Tôi có anh trai, nhưng khi ngồi giữa đám bạn bè gái thi nhau tự hào về những người anh của mình, tôi không biết phải kể gì về anh tôi cả. Không lẽ kể rằng hôm qua anh nấu hộ nồi cơm, quét hộ cái nhà giữa một mớ kỹ sư, bác sĩ... quen tặng cho các cô em gái những món quà giá trị. Anh chẳng có tiền bạc gì cho tôi. Anh đang thất nghiệp, học hành lại dở dang...
Có lẽ, tôi là đứa may mắn nhất nhà. Lớn lên, đất nước qua thời bao cấp, cuộc sống thoải mải hơn, tôi có đủ những thứ mà bạn bè cùng lứa ở quê đều có. Tôi học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn nên ai cũng yêu thương. Anh thì khác, bị "đúp" lại năm lớp 5, ì ạch leo lên đến lớp 8 thì bỏ học. Má tôi cầm roi rượt anh đến cửa lớp, canh cho anh vào chỗ ngồi mới chịu về, thế mà anh vẫn cứ trốn được anh bỏ học hẳn, đi theo thằng bạn cùng lớp (cũng bỏ học) học nghề mộc. Má tôi là đàn bà, yếu đuối nên chỉ biết khóc ấm ức, mà ba tôi thì ở quá xa. Nội tôi an ủi:
- Thôi kệ, nghề nào mà chẳng là nghề, biết đâu...
Anh tôi gầy, nhìn có vẻ rất yếu ớt. Tôi nhớ hồi anh học lớp 5, tôi mới vào lớp 1. Một tối, hơn 7 giờ rồi mà vẫn chưa thấy anh di học về, má tôi cuống cuồng còn nội thì giận dữ cầm cây chổi lông gà ngồi chờ trước cửa. Nội lầm bầm:
- Cha cái thằng, chơi bời lêu lổng...
Rồi anh cũng về, bộ quần áo lấm lem nụ cười tươi rói tắt ngấm khi nhìn thấy cây chổi lông gà của nội. Anh lắp bắp
- Con hái dủ dẻ, cho bé Anh.
Anh chìa ra mấy chùm dủ dẻ vàng ươm, thơm nức. Khi ấy đang đầu mùa hạ, hoa dủ dẻ thơm ngạt các sườn đồi. Nội tôi dịu giọng:
- Sao không về sớm, cả nhà lo cho mày biết không?
Anh cho tôi tất cả số dủ dẻ anh mang về, còn hứa hẹn:
- Hôm nào tao hái nữa cho.
Tôi lớn lên, luôn được những chuyến đi xa dài ngày vào những dịp hè, những đợt hội trại tưng bừng vui nhộn. Mỗi chuyến về, tôi đều háo hức kể cả nhà nghe, anh thì nghe rất chăm chú, xong cười hồn nhiên:
- Hồi lớp 5 tao cũng đi trại, vui lắm nhưng không bằng tụi mày bây giờ.
Tôi nhìn vẻ mặt hài lòng của anh, thấy tồi tội. Hồi ấy bé tí, chắc gì bây giờ còn nhớ.
Anh chẳng có nghề gì cho ra hồn, nghề nào học xong vài tháng cũng chán, bỏ. Hai mấy tuổi đầu vẫn chưa kiếm ra tiền để tiêu xài vặt vãnh. Anh ngày càng ốm hơn, thuốc lá cứ hút liên tục, bệnh cũng liên tục. Những ngày má đi vắng, tôi đi học, anh quẩn quanh với nhà cửa, bếp núc như một bà nội trợ thứ thiệt. Anh nấu ăn tàm tạm và luôn hài lòng với công việc của mình. Khi vui, tôi hay bảo: "Những người đầu bếp nổi tiếng thế giới đều là đàn ông. Tương lai anh cũng sẽ là một trong số những người đó - Tin em đi". Anh cười hiện "Biết đâu như thế thật".
Có vài người bạn rủ anh đi làm xa, anh ngần ngừ. Nhà có mỗi anh là con trai, anh đi rồi, tối lửa tắt đèn lấy ai lo cho nội và má. Tôi thì cũng sắp đi học xa. Thế là anh lại ở nhà, tiếp tục kéo dài chuỗi ngày ra, vào không việc gì làm rất nhạt nhẽo của mình. Nhiều khi tôi cứ tự hỏi "Anh sống thế mà không thấy chán sao?". Tôi không thích sống như anh, chẳng có mục đích hay khát vọng gì, như là kéo lê mình đi qua ngày nào hay ngày đó. Có lần tôi góp ý, anh cáu lên:
- Bây giờ tao biết làm thế nào?
Nội tôi độ lượng:
- Thôi, nó yếu đuối, lại bất tài, may ra..
Người già có lẽ cứ mong chờ những điều không thật để an ủi. Tôi thì không nghĩ may mắn sẽ mỉm cười với mình nếu mình vận động. Tôi lao vào học, đỗ vào trường này, trường nọ. Cả nhà mừng rỡ ra mặt. Anh cũng mừng, lâu lâu lại mang những lời hỏi thăm của những người quen về cho tôi với vẻ mặt tự hào. Rồi anh lẩm bẩm:
- Mai mốt mày vào Sài Gòn, nhà còn lại mỗi mình tao...
Anh đi chơi về khuya, có thói quen hay mua quà về cho tôi. Khi thì cây kem, bịch chè, khi thì mấy trái ổi... Tôi biết tiền để mua những thứ đó không đáng là bao nhiều nhưng với anh thì quý lắm. Hồi ấy, mỗi lần lãnh mấy chục ngàn tiền nhuận bút cho một bài thơ hay mẩu văn cỏn con của mình, tôi lại dấm dúi cho anh một ít. Nhưng số tiên đó anh không tiêu riêng, anh chuyển thành quà bánh chui trở lại vào mồm tôi. Anh chỉ có thể cho tôi những thứ lặt vặt như vậy, không gì khác cao sang hơn nhưng điều ấy luôn làm tôi xúc động.
Tôi đi học ở Sài Gòn, tiền bạc nhà dồn cả cho tôi, lúc nào cũng sợ tôi thiếu thốn. Anh ở nhà, lại vào, ra như một cái bóng. Không bạn bè, quanh quẩn với mấy ông đã có vợ con đùm đề cùng xóm tán chuyện, đánh bài. Hôm bạn tôi vào Sài Gòn, ghé chỗ tôi đưa bịch bánh chuối:
- Anh mày gởi, bảo ở nhà mày thích "nhâm" thứ này lắm. Tao nói ở Sài Gòn mày không thiếu thứ gì đâu, nhưng...
Tôi cầm bịch bánh khô ráp, nghèn nghẹn. Mường tượng ra cái dáng cao, gầy, yếu ớt của anh ngồi buồn bã trước lan can nhà nhìn con mèo trắng bóng của tôi vờn nắng trong sân với ánh nhìn vô vị, bỗng dưng nước mắt tôi chảy dài...
Tôi về thăm nhà giữa học kỳ, hình như vẫn chưa nói với anh một câu trọn vẹn. Anh ở nhà, tôi đi chơi. Anh đi tôi lại ở nhà. Vô tình mà cứ như là muốn tránh mặt nhau. Má bảo:
- Nó mới sửa cái xe lại, bảo con về có cái mà đi.
Tôi dắt xe ra, đạp lạch cạch trong xóm, thấy chiếc xe đã cũ kỹ quá rồi, anh có gắng thì vẫn chẳng hơn gì, nhưng anh vẫn cứ lôi cà lê, mỏ lết ra mà bấm bấm, vặn vặn rất chăm chú.
Buổi tối, anh lại mua kem về cho tôi. Tôi ăn còn anh thì mắc màn đi ngủ. Bình thường và lặng lẽ...
Nội bảo tôi "Anh con yếu đuối, bây giờ nội nuôi con ăn học, sau này thành tài rồi nhớ giúp đỡ nó nghe con".
Tôi nhìn anh đang sát phạt với một đám đàn ông trước sân, xẵng giọng: - Thây kệ ông, lớn rồi mà không chịu làm ăn, cứ lông bông...
- Giờ nó phải chăm nom nhà cửa, đi sao được. Dạo trước không có nó, nội chết rồi...
Tôi khóc lặng lẽ. Chuyện này bạn tôi có kể tôi nghe. Tôi thương anh lắm...
Trước khi vào lại Sài Gòn, tôi bảo anh:
- Anh bỏ chơi bài đi, không ăn tiền vẫn bị gọi là bài bạc, người ngoài nhìn vào chẳng hay ho chút nào. Buồn, anh thuê phim về nhà coi, kiếm vài người bạn để trò chuyện.
- Đứa nào cũng có công việc cả, còn ai nữa đâu mà...
Anh đạp xe đi không để tôi chào anh lấy một tiếng. Tôi nhìn theo cái dáng mảnh khảnh của anh, buồn cồn cào... Anh yếu đuối quá, chỉ biết ghép mình vào trong bổn phận, cho người thân tình cảm của mình. Tôi không biết mình có nên trách anh không - Nhưng giá như không có anh với những công việc không tên, không cân, đo, đong đếm được ấy thì lấy ai hôm sớm với gia đình. Nhà có mỗi đứa tôi là sung sướng nhất.
Mỗi người một tính cách. Anh lặng lẽ bằng lòng với mình hiện tại. Tôi chẳng biết sau này rồi đời anh sẽ ra sao. Nhưng anh là anh tôi, tôi hạnh phúc vì điều đó.
TP Hồ Chí Minh 31-12-1996
Đoàn Tú Anh | Báo Văn Nghệ
----------
Bài viết cùng chuyên mục: