Chuyên đề

Với Fosse, viết cũng là cách cứu mạng chính mình

Câu chuyện văn hoá
06:27 | 19/06/2024
Được chọn là cuốn sách nên đọc nếu chỉ đọc một tác phẩm duy nhất của Jon Fosse, Nobel văn chương 2023, Aliss bên đám lửa tiêu biểu cho phong cách tối giản với những câu từ liên tục lặp lại đặc trưng của ông. Nhân dịp tác phẩm được xuất bản ở Việt Nam, dịch giả Bùi An Bình đã chia sẻ với Văn nghệ về văn chương của Fosse cũng như quá trình đưa Aliss bên đám lửa đến tay độc giả Việt
aa

Được chọn là cuốn sách nên đọc nếu chỉ đọc một tác phẩm duy nhất của Jon Fosse, Nobel văn chương 2023, Aliss bên đám lửa tiêu biểu cho phong cách tối giản với những câu từ liên tục lặp lại đặc trưng của ông. Nhân dịp tác phẩm được xuất bản ở Việt Nam, dịch giả Bùi An Bình đã chia sẻ với Văn nghệ về văn chương của Fosse cũng như quá trình đưa Aliss bên đám lửa đến tay độc giả Việt.

- Trước khi phát hành, bản dịch “Aliss bên đám lửa” đã trải qua nhiều lần chỉnh sửa, hiệu đính. Dịch giả có thể chia sẻ thêm về những thay đổi chính qua các lần biên tập này?

+ Đọc Fosse rất dễ, chỉ có những câu ngắn với vốn từ vựng dung dị. Thế nên, dịch “nước đầu” của Aliss bên đám lửa rất nhanh. Nhưng như đã nói ở trên, ngay từ lần đầu đọc Fosse, tôi đã tự hỏi điều gì khiến cho những từ ngữ đơn giản cùng với cấu trúc đơn giản như vậy tạo nên cảm xúc mạnh đến thế? Theo kinh nghiệm bản thân, tôi thấy những tác phẩm như vậy thường không hề đơn giản. Thế nên, sau bản dịch đầu, chúng tôi đã phải mày mò lý giải, rồi chỉnh sửa, hiệu đính toàn bộ Aliss bên đám lửa hàng chục lần, trong khoảng ba năm. Sau khi những cảm xúc choáng ngợp dịu dần, tôi bắt đầu nhận thấy sự tương đồng của văn Fosse với một số tác giả khác và đặc biệt là với thiền. Do đã quen thuộc và có tìm hiểu về những “tác giả khác” đó, cùng với nhiều năm thiền, tôi dần hiểu điều gì làm nên sức mạnh trong văn của Fosse và do đó, cần phải dịch nó như thế nào.

Đầu tiên, từ ngữ phải thật đơn giản. Bản thân tôi là người rất thích - tới mức sưu tầm - những từ đẹp, gợi, lạ,… nhưng khi dịch Fosse, tôi phải gạt bỏ hầu như mọi từ mĩ miều, thay thế nó bằng những từ đồng nghĩa đơn giản ở mức độ học sinh tiểu học cũng có thể hiểu được. Lựa chọn này xuất phát từ cảm giác khi đọc Fosse. Tuy nhiên, trong chính cuốn Aliss bên đám lửa, khi đọc thấy nhân vật Asle “nếu có điều gì dịch giả không thích thì đó là những từ to tát”, tôi tin lựa chọn đó là đúng với văn Fosse. Sau đó - và khó khăn hơn - đó là giữ được sự lặp lại. Nếu nhìn kỹ lại ngay trong chính đời sống, sẽ nhận thấy rằng sự lặp lại đều đặn, y chang, không pha tạp, thoạt nhìn rất đơn giản nhưng chính là sức mạnh lớn nhất. Đó có thể là chuyển động li tâm, cách đẩy cảm xúc lên đỉnh hay đáng sợ như tra tấn bằng giọt nước. Trong thiền, sự lặp lại y chang các vòng thiền một cách đơn giản nhất - nhưng rất khó thực hiện - cũng chính là điểm then chốt.

Khi dịch Aliss bên đám lửa, tôi cố gắng giữ được sự lặp lại, không chỉ những câu hay cụm từ, mà đến từng từ. Một danh từ, tính từ, động từ dù chỉ xuất hiện hai lần hay một trăm lần, đều phải được dịch y chang nhau trong cả cuốn. Tôi đã rất xúc động khi phát hiện ra có một từ, xuất hiện không nhiều, nhưng lại kết nối được bốn nhân vật trong sách. Nếu là tác giả khác, từ này có lẽ đã được dịch theo những cách khác nhau để phù hợp với bối cảnh nhưng trong Aliss bên đám lửa, tôi đã cố gắng chọn duy nhất một từ phù hợp nhất có thể. Có thể, về mặt ý thức, độc giả cũng không phát hiện ra sự lặp lại này, nhưng tôi tin, về mặt tiềm thức, sự lặp lại này đã góp phần tạo nên cái gọi là “tiếng nói cho những điều không thể nói ra” - như Viện Hàn lâm Thụy Điển ca ngợi ở Fosse. Nói như vậy không có nghĩa là tôi áp đặt ý chí thiền khi dịch Fosse. Nguyên tắc số một khi dịch của tôi là bám sát hết mức vào bản gốc. Tôi không hề tự ý tạo ra sự đơn giản hay lặp lại.

- Đến nay đọc lại, dịch giả đã cảm thấy “hòa hợp” với bản dịch được in chưa?

+ Trong quá trình chỉnh sửa, có những lúc tôi vẫn cảm thấy lợn cợn với cách dịch, không rõ tại sao. Đó cũng là một lý do khiến bản dịch liên tục được sửa lại. Có những từ, tôi mất nhiều ngày suy nghĩ nên chọn dịch là thế này hay thế kia. Khi dịch một tác giả, tôi đều đọc nhiều tác phẩm của họ, để đắm chìm trong không khí chung họ tạo ra. Tôi không thể biết chính xác tác giả cảm thấy thế nào nhưng ít nhất, cũng phần nào hít chung bầu không khí đó. Bản dịch hoàn thiện là khi tôi thật sự cảm thấy dễ chịu với nó, không còn chút lợn cợn. Dù vậy, khi cầm sách trên tay, tôi vẫn phát hiện ra một lỗi lặp (rất nhỏ và chắc không ai nhận ra) của mình (buồn).

- Điều gì ở tác phẩm khiến dịch giả ấn tượng nhất, hay khơi gợi nhiều suy nghĩ nhất?

+ Ấn tượng lớn nhất có lẽ vẫn là cái tổng thể rung cảm mà cuốn sách mang lại. Nếu thu hẹp lại, thì “đó là Aliss” (đúng như tựa gốc của tác phẩm). Ban đầu, tôi không hiểu tại sao Aliss lại được đưa lên tựa đề sách. Aliss chỉ là nhân vật phụ, xuất hiện không quá nhiều, thậm chí không có những cảnh ngặt nghèo như một số nhân vật phụ khác. Nhưng sau nhiều lần đọc lại và tham khảo, tôi mới nhận ra vị trí mang tính kim chỉ nam của Aliss, được tượng hình rất chính xác là Aliss bên đám lửa. Và nhận thức này thậm chí làm đổi hướng hoàn toàn cảm xúc của tôi về cuốn sách. Ban đầu, Aliss bên đám lửa khiến tôi rơi vào một nỗi buồn man mác nhưng triền miên. Nhưng khi nhận ra Aliss luôn ở đó, đóng vai trò là ngọn lửa của đức tin, giúp con người vượt qua mọi đau khổ, chính tôi cũng đã vượt qua nỗi buồn và được giải phóng, gần như là hạnh phúc. Khi đọc diễn từ của Fosse, tôi được biết có nhiều độc giả cũng có chung cảm giác đó. Dù văn Fosse mang tới nhiều chủ đề buồn, thậm chí tiêu cực, nhưng sau cùng, nó lại mang lại sự an ủi lớn, thậm chí “cứu mạng” nhiều độc giả. Với Fosse, viết cũng là cách cứu mạng chính mình.

- Dịch giả từng chia sẻ “Có thể so sánh đọc Fosse với thiền. Nó cần sự lặp lại chính xác và phải cực kỳ đơn giản. Mọi phức tạp, hoa mỹ đều phá hỏng nó”. Dịch giả có thể nói rõ hơn điểm này?

+ Điều này tôi đã nói phần nào ở trên. Riêng về thiền, phải đi sâu vào thực hành để thấy những gian nan của sự đơn giản. Chỉ một gợn pha tạp, thay đổi, theo thời gian dài, có thể phá hỏng hết. Như các cụ ta vẫn nói là “Sai một li đi một dặm” vậy. Thế nên, với lối văn đánh vào tiềm thức như của Fosse, tôi đã phải rất cẩn trọng trong sự đơn giản và lặp lại của nó.

- Ở những tác phẩm nổi tiếng khác của Fosse như Trilogy hay Septology độc giả có được trải nghiệm này hay không?

+ Có. Các tác phẩm của Fosse đều ít nhiều như vậy. Tất nhiên, theo dòng thời gian, lối viết có thay đổi nhưng cốt lõi vẫn là vậy. Đó chính là điều làm nên “tiếng nói cho những điều không thể nói ra” trứ danh của Fosse. Aliss bên đám lửa được tạp chí The Guardian chọn là cuốn nên đọc nếu chỉ đọc một cuốn duy nhất của Fosse hẳn cũng vì nó làm nổi bật được nhất những điểm này.

- Theo dịch giả, triết lý trong văn chương của Fosse, một người Công giáo phương Tây sùng đạo, có điểm gì chung gì với các triết lý Đông phương, cụ thể là Phật giáo?

