Sự kiện & Bình luận

Tuổi thơ tản cư - Hồi ức của Lại Nguyên Ân

Lại Nguyên Ân
Bút ký phóng sự
10:44 | 09/07/2024
Tôi sinh ra tại quê mình làng mình, nhưng tuổi thơ tôi lại trải ra theo những vùng đất tản cư, không chỉ trong phạm vi tỉnh Hà Nam mà còn vào đến tận xứ Thanh!
aa

Tôi sinh ra tại quê mình làng mình, nhưng tuổi thơ của tôi lại trải ra theo những vùng đất tản cư, không chỉ trong phạm vi tỉnh Hà Nam mà còn vào đến tận xứ Thanh!

Năm 1950, quân Pháp từ Hà Nội đánh lan ra đến Hà Nam. Các cơ quan của Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh rời thị xã Phủ Lý, chuyển vào huyện Lạc Thủy (lúc đó thuộc tỉnh Hà Nam, sau này thuộc tỉnh Hòa Bình). Ba tôi làm việc ở Ban bảo vệ công quỹ tỉnh (về sau ban này trở thành Ty Tài chính) trực thuộc Ủy ban, nên cũng đưa gia đình tản cư theo cơ quan. Gọi là đi theo cơ quan, là vì cơ quan đến đóng ở đâu thì những gia đình của cán bộ cơ quan ấy cũng sẽ tìm ở nhờ hoặc thuê ở nhà dân gần vùng đó, để hết ngày làm việc thì cán bộ có thể về sum họp với gia đình. Tản cư thời đó có nghĩa là tất cả mọi người đều đi bộ, người lớn phải gồng gánh đồ dùng, quần áo; trẻ con ba bốn tuổi trở lên hầu hết đều chân đất, đi bộ.

Chúng tôi theo quốc lộ 21 qua Chi Nê rồi dừng lại ở xã Xích Thổ huyện Lạc Thủy; ban đầu ở nhờ nhà dân địa phương, sau cất tạm căn nhà lá cạnh đường. Ít lâu sau đó vì máy bay địch thường xuyên bay dò xét dọc theo tỉnh lộ 12 nên nhà tôi chuyển vào mạn đồi cách đường vài cây số dựng nhà ở tạm.

Tình hình chiến sự căng thẳng thêm, cơ quan tỉnh Hà Nam di chuyển vào Thanh Hóa. Các gia đình theo cơ quan tỉnh lại lếch thếch cùng nhau đi bộ và gồng gánh từ Xích Thổ xuống Nho Quan (Ninh Bình) rồi đi vào địa phận tỉnh Thanh Hóa, qua Rịa, Kim Tân, xa thêm nữa. Không nhớ cơ quan ba tôi đóng ở xã huyện nào, chỉ nhớ gia đình tôi ở nhờ nhà dân tại một xã thuộc huyện Thiệu Hóa. Mấy chị em tôi ở nhà với bà bác già (là chị gái ba tôi, bác ở góa, không có con, tản cư theo gia đình tôi), mẹ tôi đi làm thuê, chủ yếu là cấy gặt thuê, được trả công bằng thóc.

Có lần chị em tôi trông đỏ mắt, mãi sẩm tối mới thấy mẹ về, người phờ phạc, quần áo nửa khô nửa ướt. Hóa ra mẹ đi gặt lúa thuê, phải qua sông, lúc về, vì chở đầy nên đò chìm. Vốn chỉ biết bơi sơ sơ nhưng mẹ nắm chặt lấy chiếc đòn xóc, hai đầu đòn xóc là hai bó lúa nổi dập dềnh, thế nên không chìm; may mà sau đó có toán cứu hộ đến kịp. Lần ấy mẹ tôi ốm liền đến vài tuần. Sau này, khi kể lại vụ việc nguy hiểm này, mẹ bảo: lúc đang cùng gánh lúa nổi giữa sông, chỉ buông tay là chìm, mình nghĩ đến con, đứa nhỏ nhất mới 2 tuổi, nên quyết nắm chắc đòn xóc, chờ người đến cứu!

Có lẽ vì dạo ấy tôi tuổi còn khá nhỏ nên gần như không giữ được ấn tượng nào về thời gian ở xứ Thanh, có chăng là ký ức về một cái giếng làng mùa ngập nước, mặt giếng nổi phập phềnh những tượng gỗ đồ gỗ còn rõ màu son, có lẽ là những pho tượng và đồ thờ vốn đặt ở đình chùa, bị người ta đem quăng xuống hồ xuống ao, có lẽ trong những đợt vận động chống mê tín dị đoan nào đó. Một cảnh quá lạ so với tầm nhận biết của đứa trẻ lên năm, nên tôi còn nhớ.

