Diễn đàn lý luận

Văn nghệ trong đổi mới và hội nhập

Lương Ngọc An
Lý luận phê bình 14:32 | 17/04/2025
Baovannghe.vn - Ngày 29/1/1977, Hội Văn nghệ giải phóng hợp nhất với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, hai tờ báo Văn nghệ giải phóng Văn nghệ cũng hợp nhất lấy tên là Văn nghệ ra hàng tuần.
aa

Ngày 30/4/1975, miền Nam được giải phóng, non sông quy về một mối, ánh sáng hòa bình khiến cho cả dân tộc vỡ òa và ngỡ ngàng trước bao điều mới lạ. Cả một thời kỳ dài sống “thắt lưng buộc bụng”, thiếu thốn, đói khổ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, cho sự nghiệp thống nhất đất nước...”, “Cái ta là tất cả, cái tôi là thứ yếu, là xấu xa, tội lỗi...”, hình ảnh người đảng viên vốn được tôn thờ, xem là biểu tượng... thì nay, trong cuộc sống đời thường “cái xấu của con người tư hữu” bị lột trần, bất kể họ là ai. Những âm mưu, thủ đoạn, thói hư tật xấu, kể cả những hành động phi nhân tính vốn trong chiến tranh bị khỏa lấp vì nhiều lý do, thì sau chiến tranh dần bộc lộ, phơi bầy. Hiện thực cuộc sống với bộ mặt thật của nó tác động tới người nghệ sĩ vốn nhạy cảm, dễ xúc động, khiến họ dằn vặt suy tư, trăn trở trước những đổi thay của cuộc sống, trong đó có cả sự “biến động” những quan niệm về “thang bậc” giá trị, tiêu chí, tiêu chuẩn... Cùng với đó là những xung đột xã hội nẩy sinh trong quá trình xây dựng đất nước...

Ngày 29/1/1977, Hội Văn nghệ giải phóng hợp nhất với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, hai tờ báo Văn nghệ giải phóng Văn nghệ cũng hợp nhất lấy tên là Văn nghệ ra hàng tuần. Báo Văn nghệ thời gian mới hợp nhất trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Một thời gian sau, khi nhận thấy đã đến lúc các hội nghệ thuật chuyên ngành như Sân khấu, Mỹ thuật, Điện ảnh... đều đã phát triển lớn mạnh, ra báo riêng, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật quyết định chuyển tờ báo Văn nghệ cho Hội Nhà văn quản lý. Tuần báo Văn nghệ trở thành cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng nội dung tờ báo vẫn giữ truyền thống của nó: ngoài phần văn học và lý luận phê bình là chủ đạo, tờ báo vẫn dành một số trang để phản ánh kịp thời các hoạt động và các sự kiện quan trọng của các ngành nghệ thuật khác trong đội hình của Liên hiệp.

*

Vào thập niên 1980, khi trên sân khấu, các vở kịch của Lưu Quang Vũ liên tiếp xuất hiện, mà mỗi vở đều trở thành một sự kiện nghệ thuật làm chấn động dư luận bởi những vấn đề trong đời sống xã hội mà nó đề cập đến; thì trong đời sống văn học cũng có những chuyển mình đáng kể. Sau tiếng chuông mà những cuốn tiểu thuyết Đứng trước biển, Cù lao tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn gióng lên, rồi đến sự xuất hiện một số bài thơ thế sự của Nguyễn Duy; tiếp đến là sự trình làng tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu; Ma Văn Kháng thì có Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn; rồi Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường; Bến không chồng của Dương Hướng... Ở một phương diện khác, chiến tranh đã có một cách tiếp cận mới như trong Thân phận tình yêu (Tên ban đầu là Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh. Hình tượng người lính trong chiến tranh cũng như trở về sau chiến tranh được phản ánh ở nhiều góc cạnh khác hơn. Không chỉ có niềm vui mà còn có cả những nỗi buồn, mất mát, lo toan, dằn vặt, cùng với đó là những tranh đấu cho lẽ phải, công lý để bảo vệ phẩm giá “bộ đội Cụ Hồ”... Trong bầu khí quyển văn chương đầy sôi động mà những “cỗ trọng pháo” (cách ví thể loại tiểu thuyết) đem lại ấy, hàng loạt các truyện ngắn, bút ký xuất hiện trên báo Văn nghệ thời kỳ này như góp thêm một luồng gió mới thổi vào đời sống văn học vốn đã quen thuộc với một âm điệu và bắt đầu trở nên nhàm chán, chỉ sống với cái ta mà dấu kín cái tôi vốn có thật trong mỗi con người. Nhiều tác phẩm đã đề cập những vấn đề nhạy cảm như tham nhũng, tham ô, suy đồi lối sống, nhân cách, kể cả những hệ lụy từ cải cách ruộng đất, quan niệm lệch lạc về giai cấp… Nhiều nhà văn đã thực sự dấn thân để tìm hiểu và phản ánh những vấn đề nổi cộm hoặc âm ỉ lâu nay trong đời sống xã hội. Báo Văn nghệ thời gian này tập hợp được một “nhóm đặc nhiệm” bao gồm 12 nhà văn, nhà báo sắc sảo, xông xáo để thực hiện mục tiêu này. Nhà văn Hoàng Minh Tường là người “nổ phát súng” đầu tiên với bút ký Làng giáo có gì vui. Tiếp đến là Nguyễn Thị Vân Anh với Tiếng hú con tàu… Rồi sau đó là Trần Huy Quang, Phùng Gia Lộc… lần lượt xuất hiện. Những tác phẩm mang không khí đổi mới hừng hực trên Văn nghệ thời gian ấy không những đã để lại những dấu ấn, những tác động tích cực trong đời sống, mà nó còn làm thức dậy, sinh động lại một thể loại báo chí/văn chương - Thể ký - lâu nay ít được quan tâm.

