Chuyên đề

Về loại tiểu thuyết bị cấm trong lịch sử Trung Quốc

Câu chuyện văn hoá
07:11 | 07/02/2021
Trừ chuyện “đốt sách chôn nho” của Pháp gia ra, thì lịch sử Trung Quốc ở đây, chủ yếu chỉ nói chế độ phong kiến với ý thức hệ Nho giáo chính thống. Đối với chế độ nô lệ, thì giai cấp phong kiến là giai cấp “cách mạng”. Cần chú ý tính chất tiến bộ này của giai cấp thống trị nói chung mới xuất hiện trên vũ đài lịch sử với tư cách là đại diện cho toàn bộ xã hội, mặc dù lúc này cũng không thể đánh đồng hoàn toàn tư tưởng tình cảm giữa họ với nhân dân
aa

Trừ chuyện “đốt sách chôn nho” của Pháp gia ra, thì lịch sử Trung Quốc ở đây, chủ yếu chỉ nói chế độ phong kiến với ý thức hệ Nho giáo chính thống. Đối với chế độ nô lệ, thì giai cấp phong kiến là giai cấp “cách mạng”. Cần chú ý tính chất tiến bộ này của giai cấp thống trị nói chung mới xuất hiện trên vũ đài lịch sử với tư cách là đại diện cho toàn bộ xã hội, mặc dù lúc này cũng không thể đánh đồng hoàn toàn tư tưởng tình cảm giữa họ với nhân dân.

Mác và Anghen chỉ ra rằng: “Giai cấp cách mạng phải đương đầu với một giai cấp, nên ngay từ đầu nó đứng ra không phải với tư cách là một giai cấp mà với tư cách là toàn xã hội, nó đứng ra với tư cách là toàn thể quần chúng trong xã hội đương đầu với chỉ một giai cấp thống trị mà thôi. Nó có thể làm được như thế vì rằng ban đầu lợi ích của giai cấp cách mạng đó còn thực sự gắn liền với lợi ích chung của tất cả các giai cấp khác không có địa vị thống trị, và vì rằng dưới sức ép của những hoàn cảnh trước kia, lợi ích đó chưa phát triển thành lợi ích riêng của một giai cấp riêng biệt”([1]). Chỉ khi nào nền thống trị đã thiết lập và củng cố, thì giai cấp cầm quyền mới thoái hóa dần. Cho nên những chính sách tiêu cực, phản động không thể xuất hiện tất cả ngay từ thời đầu của Nho gia, mà dần dần về sau mới hình thành toàn diện. Chỉ cần nhắc lại Khổng Tử thời tiên Tần vốn không xem nhẹ “dục” (ham muốn) của con người, và luôn phát biểu: “Kỷ dục lợi nhi lợi nhân”, “kỷ dục đạt nhi đạt nhân”, “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Minh muốn lợi thì cũng làm lợi cho người; Mình muốn thành đạt thì cũng làm cho người thành đạt; Điều mình không muốn thì không nên gán cho người) đều mang tính nhân bản cao. Đến Đổng Trọng Thư đời Hán thì chủ trương “tổn duc” (bớt ham muốn), và đến đời Tống Chu Trình mới kiên quyết thực hiện “vô dục”, “khứ dục”, “diệt dục”. Cái gọi là “Văn trị” của Tống Nho, thật ra bao hàm sự chuyên chế về văn hóa, nhất trí với chế độ trung ương tập quyền cao độ về chính trị, kinh tế, quân sự v.v… Cho nên cũng không phải ngẫu nhiên đến đời Tống, chế độ phong kiến tổng khủng hoảng, giai cấp thống trị mới cấm đoán những sách vở tiểu thuyết chống đối chế độ và lễ giáo phong kiến. Đời Hiếu Tông năm thứ 7 mới ra lệnh cấm khắc in những “dị thuyết thư tịch”… Để ra sức duy trì chế độ phong kiến. Tống Nho đã hệ thống hoá nhừng thành phần duy tâm và lạc hậu của Khổng giáo, rồi pha trộn vào đấy những thành phần tương ứng của Phật Giáo, hun đúc thành khoa Lý học rất khắc nghiêt. Nhưng đến đời Minh, xuất hiện Tâm học của Vương Dương Minh, đã công kích Lý học dữ dội, mà tiêu biểu là Lý Trác Ngô. Ông cho rằng tác phẩm văn hóa văn học cần phải nói lên lòng căm ghét, bất bình của con người với hiện thực khách quan: “thà để người xem người nghe nghiến răng, nghiến lợi, muốn giết, muốn xẻo, chứ không thể cất giấu nơi danh sơn, hay bỏ vào nước lửa được” (Tạp thuyết). Điều này đã có tác dụng cổ vũ lớn lao cho loại tiểu thuyết bạch thoại manh nha từ những truyện ngắn truyền kỳ đời Đường, phản ảnh chân thực đời sống hiện thực và tâm linh của nhân dân. Nhưng đến thời Sùng Chính, nông dân đói khổ nổi lên bạo động, đả phá đế quốc Đại Minh, có một người tên là Lý Thanh Sơn tụ tập dân chúng lên Lương Sơn để phản loạn. Các cận thần trong triều cho rằng Lý muôn làm phản như Tống Giang, và đến năm Sùng Chính thứ 15, Thủy Hử truyện bị xem là “tặc thư”, đã ra lệnh cấm, hủy.

