1. Alice Munro và sức sống của truyện ngắn
Thực không khó để điểm lại những thành công và giải thưởng Alice Munro đã gặt hái được trong sự nghiệp cầm bút của mình, với ba lần đoạt giải Toàn quyền Canada cho văn học hư cấu (1968, 1978, 1986), giải Sách bán chạy của Hiệp hội xuất bản Canada năm 1971, giải Man Booker năm 2009 cho sự nghiệp sáng tác trọn đời và giải Nobel văn học 2013. Trong một chia sẻ gần đây với Alisa Allardice trên trang mạng theguardian.com, Munro trả lời thành thực: “Tôi không nghĩ mình có thể viết thêm gì nữa. Hai hay ba năm tới, tôi đã quá già, tôi sẽ quá mệt mỏi. Tôi không nhớ nổi đã cống hiến bao lâu trong suốt cuộc đời mình để dấn thân vào con đường cầm bút, bao nhiêu năng lượng đã dành trọn cho công việc ấy, tôi có thể làm gì khác nữa đây? Nghe khá kì khôi… nhưng tôi cảm thấy mình mới chỉ sống một phần của cuộc đời này, vẫn còn một phần đời khác tôi chưa từng được trải qua”. Niềm nuối tiếc vương vấn trong những tâm sự của Munro là gì, nếu không phải một nỗ lực tuyệt vọng khi không nguôi chiêm nghiệm về khả năng đặt chân vào địa hạt tiểu thuyết: “Tôi đã nỗ lực, nỗ lực, nỗ lực hết mình để viết một cuốn tiểu thuyết - và mọi cố gắng ấy chẳng bao giờ đem lại thành quả. Sau cuốn sách thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư của mình ra đời, nhà xuất bản vẫn trông chờ tôi sẽ cho ra đời một cuốn tiểu thuyết. Còn tôi càng lúc càng cảm thấy mình như đang đốt thời gian”. Nhưng rồi, suốt cuộc đời, Alice Munro đã không chỉ trung thành với thể loại truyện ngắn (Đời thiếu nữ và thiếu phụ - cuốn tiểu thuyết đầu tay và duy nhất của bà chỉ như bước đánh dấu một thể nghiệm không dài hơi) mà còn gây xáo động thể loại ấy, chuyển hóa nó, mở rộng những đường biên của nó, nới lỏng những định nghĩa về nó, đem tới cho nó những đột phá, trong khi vẫn xác quyết và tôn vinh những hạt nhân cốt yếu nhất của hình thức thể loại. Và giải thưởng Nobel danh giá không chỉ có ý nghĩa như sự công nhận năng lực văn chương tuyệt vời của cá nhân Munro, mà còn là sự công nhận giá trị và sức sống của chính thể loại truyện ngắn. Như phát biểu của Jonathan Franzen: “Chúng ta đã phải đợi hơn một thế kỉ, và cuối cùng cũng đã có một giải Nobel văn chương cho một nhà văn thuần túy của thể loại truyện ngắn”.
Chính Munro, khi đáp lời ban tổ chức giải Nobel, cũng thừa nhận: “Đây là điều tuyệt vời đối với tôi, cũng là điều tuyệt vời đối với thể loại truyện ngắn. Truyện ngắn thường bị gạt đi, xem nhẹ như một hình thức thử nghiệm trước khi người ta bắt tay vào viết tiểu thuyết. Tôi muốn đặt thể loại này lên trước, không với bất kì một điều kiện ràng buộc nào”. Khi được hỏi về công việc trong vai trò một biên tập viên cho cuốn Tuyển tập truyện ngắn hay nhất thế kỉ, cụ thể về việc nhận ra được có những gì mới trong hình thức truyện ngắn sau khi đã đọc vô vàn ứng cử để có thể đưa ra lựa chọn cho tuyển tập trên, John Updike khẳng định: “Tôi chỉ có thể nói rằng những nhà văn như Alice Munro, Laurie Moore và Thom Jones đang viết ngày một cởi mở hơn, đang không ngừng nỗ lực mở rộng biên độ truyện ngắn, khiến cho thể loại này phóng khoáng hơn, mới lạ hơn. Hình thức tự sự này còn lâu mới tới hồi cuối kết”. Cái tên Alice Munro, như thế, được nhắc tới như một minh chứng chắc chắn cho sức sống và sự vận động thể loại tự sự nhỏ. Viết lời dẫn nhập cho cuốn Alice Munro: những điểm nhìn phê bình hiện đại, Harold Bloom không ngại đặt bà ngang hàng với các tên tuổi viết truyện ngắn xuất chúng như Henry James, Chekhov, Kafka, Babel, Borges, Joyce, Faulkner, Hemingway, Scott Fitzgerald...