Ánh sáng của “đổi mới tư duy” mà Đảng ta khởi động từ Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) và cuộc hành trình không ngừng nghỉ của một dân tộc đã làm nên nhiều kỳ tích, bắt đầu từ các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chống giặc xâm lấn biên giới phía Nam, phía Bắc, cho đến chống đói nghèo, lạc hậu, trì trệ, chống bao vây cấm vận... Những bài học phải trả giá bằng xương máu của dân tộc qua nhiều thế hệ, cả trong thời chiến lẫn thời bình, chính là những chất liệu quan trọng để mỗi nhà văn và người nghệ sĩ thấu hiểu, đặt trách nhiệm khi cầm bút... Không phải ngẫu nhiên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói “Hãy cởi trói cho văn nghệ”… Từ chủ trương của Đảng, đời sống Văn nghệ nói chung, văn học nói riêng đã có những thay đổi rõ rệt. Có thể nói giai đoạn 1986-1991 là giai đoạn sôi nổi nhất của đời sống văn nghệ trong thời kỳ đổi mới. Trong mọi lĩnh vực nghệ thuật, từ văn học, hội hoạ, âm nhạc, cho tới sân khấu, điện ảnh, sự đổi mới diễn ra vô cùng quyết liệt. Giữ vai trò chủ công trong đổi mới văn học là hoạt động lý luận, phê bình văn học và hoạt động sáng tác. Báo Văn nghệ, mở nhiều cuộc trao đổi, tọa đàm “bàn tròn”, về những vấn đề lý luận văn học, như Văn học cần phản ánh hiện thực như thế nào? Chủ thể sáng tạo của người nghệ sỹ có vai trò gì trong việc phản ánh hiện thực. Văn học phục vụ chính trị là như thế nào? Đặc trưng của văn học là gì? Vì sao văn học cần đổi mới? Đó là những vấn đề lý luận và thực tiễn sáng tác tưởng như đã có kết luận xong xuôi từ lâu, nay được xới lên bàn bạc, phân tích, giải quyết lại theo tinh thần đổi mới… Cũng chính bầu không khí ấy đã tạo nên sự khởi sắc trên báo Văn nghệ. Sự xuất hiện của rất nhiều bút ký, phóng sự làm xôn xao dư luận, như Tiếng đất của Hoàng Hữu Cát; Người đàn bà quỳ của Xuân Ba; Cái đêm hôm ấy đêm gì? của Phùng Gia Lộc; Chuyện về một ông Vua Lốp Lời khai của bị can của Trần Huy Quang… gần hơn một chút nữa là Người không cô đơn, rồi Thủ tục làm người còn sống của Minh Chuyên… Truyện ngắn thì có Bước qua lời nguyền (Tạ Duy Anh); Tướng về hưu; Con gái thủy thần (Nguyễn Huy Thiệp); Người vãi linh hồn (Vũ Bão); Kẻ sát nhân lương thiện (Lại Văn Long)… Thơ thì có Đỗ Minh Tuấn, Hoàng Trần Cương, Mai Văn Phấn… với những tìm tòi, đổi mới về nghệ thuật… Tiếp theo lớp nhà văn đã thành danh như Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Ngô Ngọc Bội…, đã bắt đầu nổi lên những cây bút mới rất sung sức, như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Dương Thu Hương, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Nhật Tuấn, Dương Hướng, Tạ Duy Anh, Lê Minh Khuê… Sáng tác của họ đã tạo nên diện mạo vừa độc đáo, vừa đa dạng của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới nói chung, và báo Văn nghệ nói riêng…

