Sáng tác

Vĩnh dạ ký. Chùm truyện ngắn của Nguyễn Dương Quỳnh

Nguyễn Dương Quỳnh
Truyện
06:00 | 23/12/2024
Baovannghe.vn - Khi tôi ngồi xuống chõng, con rắn đặt ly trà xuống, cúi rạp người sát đất chào tôi, miệng nói: “Thưa tiên sinh, đã lâu có lòng ái mộ
aa

Xà vương truyện

Ngày bảy tháng bảy, khi tôi đến thăm Nguyễn, không thấy anh đâu, cửa nhà mở toang hoác, chỉ có con rắn trắng mặc y phục cũng trắng toát ngồi uống trà trên chõng tre mỉm cười nhìn tôi. Trông như thể đã chờ đợi lâu rồi. Tôi gật đầu. Y cũng gật đầu, dáng vẻ khoan thai hành động uyển chuyển, không có chút gì đe dọa.

Khi tôi ngồi xuống chõng, con rắn đặt ly trà xuống, cúi rạp người sát đất chào tôi, miệng nói: “Thưa tiên sinh, đã lâu có lòng ái mộ, bây giờ mới được gặp, thật quá vinh dự”. Không quen với thái độ tôn kính dường ấy, tôi ngượng nghịu ngồi yên, nhận đủ cái vái chào của con rắn.

Con rắn cúi chào xong, thẳng lưng ngồi dậy, miệng vẫn mỉm cười mà thưa rằng: “Tôi là Xà vương, đường đột đến đây, là để ăn thịt Nguyễn tiên sinh đây”.

Không dám hỏi thẳng để tránh tỏ ra là người bất lịch sự, tôi nghiêng đầu suy nghĩ, “Xà vương, có phải là con rắn trắng mà Nguyễn thường hay nói đến không? Con rắn ưu tú nhất trong loài rắn, thông minh trác việt, đảm lược vô song, là một con rắn khiến ai nhìn thấy đều ái mộ”. Con rắn nghe tôi nói, chỉ lắc đầu nhè nhẹ, đôi mắt vàng óng không chớp, vừa tỏ ra nhún nhường vừa không hạ mình tí nào, lúc đó tôi bắt đầu tin, y là Xà vương thật.

*

Tôi lên tiếng nói với y, đã nghe đến quý danh trong cuốn sách Nguyễn viết. Những câu chuyện của Nguyễn mải miết kể về một thế giới không tồn tại. Một thế giới ngăn cách với cõi người bằng con rắn trắng to lớn - Xà vương - tự cắn đuôi mình bao bọc lại một vùng. Trong đó, thời gian không qua đi nữa. Người ở bên trong không hề biết đã bị thế giới bên ngoài bỏ lại hai trăm năm. Một cõi thôn dã yên bình đẹp như giấc mộng. Nguyễn uống rượu rồi cười khan như chế giễu điều gì, bao nhiêu năm quen anh tôi chưa từng thấy anh tỉnh rượu.

“Thế chẳng phải là một cõi phù hợp với anh sao?” Tôi nói, có chút bông đùa, rót rượu cho Nguyễn. Buổi tối hôm ấy, do lòng yêu Mến tin cậy bấy lâu, anh đã kể cho tôi nghe những dự định của mình. Tôi ngồi nghe anh, có chút lo lắng, nhưng cũng vui mừng, do thấy anh lâu nay buồn bã về chuyện gì không hiểu, nay có chút dự định để làm, chắc cũng sẽ khuây khỏa. Hơn nữa chuyện viết lách, chỉ cần người ta không đắm say không nhung nhớ mà chỉ coi là một người tình thoáng qua, thì hẳn là một thú tiêu khiển lợi nhiều hơn hại.

Nguyễn bạn tôi là người không hợp với thời thế này. Anh ngông ngạo, tính tình cổ quái, nhưng tôi biết anh tài năng hết mực, vì vậy mà đem lòng yêu quý ngưỡng mộ anh, có thể còn chút ghen tị và giận dữ nữa, vì một người như anh, lại ngày đêm tiêu khiển bằng tiếng đàn lời ca con hát, không mảy may có ý mang tài cán của mình ra báo đời.