Ít lâu sau các cơ quan tỉnh trở ra Hà Nam, lại về Lạc Thủy; các gia đình lại đi bộ trở ra. Tôi trải qua thêm một chuyến đi bộ mà đôi khi mỏi quá, tôi kêu với mẹ: “Con rụng chân rồi đây này!”. Lần trở ra ấy, lúc đi qua Rịa hay Kim Tân, chúng tôi được nghỉ lại vài giờ ở gần đền Sòng, được xem đoạn suối có đàn cá hàng trăm con, dày đặc một quãng suối nước trong, nhìn rõ tận đáy; sau này nghe nói người ta gọi đó là đàn “cá thần”.

Lần trở ra này, ba mẹ tôi thuê người dựng nhà trên một sườn đồi ở xã Xích Thổ. Để tránh máy bay hay tuân theo quy định nào đó, các ngôi nhà phải cách nhau rất xa. Tôi nhớ, suốt dọc sườn đồi ấy chỉ độc có một ngôi nhà là nhà tôi. Từ nhà tôi phải đi lên đỉnh đồi rồi đi xuống chân đồi bên ngoài, qua một cánh đồng nữa mới tới làng, ở cạnh đường cái. Ngay dưới chân đồi phía bên trong sườn đồi nhà tôi ở là con suối, qua suối là vào rừng, tức là khu vực có cây cối to cao rậm rạp. Có lần tôi theo mẹ vào rừng nhặt hạt dẻ, rồi gặp mưa, nước suối lên không dám lội qua, phải chờ mấy giờ sau nước rút mới qua suối về nhà.

Từ Thanh Hóa trở ra Lạc Thủy ít lâu, nhà tôi lâm một tai nạn khác. Vốn là thời gian đóng ở Thanh Hóa, một lần do phát tiền vào ban đêm, đèn dầu tù mù, bác thủ quỹ kho bạc tỉnh phát nhầm loại tiền mệnh giá nhỏ sang loại tiền mệnh giá lớn (lúc ấy là tiền tài chính của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới phát hành ít lâu), nên để mất một khoản tiền khá lớn, tính bằng chục vạn; những người được lĩnh nhầm không tự giác đem trả. Kho bạc trực thuộc ban bảo vệ công quỹ tỉnh, ba tôi là trưởng ban nên phải chịu trách nhiệm chính. Cùng với việc bị phê bình kiểm điểm, ba tôi còn bị Ủy ban tỉnh quyết định phải đền kho bạc tỉnh một số tiền khá lớn. Lấy đâu ra tiền đền cho công quỹ? Ba bàn với mẹ, chỉ còn trông cậy vào số ruộng ông bà ngoại cho mẹ tôi. Thế là, dù đang mang thai đứa em tiếp theo của chúng tôi, mẹ tôi cũng phải đi bộ trở về quê ngoại Tràng Châu đang là vùng tạm chiếm, tìm người mua để bán đi hai sào đất ruộng, đem tiền trở ra cho ba tôi trả nợ kho bạc tỉnh.

Khi từ Thanh Hóa trở lại Xích Thổ, bác gái chị của ba tôi trở về quê; chỉ còn ba mẹ tôi với bốn chị em chúng tôi. Suất lương của ba tôi tất nhiên không đủ sống. Mẹ tôi phải làm thêm, có lúc đi làm các việc cấy hái, gặt lúa, thu hoạch hoa màu thuê cho dân sở tại, có khi đi rừng lấy củi gánh ra phố bán. Chị tôi phải bỏ học để ngày ngày cùng mẹ đi làm thuê hoặc đi lấy củi. Xung quanh nhà là đồi cây sim mua, đất đồi lẫn sỏi đá, nên mẹ tôi phát cây dọn cỏ, nhặt sỏi đá, tạo thành một cái vườn nhỏ, vun thành mấy luống đất trồng rau ăn, mấy luống hành tỏi, nhất là rau cải, thứ cải bẹ mà khi cây hơi lớn là có thể “lai chân” tức là ngắt các tàu lá to gần gốc để ăn, cây sẽ mọc tiếp các lớp lá mới. Nhà tôi cũng chăn nuôi, một đàn gà, một vài con chó, như hầu hết các nhà tản cư khác.

Cũng vào lúc trở ra Xích Thổ lần này, tôi bắt đầu đi học. Từ nhà tôi đi một quãng không xa lắm lên đỉnh đồi, rồi xuống chân đồi, qua cánh đồng, ra đến làng, vào lớp học, đặt ở một ngôi nhà rộng rãi. Tôi đã học lớp vỡ lòng (hoặc lớp một) ở đấy.

Mấy chị em tôi đã được ba tôi dạy tập viết ở nhà. Được học viết chữ, nhận ra mặt chữ, nhưng không có gì để đọc.

Có lần, một đơn vị bộ đội đến đóng ở vùng nhà tôi tản cư. Tốp các anh ở nhờ nhà tôi có lẽ là một tiểu đội; các anh hàng ngày đi tập ở các địa điểm xa hoặc gần nhà. Buổi tối các anh trải chiếu cá nhân xuống nền nhà gian giữa; mẹ tôi, em trai bé và hai chị em gái nằm trong buồng tức một gian chái nhà gần bếp; tôi sáu bảy tuổi rồi nên nằm giường ở gian nhà ngoài, cùng các anh bộ đội.

Ba tôi hồi ấy đang đi họp trên Việt Bắc. Trong số các anh bộ đội ở nhà tôi có một anh khá thân với mấy đứa trẻ con chúng tôi. Có một kỷ niệm vui là lúc đó, con chó nhà tôi nuôi đẻ một lứa bốn con, trong đó một con lúc lớn lên thì bụng cứ to phình ra như bụng chửa. Chó con mới vài ba tháng tuổi mà to bụng thì người ta gọi là bị báng. Không biết chữa thế nào, mẹ tôi đành cứ để bụng nó kềnh càng như thế giữa những con bình thường khác. Anh bộ đội ấy nói anh có thể chữa, và mẹ tôi đồng ý để anh làm. Anh chữa bằng cách chọc một vết nhỏ ở bụng nó để nước báng chảy ra, màu nước trong như nước lã, rồi anh khâu bụng nó lại bằng chỉ khâu thường. Vậy mà con chó con lành lặn trở lại như thường. Cũng từ đấy tôi thân với anh hơn. Có một lần, anh lấy một cuốn sổ nhỏ, chép cho tôi một bài thơ, không biết là của anh sáng tác hay của ai.

Tôi đứng bên này sông

Bên kia vùng giặc đóng

Làng tôi đấy, sạm đen màu tiết đọng

Tre, cau buồn tóc rũ ướt mưa sương

Màu trăng vôi lồm lộp mấy khung tường

Nếp đình xưa, người hỡi đau gì không

.

Tôi là anh lính chiến

Rời quê hương tự dạo máu khơi dòng

Buông tay gầu, vui lại thuở bình Mông

Ghì nấc súng nhớ ơi ngày đắc thắng

Chân chưa vẹt trên nẻo đường vạn dặm

Áo nào phai không sót chút màu xưa

Tôi có người vợ trẻ

Đẹp như thơ

Tuổi chớm đôi mươi cưới buổi dâng cờ

Má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín

Ai ra đi mà không từng bịn rịn

Rời yêu thương nào đã mấy ai vui

Em lặng buồn nhìn với lúc chia phôi

Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ

Tôi lại còn người mẹ

Tóc đã ngả màu bông

Tuổi già non thế kỷ

Lưng gầy uốn nặng kiếp long đong

Nắng mưa từ buổi tang chồng

Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon

Này anh đồng chí

Người bạn pháo binh

Đã đến giờ chưa nhỉ

Mà tôi nghe như trại giặc tan tành

.

Anh rót cho khéo nhé

Kẻo lại nhầm nhà tôi

Nhà tôi ở cuối thôn đồi

Có giàn thiên lý, có người tôi thương.

Tôi đọc và thuộc gần hết bài thơ ấy. Mãi đến giữa những năm 1980, tôi mới biết đấy là bài thơ Nhà tôi của nhà thơ Yên Thao.

Anh bộ đội từng đóng quân ở nhà tôi và chép cho tôi bài thơ ấy, liệu có phải chính là nhà thơ Yên Thao? Tôi nghĩ chắc không phải! Chỉ tin rằng đó là một người lính yêu thơ.

Có lẽ cho rằng lúc ấy tôi mới dăm sáu tuổi, chưa thích hợp để đọc kiểu thơ “người lớn” ấy, nên lúc đi họp Việt Bắc trở về, ba tôi xem qua cuốn sổ rồi cẩn thận xé bỏ mấy trang chép thơ ấy, đưa lại cho tôi nguyên cuốn sổ giấy trắng!

Thời gian nhà tôi ở ngôi nhà đồi ấy tại Xích Thổ có lẽ trải dài vài năm, trước khi chúng tôi lại chuyển vào vùng gọi là “căn cứ du kích” ở huyện Bình Lục, khi cơ quan tỉnh Hà Nam đã chuyển về đó.

***

Vài năm ở Xích Thổ, nhà tôi thỉnh thoảng lại có khách, đôi khi khách khá đông, ấy là đoàn các bác bên ngoại từ Tràng Châu đang là vùng tạm chiếm, đi ra “vùng tự do” - tức là vùng do quân của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa chiếm giữ - thăm gia đình tôi. Mẹ tôi vốn là em út trong gần chục anh chị em. Mỗi lần như thế nhà tôi đông như hội; mẹ tôi vui lắm, tuy việc cơm nước cũng vất vả thêm so với thường ngày.

