Chuyên đề

Vị thế của con người trong sáng tạo văn học thời đại trí tuệ nhân tạo phát triển

Câu chuyện văn hoá
11:19 | 10/10/2023
“Rồi đây, có thể xuất hiện những cỗ máy biết viết văn, làm thơ. Lúc đó, sáng tạo văn học có còn là độc quyền của con người?”
aa

“Rồi đây, có thể xuất hiện những cỗ máy biết viết văn, làm thơ. Lúc đó, sáng tạo văn học có còn là độc quyền của con người?” Đó là nội dung đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn năm 2019. Vấn đề được đặt ra trong đề thi không phải là chuyện viễn tưởng, mà sẽ là một sự thực diễn ra trong tương lai gần, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có bước phát triển ngoạn mục như chúng ta đang chứng kiến. Lúc đó, vị thế của con người trong sáng tạo văn học là điều không thể không quan tâm.

Đọc Chùa Đàn của Nguyễn Tuân, tôi nhận ra một hàm ý mà tác giả ngầm gửi gắm: kĩ nghệ là kẻ thù của nghệ thuật! Ở thời điểm viết Chùa Đàn, chắc chắn Nguyễn Tuân không thể ngờ được khoa học công nghệ lại có những bước phát triển vượt bậc như hiện nay, đặc biệt là sự xuất hiện trí tuệ nhân tạo. Với những gì đang được chứng kiến, ta không thể không nghĩ đến vấn đề: Thời đại trí tuệ nhân tạo phát triển, liệu con người có còn độc quyền trong sáng tạo văn học?

Tháng 5 năm 1997, một sự kiện làm rúng động dư luận thế giới: cỗ máy tính Deep Blue của Hãng IBM (Hoa Kì) đã đánh bại vua cờ Kasparov. Tiếp đó, quán quân cờ vây thế giới Ke Jie cũng thúc thủ trước AlphaGo - trí thông minh nhân tạo, sản phẩm của Google. Với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, khả năng phát triển trí tuệ nhân tạo được dự báo là rất ghê gớm.

Ngày nay, người máy đã thâm nhập vào mọi hoạt động của con người. Trước hết là trong lĩnh vực công nghiệp: Hàng ngàn công xưởng hiện đại giờ đây vắng bóng con người, thay vào đó là “đội quân” robot tinh nhuệ, miệt mài lắp ráp các linh kiện tinh vi để hoàn tất sản phẩm với độ chính xác gần như tuyệt đối. Người máy sẽ cướp công ăn việc làm của con người - những lời cảnh báo như thế đã vang lên trên nhiều diễn đàn.

Song song với việc tạo ra robot làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, các nhà khoa học có tham vọng chế tạo những người máy có khả năng biểu lộ cảm xúc, có thể tham gia vào việc làm ra các sản phẩm tinh thần - lĩnh vực mà trước đây cứ ngỡ mãi mãi là độc quyền của con người. Người máy viết tin tức cho báo chí, phát thanh viên kĩ thuật số… đã xuất hiện. Người máy viết văn cũng đâu còn là chuyện tương lai. Một tác phẩm truyện được viết bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo đã lọt vào vòng chung kết của cuộc thi văn học Nhật Bản mang tên Shinichi Hoshi - Japan News đưa tin.

Người máy viết văn, làm thơ? Văn học rồi sẽ đi về đâu? Liệu con người có bị phế truất khỏi văn đàn?

Có thể trong tương lai, ở nhiều cửa hàng sách sẽ xuất hiện những tập thơ, những cuốn tiểu thuyết, những bộ tranh truyện được thực hiện bởi người máy. Các nhà quản lí “tác giả người máy” cũng có thể bằng mọi cách thu hút độc giả nhằm chiếm lĩnh thị phần trên thị trường sản phẩm giải trí. Người ta có quyền khai thác khả năng sản xuất với tốc độ cực nhanh của trí tuệ nhân tạo để đáp ứng yêu cầu kinh doanh văn hóa. Cần nhớ rằng, hiện nay, nếu một phóng viên cần 30 phút để viết một bản tin, thì người máy chỉ cần 10 giây! Với đà này, có thể rồi đây, sẽ có một kiểu độc giả thích tiêu thụ những sản phẩm tinh thần do người máy làm ra. Người ta cũng có thể, qua khả năng của trí tuệ nhân tạo, phóng chiếu trí tưởng tượng, tìm hứng thú trong việc thưởng thức những “tác phẩm văn học” của người máy.

Như vậy, dù muốn hay không, sản phẩm văn học của người máy cũng sẽ là một phần tất yếu trong bức tranh tổng thể của văn học nhân loại. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng, thứ văn học do chính con người và chỉ con người làm ra lại dễ dàng bị phế truất khỏi văn đàn, bởi quyết định điều này là con người chứ không phải máy móc.

Vì sao vậy?

Câu trả lời, theo tôi, nằm ở hai chữ nhu cầu.

Đúng vậy. Sáng tạo văn học là một nhu cầu thiết yếu của con người. Đã là nhu cầu thì cần được thỏa mãn, bằng mọi cách. Với con người, viết văn là để thỏa mãn nhu cầu giãi bày và giải tỏa, nhu cầu tự biểu hiện mình, nhu cầu cảm thông chia sẻ, nhu cầu hưởng thụ khoái cảm trong sáng tạo, nhu cầu được chơi.

Viết, trước hết là cho mình, là giao tiếp với chính mình. Trong cái tĩnh lặng gần như tuyệt đối của khoảnh khắc sáng tạo, người viết thì thầm trò chuyện với ai đó, có khi chỉ là với mình. Khao khát giãi bày là một động lực sáng tạo văn chương.

Giãi bày và giải tỏa luôn song hành với nhau. Giãi bày để giải tỏa, thông qua giải tỏa để được giãi bày. Nhà văn nhà thơ chỉ có thể viết một khi tâm trạng ắp ứ nỗi niềm, đầu óc chứa chất suy tư, cảm thấy không nói ra là không được. Viết, lúc bấy giờ là một hành động tự phóng tỏa những dồn nén, căng thẳng tột cùng về tâm lí. Hoàn tất một tác phẩm là hoàn kết một quá trình giải tỏa cảm xúc để sau đó tiếp tục khởi phát, tích dồn những cảm xúc, suy tư mới từ sự va chạm với đời sống. Nó tạo nên một chuỗi phản ứng không bao giờ ngưng nghỉ trong tâm lí sáng tạo của người nghệ sĩ. Nó nặng nhọc chứ không hề nhẹ nhàng, bởi đó là “nghiệp dĩ”, là “cây thánh giá tinh thần” mà mỗi nghệ sĩ tự nguyện mang vác, người khác không thể mang hộ, nói gì đến robot. Vâng, ai có thể cất lên tiếng chửi thay cho Hồ Xuân Hương khi chính bản thân bà mới là người thấm thía nỗi cay đắng cùng cực của kiếp làm lẽ: Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng/ Chém cha cái kiếp lấy chồng chung. Ai có thể ngậm ngùi thay cho Nguyễn Du được khi nhà thơ mới là người ớn lạnh khi nhìn thấu ba trăm năm sau vẫn bặt bóng tri âm: Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Viết cho mình không loại trừ nhu cầu viết cho người khác. Đúng ra, hai nhu cầu này không hề mâu thuẫn nhau. Đến một lúc nào đó, người viết cảm thấy những gì diễn ra trong thế giới nội tâm không còn là của riêng mình nữa. Nó phải được chia sẻ với ai đó, phải đánh động tâm tư, tình cảm của ai đó bằng những mối liên hệ bí ẩn, vô hình. Không một nghệ sĩ nào tự đủ trong thế giới của riêng mình. Trong văn học, thơ là thể loại thể hiện rõ nhất tính độc thoại (tự nói với mình). Hoàng Ngọc Hiến cho rằng: đọc thơ là “nghe trộm” nỗi niềm của người khác. Vậy mà, tự cổ chí kim, có ai giữ thơ cho riêng mình đâu. Viết được vần thơ đắc ý, người ta cần bạn tri âm để sẻ chia, đồng cảm. Đỗ Phủ xưa đã cảm khái: Nhị cú tam niên đắc/ Ngâm thành song lệ lưu/ Tri âm ví bất thưởng/ Quy ngọa cố sơn thu (Ba năm viết được hai câu/ Ngâm xong đôi dòng lệ chảy/ Bạn xưa nếu không thưởng thức/ Về nằm núi cũ mùa thu). Ứa lệ khi biết tin Dương Khuê mất, Nguyễn Khuyến mới thấm thía cái hụt hẫng của người làm thơ mà vắng bạn tri âm: Câu thơ nghĩ đắn đo không viết/ Viết đưa ai, ai biết mà đưa… Lí luận văn học hiện đại đã xác quyết một điều: việc sản xuất văn bản mới chỉ là một công đoạn. Dừng lại ở đó, chưa có văn học đúng nghĩa. Chỉ khi nào văn bản được đánh thức bởi người đọc, tác phẩm mới thực sự có được đời sống riêng. Sức sống của kiệt tác Truyện Kiều không chỉ ở 3254 câu lục bát tuyệt diệu được Nguyễn Du viết ra từ hơn 200 năm trước, mà còn ở sự tích tụ tình cảm của bao nhiêu thế hệ người đọc tiếp xúc với nó từ bấy đến nay. Đó là điều chắc chắn không bao giờ có được ở người máy, dù chúng tinh xảo đến đâu.