Nguyễn nghe những lời tôi nói, không hiểu sao mặt nghiêm lại, rồi chẳng nói gì tiếp tục uống rượu. Tôi không biết đã làm gì khiến anh phật ý, phụ lòng tin cậy của anh, nên tối đó chỉ biết rót rượu cho anh rồi chào anh ra về trong gượng gạo.

Sau đó Nguyễn bắt đầu đóng cửa thư phòng mà viết. Anh viết ngày viết đêm. Câu chuyện về thế giới có con rắn trắng bao bọc xung quanh, nội bất xuất ngoại bất nhập. Thế giới mà người và yêu ma sống lẫn lộn. Không đúng, là thế giới của yêu ma, cùng một đám con người sống nép một góc rừng già thành ngôi làng nhỏ. Câu chuyện của Nguyễn, kì lạ thay, sau khi xuất hiện lập tức được người ta mê say. Vào thời kì mọi thứ đều khó khăn, thành thị xô bồ phép nước chao đảo thế này, câu chuyện của Nguyễn chẳng đề cập gì đến cuộc đời cực nhọc ngày ngày bày ra trước mắt, khiến người ta thích thú như tìm được một chốn địa đàng lánh thân, một thú vui khiến ta quên đi tất thảy. Hay ít nhất, tôi suy luận được như vậy từ những lời ca tụng Nguyễn.

Nguyễn chỉ im lặng. Không bàn luận gì. Tôi nghĩ, trông anh lại có vẻ buồn rầu hơn trước. Những lúc uống rượu, Nguyễn không nói chuyện nữa, chỉ kéo đàn nhị. Anh có ngón đàn nhị rất hay, não nuột than khóc, nhưng khéo không ai ngoài tôi muốn nghe mà có khi còn bị mắng vốn, bởi ở vùng quê nghèo nàn của chúng tôi, đàn nhị vốn chỉ gắn với chuyện ma chay tang lễ.

Bốn tháng sau khi Nguyễn hoàn thành câu chuyện, bốn tháng sau khi những cánh thư liên tiếp dội đến nhà anh bày tỏ lòng hâm mộ và ao ước được trốn thế tục lánh vào cõi địa đàng trong mơ của Nguyễn, ngày bảy tháng bảy Xà vương tìm đến. Với vẻ khoan thai lịch thiệp khác thường, y bảo rằng, y đến để ăn thịt Nguyễn.

Xà vương, con rắn trắng khiến ai nấy đều ái mộ, uy nghiêm cao quý, mưu lược khác thường. Và tàn độc cay nghiệt. Nguyễn đã viết như thế đấy.

*

Tại sao, Xà vương lại phải giết Nguyễn? Nguyễn chẳng phải là người sinh ra Xà vương đấy sao? Như thế, có khiến nguy hại tới sự tồn tại của mình hay không? Về lý thì thế, về tình thì cũng không ổn, như là con giết cha, không phải thế sao?

Xà vương vẫn mỉm cười, chỉ nói: “Thưa, tiên sinh hẳn có chút hiểu nhầm. Nguyễn tiên sinh không sinh ra tôi, chỉ là người ghi chép lại về tôi, cho tôi hình hài này. Việc đó phương hại đến sự tồn tại của tôi, nên tôi phải ăn thịt Nguyễn tiên sinh mà thôi”.

“Việc Nguyễn viết truyện, lại phương hại tới sự tồn tại của Xà vương là thế nào?”

Xà vương vẫn mỉm cười, chỉ hỏi: “Tiên sinh có hiểu yêu ma là gì hay không?”

Là thứ khiến người ta kinh sợ, quái đản khác thường, là hồ ly, là mãng xà, không phải hay sao?

Xà vương lắc đầu, bảo: “Thứ bóng tối không ai biết là gì chính là yêu ma. Tiên sinh, tiên sinh thông tuệ khác thường, chắc hiểu những gì tôi nói. Con đường âm u, vốn không có gì, đột ngột có người đồn rằng có yêu ma lẩn lút. Dù chưa ai thật sự nhìn thấy yêu ma, nhưng sẽ xuất hiện yêu ma ở đấy thật”.

Tôi im lặng, để những kiến thức mới mẻ đó thấm vào người. Xà vương vẫn khoan thai nói tiếp. “Tôi bọc lại trời đất một cõi, chẳng qua để tìm chỗ cho loài yêu ma trú ngụ giữa thời thế nơi nơi đều đèn hoa rực rỡ, không có chút bóng tối cho chúng tôi nương thân này. Sở dĩ phải giam cầm theo một số lượng người, để họ lập làng lập ấp, sinh con đẻ cái mà không hay biết thế giới bên ngoài, là vì yêu ma không tồn tại được mà không có con người.

Cái thế giới đó là chốn địa đàng của yêu ma, con người bị cách biệt khỏi hiện tại chỉ để nuôi dưỡng yêu ma.

Nói cách khác, con người an phận thủ thường trong đó là để yêu ma hút lấy nỗi sợ.

Mọi thứ đã tồn tại yên bình như thế, hai trăm năm rồi, nhưng Nguyễn lại phải viết cuốn sách ấy”.

“Nhưng không ai tin những gì Nguyễn nói!” Tôi thốt lên, cố thuyết phục Xà vương. “Chẳng có ai tin Nguyễn. Hay mọi người đều tin tưởng anh chỉ viết chuyện hão”.

“Thưa tiên sinh, Xà vương lễ độ nói, nếu trong rừng có đám lửa nhỏ, có thể nói vì nó chẳng phương hại gì mà để yên có được không?”

Tôi chỉ biết im bặt, và lờ mờ hiểu ra, dù vẫn thấy mọi sự quái đản vô cùng.

*

Cuốn sách của Nguyễn, là đòn chí mạng giáng vào Xà vương và lũ yêu quái giam cầm con người trong câu chuyện anh viết.

Cuốn sách phơi bày điểm yếu của chúng, khiến người khác biết đến chúng, đồng thời không tin vào chúng.

Nên chúng phải giết anh mà thôi. Chúng phải nuốt trọn anh vào bóng đêm tăm tối, xóa xổ mọi hình hài anh đã tạo nên, để chúng trở lại thành thứ sương mù âm u không rõ hình dạng, để không ai biết đến chúng, không ai phá vỡ thế giới của chúng, không ai tiêu diệt chúng.

Phía ngoài hiên có tiếng bước chân. Bên kia hàng rào trúc, Nguyễn đã trở về, hũ rượu đeo bên thắt lưng. Anh nhìn chúng tôi chăm chăm. Rồi chẳng nói chẳng rằng, anh tiến lại, đứng trước mặt Xà vương, đôi mắt ngang ngạnh nhìn thẳng không cúi đầu.

Tôi chưa kịp mở miệng ra cảnh báo cho anh về dự định của Xà vương, thì bên tai chợt nghe tiếng gió rít. Kẽ mắt chỉ kịp thoáng bắt được hình ảnh Xà vương lướt qua, mắt đỏ rực, quai hàm tháo lỏng, miệng há rộng tưởng như nuốt được cả tinh tú. Gió cát vần vũ, bụi bay mù mịt, tối đất tối trời, lúc tôi mở mắt ra được, Nguyễn đã biến mất. Hũ rượu của anh, cây đàn nỉ non như khóc của anh, ngôi nhà của anh đều đã biến mất. Chỉ còn Xà vương vẫn ngồi bên tôi trên chõng tre, đưa vạt áo lên che mặt, bằng dáng vẻ rất lịch thiệp, y nói, cảm ơn vì bữa ăn.

Ngày bảy tháng bảy, trước đôi mắt chứng kiến của tôi, Nguyễn bị rắn ăn thịt.

*

Xà vương ăn xong Nguyễn, dợm người đứng lại. Tôi vội gọi theo y. “Xin hãy chờ đã, xin hãy nán lại. Còn tôi thì sao? Xà vương có ăn thịt tôi cùng với bạn tôi không?”

Xà vương nhìn thẳng vào tôi không chớp mắt, lắc đầu.

Lúc đó tôi hiểu ra, mình có thể trò chuyện với y từ nãy giờ mà không cảm nhận được chút sát khí, là vì y hoàn toàn không coi tôi là con mồi, không định giết tôi.

Tôi hỏi: “Có phải Xà Vương đang nghĩ tôi là kẻ hèn nhát hay không?”

“Thưa không, y lại lắc đầu mà rằng, tôi luôn biết tiên sinh là người khôn ngoan”.

Xà vương nuốt trọn bạn tôi xong, gương mặt dần trở lại vẻ bình thường, sửa lại áo xống, lấy khăn thong thả lau miệng, cúi chào tôi một lần nữa rồi rời đi. Chỉ còn tôi ngồi lại trong cái nắng quái đản, nắng tàn ác, nắng chiều hôm xiên qua gáy nóng bừng bừng.