2. Văn chương như một cách trốn chạy
Phát biểu về văn chương mình, Munro từng chân thành thú nhận: “Theo nhiều cách khác nhau, tôi đã viết những câu chuyện cá nhân trong suốt cuộc đời mình”. Bà đưa vào tác phẩm mình những chi tiết về đời sống chật vật của tuổi ấu thơ, căn nhà gia đình nằm cuối con đường, gánh nặng căn bệnh Parkinson lên mẹ bà những năm 40 (thế kỉ XX), cuộc hôn nhân đầu tiên với một người say mê sách vở, quãng thời gian làm bà mẹ trẻ và li hôn...
Munro thường xuyên viết về sự trốn chạy, sự che giấu và ngụy trang. Bà đã tìm được cho mình hình thức đầu tiên của sự trốn thoát, là đọc và viết, dù chỉ mới dừng ở sự trốn chạy trong tâm tưởng. Cuộc trốn chạy vật lí của thân xác được chính tác giả miêu tả vắn tắt: “Sống ở một nơi như Wingham, bạn chỉ có một cơ hội rất nhỏ để vượt thoát ra bên ngoài nó. Nếu đợi tới năm ba mươi tuổi, bạn đã quá nhu nhược và mù tịt về thế giới, khi ấy, ham muốn trốn chạy đã trở thành không tưởng. Tôi ý thức sâu sắc điều này. Tôi đã quyết định kết hôn và đó thực là điều may mắn”. Dù vậy, sự dịch chuyển, khả năng tự quyết trong việc bứng mình sang các chiều kích tồn tại mới gần như không bao giờ đạt tới sự thỏa mãn sau cùng. Trong cuốn hồi kí Cuộc đời mẹ và con gái, Sheila Munro (con gái đầu lòng của Alice Munro) đã kể lại hình ảnh người mẹ ngồi viết “trong phòng giặt là, máy đánh chữ để cạnh lẫn với máy giặt, máy sấy và bàn ủi…”. Cảnh tượng này đã từng được nhật báo Vancouver khắc họa trong một bài bình luận về Alice Munro năm 1961 với lời đề phụ đầy hấp dẫn: “Bà nội trợ tranh thủ từng phút viết truyện ngắn”. Chính trong những tình thế này, văn chương (sự viết) hiện diện như một sự cứu chuộc, một hướng tìm “đường thoát”, một cách vượt khỏi đường biên quy thuộc của không gian trong nhà (domestic) và những bổn phận được mặc nhiên gán cho người phụ nữ. Truyện ngắn, bởi vậy, với Munro như một khả thể của cuộc trốn chạy khỏi cái thường nhật tầm thường, một cách tự kiến tạo cho mình chiều kích tồn tại khác, không dàn trải miên man như tiểu thuyết mà gói gọn trong nó sự tĩnh lặng của chiêm nghiệm hay sự bùng nổ bất ngờ của ý thức vụt hiện.
3. Tự sự phân mảnh như một cuộc kiếm tìm không hồi kết
Nói tới những cuộc trốn chạy trong tác phẩm của Alice Munro không đồng nghĩa với việc xếp tác phẩm của bà ngang với các thể loại truyện hư cấu mang tính huyễn tưởng đơn thuần. Munro chưa bao giờ là một cây bút viết truyện fantasy hay truyện huyền ảo. Nghệ thuật tự sự của Munro, không gì khác, là sự mô phỏng nghiêm ngặt; nhưng cái nó nhắm tới mô phỏng là “chuỗi tự sự hư cấu rối rắm của vùng biên” (Harold Bloom), không ngừng lệch ra bên ngoài chiều hướng vận động trung tâm và lí tính, đứt quãng, phi tuyến tính và đầy lỗ hổng. Gần như mọi tác phẩm của bà đều chứa đựng những quãng cách/ kẽ hở và sự nhảy cóc về thời gian. Chính trong độ căng của khoảng giữa hai thời điểm ấy, những cuộc đời được trình hiện và tái hồi tưởng sau hàng thập kỉ, với cái nhìn xuất chúng và hài hước đáng kinh ngạc. Munro khẳng định: “Tôi thích những khoảng trống, câu chuyện nào của tôi cũng đầy những khoảng trống. Có vẻ đây cũng chính là cách cuộc đời tự trình hiện nó trước mặt mỗi chúng ta”. Bằng thủ pháp này, bằng việc để chừa khoảng trống cho những quãng cách dài ngắn khác nhau về thời gian từ vài tháng đến bốn mươi năm, tập truyện Trốn chạy (Runaway, 2004) giống như sự tiết lộ về những cuộc đời thay vì phân tích lại những cuộc đời ấy. Chẳng gì có thể đưa lại khả năng xoa dịu khi ngoái đầu viếng thăm quá khứ. Cũng không có bóng dáng của sự hoài cố ủy mị, chức năng của truyện kể nằm ở chính những gì bà viết về Nancy, nhân vật chính trong Quyền lực (Powers) - truyện ngắn cuối cùng của cả tập truyện: “Điều cô khao khát muốn thực hiện bất cứ khi nào có đủ thời gian không phải là quay trở lại sống trong quá khứ, mà phơi mở nó ra để có được cái nhìn thích đáng về nó”. Quyền lực là truyện có dung lượng dài nhất và cũng mang tính phân mảnh cao nhất trong cả tập. Phần 1 dẫn lại trọn vẹn một phần nhật kí Nancy viết vào năm 1927. Chỉ riêng việc sử dụng hình thức nhật kí đã hàm ẩn tính chủ quan, vị kỉ trong lời kể. Hơn ai hết, Munro hiểu rằng cuộc đời đầy vô minh và bất trắc. Bà không phán xét quá khứ, chỉ đơn thuần đưa ra những mảng đối sánh cách biệt về thời gian. Munro trao cho chúng ta một quá khứ không thể tự ý thức chẳng kém gì hiện tại. Câu chuyện khép lại bí ẩn như một giấc mơ, một bức tranh không ngừng trải rộng về đời sống không thể tiên liệu, nơi sự bất thường và bình thường, mơ hồ và rõ nét đan lồng trong sự thách thức khả năng thâu tóm, nắm bắt và tái trình hiện (kể lại) của con người.
Dù vậy, kể chuyện vẫn luôn là hành động trung tâm của các nhân vật trong tác phẩm của Munro. Đương nhiên, đó là nhiệm vụ chính của các nhân vật người kể truyện trong tác phẩm. Nhưng, kể chuyện còn là nhu cầu thường xuyên của một nhóm đông đảo các nhân vật phụ mà lời kể của họ được thuật lại bởi nhân vật chính, nói cách khác, ẩn bên dưới tự sự của nhân vật chính. Dù đang kiếm tìm hay đang trốn tránh sự thật, tất cả các nhân vật đều sử dụng truyện kể như thứ vũ khí chủ chốt trong cuộc đấu tranh dai dẳng không hồi kết với những mâu thuẫn nảy sinh nơi giao điểm của quá khứ và hiện tại. Tất cả, không trừ một ai, đều bị câu thúc phải thức nhận và xếp đặt nỗi đau, sự mê muội, và cả những lóe sáng bất chợt của sự thức ngộ ở chính mình thành một hệ thống logic, tuyến tính và khả tri. Nghịch lí thay, cuối cùng, gần như tất cả những người kể chuyện trong tác phẩm của Munro, dù giữ vai trò kể chuyện chính hay phụ, đều nhận ra, dù chỉ lờ mờ, sự thiếu hoàn hảo và không thỏa đáng của phương tiện tự sự mà họ sử dụng. Trong hầu hết các trường hợp, sự không thỏa đáng này là hệ quả tất yếu của độ vênh lệch giữa bản thân trải nghiệm với câu chuyện kể lại nó, giữa sự thực và trí nhớ. Quan hệ bất ổn giữa ngôn từ và trải nghiệm là mối quan tâm trở đi trở lại trong tác phẩm của Munro, như một vấn đề không thể giải quyết và cũng không có hi vọng giải quyết. Người bạn thời tuổi trẻ (Friend of My Youth) là một truyện ngắn chạm đến vấn đề về sự trung thành của truyện kể như thế. Tự coi mình là người thừa kế những câu chuyện thời con gái của bà mẹ, người kể chuyện nhất mực tái kiến tạo lại những tự sự ấy thành những câu chuyện “hợp lí” hơn với phiên bản lí tưởng của riêng cô về con người mà cô muốn mẹ mình đã-phải-là: “Tôi đi sâu vào câu chuyện của mẹ, và thêm vào đó những gì bà cắt xén đi”.