Song song với giãi bày là nhu cầu tự biểu hiện. Nói cách khác, tự biểu hiện là một cấp độ khác của giãi bày. Viết văn, không ai muốn giấu mình triệt để. Kể cả khi chỉ đề cập đến chuyện riêng tư, thầm kín nhất (khát khao nhục cảm, đổ vỡ tình yêu…), người ta vẫn muốn tự vẽ ra hình ảnh của mình một cách kín đáo. Hàn Mặc Tử thú nhận: làm thơ nghĩa là “phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật”. Không chỉ ở thơ mà văn xuôi cũng vậy. Dựng lên một thế giới, vô tình nhà văn đã làm lộ ra diện mạo của chính mình ngay trong thế giới ấy. Chỉ bằng sự trải nghiệm cuộc sống với vô vàn trạng thái cảm xúc, nhà văn mới tự họa hình tượng chính mình với những nét cá tính độc đáo trong tác phẩm - điều không một thứ máy móc tinh vi nào có thể làm nổi.

Việc nhà văn, nhà thơ quyết giữ độc quyền trong lĩnh vực văn học còn có một nguyên nhân khác: sáng tạo văn học vừa là một thứ lao động nặng nhọc, khó khăn, lại vừa là nguồn khoái cảm bất tận. Nguyễn Tuân có lí khi dùng từ “khổ hạnh” để nói về hoạt động đặc thù này. Vừa khổ đau vừa hạnh phúc, đấy là bản chất của công việc viết văn làm thơ. Khổ đau vì day dứt, trăn trở, trải nghiệm đắng cay, buộc phải “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có” (Nam Cao), phải làm sao để mỗi tác phẩm được viết ra là “một khám phá về nội dung và một phát minh về hình thức” (Leonov). Khổ đau vì nghề viết là nghề mạo hiểm, dấn thân một đời để có khi nhận lấy thất bại phũ phàng. Vygotsky - nhà nghiên cứu về tâm lí sáng tạo nghệ thuật - đã đúc kết: hơn 90% người viết văn không bao giờ thỏa mãn nội tâm khi nhìn lại những gì đã viết. Ấy là chưa kể những oan trái, bầm dập, tai ương trong nghề nghiệp. Gương tày liếp về điều này là những án văn tự cổ kim.

Nhưng phía khác là những hứng thú đặc biệt mà nghề văn mang lại cho chủ thể. Nhà văn, nhà thơ thường cảm thấy viết là một niềm hạnh phúc, là thụ hưởng một thứ lạc thú. Nguyễn Tuân từng cảm thấy sung sướng đến ứa nước mắt khi được ướm từng chữ lên trang giấy, và ông tưởng tượng sẽ chết ngay nếu bị tước mất cái quyền viết.

Người ta dùng hình ảnh “thai nghén”, “sinh nở” để chỉ hoạt động sáng tạo văn học. Đúng quá. Một người mẹ nhìn đứa con vừa được đẻ ra từ cơn đau xé ruột, qua chín tháng mười ngày thai nghén nặng nhọc chắc chắn sẽ cảm thấy hạnh phúc lớn lao, khác biệt hơn nhiều so với người phụ nữ đưa tay đón đứa con của mình qua dịch vụ đẻ thuê. Hạnh phúc “sinh nở” chỉ có thể có ở nhà văn lao tâm khổ tứ viết nên tác phẩm chứ không thể có ở một lập trình viên chờ sản phẩm được làm bởi người máy. Như vậy, nếu trong sản xuất công nghiệp, con người thụ hưởng thành quả cuối cùng (sản phẩm), thì ở văn học, sự thụ hưởng diễn ra trong suốt cả quá trình, từ sản xuất đến thành quả. Không một bộ óc nhân tạo nào có thể thụ hưởng thay cho con người những khoái cảm sáng tạo này.

Cuối cùng, thêm một lí do để con người quyết giữ độc quyền: sáng tạo nghệ thuật còn là một trò chơi.