Nhưng thông thường khách chỉ là một người. Có mấy lần các anh họ bọn tôi ghé đến. Một anh con ông bác là bộ đội, đi công tác ghé qua; nhà xa phố thế mà không biết bằng cách nào cũng gọi được thợ ảnh đến chụp ảnh. Tấm ảnh ấy nay không còn, tôi vẫn nhớ trong ảnh là ông anh người khá cao, áo trấn thủ đứng bên một bầy bốn đứa em họ thấp tịt lau nhau.

Lần khác là anh bên ngoại, con ông bác anh ruột mẹ tôi. Anh đang học trung học trong thành (Hà Nội) phải chạy trốn bắt lính! Nghe bảo con đường anh chạy khỏi Hà thành khá phiêu lưu và tốn kém. Phải lấy vé máy bay đi Đà Lạt, rồi đi xe lửa quay ra, rồi lại bỏ tàu hỏa đi theo đường tắt thế nào đó, ra “vùng tự do”. Anh ở nhà tôi khá lâu, vào học một trường trung học cách chỗ nhà tôi hàng chục cây số. Ít lâu sau, có lẽ tìm được nơi trọ gần trường, anh chuyển hẳn tới ở đó trọ học cho gần; đến hòa bình lập lại anh mới trở về quê nhà. Sau này anh làm giáo viên dạy toán trường phổ thông ở thị xã Phủ Lý.

Những tuần anh ở nhà tôi, chị em tôi rất vui, vì anh có cây đàn, không nhớ là đàn mandoline hay guitar, thỉnh thoảng anh ngồi gảy đàn và hát. Đầu óc trẻ con như giấy trắng, nên lời những bài hát chỉ nghe vài lần nhưng tôi nhớ lắm! Ấy là những bài như “Cô láng giềng”, “Trương Chi”, v.v. Đôi lúc anh cũng giở ra xem một số bức ảnh đen trắng, trong ảnh là chân dung những nữ sinh Hà Nội, có lẽ đã từng là bạn anh. Tôi còn nhỏ, chưa rõ khuôn mặt nữ thế nào là đẹp, chỉ giữ ấn tượng về những mái tóc uốn “phi-dê”, chúng khác lạ so với những mái tóc phụ nữ mà bọn tôi hồi ấy thường thấy ở vùng thôn quê, vùng kháng chiến.

Có lần anh cầm đàn vừa gảy vừa hát một bài mà sau này tôi nhớ được ít câu và đoán rằng đấy là một bài “chế” của học trò lớp lớn:

[…..] “Người đẹp yêu tôi, có đôi bàn tay diễm kiều và một làn môi tươi thắm.

Người đẹp yêu tôi, lấy chồng để phụ tình tôi !

Đời tôi tan nát, bởi vì đâu...

[…..] Kìa một đêm nao đôi ta kề má bên song

Em mới hỏi tôi rằng: Anh có yêu em không?

Cô em sao mà quá thơ ngây, bởi vì chung một mối tình xưa?

Anh nguyện yêu em suốt đời

Yêu em như ngàn bài thơ duyên

Yêu em như một điếu thuốc lào!

Hát đến câu ấy là anh vỗ đàn, cười ha ha một mình!

Mãi sau này, tôi không bao giờ nghe ai hát bài ấy! Tôi đoán, có lẽ là bài “chế” của mấy anh học trò lớp cuối trung học ở Hà thành. Chả biết đoán thế đúng hay sai?

***

Một cuốn sổ hầu như là cuốn giấy có viết chữ đầu tiên tôi đọc, đấy là cuốn sổ công tác của ba tôi. Mỗi lần ba đi họp xa, nhất là ở Việt Bắc, là trong sổ có thêm những ghi chép mới. Lúc đi làm thường ngày, nhiều khi ba để sổ tay ở nhà. Thế là chị em tôi lục lọi túi của ba, giở sổ ra xem. Hình như ba tôi biết, nhưng không hỏi, cũng không giao hẹn cấm đoán bọn tôi.

Trong số tay ba có cặp vào một vài tấm ảnh, thường là ảnh chụp chung những cán bộ các nơi về Việt Bắc dự họp. Có lúc ba tôi chỉ cho mẹ tôi và chị em tôi những người đứng đầu bộ Tài chính trong ảnh: ông Trịnh Văn Bính, ông Lê Văn Hiến, một số đồng nghiệp đã thành bạn quen với ba, tuy họ làm ở các ty Tài chính Thái Bình, Nam Định.

Trong sổ tay ba tôi cũng kẹp vài lá thư riêng, hình như của các bạn bè cũ; tôi tò mò đọc, thấy có bức người viết thư bàn với ba tôi về chuyện có nên dạy tiếng Pháp cho con cái không? Người ấy bảo, dù ta đã không còn là thuộc địa của Pháp, nhưng tiếng Pháp có thể giúp ta biết nhiều nguồn kiến thức bên ngoài, vì thế nên dạy cho con cái tiếng Pháp. Không rõ ba tôi trả lời người bạn kia thế nào? Trong hoàn cảnh tản cư, thỉnh thoảng lại thay đổi chỗ ở; ba tôi đi làm hết thời gian ban ngày, chiều tối mới về nhà, chuyện dạy vỡ lòng một ít chữ thì được, chứ dạy một cách thường xuyên, có thể gây phiền phức.

Không biết những người khác ghi sổ tay thế nào, tôi thì cho rằng kiểu sử dụng sổ tay của ba tôi là kiểu phổ biến, vì nó gắn với hoạt động cụ thể của một người cụ thể. Sau này khi tôi sử dụng sổ tay riêng, cũng là dùng theo kiểu đã biết ở sổ tay ba tôi.

Ba tôi làm công việc tài chính kế toán, nhưng công việc cụ thể thì ông không ghi trong số tay, có lẽ vì đã thể hiện trên sổ sách. Chỉ khi dự các cuộc họp của ngành, ví dụ đi họp trên Bộ thì ông mới ghi một số điều nào đó trong các cuộc họp. Còn lại, sổ tay ông ghi những điều ông lưu ý với tư cách một người có những mối quan tâm riêng của mình.

Nói những mối quan tâm riêng không có nghĩa đó không phải những thứ người khác không quan tâm. Ví dụ ba tôi ghi khá chi tiết hàng chục trang về mấy cách tính lịch, sử dụng các đốt ngón tay để đánh dấu, khá phiền phức, vì vậy phải ký hiệu hóa bằng các câu thơ, như “Anh đi đâu, gọi bảo em, giờ chia phôi, anh đừng phiền”, các chữ cái đứng đầu các âm ấy: A, Đ, Đ, G, B, E, G, C, P, A, Đ, P là tên các đầu mối. Tôi đọc và thử làm theo, song chả ra kết quả gì!

Tôi chỉ nhớ được một phép đơn giản khác mà ba tôi chỉ cho, xem lịch tây tháng nào 31 ngày, tháng nào 30 ngày, bằng cách nắm bàn tay lại, quay mu bàn tay lên xem: khớp xương ngón trỏ cao nhất, đó là tháng giêng (nay gọi tháng 1): 31 ngày; kẽ giữa hai khớp ngón trỏ và ngón giữa trũng nhất là tháng hai: 28 ngày (hoặc 29 ngày, nếu năm nhuận); cứ như thế, khớp xương nhô lên là tháng 31 ngày, kẽ giữa hai khớp là tháng 30 ngày; tháng 7 và tháng 8 dùng chung khớp ngón út: đều 31 ngày. Phép này dễ nhớ, dễ dùng.

Sổ tay ba tôi cũng chép khá nhiều thơ. Hóa ra thời kháng chiến, trong giới cán bộ lưu hành các bài thơ mà họ mới biết bằng cách chép chuyền nhau trong sổ tay. Tất nhiên bài nào không hay hoặc không thích thì sẽ không chép, nhưng cũng có khi chép gượng.

Tôi có cảm giác hơi kỳ kỳ khi thấy trong số tay ba tôi có bài gọi là “Ôm cho lắm” của Nguyễn Bính: “Ôm cho lắm làm chi mà chẳng sút?/ Thuốc tây ư, thuốc bắc, phí tiền thôi! / Chỉ vì khi đau ốm có “en” ngồi / Xoa đấm bóp thì trời mà chịu được...” Sau này tôi có thấy bài thơ ấy trong một tập thơ Nguyễn Bính in những năm 1940s; một bài thơ xoàng trong một tập thơ xoàng, nhưng tên tuổi lớn của Nguyễn Bính thì không phụ thuộc những bài như thế!