Trong “tứ đại kỳ thư” đời Minh chỉ có hai bộ không bị cấm là Tam quốc diễn nghĩa và Tây du ký.

Trái với triều Nguyên cũng là ngoại thuộc nhưng ngắn ngủi, vẫn tiếp tục thi hành chính sách văn hoá chuyên chế của đời Tống là chính, triều đai Thanh trên dưới ba bốn trăm năm, tuy cũng tiếp tục chính sách đó, nhưng cũng có sự tiếp biến. Các triều đại trước chú yếu cảnh giác với tầng lớp sĩ đại phu, triều Thanh còn rất lưu ý đến tâm trạng và ý thức thức dân tộc rộng rãi ở Trung Quốc, thể hiện trong những tiểu thuyết thông tục. Năm Thuận Trị thứ 9 (1652), và năm Khang Hy thứ 2 đều ra sắc lệnh cấm chỉ những sách vở “xú ngữ dâm từ”. Năm Khang Hy thứ 26 ra sắc lệnh “tất cả tiểu thuyết có lời lẽ dâm ô, phải hủy sạch các bản cũ, vĩnh viễn trừ tận gốc”([2]). Năm Khang Hy thứ 40, và 48 đều lặp lại lệnh cấm này. Đến năm Khang Hy thứ 53 đã cố định sắc lệnh này vào Đai Thanh luật lệ. Mặc dù luôn luôn xuống chỉ dụ nhắc nhở, triều đình vẫn thường nhấn mạnh không được mua bán tiểu thuyết dâm ô trên thị trường, đồng thời không ngừng kiểm tra các quan lại địa phương nào lơi lỏng việc này. Năm Càn Long thứ 18 ra lệnh cấm Thủy Hử, đặc biệt là không được dịch ra tiếng Mãn Châu. Năm Đao Quang thứ 14 (1834) cấm tiệt Thủy Hử, đồng thời cũng lệnh cấm tàng trữ những tiểu thuyết truyền kỳ diễn nghĩa. Cho mãi đến năm Quang Tự thứ 26 (1900), triều đình nhà Thanh vẫn kiên trì lệnh cấm khắc in các tiểu thuyết tà dâm v.v...

Trong suốt mấy trăm năm triều Thanh, trung ương cùng như địa phương đã cấm đoán bao nhiêu tiểu thuyết, rất khó nói, vì lệnh cấm chỉ nói chung chung “tiểu thuyết dâm từ”, nhưng mức độ nghiêm khắc hay có phần dễ dãi thì còn tùy theo địa phương. Năm Khang Hy thứ 26 (1687) có công khai danh sách gồm 150 bộ tiểu thuyết bị cấm, nhưng hiện danh sách đó đã thất truyền. Thời Càn Long thì có gần 109 loại bị cấm như Đơn trung lục; Trấn hải xuân thu v.v… Năm Gia Khánh thứ 15 (1810) thì có 5 loại bị cấm như Đăng Thảo hòa thượng; Như ý quân truyện; Nồng tình khoái sử; Chu lâm dã sử; Nhục bồ đoàn... Năm Đạo Quang thứ 18 (1838), riêng tỉnh Giang Tô đã cấm 115 loại. Năm Đạo Quang thứ 24, riêng tỉnh Triết Giang cấm 119 loại v.v... Trong mấy trăm loại bị cấm đó có tiểu thuyết là chính, nhưng cũng có truyện ngắn, truyện bạch thoại, nhưng cũng có truyện văn ngôn. Đa số tiểu thuyết bị cấm dần dần đều sưu tầm lại được, kể cả những bản chép tay. Tất nhiên cũng có những tiểu thuyết gần như bị tuyệt diệt, như Hồng lâu trùng mộng v.v….