*

Năm 1998, báo Văn nghệ kỷ niệm 50 năm ngày ra số báo đầu tiên (1948-1998), một sự kiện được qua tâm trong giới văn học. Cũng không phải ngẫu nhiên vào năm 1998, sau mấy kỳ đại hội Đảng, Hội nghị Trung ương năm khóa VIII ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để rồi 10 năm sau (2008), Bộ Chính trị ra Nghị quyết 23 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong mối tương quan với chính trị và kinh tế, xã hội. Nghị quyết của Đảng đặt Văn nghệ vào một vị thế nhiều thuận lợi, song cũng lại khoác lên vai nó một trách nhiệm hết sức nặng nề. Từ đó đến nay, nhìn lại đời sống văn nghệ nói chung, văn học nói riêng, có thể nhận thấy một nét chung, đó là sự khởi sắc ở tất cả các thể loại, đề tài. Nó thể hiện một khát vọng tìm kiếm sáng tạo mới, nhu cầu cách tân nghệ thuật mới. Văn nghệ lúc này không còn cái hào hứng sôi sục của những ngày đầu đổi mới, khi mà người ta tập trung tìm kiếm, vạch mặt, đấu tranh với những cái khuất lấp, cái bất cập, cái tiêu cực trong đời sống của cả xã hội và mỗi con người. Tất cả những điều đó giờ đây được hiểu ngầm là nhiệm vụ của báo chí đơn thuần. Với sự xuất hiện và phát triển như vũ bão của mạng internet, khoảng cách giữa văn chương và báo chí ngày càng trở nên rõ rệt. Văn học nghệ thuật nói chung trở về với xu hướng tìm kiến sự đa dạng về nội dung, phong cách sáng tác, phương thức biểu hiện; khẳng định dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo của nhà văn và người nghệ sỹ. Những sáng tác thời gian này nghiêng nhiều hơn về những chiêm nghiệm các vấn đề thế sự, về số phận, của con người và cuộc sống. Những đề tài kinh điển như lịch sử, chiến tranh, cải cách ruộng đất... nếu được đề cập đến thì cũng ở phương diện tư liệu để thông qua đó nói về những vấn đề của hôm nay.

Bên cạnh đó, cũng nhờ có internet mà nhiều vấn đề chính trị, xã hội, văn chương trong và ngoài nước đã được cập nhật, lan tỏa, khiến cho tâm thế của người sáng tác cũng có những thay đổi rõ rệt, từ đó đem lại cho văn chương sự phong phú và đa dạng hơn cả về bề rộng lẫn chiều sâu

Trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến nay, báo Văn nghệ đã tổ chức được 12 cuộc thi sáng tác văn học lớn nhỏ, ở tất cả các thể loại: Truyện ngắn, Thơ và Bút ký. Những tác giả và tác phẩm đăng quang trong giai đoạn này đã phác thảo đúng diện mạo của một xu hướng văn chương mang trầm tích của tự do sáng tạo. Đó là các tác giả Trần Hạ Tháp, Nguyễn Đức Thiện, Trần Thị Huyền Trang, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Trọng Tín, Nguyễn Văn Đệ, Bão Vũ, Phạm Duy Nghĩa, Hà Thị Cẩm Anh, Nguyễn Hiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Sương Nguyệt Minh, Ngô Phan Lưu, Lê Hoài Lương, Cao Duy Sơn, Nhụy Nguyên, Võ Đắc Danh, Lê Thanh Kỳ, Thu Trân, Nguyễn Đức Lợi, Phan Đình Minh, Nguyễn Trường… (Văn); Trần Anh Thái, Đặng Huy Giang, Đoàn Xuân Hòa, Lê Quang Sinh, Đồng Đức Bốn, Thu Nguyệt, Nguyễn Phan Quế Mai, Nguyễn Văn Song, Nguyễn Thị Kim Nhung, Trần Đức Tín… (Thơ). Sự góp mặt của họ trên tờ Văn nghệ không chỉ khẳng định một cá tính tác giả, hay một thế hệ nhà văn mới, mà còn là biểu hiện của một xu thế sáng tác đang chuyển động và giao hòa…

