Sáng tác

Anh Chế liệt truyện. Truyện ngắn của Vũ Hải Sơn

Vũ Hải Sơn
Truyện
10:00 | 04/09/2024
Baovannghe.vn - Tên anh là Chế nhưng có người bảo anh nên đổi tên là Chí, đấy là họ diễu anh bởi anh suốt ngày lơ mơ, chếnh choáng. Anh dễ say, một tý men là đã lướt khướt, nói đã bẹt giọng, nhưng uống mãi cũng chỉ thế thôi; đi cũng chỉ chao đảo cỡ đó, nói cũng chỉ say sưa cỡ đó.
aa
Anh Chế liệt truyện. Truyện ngắn của Vũ Hải Sơn

Anh Chế liệt truyện - truyện ngắn của Vũ Hải Sơn

Ở cơ quan người ta ngại cái tính nói nhiều của anh nhưng anh cũng là nguồn vui của nhiều người. Anh là chỗ để người ta đùa mà không sợ làm mếch lòng. Anh là cái gương để người ta soi, thấy mình hơn mà không lo ngại. Anh là người mà người ta không phải sợ lại càng không phải ghen tị.

Đầu năm, khi một tờ báo nọ có cuộc bình chọn vui: người đàn ông nói nhiều nhất năm 96. Chúng tôi bầu chọn anh. Anh có thêm cái tên mới: Lại Văn Chế. Chúng tôi bình bầu theo kiểu can cốc, cả ba đều nâng cốc - Nghĩa là anh cũng bỏ phiếu cho chính mình.

Uống một tí tẹo thôi anh bắt đầu phát thanh. Một kiểu phát thanh tùy hứng, không chuẩn bị (tức là không tặc lưỡi lấy một lần), không biên tập, lại càng chẳng cần quan tâm tới thính giả. Anh Chế cũng biết thế. Anh bảo: "Tao nói mặc kệ tao, đứa nào nghe thì nghe không nghe mặc kệ chúng mày, như cái ắc qui thiếu thì nạp, đủ điện thì ngắt." Thành thử anh Chế cứ nói, ai cười cứ cười, ai đứng dậy đi đâu mặc xác.

Anh nói đủ thứ chuyện, trước hết là nói về mình. Anh khoe hồi còn quân ngũ anh là bộ đội đặc công hàm trung úy, từng tham chiến, vào sinh ra tử, từng trải mọi sự ở đời, từng chỉ huy cả trung đội... "Cái chức tổ trưởng bảo vệ bây giờ ấy à? Có chăng là làm quan Bật mã ôn."

Minh hỏi:

- Sao anh khai lí lịch là Anh Nuôi?

- Thì tao làm hậu cần cho đơn vị đặc công! - Bị bóc mẽ anh vừa nói vừa cười, rất vô tư!

Chuyện lặp lại cả chục lần như thế.

Nói chuyện chinh chiến chán anh xuống giọng thầm thì chuyện "chính trị nội bộ”.

- Sao anh biết nhiều thế mà không đấu tranh? - Đến lượt tôi đùa anh.

- Cả đời mình có đấu ai bao giờ, chỉ đỡ cũng đủ mệt.

Hết chuyện nọ xọ chuyện kia anh bàn sang cả tôn giáo. Đạo nọ đang thịnh hành, nghi lễ kia đang hồi phục, lại cả chuyện tâm linh, trường sinh học. Nhưng cái kết bao giờ cũng gắn liền với bản thân anh, anh kể: đầu năm có người xem tướng cho anh bảo anh có số chân tu. "Mình có mà tu, tu bia.” Nhưng rồi có một chuyện không bao giờ anh bỏ qua đấy là chuyện tình yêu. Anh đã có vợ, một đứa con nhưng như anh nói “chuyện lãng mạn ba lăng nhăng cho nó vui”. Cái lãng mạn ba lăng nhăng của anh không hiểu nó như thế nào nhưng một điều có thật là anh bày tỏ tình cảm rất công khai với một cô bé trong cơ quan.