Có không nhiều những tiểu thuyết như Trấn Hải xuân thu, Thuyết nhạc toàn truyện… có liên quan đến các vấn đề thành lập và củng cố chính quyền ngoại tộc Mãn Thanh, ít nhiều có khả năng thức tỉnh ý thức dân tộc Hán, tất nhiên là bị cấm đoán. Đại đa số tiểu thuyết bị cấm hủy vì gây ô nhiễm phong tục lễ giáo, kích thích bạo lực tà dâm mà Thủy Hử, Kim Bình Mai thường đươc nêu tên. Hiển nhiên những tiểu thuyết này có xen kẽ măt tiêu cực. Nhưng rõ ràng cả hai bộ tiểu thuyết đều chống lại sự chuyên chế về văn hóa trên cơ sở Lý học của Tống Nho.

Trong “tứ đại kỳ thư” đời Minh có hai bộ không bị cấm là Tam quốc diễn nghĩa và Tây du ký. Riêng về Tam quốc diễn nghĩa, có lẽ vì quá trình hình thành dằng dặc, đã thu hút nhiều quan niệm của mọi tầng lớp xã hội mà giai cấp thống trị thời nay có thể khai thác, lợi dụng được. Nhưng nói chung nhất, thì giai cấp thống trị đời Thanh có thái độ tương đối cởi mở với loại tiêu thuyết lịch sử và thần kỳ, vì nó xa cách những vấn đề thời sự chính tri đương thời. Trong danh mục tiểu thuyết lịch sử rất đông đúc, chỉ bị cấm có Tiền thất quốc chí, Bắc sử diễn nghĩa, Tùy Đường... Còn loại tiểu thuyết thần kỳ bị cấm cũng chỉ có Nữ tiên ngoại sử, Lục dã tiên tông... mà cũng vì trong đấy có nhiều tình tiết dâm ô, tạo phản v.v… Rốt cục lại thì chỉ có loại tiểu thuyết nhân tình thế sự đời tư là bị cấm nhiều nhất... Tiểu thuyêt nhân tình đời tư viết về hôn nhân gia đình, quan hệ trai gái cả về tình yêu lẫn tình dục có thể nói Kim Bình Mai đặt nền móng và Hồng lâu mộng phát triển sâu rộng loại tiểu thuyết này. Thật ra yếu tố tình dục trong tiểu thuyết đã có khá sớm, từ Phi Yến ngoại truyện thời Minh sơ, phát triển qua thời trung vãn Minh với Như Ý quân truyện và truyền lại cho Kim Bình Mai. Có ý kiến cho rằng Hồng lâu mộng không mô tả trực diện hành vi tính duc, mà chỉ gợi tả từ tình yêu, cho nên đáng lẽ không bị cấm. Cách nhìn này hơi thiên về đời nay, còn lễ giáo phong kiến chỉ thừa nhận hình thức duy nhất về quan hệ trai gái giữa vợ chồng với nhau mà thôi, với mục đích là “trên thì để phụng sự tôn miếu, dưới là để nối dõi về sau” (Lễ ký). Còn ngoài ra đều là hành động dâm ô! Cho nên hôn nhân không phải là chuyện cá nhân, mà là vấn đề của gia tộc và phải tiến hành theo con đường “phụ mẫu chi mệnh, mối ước chi ngôn”. Trên thực tế, hôn nhân chỉ là hình thức luân lý để bài trừ chuyện tình dục theo tình yêu cá nhân. Với lễ giáo thì hình thức này có một ý nghĩa nền tảng quan trọng. Trong Chu Dịch có viết: “Có trời đất rồi mới có vạn vật, có vạn vật rồi mới có nam nữ, có nam nữ rồi mới có vợ chồng, có vợ chồng rồi mới có cha con, có cha con rồi mới có quân thần, có quân thần rồi mới có trên dưới, có trên dưới rồi mới có lễ nghĩa”. Chúng ta thấy vai trò quan trọng của hôn nhân trong mối quan hệ tổng thể từ trời đất đến lễ nghĩa của con người. Hồng lâu mộng vi phạm điều này, mặc dù không thiên về mô tả trực tiếp hành động tính dục…