*

Trước những xu hướng mới của báo chí phát triển ngày một gia tăng, bạn đọc cần nhiều ấn phẩm mới để đọc, báo Văn nghệ đến tháng 8-1993 đã ra tờ Phụ trương báo Văn nghệ khổ 29x42cm. Hoạt động được một thời gian, tờ phụ trương khổ lớn chuyển thành tờ phụ san khổ nhỏ 19x27cm. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát hiện, bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ, từ tháng 8-1995 bên cạnh tờ Văn nghệ ra hàng tuần, có thêm tờ Văn nghệ Trẻ, là một đơn vị hành chính cấp Ban của báo Văn nghệ. Từ tháng 8 đến tháng 12-1995, Văn nghệ Trẻ ra mỗi tháng một kỳ, 24 trang khổ rộng; từ tháng 1/1996 đến 30/9/1996, ra mỗi tháng hai kỳ, mỗi kỳ 24 trang; từ tháng 10/1996 đến năm 2007 ra mỗi tháng ba kỳ. Văn nghệ Trẻ ra đời trở thành “bà đỡ” cho nhiều tác giả trẻ, nhiều tên tuổi mới xuất hiện. Bên cạnh những nhà văn đang độ chín, thỉnh thoảng vẫn cho ra đời những tác phẩm văn học gây được tiếng vang, thường xuyên xuất hiện trên báo Văn nghệ như Nguyễn Khắc Trường, Tạ Duy Anh, Hoàng Minh Tường, Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái, Võ Thị Hảo, Y Ban, Thùy Dương, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Bình Phương, Trần Thùy Mai (Văn); Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Mai Văn Phấn, Trần Quang Quý, Trần Anh Thái (Thơ)… thì trên Văn nghệ Trẻ cũng nổi lên những tên tuổi mới: Phong Điệp, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Vĩnh Tiến, Vi Thuỳ Linh, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Đỗ Bích Thúy, Trần Nhã Thụy, Bình Nguyên Trang, Di Li, Tống Ngọc Hân, Vũ Thị Huyền Trang, Đoàn Văn Mật… Họ đã và đang trở thành những lực lượng chủ chốt của thế hệ nhà văn thứ 4 trong dòng chảy văn học Việt.

Văn nghệ trong đổi mới và hội nhập
Ảnh BVN

Năm 2008, Văn nghệ Trẻ nâng lên thành tuần báo và duy trì đến số báo ra ngày 23-3-2014 thì chấm dứt sứ mệnh của một tờ báo in để chuyển sang phiên bản điện tử. Trong 19 năm tồn tại và phát triển, tờ Văn nghệ Trẻ lần lượt trải qua các Trưởng ban: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thành Phong, Trần Thị Thắng, Đỗ Bạch Mai, Dương Dương Hảo, Phong Điệp; cùng với một đội ngũ phóng viên, biên tập viên, và đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên rộng khắp cả nước, đã hết sức nỗ lực để tờ báo thực sự trở thành một “vườn ươm” cho những tài năng văn học trẻ. Sự chuyển đổi tờ báo sang phiên bản điện tử là một giải pháp thích hợp nhất tại thời điểm đó, thời điểm chính thức đánh dấu sự kiện Văn nghệ bước chân vào không gian số, bắt nhịp với báo chí cả nước.

*

Cũng trong thời gian này, để góp phần phát triển nền văn học các dân tộc thiểu số anh em và yêu cầu phục vụ các trường học và đông đảo bạn đọc miền núi và dân tộc ít người, từ tháng 9-1995, Đặc san Văn nghệ dân tộc và miền núi, một phụ trương khác của báo Văn nghệ đã được xuất bản (sau tờ Văn nghệ Trẻ 1 tháng). Thời gian đầu, Văn nghệ dân tộc và miền núi là tờ báo được nhận sự đầu tư của Chính phủ, thông qua Uỷ ban Dân Tộc & Miền núi (sau này đổi tên thành Uỷ ban Dân tộc), với mục đích tìm kiếm, phát hiện, đăng tải những sáng tác văn học của các tác giả là người dân tộc, cùng với những bài khảo cứu về văn hoá, phong tục tập quán của đồng bào các địa phương trên khắp mọi miền trong cả nước, để chia sẻ, động viên, khuyến khích phong trào sáng tác văn học của các tác giả là người dân tộc, cũng như góp phần bảo tồn vốn văn hoá truyền thống đa dạng, phong phú đang tồn tại trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc anh em.

