Chiều về, làng quê trở nên thật yên bình. Đám lúa sau đồng ngày nào giờ đã là những gốc rạ ngả vàng, khô khốc đang chờ lửa đốt. Trên trời, từng đàn cò trắng kéo nhau bay về tổ. Những con diều đủ sắc màu đang lượn bay trên nền trời xanh ngát. Từng cánh diều chao nghiêng theo từng nhịp gió, cứ ngỡ chúng sẽ làm cho những đàn cò trắng lu mờ sau bóng núi, nhưng không, cánh cò vẫn nghiêng mình sải rộng bay về phía triền đồi xa xa, như những cuộc tha hương đang tìm về bến đợi.
Bất chợt tôi nghe đâu đó có mùi của rơm của rạ, mùi của mồ hôi tía má quyện vào mùi bùn non thoang thoảng tạo nên mùi rất riêng, mùi của ký ức, của sự nhung nhớ.
![]() |
Vệt chiều rơi nhẹ bên sông. Ảnh: Pixabay |
Chiều về. Không gian như trở nên thinh lặng, tiếng cuốc, tiếng cày, tiếng của những sinh hoạt đời thường lui về một góc bình yên nhường “sân khấu” lại cho những con côn trùng buông tiếng nỉ non, khiến ai nghe thấy cũng dậy lên trong lòng bao tâm sự. Dòng sông trước nhà hôm nay dường như lặng yên hơn bao ngày tháng. Lẽ nào dòng sông cũng đang mang trong mình bao niềm tâm sự mà chẳng biết phải giãi bày cùng ai? Sông mang nước, mang cá, mang tôm, mang bao vệt lục bình lênh đênh cùng sóng nước, mang bao kiếp đời hẩm hiu trôi nổi theo từng tháng từng ngày với cái kiếp nghề bà cậu. Nhưng chẳng bao giờ dòng sông buông lời ai oán, có chăng chỉ là những cơn giận hờn vu vơ với những con sóng lăn tăn lay động hơn mà thôi. Và rồi dòng sông như người bạn thân thiết với tôi (một thời tuổi trẻ) cùng với đám trẻ trong làng. Đó là sân chơi vào những trưa hè nắng gắt, vào những buổi chiều về đậu lại phía cành cây. Dòng nước nhẹ nhàng, vỗ về, ôm ấp, mơn trớn bao tâm hồn trẻ nhỏ rồi đưa tiếng cười đùa của chúng tôi đi xa hơn, vươn ra đại dương to lớn. Dòng sông trở thành niềm thương bất tận, nuôi dưỡng bao tâm hồn chúng tôi cùng với quê hương.
Chiều… Tiếng đài radio nhà ai vang vọng? Tiếng ca ngọt ngào của “cô đào ngoại hạng”, trứ danh cứ mãi lẩn quẩn trong không gian, hòa vào thời gian ban chiều. “Ai buông sáu câu… ai đau trong lòng…” sao mà da diết lạ thường. Tôi thích cảm giác nằm gối đầu lên đùi mẹ, được mẹ nhẹ nhàng gãi lưng cho ngủ và dưới cái mát hiu hiu của cây quạt lá dừa phe phẩy, tiếng ca ru buồn của nghệ sĩ Lệ Thủy, Minh Vương đưa tôi vào cõi mộng trong chập chờn những buổi hoàng hôn. Trong miên man của những cơn mơ, tôi nghe mùi lúa mới ngọt ngào, thơm thơm quen thuộc cùng con cua, con ốc, mớ tép đồng cha đặt dớn ở mé kinh quyện hòa cùng mớ rau tập tàng xanh mướt như màu xanh của đất trời vào những ngày trong trẻo làm tươi mâm cơm nghèo thơm thảo mỗi đợt vệt chiều về soi rọi bóng hoàng hôn.
Giật mình tỉnh mộng, quờ quạng tìm kiếm thứ gì đó xung quanh mình. Tôi mơ màng như chưa tỉnh giấc liêu trai. Bóng mẹ, dáng cha khuất dần sau vệt nắng, dòng sông ngày nào cũng không còn hiện hữu trước mắt tôi, đám trẻ con cùng tôi một ngày hai buổi đến trường giờ đã là những ông chú trung niên vợ con đầy đủ, cánh diều ngày nào giờ chắc đã chao nghiêng lỡ nhịp, bữa cơm quê nghèo giờ vắng vẻ quạnh hiu. Bao năm xa quê, lìa xứ dấn thân vào cùng gió bụi của thị thành thỉnh thoảng tôi vẫn thèm nghe tiếng bìm bịp kêu mỗi đợt chiều về như báo hiệu nước ròng, nước lớn. Người không từng gắn bó với quê, có lẽ không thể nào cảm nhận được những điều dung dị mà khiến người nhà quê nhớ đến nao lòng. Tôi nghe tiếng mẹ, tiếng cha đang vọng về từ những vệt nắng chiều soi rọi ngoài balcon căn hộ.
Trương Hoàng Hân | Báo Văn nghệ