Và đó là lúc mà tôi bắt đầu khóc, chẳng mấy chốc nước mắt thấm đầy tay áo.

Vĩnh dạ ký. Chùm truyện ngắn của Nguyễn Dương Quỳnh
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest.com

Quân thần truyện

Lúc sinh thời, tổ phụ tôi từng là quan đại thần. Nghe nói ông bản tính cần mẫn tận tụy, làm việc gì cũng cẩn thận chu đáo, nên được tiên đế vô cùng tin yêu. Ông chỉ có tật thích ăn những thứ khó tìm. Những thứ thịt hiếm, rau củ lạ, tổ phụ đều muốn nếm qua, cũng là thói quen ít gặp. Nhưng ông cũng cẩn trọng, không gây phiền lụy cho ai, cũng không để người khác lợi dụng sở thích mà mưu cầu tiến thân, nên làm quan một đời không có điều tiếng gì.

Chuyện này mãi về sau tôi mới nghe kể lại. Một buổi chiều năm xưa, trước ngày xuất quân ra trận thân chinh thảo phạt mấy vùng phía Nam, tiên đế bí mật gọi tổ phụ tôi vào cung, có việc cần giao phó.

Sau khi dặn dò những chuyện thông thường, tiên đế chợt lấy ra trong áo một cái hộp, bảo tổ phụ tôi rằng, đây là chuyện cơ mật, hãy canh giữ vật này cho kĩ. Tổ phụ tôi mở hộp, kinh hoàng nhận ra trong hộp là một quả tim còn đang đập, chỉ biết nhìn quả tim trừng trừng. Tiên đế vẫn bình thản yên lặng, long nhan không hề biến chuyển.

Hồi lâu, tiên đế mới ôn tồn bảo: lúc ra trận, vật này mang theo không tiện. Nên buộc phải giao lại cho người có thể tin tưởng. Tổ phụ của tôi hãy hết lòng bảo vệ vật này như đã hết lòng phụng sự tiên đế vậy.

Tổ phụ tôi vâng mệnh, nhận cái hộp trở về, tuyệt nhiên không đả động với ai, lúc nào cũng mang theo bên người, sâu trong ngực áo, gìn giữ cẩn thận như tính mạng mình.

Trong hộp, chẳng cách xa trái tim của tổ phụ tôi bao nhiêu, trái tim bị cắt lìa kia vẫn tiếp tục đập.

*

Ít lâu sau, khi đã bình xong phía Nam, tiên đế trở về, tổ chức tiệc trong cung, vừa là để ăn mừng chiến thắng, vừa là để ban thưởng cho các bậc trung thần đã coi sóc mọi việc trong khi ngài ra đi. Lúc ấy, tổ phụ tôi đương nhiên cũng đến.

Lúc vãn tiệc, tiên đế cho gọi riêng tổ phụ tôi vào phòng thưởng trà. Khi chỉ còn hai người, tổ phụ tôi cung kính dâng hộp lên cho tiên đế. Trái tim vẫn nguyên vẹn, tiếp tục những nhịp đập vững chãi, chắc nịch.

Tiên đế coi xét xong, vui lòng đẹp ý, bảo rằng tổ phụ tôi đã hoàn tất một nhiệm vụ trọng đại không gì sánh nổi. Tiên đế muốn ban thưởng tổ phụ tôi, nhưng phần thưởng nào cũng thấy không xứng. Nên tổ phụ hãy nói ra, người mong mỏi nhất bây giờ là điều gì, nếu có thể, sẽ không ngần ngại ban cho.

Trước ân điển to lớn nhường ấy, tổ phụ tôi giàn giụa nước mắt, rạp người xuống, chỉ luôn miệng nói câu, mình không xứng đáng, thật không xứng đáng.

Tiên đế ban đầu nghĩ là do tính khiêm nhường, nhưng một lúc lâu sau, tổ phụ tôi vẫn không đứng dậy, mới thấy lạ mà hỏi, có điều gì không ổn?

Tổ phụ tôi vẫn khóc mà nói, thần quả thật không có mong ước gì.