Không ngạc nhiên là được ba tôi chép nhiều nhất trong sổ tay chính là thơ Tố Hữu. Có thể nói hơn phân nửa các bài trong tập thơ “Việt Bắc” của nhà thơ này, tôi đã được đọc lần đầu là trong sổ tay ba tôi, và cũng đã thuộc lòng. “Vui sao một sáng tháng Năm / Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ / Suối dài xanh mướt nương ngô / Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn / Bác kêu con đến bên bàn /Bác ngồi bác viết nhà sàn đơn sơ / Con bồ câu trắng ngây thơ / Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn / Lát rồi chim nhé chim ăn / Bác Hồ còn bận khách văn đến nhà…”

Trong số tay ba tôi còn chép quốc ca của Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc. Có lúc ba tôi thử hát lời dịch các bài quốc ca Nga và Tàu cho chị em chúng tôi nghe để học theo:

“Ngàn năm vững bền nơi đây, Cộng hòa quốc kết liên tự do đời đời, Liên bang Sô viết như keo sơn, chung một mối, một khối dân tộc ta, cùng một ý chí chan hòa! Ôi, non sông này tự do đời đời! Ôi, non sông này sáng chói một trời…”, v.v...

“Vùng lên không cam tâm làm ngựa trâu ngu dân! Đem hòa xương trong máu sắt xây nên trường tranh đấu cho muôn dân! Khốn nguy là đây, tới đây, lúc dân Trung Quốc cùng khốn! …”, v.v...

***

Khoảng giữa năm 1953, gia đình tôi cùng một số gia đình tản cư khác, lại chuyển về huyện Bình Lục, nơi mà các cơ quan tỉnh đã chuyển về từ mấy tháng trước. Vùng Bình Lục, Lý Nhân của tỉnh Hà Nam lúc ấy đã trở thành vùng căn cứ du kích, tức là vùng mà lực lượng Pháp và phía Quốc gia Việt Nam đã không thể kiểm soát từng làng xóm; chỉ còn có thể hành quân trên những đường cái lớn rồi trú đóng trong một số đồn bốt, nhưng khả năng này rất thấp, vì lực lượng quân sự địa phương của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên thực tế đã kiểm soát cả ngày lẫn đêm các làng mạc trong vùng.

Lúc ấy mẹ tôi mới sinh thêm một em gái, ba tôi thì đang họp trên bộ ở Việt Bắc, nhưng lịch di chuyển các gia đình đi theo cơ quan đã định rồi, mẹ tôi đành bỏ lại căn nhà tản cư ven đồi ở xã Xích Thổ đã trở nên quen thuộc, gồng gánh vài thứ thiết yếu, dẫn năm chị em tôi đi bộ xuống vùng Gia Viễn, gia nhập đoàn gồm năm sáu gia đình, rồi đi đò đồng vào vùng Bình Lục.

Dù đi bộ nhưng đã quen rồi nên đoạn đường đầu tiên chị em tôi đi khá thong dong. Mọi thứ chỉ trở nên căng thẳng khi các gia đình được bố trí lên thuyền đi đò đồng.

Gọi là đò đồng, vì thời ấy, vùng Gia Viễn của tỉnh Ninh Bình cũng như các huyện Bình Lục, Lý Nhân của tỉnh Hà Nam, về mùa nước, các cánh đồng chiêm hầu hết không cấy lúa được, vì bị ngập sâu trên 1m nước, ban ngày nhìn, thấy mênh mông như biển cả, chỉ các khóm tre là nổi bật, đánh dấu các khu có xóm làng. Vậy là thay vì đường bộ, người ta tạo ra đường thủy bằng những con đò đồng. Đó là những chiếc thuyền nan cỡ trung bình, có thể chờ được đến bảy, tám người, có hai cặp mái chèo, đằng lái và đằng mũi thuyền, có mui che, có chỗ nấu ăn, chỗ nằm ngủ hoặc nghỉ ngơi. Mỗi chiếc đò phải nhẹ để có thể một vài người khiêng vác qua các đoạn đê cao; chủ đò là những người thông thạo địa hình, giỏi nghề sông nước.

Từ đầu cuộc kháng chiến, giữa vùng tự do (do phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát) và vùng địch (vùng do phía quân Pháp và quân “Quốc gia Việt Nam” kiểm soát; về sau được phía ta phân chia thành vùng tề, vùng hậu địch, vùng du kích, vùng căn cứ du kích, theo mức độ kiểm soát nhiều ít của hai bên) đã hình thành những con đường buôn bán, vận chuyển người và hàng hóa. Đường đồng, đò đồng hình như trước kia đã có vào mùa nước, đến hồi kháng chiến thì khá thịnh hành ở vùng đồng chiêm trũng Hà Nam Ninh.

Hình như trước hôm chúng tôi đến để lên thuyền, vùng này vừa bị oanh tạc bởi máy bay của quân Pháp. Ấn tượng mà tôi còn nhớ trong nhiều năm sau là một thân cây cao vẫn còn cháy đỏ, thỉnh thoảng gió thổi mạnh, đoạn thân cây cháy lại đỏ hồng lên như đầu một điếu thuốc lá khổng lồ!