Ngày nay, lí thuyết trò chơi trong văn học đã được thừa nhận rộng rãi. Các nhà nghiên cứu cho rằng, chức năng giải trí không hề hạ thấp vị thế của văn học nghệ thuật như quan niệm phổ biến một thời. Trong bối cảnh hiện tại, khi con người phải đối mặt với những áp lực ghê gớm từ nhiều phía, nhu cầu giải trí càng trở nên quan trọng. Ai có thể phủ nhận, trong quá trình sáng tác một tác phẩm, chủ thể đã không từng trải qua cái cảm giác được chơi: chơi vần điệu ngôn từ, chơi sắp xếp chữ nghĩa, chơi đuổi bắt ý tứ, chơi ngâm vịnh, chơi kết cấu… Hầu như ở ngôn ngữ nào cũng có thủ pháp chơi chữ trong văn học. Viết Truyện Kiều, dù muốn thể hiện cảm hứng nhân văn cao đẹp, nhưng chắc chắn nhiều lúc Nguyễn Du cũng có khoái cảm được chơi - một kiểu chơi nghệ thuật ngôn từ hết sức thanh tao. Hẳn thế nên khi hạ câu lục bát cuối cùng để kết thúc tác phẩm, nhà thơ đã tính đến tác dụng giải trí mà truyện kể của ông mang lại: Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh. Đó không hề là những lời đãi bôi, khiêm tốn. Hành động Ngày dài ngâm ngợi cho khuây/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do của Hồ Chí Minh ở trong tù chẳng phải là một kiểu chơi sao? Trải nghiệm một đời sáng tạo phong phú, rốt cuộc, Tản Đà cũng chia văn chương của mình thành hai loại: loại “văn thuyết lí” và loại “văn chơi”.

Chơi trong văn học nghệ thuật, con người nhất định phải đóng vai chủ thể. Chỉ với vai trò chủ thể, người chơi mới được hưởng trọn vẹn cái lí thú mà trò chơi đưa lại. Chỉ khi trực tiếp chơi, con người mới được sống với cái hồn nhiên, trẻ thơ của tâm hồn. Nhìn rộng ra một chút, trong bóng đá, mặc dù trọng tài nhiều khi có những quyết định sai lầm, vậy mà người ta vẫn rất hạn chế sử dụng công nghệ hỗ trợ. Thì ra, cái sai lầm của trọng tài cũng được chấp nhận như một phần tất yếu của cuộc chơi. Thiếu nó, các trận bóng đá khó tạo ra được những cao trào cảm xúc mà con người muốn được thể hiện trên sân chơi môn thể thao vua. Cũng vậy, kể từ thời điểm cỗ máy Deep Blue hạ gục vua cờ Kasparov (1997) đến nay, việc chế tạo những “kì thủ robot” để thay thế con người trong những cuộc đấu đỉnh cao không hề được tiếp tục. Đơn giản, vì người ta cho rằng, chơi cờ là việc của con người. Về mặt này, sân chơi thể thao không khác sân chơi nghệ thuật. Trong văn học, chỉ có trực tiếp tham gia trò chơi, con người mới có điều kiện bộc lộ mọi trạng thái cảm xúc của mình. Quyền lợi tinh thần ấy, chắc con người không dại gì để máy móc cướp mất.

Tuy nhiên, bàn về vị thế con người trong sáng tạo nghệ thuật ở thời đại 4.0, ta cũng cần đặt câu hỏi: Liệu quyền tự quyết của con người rồi có bị tước đoạt khi xuất hiện những thế hệ người máy có khả năng vượt xa sức tưởng tượng của chúng ta hiện nay?

Theo dự đoán của các nhà khoa học, đến năm 2050, trí tuệ nhân tạo sẽ thông minh gấp 100 lần con người. Nếu vậy, đến một thời điểm nào đó, người máy sẽ là một thực thể có ý thức tự giác, có khả năng tự trị, vượt khỏi quyền kiểm soát của con người. “Nó không còn là phương tiện mà là đối trọng, thậm chí đối lập với con người.” Người máy sẽ tự thiết kế, tự chế tạo, tự lập trình, tự khắc phục những khiếm khuyết để ngày càng hoàn hảo. Biết đâu, trong “mắt” của người máy, loài người - một sinh vật vốn phức tạp, rắc rối - không đáng tồn tại. Những gì mà con người tạo ra, kể cả văn chương nghệ thuật, không ích gì với chúng, cần phải “thanh lí”. Đó không phải là cướp quyền sáng tạo, mà là hủy diệt. Bên cạnh những nguy cơ diệt vong của nhân loại như cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, chiến tranh nguyên tử, oái oăm thay, còn có một nguy cơ vốn là sản phẩm kì diệu của con người: trí tuệ nhân tạo. Cảnh báo đáng sợ này không phải được đưa ra bởi một người bình thường, mà từ bộ óc xuất chúng nhất của thời đại chúng ta: Stephen Hawking.

Đặng Lưu

Nguồn VNQĐ


Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...