Đặc san Văn nghệ dân tộc và miền núi ra mỗi tháng một kỳ, 36 trang, cỡ 20x28cm, do nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Phó Tổng Biên tập báo Văn nghệ trực tiếp phụ trách, và 2 nhà văn đảm nhiệm thực hiện là Nguyễn Đặng Bẩy (Trưởng ban) và Trần Quốc Thực. Sau được điều chuyển, bổ sung thêm Lương Ngọc An, Trần Nga và Hoàng A Sáng. Tồn tại được 11 năm, đến tháng 10 năm 2006 thì nguồn tài trợ của Nhà nước chấm dứt. Đặc san Văn nghệ dân tộc và miền núi đổi tên thành Đặc san Văn nghệ Dân tộc và chuyển sang tồn tại bằng hình thức xã hội hóa thông qua các dự án phát triển cộng đồng. Tuy nhiên, với đặc thù của một tờ đặc san trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật, lại phục vụ cho đối tượng là đồng bào dân tộc; việc chủ động hoàn toàn về mặt kinh phí để xuất bản và phát hành tờ báo như vậy là một vấn đề hết sức khó khăn và không khả thi đối với những người thực hiện (trên thực tế, để duy trì tờ đặc san Văn nghệ dân tộc và miền núi, toà soạn vẫn thường xuyên phải chi một số tiền từ 50 đến trên 70 triệu đồng mỗi năm, ngoài con số mà Nhà nước đã hỗ trợ), vậy nên nỗ lực này kéo dài không được bao lâu, đến tháng 12 năm 2008, sau khi dự án kết thúc, đặc san Văn nghệ Dân tộc cũng chấm dứt hoạt động.

Văn nghệ trong đổi mới và hội nhập
Đại biểu khách mời và lãnh đạo báo Văn nghệ khai trương giao diện mới Báo Vannnghe điện tử, tại địa chỉ Baovannghe.vn . Ảnh BVN

Từ số đầu tiên ra đời vào tháng 9 năm 1995 đến khi kết thúc, sau gần 14 năm xuất bản, đặc san Văn nghệ dân tộc và miền núi (sau này đổi thành Văn nghệ Dân tộc), đã có nhiều tác phẩm và tác giả được nhận các giải thưởng có giá trị; nhiều cây bút lần đầu tiên xuất hiện trên tờ Văn nghệ Dân tộc sau này đã trở thành các tác giả quen thuộc với bạn đọc, một số người được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Đó có thể xem là những thành tựu mà tờ đặc san này đã làm được trong khoảng thời gian tồn tại ngắn ngủi của mình…/.

Ra mắt vở kịch rối “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản mới

Ra mắt vở kịch rối “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản mới

Baovannghe.vn - Mới đây, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã đưa vào khai sàn vở diễn rối cạn Hồn Trương Ba, da hàng thịt phiên bản 2025 với sự kết hợp rối người, con rối và rối bóng.
Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Baovannghe.vn - Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2025) - chiến thắng lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1
GV đánh giá SGK Cánh Diều có nhiều điểm mới sáng tạo, tài nguyên học phong phú

GV đánh giá SGK Cánh Diều có nhiều điểm mới sáng tạo, tài nguyên học phong phú

Baovannghe.vn - SGK Cánh Diều vừa giữ bản sắc văn học dân tộc, vừa mở rộng tầm nhìn văn hóa, giúp học sinh tiếp cận giá trị truyền thống và phong cách ngôn ngữ đa dạng.
Chiêm bao - Thơ Nguyễn Hữu Quý

Chiêm bao - Thơ Nguyễn Hữu Quý

Baovannghe.vn- Chiêm bao em đã lấy chồng/ Tôi đi xuống bến thành sông lẻ bờ
Sân chơi cho các nhà làm phim "nhí" chính thức được khởi động

Sân chơi cho các nhà làm phim "nhí" chính thức được khởi động

Baovannghe.vn - Qua ống kính trẻ thơ, sân chơi làm phim miễn phí dành cho học sinh toàn quốc vừa chính thức được khởi động.