Anh thừa nhận. Đó là mối tình cao đẹp nhưng đơn phương.

Anh kể: Hôm nay anh tặng hoa cho nàng, hôm nọ anh mang cho nàng cả chùm nho Mỹ cực ngon v.v..

Anh bảo: Nàng cũng cảm tình với anh lắm, trông mắt nàng thì biết.

Chúng tôi hùa tán vào bởi đứa nào mà phản bác anh sẽ sa sầm mặt xuống, cáu giận "Chúng mày bỏ thuốc độc vào tình yêu của tao" - anh nói thế.

Đối tác của anh - Cô bé Hòa thợ điện - đương nhiên là chẳng đoái hoài, cô bé còn bận bịu với mấy kẻ săn đón, đeo đuổi khác: một chàng kĩ sư xây dựng nhà mặt phố, một anh chủ quầy bar giàu có... Anh Chế bảo tất cả bọn đàn ông ai thấy người đẹp mà chẳng thích (xin phép anh tôi trừ những ai đọc truyện này). Có hôm thằng Minh hỏi xỏ xiên:

- Anh "đầu tư" nhiều thế có được gì không?

Anh tuyên bố:

- Từ giờ đến hết thế kỉ hai mươi này tao quyết tâm phải hôn nàng một "chiếc".

Thế kỉ hai mươi ơi! Xin hãy trôi chầm chậm để anh Chế của chúng tôi còn nuôi hi vọng (!)

*

Hôm ấy, anh Chế trực ca đêm. Khi cái xe đời 78 của anh nổ đoành đoành rẽ vào khu chợ vắng cũng là lúc anh gặp tình địch, gã chủ quầy bar với cái xe phân khối lớn ngạo nghễ lao tới. Anh ta đến đón Hòa. Hôm nay cô bé làm ca hai, mười rưỡi mới về.

Họ song song đi vào khu chợ (qua chỗ đó là đến cổng cơ quan tôi). Anh Chế im lặng còn chàng trai kia nhìn anh nhếch mép. Nhưng cả hai bỗng chững lại. Phía trước họ có hai người đàn ông đang giằng co với một cô gái. Có lẽ cả hai kịp nhận ra cô gái ấy là Hòa.

Cái xe máy của Hòa đang được một tên dựng lên còn tên kia, hắn đẩy Hòa vào chỗ tấm phản của hàng thịt trong cái lều cọ rách nát, tối om.

Hai vệt đèn khiến bọn khốn kiếp quay mặt lại. Tên giữ xe bình tĩnh rút từ trong bụng ra một lưỡi lê sắc nhọn, cái đầu trọc lốc của hắn gồ lên, hai con mắt hắn lồi ra, vằn những tia đỏ.

Ông chủ trẻ của quầy bar rú ga, quay ngược một vòng rất điệu nghệ. Gã lấy chước chuồn làm đắc sách.

Anh Chế cũng phanh lại một giây thôi rồi không chần chừ rồ ga. Cái xe cũ kĩ của anh run lên bần bật lao thẳng tới. Anh xô ngã tên giữ xe dưới lòng đường và nhận một nhát lê ngang cùi tay. Thật tiếc, anh không phải đặc công nên khi vùng dậy sau cú ngã anh chỉ biết liều mạng xông tới. Anh nhận thêm nửa viên gạch vỡ nơi mạng sườn nhưng vẫn không bỏ cuộc. Mọi ngày, mỗi khi nói anh thường xổ ra cả tràng nhưng lúc này lưỡi anh ríu lại "Cướp... cướp... cướp!".

Bọn chúng cũng khiếp sợ, có thể bởi đã có tiếng kẹt cổng phía cơ quan tôi, nên bỏ chạy. Khi mọi người đến thì chỉ còn thấy hai xe đổ, anh Chế tay đẫm máu và cô bé Hòa đang tức tưởi nhưng đã thoát nạn.

*

Chiều cuối xuân, trời có nắng, quán bia hơi bắt đầu đông khách. Anh Chế đã uống hết một vại nhưng vẫn im lặng.