+ Tôi tin rằng con người, nhất là ở một tầng sâu như văn Fosse đã tới được, cơ bản là giống nhau.Với tôi, văn Fosse, ít nhất trên bề mặt, khá khác với các nhà văn phương Tây vốn ưa các thử nghiệm. Ngược lại, Fosse lại gợi tôi nhớ tới văn hóa phương Đông hơn. Trong giới văn chương, những “tác giả khác” tôi có nói tới ở trên chính là các tác giả phương Đông. Sự đơn giản sâu thẳm ở Fosse có thể thấy trong “vô vi” của Lão Tử, “nhẹ lâng” của Basho, minh triết của Rumi, những truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata hay ít nhiều cái “dư dụ” của Soseki. Cũng như thế với tôn giáo. Tôi là thiền sinh Vipassana và đồng thời rất yêu thích Kinh thánh. Tìm tòi cả ở Kinh thánh và Nikaya của Thích Ca Mâu Ni, tôi cũng thấy bề mặt có thể khác biệt, nhưng ở tầng sâu là tương đồng. Một tác giả có thể diễn giải rất rõ điều này là Lev Tolstoy. Ông là người theo Chính thống giáo, có đức tin lớn ở Chúa, nhưng xuôi dòng theo tư tưởng của Thích Ca Mâu Ni. Bản thân Fosse, trải nghiệm quan trọng nhất trong đời của ông, “về cơ bản đã thay đổi đời tôi và có lẽ khiến tôi trở thành nhà văn” - như ông nói, là lần chết hụt khi lên bảy (có thể thấy ảnh hưởng lên Aliss bên đám lửa). Miêu tả của Fosse về trải nghiệm này rất giống với “bardo” (trung hữu) trong một số trường phái Phật giáo. Sự giống nhau này, một lần nữa, theo tôi, là vì bản chất con người là giống nhau.

- Dịch giả nghĩ độc giả cần chuẩn bị tâm thế nào khi đọc Aliss bên đám lửa nói riêng và các tác phẩm khác của Fosse nói chung?

+ Theo trải nghiệm của cá nhân tôi, độc giả hãy dành riêng một buổi để đọc Aliss bên đám lửa ở tốc độ chậm rãi nhưng liên tục cho tới hết. Nó chính là nhịp điệu thiền. Bản thân tôi, do dịch, đã được đọc cuốn sách ở tốc độ rất chậm. Về sau, khi cầm sách hoàn chỉnh, do quá quen thuộc, tôi đọc lại với tốc độ nhanh hơn, có những cảm xúc mới nhưng cái đẹp đơn giản nhờ chậm rãi mà nhận ra đã phần nào bị giảm bớt. Sự lặp lại cũng nên được thực hiện đều đặn, liên tục, thì chắc chắn tác động sẽ lớn hơn. Ngoài ra, có lẽ nên đọc nhiều lần. Văn Fosse rất đơn giản, nhưng như một cảnh quang núi, mỗi lần nhìn ngắm, sẽ lại thấy những điều khác nhau.

+ Cảm ơn dịch giả về cuộc trò chuyện này.

Trần Nguyễn (thực hiện)

Nguồn Văn nghệ số 24/2024


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì Hội nghị lần 10 BCH Trung ương Đảng khóa XIII

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì Hội nghị lần 10 BCH Trung ương Đảng khóa XIII

Baovannghe.vn - Hội nghị Trung ương lần này diễn ra sớm hơn, ngắn hơn dự kiến và sẽ làm việc cả ngoài giờ hành chính; thảo luận, cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược và một số việc cụ thể.
Bản tin Văn Nghệ: Hội tụ và tỏa sáng những tài năng âm nhạc, nghệ thuật

Bản tin Văn Nghệ: Hội tụ và tỏa sáng những tài năng âm nhạc, nghệ thuật

Baovannghe.vn - Ban nhạc The Bootleg Beatles sẽ tổ chức 3 đêm diễn tại Việt Nam trong chuỗi chương trình kỷ niệm 44 năm lưu diễn tri ân người hâm mộ.
Điểm 10. Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Hồng Minh

Điểm 10. Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Hồng Minh

Baovannghe.vn - Bây giờ khi đã mười chín tuổi, tôi biết yêu, biết hận, biết thương và biết sợ. Tôi thích lang thang một mình vào những buổi chiều xanh xao thả bộ dọc con phố vắng.
Phỏng vấn một nghệ sĩ mở quán ăn

Phỏng vấn một nghệ sĩ mở quán ăn

Baovannghe.vn - Tôi vẫn thế thôi. Nhưng tác phẩm cần sự thẩm định của thời gian, chính mình phát biểu không tiện. Còn món ăn cần sự thẩm định tức thì, ngay miếng đầu tiên.
Nước. Truyện ngắn dự thi của Đặng Chương Ngạn

Nước. Truyện ngắn dự thi của Đặng Chương Ngạn

Baovannghe.vn - Mọi năm vào cữ này, vùng đồi hạn cháy, giếng nước, ao hồ khô cạn trơ đáy. Làng Ham nằm trong vùng đất luôn khô hạn thiếu nước.