Nho), “Tiếng đàn Ta Lư” (Huy Thục), “Chào em cô gái Lam Hồng” (Ánh Dương)...

Cũng như âm nhạc, thơ ca là thể loại văn học gắn liền với cảm xúc trực tiếp của tâm hồn nên rất nhạy cảm trước những vấn đề chung của nhân dân, dân tộc. Trong những ngày chiến tranh khốc liệt ấy, đội quân văn nghệ sĩ với tinh thần chiến sĩ đã lên đường vào tuyến lửa Khu 4 để đồng hành với nhân dân chiến đấu chống quân thù xâm lược. Nhà thơ Tố Hữu trong dịp khảo sát tình hình chiến sự vùng Quân khu 4 đã có chùm thơ 6 bài được làm từ ngày 20-10 đến 4-11-1965. Nổi bật nhất trong chùm thơ ấy là bài thơ “Mẹ Suốt”. Chọn thể thơ lục bát truyền thống, sử dụng hình thức tự sự và trữ tình, ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ cái tôi trữ tình đan xen, tác giả đã khắc họa được một hình tượng nghệ thuật cao đẹp, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Hiện thực đời sống đầy gian khổ, khốc liệt nơi tuyến lửa đã tôi luyện ý chí, bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ, đồng thời cũng là mảnh đất ươm mầm những sáng tạo thơ ca. Nhiều tác giả đạt Giải thưởng Báo Văn nghệ 1969-1970, 1972-1973 đã sống và chiến đấu trên tuyến lửa Khu 4, tiêu biểu là Phạm Tiến Duật và Lâm Thị Mỹ Dạ. Những bài thơ của Phạm Tiến Duật và Lâm Thị Mỹ Dạ đã đưa lại cho nền thơ chống Mỹ những tiếng nói trẻ trung, sôi nổi, vừa bề bộn chất liệu hiện thực vừa giàu tính triết lý sâu sắc về nhân dân và đất nước trong thử thách chiến tranh.

Đồng hành với đội ngũ nhà thơ đông đảo, các nhà văn cũng hăm hở xông ra tiền tuyến với tinh thần người chiến sĩ. Nhà văn Bùi Hiển trong hai chuyến đi vào tuyến lửa có tập truyện ngắn “Đường lớn” (năm 1966), phản ánh chân thực sinh động về cuộc sống chiến đấu của quân dân Khu 4 trên mặt trận sản xuất và chiến đấu. Nhà văn Nguyễn Minh Châu, với chất sống bề bộn của xứ Nghệ đã viết về hậu phương lớn sát vai cùng tiền tuyến lớn trong tiểu thuyết “Cửa sông” (năm 1967). Từ mảnh đất Hà Tĩnh đầy bom cày đạn xé, Nguyễn Khắc Phê có tập ký sự “Vì sự sống con đường” (năm 1968), Vũ Hữu Ái từ đất cảng Hải Phòng xung phong vào tuyến lửa làm đường ra mặt trận và có tập truyện đặc sắc “Những người mở đường” (năm 1971). Nhà văn Xuân Thiều lăn lộn ở chiến trường Bình-Trị-Thiên và phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân một xã vùng sâu ngoại ô Huế qua cuốn tiểu thuyết có tên giản dị “Thôn ven đường”.

Trên địa hạt sân khấu, hiện thực chiến tranh vùng tuyến lửa Khu 4 cũng được phản ánh chân thực sinh động. Nổi bật là các vở kịch “Tiền tuyến gọi” (năm 1967) của Trần Quán Anh, được dựng thành phim năm 1970; “Đôi mắt” (năm 1967) của Vũ Dũng Minh, “Đại đội trưởng của tôi” (năm 1974) của Đào Hồng Cẩm.

Tuy là loại hình nghệ thuật non trẻ nhưng điện ảnh đã sớm góp phần vào trận chiến chống Mỹ, trong đó có những bộ phim trực tiếp phản ánh hiện thực chiến tranh vùng tuyến lửa Khu 4. Các nghệ sĩ-chiến sĩ điện ảnh đến vùng địa đầu giới tuyến, làm việc dưới những trận mưa bom, những làn đạn pháo để trực quay những thước phim tư liệu, tìm chất liệu đời sống xây dựng kịch bản điện ảnh về cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta. Các bộ phim tài liệu đặc sắc về vùng đất lửa Vĩnh Linh, Quảng Trị, Quảng Bình lần lượt ra đời trong những tháng ngày vô cùng gian lao và oanh liệt ấy: “Ngọn cờ Hiền Lương”, “Lũy thép Vĩnh Linh”, “Bên bờ Bến Hải", "Cồn Cỏ anh hùng”... Tiếp nối và song hành với các bộ phim tài liệu, các phim truyện về vùng tuyến lửa cũng được sản xuất rất khẩn trương trong và sau chiến tranh. Tiêu biểu là các bộ phim: “Vĩ tuyến 17-Ngày và đêm”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Đời cát”, “Mùi cỏ cháy”...

Làm gì để có thêm những tác phẩm giá trị về tuyến lửa anh hùng?

Nhìn lại những thành tựu VHNT viết về hiện thực cuộc sống kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở vùng tuyến lửa Khu 4, có thể thấy VHNT trong giai đoạn này tập trung vào nhiệm vụ quan trọng nhất là đấu tranh cho sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”. Đội ngũ văn nghệ sĩ hăng hái, nhiệt tình, không sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh có mặt nơi tuyến lửa ngay từ những ngày đầu tiên giặc Mỹ ném bom miền Bắc, sống và viết với tinh thần của người chiến sĩ.

Các tác phẩm VHNT phản ánh chân thực sinh động cuộc sống chiến đấu gian khổ và anh dũng của quân dân vùng tuyến lửa Khu 4, làm nổi bật chủ nghĩa anh hùng và tinh thần lạc quan cách mạng của quân và dân ta trên tuyến đầu chống Mỹ. Các hình tượng bộ đội, dân quân, thanh niên xung phong và các tầng lớp nhân dân được khắc họa đậm nét, trong đó nhiều hình tượng được xây dựng từ nguyên mẫu trong cuộc sống. Các tác phẩm nghệ thuật viết từ tuyến lửa vừa mang tính thời đại vừa mang tính dân tộc đậm nét. Trong đó bản sắc văn hóa miền Trung Bắc Bộ được các văn nghệ sĩ kế thừa và sáng tạo thành công trong tác phẩm của mình, tạo nên sức hấp dẫn và khả năng lan tỏa rộng lớn.

Từ “mùa vàng” bội thu VHNT trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để phát huy vai trò và sức mạnh to lớn của VHNT trong thời kỳ phát triển mới của đất nước nói chung và sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước nói riêng, đặc biệt có thêm nhiều tác phẩm giá trị về tuyến lửa Quân khu 4, thiết nghĩ cần nhận thức sâu sắc về vai trò, tính đặc thù của VHNT, bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo nghệ thuật nhằm xây dựng nền VHNT tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa thống nhất vừa đa dạng.

Điều quan trọng là cần quan tâm đầu tư đúng mức cho sự phát triển VHNT, phát huy sức mạnh VHNT trong việc xây dựng nhân cách con người trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh giao lưu quốc tế trong hoạt động văn nghệ, nhằm tiếp thu những giá trị văn nghệ của nhân loại, đồng thời giới thiệu các ấn phẩm văn nghệ Việt Nam ra nước ngoài một cách sâu rộng, hiệu quả. Cùng với đó, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ sáng tác, phê bình, lý luận văn nghệ có năng lực và trình độ cao, có niềm đam mê cống hiến nghệ thuật. Bố trí những người có năng lực chuyên môn phù hợp, có uy tín trong lĩnh vực văn nghệ tham gia quản lý công tác VHNT. Những người quản lý văn nghệ phải thực sự là đồng nghiệp, đồng hành với văn nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguồn QĐND

Tự sự đêm… - Thơ Trần Hoàng Thiên kim

Tự sự đêm… - Thơ Trần Hoàng Thiên kim

Baovannghe.vn- Ngoài kia gió rì rầm kể chuyện/ Lạnh tràn đêm/ Quần quật khung cửa sổ yếu mềm
Bộ GD&ĐT: “Đầu tư vào con người – Kiến tạo đội ngũ cho nền kinh tế tương lai”

Bộ GD&ĐT: “Đầu tư vào con người – Kiến tạo đội ngũ cho nền kinh tế tương lai”

Baovannghe.vn - “Đầu tư vào con người – Kiến tạo đội ngũ cho nền kinh tế tương lai” là tên phiên thảo luận do Bộ GD&ĐT tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư.
Chính phủ: Ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, chính quyền địa phương 2 cấp

Chính phủ: Ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, chính quyền địa phương 2 cấp

Baovannghe.vn - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 758/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Kế hoạch).
“Cu li không bao giờ khóc” giành giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim châu Á lần thứ 22

“Cu li không bao giờ khóc” giành giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim châu Á lần thứ 22

Baovannghe.vn - “Cu li không bao giờ khóc” của đạo diễn Phạm Ngọc Lân đã xuất sắc giành giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim châu Á lần thứ 22 (Asian Film Festival-AFF22), diễn ra tại thủ đô Rome, Italy từ ngày 8-16/4.
Đi qua những mùa mưa.  Tản văn của Lê Hà Ngân

Đi qua những mùa mưa. Tản văn của Lê Hà Ngân

Baovannghe.vn - Nhiều đêm mùa đông, nửa đêm tỉnh giấc, nghe tiếng mưa lâm phâm ngoài cửa sổ, tiếng mưa đìu hiu, u uẩn sầu nhân thế rắc trên tàu chuối đầu hè càng thấy bóng mẹ trên tường gầy hơn heo hút