- Lên tiếng đi chứ anh Chế! - Tôi nói.

- Tối qua - Anh Chế bắt đầu - Tao trực cùng ca với nàng. Nàng xuống phòng bảo vệ mặt đỏ lên khi sờ lên vết đau của tao, mắt ươn ướt.

- Rồi sao?

- Đèn phụt tắt, có lẽ nàng vô tình chạm vào công tác trên tường. Phòng bảo vệ chật lắm chúng mày biết đấy!

- Ôi, cơ hội! - Tôi và thằng Minh cùng thốt lên: Hòm!

- Của nợ!

Anh Chế cười. Anh bảo chúng tôi là vớ vẩn, anh có vợ con rồi đùa ba lăng nhăng cho vui ai làm thế. Rồi anh lại cười. Anh nói là uống "tây tây" vào anh nhìn cái gì cũng thấy buồn cười.

Mà cái quầy bia ven chợ cóc này cũng làm thứ buồn cười lắm. Gã đầu hói tuổi chừng lên lão đang co kéo cô bé chạy bàn bia. Thằng cha họa sĩ chuyên vẽ bậy lên tường đang huênh hoang về hội họa đương đại kia. Những khuôn mặt đỏ gay hoan hỉ. Những giọng nói choang choang, ồm ồm, the thé...

- Nghĩ lại tao càng thấy buồn cười.

Anh Chế làm bộ quan trọng, anh cúi mặt xuống trầm ngâm một lát, lại ngửa cổ ra sau ghế cười:

- Mà buồn cười nhất là... tao!

Tôi, thằng Minh, cả anh nữa thiếu chút nữa thì bị sặc.

Vũ Hải Sơn | Báo Văn Nghệ

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện ngắn Nguyễn Thị Mai Phương Thông báo mở lại Chuyên mục “Đọc truyện ngắn hay trên Báo Văn nghệ” Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng Đọc truyện: Lửa trạng nguyên. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân
văn nghệ trẻ, số 12/1997
Văn chương trong vại nước. Tản văn của Tô Đồng

Văn chương trong vại nước. Tản văn của Tô Đồng

Tôi vẫn luôn tin rằng, tất cả những sáng tác nghệ thuật vô cùng nghiêm túc của người lớn đều chịu ảnh hưởng bởi lòng hiếu kỳ thuở nhỏ. Còn với những người được gọi là nhà văn, lòng hiếu kỳ của họ đều hóa thành những con chữ hữu dụng hoặc vô dụng, bị đào thải hoặc được lưu lại.
Lễ hội Hoa Lư năm 2025: Tiệm cận những giá trị của Đô thị Di sản thiên niên kỷ

Lễ hội Hoa Lư năm 2025: Tiệm cận những giá trị của Đô thị Di sản thiên niên kỷ

Baovannghe.vn - Lễ hội Hoa Lư Ninh Bình năm 2025 vừa được khai mạc tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, thành phố Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình). Sự kiện thu hút sự quan tâm của hàng trăm nghìn lượt du khách trong và ngoài nước.
Đời sống tâm linh của con người trong truyện Việt Nam sau 1975

Đời sống tâm linh của con người trong truyện Việt Nam sau 1975

Baovannghe.vn - Tâm linh - kích thước con người trong văn học (trung tâm Văn học và Ngôn ngữ học Viện KHXH vùng Nam bộ (trích tham luận).
Mộc - Thơ  Nguyễn Thu Hà Sg

Mộc - Thơ Nguyễn Thu Hà Sg

Baovannghe.vn- Trái tim đâu biết phấn son/ Bàn tay đâu biết mất còn trả vay
Nước mắt khô. Truyện ngắn của Quế Hương

Nước mắt khô. Truyện ngắn của Quế Hương

Baovannghe.vn - Hôm ấy thứ sáu – cô đang chùi cửa kính. Ở quê nhà một năm cô chỉ chùi một lần vào cuối tháng chạp để đón Tết. Bụi. Mặc. Quay cuồng theo cơm áo hơi đâu mà để ý cửa bẩn hay sạch.