Tập truyện Vệ tinh sao Mộc (Moons of Jupiter) cũng là một trong những khảo sát tập trung mạnh mẽ nhất vào khả năng và giới hạn của tự sự. Cả cuốn sách là một tập hợp những câu chuyện đáng lo ngại về độ tuổi trung niên mà hầu hết mọi người phụ nữ đều phải đối mặt trong đời hay còn gọi là thời kì tiền mãn kinh. Vệ tinh sao Mộc đi sâu vào “tâm lí đồng lõa khốn khổ của nữ giới trong nỗi hổ thẹn về chính mình” (Carrington) hay nói như Munro, tập truyện “là một điều tra về những điều nam giới và nữ giới trông đợi từ nhau”. Nhưng Vệ tinh sao Mộc còn là cuộc khảo sát về cái mà truyện kể có thể là, về mối quan hệ giữa sự thực và truyện kể, giữa sự biết và sự nói ra. Bấn loạn và bất an, các nhân vật nữ dò dẫm tìm cách hiểu những điều không thể hiểu: về một người đàn ông không rõ danh tính, về một mối quan hệ lạm dụng, về nguyên nhân tan vỡ, về một con người câm lặng,... Bằng truyện kể, những người phụ nữ này kiếm tìm sự tri nhận, kiếm tìm lời giải cho những mơ hồ trong họ. Có thể nói, với họ, niềm hi vọng duy nhất là được biết. Trớ trêu thay, quá trình kể chuyện mà họ mỗi lúc một dấn sâu vào không hứa hẹn một sự xoa dịu thanh thản. Người kể chuyện liên tục phải đối diện với vô số những âm mưu chống lại việc kể lại sự thực - sự thảm hại của trí nhớ, sự suy nhược của hệ thần kinh, sự gián đoạn xa vời giữa quá khứ và hiện tại, và sự xa lạ giữa ngôn ngữ và trải nghiệm. Kết cục, những tự sự mà họ trình ra luôn luôn không hoàn thiện và cuối cùng, không thể đem lại sự thật mà họ đang khát khao tìm kiếm. Chuyện rủi ro (Hard-Luck Stories), câu chuyện thứ mười trong tập Vệ tinh sao Mộc, đưa đến một cái nhìn sâu vào quan niệm của Munro về hành vi tự sự. Thông qua những câu chuyện về Julie và người kể chuyện vô danh, Munro thăm dò những xung lực, những chiều hướng, những khả năng và giới hạn của tự sự, nhấn mạnh một lần nữa vào quan hệ bất ổn, không liên tục giữa tự sự và trải nghiệm, phơi lộ các nguy cơ của sự giả trá ngụy biện mà không tự sự nào có thể tránh khỏi. Munro liên tục xác quyết những trải nghiệm tiền - ngôn ngữ, một sự thật bắt nguồn từ bên ngoài và độc lập với ngôn ngữ. Sự thật này hoàn toàn mang tính kinh nghiệm cá nhân và không bao giờ vượt ra bên ngoài những đường biên của nhận thức cá nhân. Nhưng dù đơn giản hay phức tạp, sự thực này chấp nhận rất ít khả năng tiếp cận. Trong khi đó, cách tiếp cận mà hầu hết các nhân vật của Munro sử dụng là trí nhớ và kể lại - hai cách ứng xử gần như tương đồng bởi đều nỗ lực sắp xếp lại trải nghiệm quá khứ, tập hợp lại những sự kiện và dữ liệu theo khuôn khổ tuyến tính về trình tự thời gian. Bà để nhân vật của mình không ngừng chiêm nghiệm lại trải nghiệm của bản