Nhưng ngày nay xem lại hàng trăm tiểu thuyết bị cấm được sưu tầm lại thì tuyệt đa số đều kém chất lượng. Khác với sản xuất vật chất, văn nghệ là loại sản xuất tinh thần, nếu chỉ cho ra loại thứ phẩm, nhất là loại phế phẩm thì chả biết để làm gì. Cho nên mặc dù mang động cơ xấu, nhưng về mặt khách quan thì việc cấm đoán tiểu thuyết này cũng là cần thiết. Trái lại cấm đoán những kiệt tác như Kim Bình Mai là hoàn toàn sai lầm. Ở đây không những có lập trường phản động, mà còn có sự thiếu hiểu biết về động cơ chủ quan của tác giả, cùng ý nghĩa và tác dụng khách quan của tác phẩm. Kim Bình Mai dựa vào tình tiết 4 hồi Võ Tòng sát tẩu trong Thủy Hử, sáng tạo ra một cuốn tiểu thuyết trường thiên hàng trăm hồi xoay quanh nhân vât Tây Môn Khánh cường bạo và dâm đãng. Hắn vốn đã có một thê hai thiếp, lại còn thông gian với Phan Kim Liên rồi tìm cách giết chồng nàng. Hắn còn cưới luôn cô quả phụ Mạnh Ngọc Lầu, lấy luôn con sen của Phan Kim Liên là Bàng Xuân Mai, chiếm luôn cả Lý Bình Nhi, vợ của người bạn thân sinh được một con, bị Phan Kim Liên ganh ghét, đối xử tệ hại, cho nên cả hai mẹ con đều chết yểu. Chẳng bao lâu sau, tiếp tục sống cực kỳ hoang dâm, Tây Môn Khánh cũng lìa đời. Phan Kim Liên và Bàng Xuân Mai lại cùng thông dâm với chàng rể của Tây Môn Khánh. Về sau Phan Kim Liên bị Võ Tòng giết. Bàng Xuân Mai cũng bất đắc kỳ tử… Đúng là một bộ tiểu thuyết đầy chuyện dâm ô. Nhưng ở đây dâm ô bị lên án chứ không phái ngược lại. Chính tác giả Tiếu Tiếu Sinh đã nói quá rõ ràng: “Lẽ trời là ban phúc cho người thiện và giáng hoạ cho kẻ dâm ác. Kẻ ác làm khổ người hiền lương thì rốt cuộc phải chịu tai họa… Sở dĩ lúc đầu nói về quyền thế nghiêng trời lệch đất là để làm nổi bật sự suy bại cùng cực sau này. Một thiện, môt ác, một thịnh một suy, cái nhân lúc trước, cái quả lúc sau, thật rõ ràng, như vậy là để răn kẻ ác, khuyến người thiện đấy chứ, tại sao lại còn sợ thiên hạ hạ đọc truyện rồi bắt chước điều xấu”([3])

Sự không hiểu biết của chính sách chuyên chế cực đoan càng tỏ ra không cần biết tác phẩm hay sẽ có nhiều đóng góp mới mẻ chưa từng có cho lịch sử nghệ thuật dân tộc. Kim Bình Mai là tác phẩm cuối đời Minh, tất nhiên nó có kế thừa các tác phẩm trước đó, nhưng quan trọng hơn là nó có những sáng tạo, làm chiếc cầu cho những tiểu thuyết mang tính chất anh hùng ca, như Tam quốc, Thủy Hử, Tây du ký ở đời Minh quá độ sang các tiểu thuyết mang tính chất đời thường như Hồng lâu mộng, Nho lâm ngoại sử ở đời Thanh. Điều này thể hiện ở ba mặt sau: Trước hết nếu Tam quốc chủ yếu lấy đề tài ở quá khứ, thì Kim Bình Mai cơ bản khai thác mô tả những con người và sự việc trong thời đại của mình. Thứ hai, nếu Tam quốc đặt trọng tâm ở việc khắc họa những vương hầu khanh tướng, thì Kim Bình Mai lại chú ý mô tả những con người bình thường, kể cả bọn vô lại ở thành thị. Thứ ba, nếu Tam quốc viết trên cơ sở những truyện kể dân gian, thì Kim Bình Mai chủ yếu là tác phẩm cá nhân. Những tác phẩm như thế này mà bị cấm đoán là hành động phản văn hóa vây.

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021

________

[1] Mác, Anghen tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà Nội 1962, tâp I, tr.47

[2] Trung quốc cổ đại cấm hủy tiểu thuyết mạn thoại, Lý Thời Nhân. Hán ngữ đại từ điển, xuất bản xã, Thượng hảỉ 1999, tr.4

[3] Phương Lựu, Lý luận phê bình văn học, Nxb Đà Nẵng 2004, tr.699


Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.