Tiên đế lúc ấy cau mày mà nói, tổ phụ tôi có việc gì khiến trong lòng phiền não? Không thể giấu ngài được đâu. Thời gian vừa qua, tổ phụ tôi đã hết lòng nâng niu bảo vệ trái tim này, tấm lòng họ trong chốc lát đã hòa làm một. Nên tổ phụ tôi không giấu được, mà tiên đế cũng không muốn thế, nên hãy mau nói ra.

Lúc đó, tổ phụ tôi mới tâu, mong tiên đế tha tội, những ngày vừa qua, và cả bây giờ nữa, tổ phụ tôi không mong muốn gì hơn là được ăn quả tim đó.

*

Tổ phụ tôi vốn thích ăn những thức lạ. Tại sao lại có tính ấy, thực không hiểu nổi. Dù vậy, tự ý thức được về thói tật của mình, nên bấy lâu nay tổ phụ tôi luôn cố gắng không để phiền lụy cho ai, cũng không để ai lợi dụng mình, chuyện đó ai cũng rõ.

Nhưng trái tim ấy, lúc mới nhìn thấy, tổ phụ tôi đã choáng váng đầu óc. Biết rõ đây là vật vô cùng hiếm lạ, đời người khó thấy. Ngay lập tức, một nỗi thèm khát muốn bỏ trái tim ấy vào miệng liền bừng lên thiêu đốt trong dạ, dầu đang đứng ngay trước mặt tiên đế.

Nhưng trớ trêu thay! Tiên đế lại giao trọng trách cho tổ phụ tôi chăm sóc trái tim đó. Ngày qua ngày, tổ phụ đều bị giằng xé, đôi lúc chỉ muốn quẳng đi tất cả, lòng trung nghĩa, công danh sự nghiệp, gia đình, để thỏa mãn cơn thèm càng lúc càng dữ dội. Trái tim đó ở đây, ngay trong tay tổ phụ, không ai khác biết điều này. Có ai biết được tổ phụ tôi đã chịu bao nhiêu đau khổ giày vò trong những ngày ấy? Đến tận bây giờ, tổ phụ tôi cũng không dám tin rằng mình đã vượt qua, tay chân rã rời, trán nóng bừng bừng như phát sốt, nên không dám nhận bất cứ phần thưởng nào.

*

Tôi nghe nói, lúc ấy tiên đế chỉ im lặng không nói gì, xua tay ra hiệu cho tổ phụ tôi lui về nghỉ ngơi.

Ngày hôm sau, có chiếu chỉ đến tận nhà tôi, ban thưởng cho tổ phụ tôi rất hậu, bao nhiêu bổng lộc đất đai thật không đếm xiết. Có điều, tiên đế cũng ban xuống rằng, từ nay về sau, tổ phụ tôi không được đến gần ngài nữa..

Khi mắt trái đã bình phục, người bạn thợ săn họ Phan của tôi, sáng sáng đều mang cung tên ra hồ sen. Bấy giờ đã vào hạ, sáng sáng đại sư Bạch Liên cùng đám trẻ chèo thuyền ra giữa hồ hái sen đem về ướp trà. Phan ngồi trong bụi rậm, giương cung nhắm thẳng vào Bạch Liên, mũi tên thẳng tắp như mặt hồ lặng gió. Thi thoảng như thấy Phan, đại sư ngoảnh đầu lại mỉm cười, mà không nói gì.

Cơ sự sao đến nỗi như vậy? Bạch Liên pháp lực cao cường, nhân từ đức độ, giúp dân chúng tiễu trừ ác điểu quấy nhiễu, đẩy lui dịch bệnh, thường ngày với mọi người đều ôn hòa nhân ái, thật là một bậc Phật sống xưa nay hiếm có. Phan đã hóa điên rồi chăng? Đâu lẽ nào lại thế, bình thường anh vẫn luôn là người cẩn trọng chu đáo, sao lại hành động không duyên cớ như vậy.

Một đêm, giữa lúc đối ẩm cùng nhau, chuyện trò ăn ý, tình cảm chan hòa, tôi mới dám mang cái thực bụng mình ra mà khéo léo khơi chuyện, tìm rõ căn cơ. Phan nheo mắt phải còn lành rồi nói, tôi đâu có bụng nào giấu anh, chẳng qua chuyện này chính mình còn không rõ, nên không dám phiền lụy người khác mà thôi.

