![]() |
Kỷ niệm 75 năm Ngày Báo Văn nghệ ra số đầu tiên. Ảnh PV |
Từ đầu kháng chiến chống Pháp đến nay, đội ngũ viết văn ngày càng đông đảo và trở thành một lực lượng quan trọng góp phần đắc lực vào việc bồi dưỡng con người mới Việt Nam. Có các trường học, các cơ quan chuyên môn làm nhiệm vụ đào tạo nên đội ngũ ấy: Lớp Văn nghệ kháng chiến ở Quần Tín, trường Viết văn Nguyễn Du - Hội Nhà văn, các trại sáng tác ở Trung ương, ở địa phương và của Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng... Báo Văn nghệ đã đóng góp một phần không nhỏ vào công việc này. Cán bộ biên tập của báo hầu hết là những nhà văn, cần cù làm việc, cần cù đọc bản thảo, góp ý cho cộng tác viên sửa chữa và nâng cao chất lượng của các bài viết. Nhiều cây bút mới vào nghề, qua sự góp ý của biên tập viên, rút kinh nghiệm, đã nâng cao trình độ viết văn của mình qua từng năm tháng.
Các cuộc thi được tòa soạn liên tục tổ chức với các thể loại truyện ngắn, bút ký, thơ... Qua các cuộc thi này, báo Văn nghệ đã phát hiện được những cây bút dồi dào năng lực sáng tác và về sau trở thành những cây bút được bạn đọc yêu mến.
Từ thế hệ này qua thế hệ khác, đội ngũ cộng tác viên, đội ngũ nhà văn tập hợp xung quanh tờ báo ngày càng đông. Hầu hết những người trong đội ngũ ấy trước khi bước vào làng văn đều đi qua cánh của báo Văn nghệ. Có thể có một số nhà văn không xuất hiện tên tuổi mình trên tờ báo này tờ báo nọ, nhưng họ không thể không xuất hiện trên báo Văn nghệ. Trụ sở tòa soạn và các trang báo Văn nghệ luôn luôn là nơi gặp gỡ, giao lưu của giới văn học và nghệ sĩ Việt Nam. Các trang báo Văn nghệ cũng là nơi hội tụ của nhiều nhà văn hóa và văn nghệ sĩ nổi tiếng của nước ta. Đặc biệt giai đoạn gần 20 năm, từ 1995 đến 2014, khi báo Văn nghệ mở thêm 2 phụ trương Văn nghệ Trẻ và Văn nghệ Dân tộc và miền núi (thực tế thời gian này còn có thêm một Phụ bản Thơ ghép vào với báo Văn nghệ, xuất bản mỗi tháng một kỳ. Phụ bản Thơ này sau tách riêng ra để phát triển thành Tạp chí Thơ, một cơ quan báo chí cấp 2 trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam) thì công tác phát hiện, bồi dưỡng và tập hợp đội ngũ sáng tác càng được thể hiện rõ hơn. Nhiều tác giả xuất hiện lần đầu tiên trên các ấn phẩm của báo Văn nghệ sau một thời gian được động viên, khuyến khích, đã trở thành các tác giả vững vàng, nhiều người được nhận những giải thưởng có giá trị trong các cuộc thi sáng tác văn học ở Trung ương và địa phương. Rất nhiều người trong số đó sau này đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước, suốt mấy chục năm qua chúng ta không có một tờ báo nào, một tạp chí nào chuyên giới thiệu văn học nước ngoài cho bạn đọc Việt Nam. Mấy năm đầu thập kỷ 80, Hội Nhà văn có in rô-nê-ô tạp chí Văn học nước ngoài, mỗi số in vài trăm bản để bán cho hội viên. Các tờ báo khác cũng chỉ in lẻ tẻ một số truyện dịch và một vài thông tin về văn học nước ngoài.
Để bù vào khoảng trống ấy, báo Văn nghệ đã thường xuyên dành mỗi số hai trang để in văn học dịch của nước ngoài. Việc giới thiệu này chưa thật có hệ thống và chưa vươn tới được nhiều nền văn học ở năm châu. Nhưng qua hai trang báo này, đông đảo bạn đọc đã làm quen được với các tác phẩm lớn của những tác giả cổ điển và hiện đại trên thế giới. Trước đây, báo Văn nghệ đã dành nhiều số chuyên đề về Liên Xô (cũ), Trung Quốc và các nước Đông Âu. Sau này, trên trang văn học nước ngoài, vẫn tiếp tục ra chuyên đề về văn học Nga nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười hàng năm, chuyên đề về văn học Trung Quốc hiện đại nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa...
Văn học các nước xã hội chủ nghĩa khác: Cu-ba, Lào, Cămpuchia, Bun-ga-ri, Triều Tiên... cũng được giới thiệu khá đậm.
Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm kéo dài 30 năm, nhất là trong thời gian chống Mỹ, chúng ta đã tranh thủ được sự đồng tình của các nhà văn lớn trên thế giới. Qua báo Văn nghệ, họ đã lên án đế quốc Mỹ, ủng hộ nhân dân ta, bằng những lời phát biểu trực tiếp, hoặc bài báo, hoặc bằng tác phẩm văn học. Suốt trong những năm bom đạn ác liệt ấy, họ đã trở thành người bạn thân thiết của giới văn học nghệ thuật Việt Nam: Nê-ru-đa, Ma-đơ-len Rip-phô, Ghi-den, Đi-mi-tơ-rô-va, An-bec-ti, Pi-ta Rô-đơ-ri-ghết, Ghi-ôm, Xa-ra Lít- man, Xi-mô-nốp…
Từ năm 1982 đến năm 1989, báo Văn nghệ kết nghĩa với báo Văn học của Hội Nhà văn Liên Xô. Hàng năm, hai tòa soạn thông báo cho nhau biết những thông tin về văn học nghệ thuật và trao đổi phóng viên để viết bài và học tập kinh nghiệm làm báo.
Năm 1980, kỷ niệm 1300 năm thành lập nước Bun-ga-ri, đồng chí Tổng biên tập được mời sang dự và được Nhà nước Bun-ga-ri trao tặng Kỷ niệm chương.
Năm 1997, Đại sứ Cu-ba tại Hà Nội thay mặt Nhà nước Cu-ba trao tặng báo Văn nghệ Huy chương hữu nghị.
Từ 1998 đến nay, hoạt động đối ngoại và giao lưu văn học của báo Văn nghệ chủ yếu thông qua các hoạt động đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam. Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Hội, Văn nghệ đã liên tục cập nhật và phản ánh các hoạt động giao lưu văn học do Hội chủ trì: Các tổ chức liên hoan thơ Quốc tế; Giao lưu quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài; các buổi tọa đàn, bàn tròn văn học với các tổ chức văn bút quốc tế… góp phần vào sự thành công của các sự kiện này. Nhiều nhà thơ, nhà văn của báo Văn nghệ cũng đã tham gia các đoàn công tác, giao lưu văn học của Hội Nhà văn Việt Nam với vai trò cá nhân hoặc đại diện… Trong công tác chuyên môn, chuyên mục Văn học nước ngoài của báo Văn nghệ ngày càng được mở rộng, giới thiệu thêm nhiều nền văn học khác trên thế giới như Đức, Ba Lan, Hung-Ga-Ri, Bỉ, Nhật Bản, Ấn Độ, Slovenia, Azerbaijan, Uzbekistan, Costa Rica, Hàn Quốc, … Các hoạt động ngoại giao của Đảng và Nhà nước, các giải thưởng văn học quốc tế và khu vực mà Việt Nam tham gia đều được phản ánh kịp thời và đậm nét với phong cách riêng của báo Văn nghệ, tạo được ấn tượng tốt đối với độc giả.