Khoảng 11 giờ đêm, chúng tôi lên đò. Người ta nhắc, phải giữ yên lặng tuyệt đối, không được để trẻ em khóc! Từng con đò lặng lẽ di chuyển, người chèo cũng chèo nhẹ đến mức không nghe thấy tiếng khua nước. Tôi lúc đó là đứa trẻ 7-8 tuổi, chưa hiểu đây là lúc cực kỳ nguy hiểm, nên chỉ yên lặng quan sát người lớn, chưa có cảm giác lo sợ hay hồi hộp gì cả, chỉ khi buồn ngủ thì thiếp đi.

Chúng tôi bị đánh thức dậy lúc 4-5 giờ, trời đã lờ mờ sáng. Đò sắp cập vào một con đê. Chúng tôi phải xuống đò rồi chạy bộ qua đê sang phía bên kia là bờ sông Đáy; chủ đò cũng nhanh chóng khiêng đò sang bên đó để khách lên đò rồi đi tiếp. Sau này tôi mới biết, đấy là đê Hoàng Đan. Chỗ đò chúng tôi cập vào chỉ cách bốt Hoàng Đan chừng trên 1 km. Đoạn đê này từng chứng kiến những con đò bị quân Pháp từ bốt Hoàng Đan ra phục kích, một số cán bộ đi vào công tác địch hậu đã bị địch bắt và giết hại, trong đó có nhà văn Nam Cao (1915-1951).

Đến hồi bọn tôi qua đây, một phần quân Pháp đã bị điều động lên chiến trường Điện Biên, đò đồng vượt qua đoạn này trở nên an toàn hơn. Tuy thế, đây vẫn là một trải nghiệm nguy hiểm, đe dọa sự sống. Lúc chạy từ bên đê này sang bên mép sông bên kia, bác cán bộ dẫn đoàn mấy gia đình này tỏ ra sợ hãi nhiều hơn cả. Bác run lập cập rất khác thường, có lẽ vì bác nghĩ đến trách nhiệm được cả cơ quan lẫn các đồng sự có gia đình đi chuyến này giao phó. Chỉ khi đã lên lại đò, đò đã đi trên sông Đáy xa hẳn đoạn bốt Hoàng Đan rồi, mọi người mới trở lại trạng thái bình tĩnh.

Chúng tôi còn phải đi đò rồi đi bộ nhiều đoạn đường nữa, tôi không nhớ hết.

Nơi đầu tiên gia đình chúng tôi dừng lại là Chợ Chủ, rồi Hưng Công, rồi Ngọc Lũ, vào ở nhờ nhà dân. Ít lâu sau, lúc ba tôi từ Việt Bắc trở về, gia đình tôi lại chuyển đến thôn Giáp Giáo, xã Văn Ấp. Người ta bố trí cho nhà tôi ở nhờ một ngôi nhà 5 gian, giữa một khu vườn rộng 5 sào đất, nghe nói là nhà một gia đình khá giả, đã bỏ ra thành phố rồi vào Nam. Vẫn là nhà lợp lá gồi đã cũ, nhưng nền nhà lát gạch sạch sẽ. Trong khu vườn rộng rãi, chủ nhà trồng một số cây cam, cây na, nhiều bụi chuối. Vườn nhà kề một cái ao rộng, có cầu ao bắc sẵn. Nhà chỉ giáp một nhà hàng xóm bên phải là một gia đình theo Công giáo. Phía xa trước mặt là ao đầm sâu, bên kia có một gò đất hình như người làng dùng làm nghĩa trang chung.

Tôi nhớ điều này, dù chưa bao giờ đặt chân tới chỗ đất tôi dự đoán là nghĩa trang ấy, là vì thời gian ở đây, gia đình tôi chịu một mất mát lớn. Trong dịch đậu mùa năm ấy, mấy chị em tôi hình như đều bị lây, nhưng bệnh nhẹ và qua khỏi; riêng em gái dưới tôi thì bị nặng và qua đời. Một tốp nhân viên đưa đến một chiếc quan tài nhỏ rồi đưa em đi, chúng tôi không được đi theo. Em sinh năm 1947, rời nhà đi tản cư và đã không được trở về nhà! Vôi bột được người ta đem đến rải khắp quanh nhà và khu vườn chúng tôi ở.

Thời gian về sau, tôi thấy có những đợt phòng dịch được gọi là “chủng đậu mùa” hoặc gọi tắt là “chủng đậu”: nhân viên y tế dùng một thứ dao nhỏ như ngòi bút, khía vào da bắp tay chỗ gần vai, khía cho đến mức da hơi rớm máu, rồi bôi một chất vaccine gì đó lên chỗ da vừa khía ấy là xong! Với trẻ con, việc này gây đau thì ít nhưng gây sợ thì nhiều. Sau này tôi trải qua nhiều lần chủng đậu, ở địa phương hoặc ở trường học. Nghe nói năm 1980, Đại hội đồng y tế thế giới tuyên bố nhân loại đã xóa sổ hoàn toàn bệnh đậu mùa (Variola).

Căn nhà gia đình tôi ở tạm, có lúc có thêm người đến ở tạm vài tuần. Đấy là một cặp vợ chồng mới cưới, chồng là bộ đội, hình như cấp bậc khá cao, vợ là cán bộ một cơ quan nào đó của tỉnh, đang đóng trong vùng. Họ được bố trí ở một gian chính và gian xép, có tường vách ngăn với phần nhà tôi ở. Vợ chồng họ đi đâu đều đi cùng nhau, còn khi nào ở nhà, họ đóng kín cửa, hầu như không trò chuyện gì với người lớn hay trẻ con nhà tôi.

Về Bình Lục, tôi đi học lớp một ở trường làng, đặt ở một ngôi nhà nhỏ, hình như là ngôi đình cũ, cạnh một sân rộng. Tôi nhớ là lớp rất đông học trò, bàn ghế không đủ, nhiều trò phải ngồi đất. Kết quả học tập của tôi thời gian học ở đây rất tệ. Sau tháng 10 năm 1954, khi theo gia đình trở về quê, tôi phải học lại lớp một.

Tôi nhớ con đường từ nhà đến trường phải đi ra ngõ rồi theo đường xóm, qua sân trước một ngôi nhà thờ, thường gọi là nhà thờ Giáp Giáo, cạnh nhà thờ là con đường làng theo đó tôi tới lớp học. Ngôi nhà thờ Công giáo ấy tôi nhớ là rất đẹp. Ngay đầu xóm, phía trước mặt nhà thờ, cách một cái ao lớn là nhà ông trùm họ đạo, con gái ông học cùng lớp với tôi. Có lúc tôi được đi theo các bạn học mới quen vào xem nhà thờ, nơi mà các tín đồ là người dân trong thôn vào ngày Chủ nhật và các tối ngày thường vẫn đến dự lễ cầu nguyện.

Tôi cũng thấy gia đình cạnh nhà tôi mỗi ngày có một buổi cầu nguyện vào buổi tối tại nhà. Họ đọc kinh lầm rầm, làm dấu thánh giá mỗi khi nghe thấy điều gì hệ trọng. Nếu tôi sang nhà ấy vào buổi tối đúng lúc cầu nguyện, thấy mọi người trong nhà ngồi ở những chỗ khác nhau nhưng mặt đều hướng về nơi có đặt ảnh Đức Mẹ hoặc Đức Chúa Jesus trên tường nhà. Không ai ngăn tôi đừng vào nhưng cũng không ai hỏi han tôi câu nào, vì họ đang tập trung vào hành lễ. Tôi nghe và rồi cũng nhớ được một số câu cầu nguyện.

Xin tha tội chúng tôi

Xin cứu giúp chúng tôi khỏi sa hỏa ngục

Xin cho các linh hồn lên thiên đàng

Nhận lại những linh hồn bên lòng Chúa thương xót hơn!

Gia đình tôi, bên nội thì có thể nói là theo Nho giáo, vì cụ nội, ông nội đều dạy chữ Nho; còn bên ngoại, nhà làm ruộng, từ nghèo vươn lên giàu, có nhiều ruộng, tuy không theo Công giáo nhưng khu nhà ông bà ngoại tôi lại ở rất gần nhà thờ giáo xứ Tràng Châu. Tôi nhớ, đứng ở sân nhà bác Hai, bác Ba, bác Tư nhìn lên đều thấy chóp cao giáo đường với cây thánh giá. Mẹ tôi có thói quen, mỗi khi gặp sự gì đó hơi bất thường, hay hô “Giê-su-ma lạy Chúa tôi!”. Có lẽ thói quen ấy là do nhà bên ngoại tôi ở gần kề một nhà thờ Công giáo và trong xóm có không ít gia đình Giáo dân.

Cuối năm 1954, lúc ba tôi đi họp từ Việt Bắc trở về, các cơ quan tỉnh chuyển từ Bình Lục về thị xã Phủ Lý đã giải phóng, gia đình tôi cũng hồi cư về làng.

Lần này không phải đi bộ nữa. Chúng tôi lên một xe tải nhỏ về đến Phủ Lý rồi qua đò ngang từ thị xã về làng.

Tháng 8 năm 2023

Viết & Đọc - Chuyên đề mùa xuân 2024

Sắc mầu tuổi thơ Hồn nhiên như tuổi thơ còn sót lại Tháng ba có gì để nhớ - Tản văn của Lâm Trần Ký ức không ngủ quên Ký ức của cát
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.