Phải thuyết phục mãi, Phan mới nói thật ra anh đang nghi ngờ Bạch Liên này chẳng phải là Bạch Liên hòa thượng, mà là ác điểu hóa thành đấy thôi.

*

Mấy tháng trước, ở vùng quê thô kệch của chúng tôi, một con ác điểu xuất hiện. Nó hình dạng ra sao chẳng ai rõ, mỗi lần bay đến, trời đất mịt mù, mây đen cuồn cuộn, ngẩng lên chỉ thấy đôi cánh đen tỏa rộng như che lấp mặt trời mặt trăng, nuốt chửng tinh tú. Ác điểu bắt súc vật, có khi còn ăn thịt trẻ con, những người lớn kéo nhau mang vũ khí vào rừng tiễu trừ nó, đều bị nó giết hoặc làm trọng thương. Lúc ấy, Phan, vốn là tay cung thủ đệ nhất trong vùng, cũng muốn tiễu trừ nó. Khi con ác điểu bay đến, anh giương cung bắn vào cánh nó, nhưng chẳng may bị nó tấn công trúng, may mắn còn toàn mạng, chỉ có mắt trái không còn nữa.

Thôn xóm chẳng mấy chốc tiêu điều. Kể cả ban ngày, nhà nhà đều đóng chặt cửa, con nít không dám kêu khóc, đồng ruộng không ai ngó ngàng. Lúc ấy, Bạch Liên hòa thượng xuất hiện, là nhà sư hành tẩu bốn phương tiễu trừ ma quái cứu giúp lương dân, áo choàng vương mây, tay nải đầy gió, phong thái khác thường. Đại sư trấn an mọi người, bảo sẽ vào rừng tiễu trừ ma quái, không cần ai đi theo. Mà dân trong vùng, vốn đã thất kinh hồn vía, cũng chẳng dám theo nữa.

Lúc đó, Phan vừa khỏi sốt, mắt chưa lành, người đứng chưa vững. Anh vẫn bước ra mà nói, tôi sẽ hộ tống đại sư, ít nhất cũng phải trả được cái thù nó móc mất mắt trái tôi đã.

Hai người bọn họ vào rừng được ba ngày, đến khi quay ra, Bạch Liên vẫn không có một vết thương, chỉ cười mà nói, ác điểu đã bị thu phục. Mọi người bán tin bán nghi. Nhưng sau đó một tháng, vẫn không thấy ác điểu xuất hiện trở lại, nên sự nghi ngờ hóa thành tín phục.

Bạch Liên được mọi người nhất nhất giữ lại. Còn Phan cũng được tiếp đón như người hùng, mọi người liên tục cậy miệng để anh kể lại chuyện tiễu trừ yêu quái. Phan chỉ ậm ừ không nói gì. Bây giờ mới hiểu, lúc ấy anh đã nghi ngờ Bạch Liên hòa thượng này chẳng phải là người ban đầu cùng anh đi vào rừng, mà là ác điểu hóa thành đấy thôi.

*

Phan kể với tôi về chuyện tiễu trừ yêu quái. Buổi chiều ấy, sau khi đi vào rừng, họ đi mãi đi mãi mà không dừng lại. Đến một lúc, như đã chọn được nơi thích hợp, Bạch Liên dừng chân cho anh nghỉ ngơi, tiến tới dưới gốc cây tọa thiền, căn dặn anh dù có việc gì xảy ra cũng không được di chuyển một li.

Đợi một chút, gió to nổi lên, con ác điểu hiện ra giữa không trung, sà xuống tấn công Bạch Liên. Phan giương cung định bắn, chợt thấy người vị đại sư tỏa ra vầng hào quang. Con chim như bị kéo lấy vào lòng Bạch Liên. Thế rồi, trước con mắt kinh ngạc của Phan, ác điểu biến mất dần vào người vị đại sư, như đã bị nuốt chửng. Khi gió đã lặng, Bạch Liên đứng dậy mà gọi anh ra chỗ nấp, mỉm cười mà bảo, mọi việc đã xong rồi.

Trên đường đi ra khỏi rừng, Bạch Liên bảo, đó chỉ là chút pháp lực, đưa yêu ma vào lòng mình, để thanh tẩy chúng. Phật hay yêu, đều chung một gốc. Phan không hiểu gì, chỉ gật gật, lòng chợt hẫng.