thân bằng cách trải qua nó một lần nữa, và ngôn ngữ là phương tiện duy nhất cho phép khả năng này được diễn ra. Nhưng, như Chuyện rủi ro cho thấy, trải qua một lần nữa cũng đồng nghĩa với việc làm biến đổi nó hoàn toàn. Không thể có sự trùng khớp giữa bản thân trải nghiệm với ngôn ngữ diễn tả nó. Tự sự, kết lại, không bao giờ là địa hạt của sự thật. Nó là minh chứng cho nỗ lực phục dựng, nhưng chẳng bao giờ có thể phục dựng tuyệt đối. Lời cảnh báo của D.H. Lawrence - “hãy tin vào câu chuyện, chứ đừng tin vào người kể chuyện”, từ điểm nhìn này, khá hữu dụng để đọc các tác phẩm của Munro. Với bà, người kể chuyện liên tục bị đẩy vào những tình thế khó khăn. Họ là những kẻ nương nhờ vào ngôn ngữ để kiếm tìm một sự thức nhận về cuộc sinh tồn, là những người “không ngừng trăn trở về sự biết, những cũng vĩnh viễn không thể bước ra bên ngoài tăm tối”.
Mỗi câu chuyện của Munro, bởi vậy, dường như đều chứa đựng trong nó một cơn sang chấn, mỗi lượt kể là một căn tính được tái tạo và một loạt những quan hệ đổi thay theo thời gian. Nhưng bằng những tự sự phân mảnh ấy, Munro đã ghi lại được “một huyền thoại mạnh mẽ đang cấu thành phía sau đời sống thường nhật” vẫn không ngừng hiện diện chất chồng lên đời sống hiện tại tưởng như tầm thường của các nhân vật chính. Mối quan tâm của Munro không hoàn toàn là về giới nữ, nhưng bà tập trung hơn cả tới cách các nhân vật nữ nhìn nhận và đánh giá lại chính cuộc đời mình, hòng khám phá “một không gian khả hữu cho sự tưởng tượng nữ tính”. Trong gần như tất cả các truyện ngắn, “tính nữ” thường được xác định thông qua vô số cách kháng cự khác nhau đối với cấu trúc nam quyền, khi mỗi người phụ nữ mưu cầu không chỉ một căn phòng riêng cho mình, mà cả một không gian của riêng mình, nơi họ có thể trốn khỏi sự trói buộc, áp đặt nảy sinh từ những kì vọng xã hội. Peter Kemp, trong bài bình luận trên tờ Thời báo London gọi Munro là “nhà chép sử biên niên vô song về bản tính con người”. Đời viết văn của Munro là một quá trình không ngừng tìm kiếm những cách mới để “nói những điều không thể nói” và đề xuất những khả thể về “những điều hư cấu khả dĩ xảy ra”. Bằng truyện kể, bà để nhân vật của mình trải nghiệm vô số chiều kích khác nhau của hiện thực. Bà cấu thành một không gian đa chiều nơi các chủ thể tự định vị để rồi liên tục bị trượt khỏi sự định vị ấy; bà đẩy họ vào những cuộc phiêu lưu trong khi thân thể vẫn gắn chặt hay bị mắc kẹt giữa không gian vật chất thường nhật. Sự phân mảnh và xếp chồng này, nhu cầu tái định vị liên tục này, và cả sự bình ổn không thể kéo dài này, có lẽ, cũng chính là nguyên nhân khiến Munro không bao giờ có thể từ bỏ được thể loại truyện ngắn.
Nguồn VNQĐ