Diễn đàn lý luận

“Dịch ngược” để quảng bá văn học Việt Nam

Phạm Xuân Nguyên
Lý luận phê bình
14:00 | 29/09/2024
Baovannghe.vn- Có thể thấy ở nước ta thời gian gần đây, văn học dịch từ ngoài vào đang phát triển mạnh mẽ, có một đội ngũ dịch giả mới trẻ trung và năng động, kịp thời chuyển ngữ những tác phẩm nổi tiếng và có giá trị của văn chương thế giới cho độc giả trong nước. Trong bài viết này, tôi muốn nêu lên một số ý kiến về thực trạng công việc dịch văn học tiếng Việt ra các thứ tiếng nước ngoài.
aa

Trong đời sống văn học của một đất nước, văn học dịch là một bộ phận quan trọng. Khái niệm “văn học dịch” bao gồm 2 khía cạnh là: dịch văn học của nước ngoài sang tiếng Việt mà chúng ta thường hay gọi là “dịch vào” hay “dịch xuôi”; và dịch văn học Việt Nam ra các thứ tiếng nước ngoài, mà chúng ta thường gọi là “dịch ra” hay “dịch ngược”.

“Dịch ngược” để quảng bá văn học Việt Nam
Một số tác phẩm văn học Việt dịch và xuất bản ở nước ngoài, từ trái qua: Bản phát hành tại Mỹ của Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), bản phát hành tại Hàn Quốc của Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), bản phát hành tại Pháp của Chuyện tình kể trong đêm mưa (Nguyễn Huy Thiệp).

Có thể thấy ở nước ta thời gian gần đây, văn học dịch từ ngoài vào đang phát triển mạnh mẽ, có một đội ngũ dịch giả mới trẻ trung và năng động, kịp thời chuyển ngữ những tác phẩm nổi tiếng và có giá trị của văn chương thế giới cho độc giả trong nước. Trong bài viết này, tôi muốn nêu lên một số ý kiến về thực trạng công việc dịch văn học tiếng Việt ra các thứ tiếng nước ngoài.

Tất cả các nước phát triển đều muốn mở rộng văn hóa nước mình ra các cộng đồng khác, mà văn học chẳng khác gì tấm chứng minh thư của một nền văn hóa. Lấy ngay một tác phẩm văn học của nước ta đã nổi tiếng trên thế giới thì rõ. Đó là cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh. Đến nay tác phẩm này đã được dịch ra gần hai mươi thứ tiếng, chủ yếu căn cứ vào bản dịch tiếng Anh, và được độc giả các nước đọc nhiều, đánh giá cao. Các sách của Nguyễn Huy Thiệp cũng đã được dịch khá nhiều ra mấy thứ tiếng, và có tiếng vang rộng lớn. Như vậy Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp đã đạt tới tầm cỡ của các đại sứ văn hóa. Nhiều khách nước ngoài tới Việt Nam đều muốn được gặp hai nhà văn này. Đó là điều văn học đã làm được cho văn hóa Việt Nam.

Làm thế nào để có nhiều hơn những bản dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài? Ở ta từ trước đến giờ, hình như chưa hề có chiến lược giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài cho có hệ thống, bài bản. Nói cho ngay, văn học Việt Nam trước đây được giới thiệu ra ngoại quốc là nằm trong chính sách ngoại giao thời chiến, nặng về mặt chính trị, tư tưởng, dùng tác phẩm văn học như một công cụ tuyên truyền, vận động cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Thập niên đầu thế kỷ XXI đã có Hội nghị dịch thuật và quảng bá văn học trong một đường hướng lâu dài là giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, để thế giới biết Việt Nam là một quốc gia, một dân tộc, có lịch sử và truyền thống lâu đời, chứ Việt Nam không phải là một cuộc chiến tranh. Điều đó là rất đúng và rất hay. Nhưng từ đó đến nay không thu được kết quả bao nhiêu.

Nói dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài hiện nay thì cần tập trung vào văn học hiện đại, mà cụ thể hơn nữa là văn học thời Đổi mới. Chứ cứ bày ra lắm món rồi tản mạn, không chắc được món nào. Văn học cổ điển thì Truyện Kiều, thơ Nguyễn Trãi, thơ Hồ Xuân Hương... đã có dịch; thơ Lý Trần cũng đã có dịch và sẽ còn phải dịch nữa, nhưng là về lâu về dài. Văn học hiện đại, những Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận... cũng đã có dịch. Trong văn học hiện đại thì mảng viết chiến tranh trước đây có một số tác phẩm đã được dịch, chủ yếu ở mấy nước xã hội chủ nghĩa. Vì vậy chắc chắn là ở thời điểm này, theo tôi, cần nên tập trung giới thiệu văn học đương đại. Đó là một đời sống văn học đang diễn ra, đang cập nhật, đang hội nhập, có tương quan so sánh được với văn học thế giới hiện nay. Vấn đề đặt ra là phải tổ chức lựa chọn, giới thiệu và dịch thuật thế nào để bức tranh văn học Việt Nam thời mới hiện ra trước mắt người đọc nước ngoài được phong phú, đa dạng, phản chiếu đúng diện mạo như nó có.

Kinh nghiệm của Thụy Điển, Hàn Quốc, Ba Lan... và một số nước đối với các dịch giả văn học của họ cũng rất cần được tham khảo. Họ biết tường tận đội ngũ dịch văn học nước họ ở Việt Nam nên luôn trân trọng, tạo điều kiện cho các dịch giả luôn được tiếp cận tìm hiểu và trao đổi về văn học nước mình, kịp thời có những đánh giá khen thưởng tích cực cho các bản dịch. Kể lại câu chuyện dịch của Thụy Điển và Ba Lan, tôi mong những người đã và đang làm công việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài có thể thấy ở đó một cách làm hữu hiệu. Theo tôi có mấy việc sau: Một là, phải có bản kiểm kê văn học Việt Nam dịch ra nước ngoài từ trước đến nay, in bằng tiếng Việt và tiếng Anh, đưa cho các dịch giả để họ nắm được tổng quát tình hình ở khu vực hoạt động này. Hai là, giới thiệu và đề nghị các dịch giả nước ngoài dịch ba tác giả: Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Nam Cao. Đặc biệt tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng đã có bản dịch tiếng Anh rất thành công của Peter Zinoman và Nguyệt Cầm in ở Mỹ năm 2002. Thơ Hàn Mặc Tử đã có tập tuyển Vỹ Dạ dịch ra tiếng Pháp. Truyện ngắn Nam Cao cũng đã có một tuyển tập in bằng tiếng Pháp. Tôi nói bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp vì đây là hai thứ tiếng phổ cập, và vì các dịch giả nước ngoài dịch từ tiếng Việt, nhưng cũng có khi chỉ dịch từ một thứ tiếng khác. Ba là, giới thiệu những ấn bản dịch đã có của văn học Việt Nam ra các thứ tiếng, nhất là tiếng Anh. Bốn là, tạo những cơ hội giao lưu tiếp xúc trao đổi giữa các dịch giả nước ngoài và dịch giả người Việt, giữa các dịch giả và các nhà văn nhà thơ Việt Nam. Thời gian gần đây, nhiều nhà thơ của chúng ta cũng đã có ý thức tự giới thiệu mình bằng cách in các tập thơ song ngữ Việt - Anh để tiếp xúc với bạn bè thế giới. Đó là một cánh cửa tự mình mở ra thế giới.

Thực ra, mấy ý nêu trên vẫn đang là ở cái thế ta phải ăn đong, ăn nhờ, có khi ăn chịu nữa. Nghĩa là vẫn thụ động. Về lâu về dài, ta phải chủ động trong việc này. Văn học của ta mà ta không biết cách tự giới thiệu, quảng bá thì trách sao được người ngoài không biết! Tương lai Hội Nhà văn Việt Nam phải phối hợp với Bộ Văn hóa, Bộ Ngoại giao để có chiến lược lâu dài chủ động đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài. Phải tổ chức đồng bộ, bài bản, phải có được những bản dịch của mình để mở đường. Trong tinh thần đó, tạp chí Văn chương Việt Nam xuất bản bằng tiếng Anh cần được bù lỗ và duy trì, và phải tìm cách sao cho nó tồn tại và phát triển được trên thế giới. Ở tư cách một người dịch văn học ở ngoài vào Việt Nam, tôi đã phải dựa nhiều vào các loại tạp chí như vậy để tìm kiếm tác phẩm dịch. Cố nhiên, cần phải có một đội ngũ dịch tiếng Anh giỏi để văn chương không bị biến dạng quá mức cho phép khi qua bản dịch.

Tôi nghĩ đến một giải thưởng dịch văn học Việt Nam. Trong nước hằng năm Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội đều xét trao giải thưởng dịch văn học nước ngoài, căn cứ vào tác phẩm được chọn dịch và chất lượng bản dịch. Cũng như vậy, hằng năm hoặc vài ba năm một lần, một cơ quan nào đó trong nước, có thể là Hội Nhà văn Việt Nam, được phép của Chính phủ xét trao thưởng cho một hoặc một số dịch giả nước ngoài đã có bản dịch hay tác phẩm văn học Việt Nam hoặc có sự nghiệp dịch văn học Việt Nam nổi tiếng, được đánh giá cao ở nước đó. Giải thưởng này cần có tên gọi chính thức, có quy chế hẳn hoi, và được trao thưởng long trọng, đàng hoàng. Giá trị tiền bạc có thể không phải đã lớn, nhưng vinh dự thì phải cao.

Quảng bá văn học nói riêng và văn hóa nói chung phải trở thành chính sách của Nhà nước. Phải có các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, các tùy viên văn hóa phải được phổ biến thông tin và nắm được các nét phát triển của đời sống văn hóa, văn học. Họ không thể chuyên sâu như người làm văn hóa chuyên nghiệp nhưng họ phải hiểu biết về văn hóa để trở thành một kênh thông tin đưa văn hóa, văn học Việt Nam ra nước ngoài. Một số trung tâm văn hóa và đại sứ quán các nước ở Hà Nội đã từng mời nhà văn nước họ sang Việt Nam giao lưu, còn như các đại sứ quán ta ở nước ngoài thì chưa có hoạt động này. Đồng thời cũng cần thông qua cộng đồng người Việt ở nước ngoài, họ là những cầu nối văn hóa, nhờ am hiểu ngoại ngữ, phong tục tập quán nơi định cư, tha thiết với quê hương, nhờ có không gian tiếp xúc văn hóa rộng, nên khi có kế hoạch và chính sách rõ ràng thì tôi tin họ sẵn lòng hợp tác cùng trong nước để chuyển tải văn học Việt Nam tới người đọc thế giới.

Phạm Xuân Nguyên | Báo Văn nghệ

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Hòa mình vào cuộc sống người khác để thấy tác phẩm của ta trong xã hội Nước là của dân “Chút tấm lòng” Thi đua - Khen thưởng: Tạo hiệu ứng lan tỏa trong đời sống xã hội Cá vàng trong bể. Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung
Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Baovannghe.vn - Cả một đồi cây sau làng là thế giới của các loài chim, nhiều lắm, chúng bay thành từng nhóm, từng bầy, có khi từng đôi, cũng có khi riêng lẻ…
Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Baovannghe.vn - Trong khuôn khổ " Ngày hội đổi mới sáng tạo" - hội thảo “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục đại học Việt Nam: Năng động và hợp tác” đã đặt ra và giải đáp nhiều vấn đề về Đổi mới Giáo dục đại học hiện nay.
Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Baovannghe.vn- Chào mào hót: cởi quách cái thử nào/ Cô gái trẻ giật mình cài lại yếm.
Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Baovannghe.vn- "Tác phẩm có ảnh hưởng tốt đến tư tưởng và tình cảm của nhân dân”/ Trong hội trường/ Anh vận bộ veston đỉnh đạc bước lên sân khấu nhận giải thưởng
Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Baovannghe.vn- Thi nhân ạ!/ Khó minh định rạch ròi/ Ta đang ở Giới nào trong Tam giới?/ Này thì rượu. Này thì thơ. Này thì em roi rói