Nửa đêm, lúc đang ngủ bên đám lửa, chợt Phan giật mình, người đầy mồ hôi, nhìn thấy Bạch Liên đang tọa thiền đinh ninh đằng xa, chợt rùng mình từng cơn. Tự hỏi, biết đâu con ác điểu đã có thể sống sót, ăn hết gan ruột Bạch Liên từ bên trong rồi. Hay những thứ bóng tối mà Bạch Liên nuốt lấy, có khi nào đã cô đặc lại thành thứ bóng tối còn thăm thẳm hơn ở bên trong?

Thiên hạ không ai nhìn thấy Bạch Liên trừ ma, họ tin răm rắp, tôn sùng Bạch Liên như Phật sống.

Còn người bạn họ Phan của tôi, người duy nhất chứng kiến Bạch Liên trừ ác điểu, lòng lại chất chứa nghi ngờ.

*

Đương nói chuyện, bỗng nghe tiếng người gõ cửa. Bạch Liên hòa thượng đứng trước sân, nhìn chúng tôi mỉm cười, tay nâng gói giấy, bảo đây là trà sen, có chút lòng thành, xin đừng từ chối.

Tôi bán tín bán nghi không biết đại sư đã nghe chuyện mình và Phan bàn luận hay không, tự nhiên thấy hổ thẹn, vội mời đại sư vào nhà. Phan đứng phắt dậy, tay với lấy dây cung đặt ở bên. Bạch Liên ngồi lên sập, mỉm cười, rồi quay sang Phan cúi đầu bảo, công sức khó nhọc của tráng sĩ bần tăng xin đa tạ. Từ giờ trở đi, cầu mong tráng sĩ hãy tiếp tục như vậy.

Trong lúc chúng tôi đều bối rối, Bạch Liên chợt cúi đầu lần nữa, nhẹ nhàng bảo: Tráng sĩ. Xin tráng sĩ hãy tiếp tục nhắm bắn bần tăng. Bần tăng là Bạch Liên hòa thượng, hay ác điểu hóa thân, giờ bần tăng cũng không rõ nữa. Nếu không có người như tráng sĩ nghi ngờ, e là bản thân mình cũng không tin mình nổi.

Bạch Liên nói lời rồi cúi chào hai chúng tôi ra về. Tôi mở gói ra. Hương sen lấp đầy chốn thảo lư cô tịch.

*

Từ đó đến nay, không có gì thay đổi. Mùa hạ qua. Sen trong hồ héo dần. Bạch Liên vẫn hay dẫn đám trẻ ra bờ hồ hóng gió. Phan vẫn sáng sáng mang cung tên rời đi.

Bạch Liên đại sư và người bạn mất mắt trái của tôi, với đúng sai thiện ác đều không phân biệt được nữa.

Văn nghệ, số 25+26/2022
Phiên chợ xuân - Thơ Hồng Quang

Phiên chợ xuân - Thơ Hồng Quang

Baovannghe.vn- Lá dong xanh, thảo quả thơm lừng/ Em xuống chợ hương rừng theo chân bước
Cỗ chay hội Lạng. Tùy bút của Nguyễn Thế Vinh

Cỗ chay hội Lạng. Tùy bút của Nguyễn Thế Vinh

Baovannghe.vn - Ngày tết, trong lễ thức cổ truyền gia đình nào cũng dành dụm làm mâm cỗ thành kính dâng cúng tổ tiên. Cỗ chay dâng cúng Phật trong các đền chùa.
Hãy yêu - Thơ Phạm Văn Dũng

Hãy yêu - Thơ Phạm Văn Dũng

Baovannghe.vn- Hãy yêu những màu xanh/ Trên cánh đồng đa cảm
Đảo Trường Sinh. Truyện ngắn của Hoàng Hạnh

Đảo Trường Sinh. Truyện ngắn của Hoàng Hạnh

Baovannghe.vn - Mạng sống của con người có giới hạn nên mới đáng quý. Bởi vì nó ngắn ngủi nên người ta mới cố gắng sống thật tốt và trân trọng.
Lý luận, phê bình văn học Việt Nam sau năm 1975: Thành tựu, giới hạn và định hướng phát triển

Lý luận, phê bình văn học Việt Nam sau năm 1975: Thành tựu, giới hạn và định hướng phát triển

Baovannghe.vn - Trong 50 năm qua VHNT “nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống