Diễn đàn lý luận

Khi người đọc tạo nên số phận cho tác phẩm

Đinh Thị Như Thúy
Lý luận phê bình
07:00 | 16/08/2024
Baovannghe.vn - Vai trò của bạn đọc không ai có thể phủ nhận được. Và đặc biệt bạn đọc đó là các nhà nhà văn, các nhà nghiên cứu phê bình.
aa

Từ những năm 1927 – 1928, nhà lí luận văn học kiệt xuất người Ba Lan Roman Ingarden trong công trình Tác phẩm văn học đã đưa ra quan điểm: “Tác phẩm văn học là vật hai lần có chủ ý: chủ ý sáng tạo của tác giả và chủ ý tiếp nhận của người đọc”. Nhà văn M. Gorki cũng từng nói: "Nhà văn là người sáng tạo ra tác phẩm, nhưng chính người đọc tạo nên số phận cho nó". Các quan điểm trên đã nhấn mạnh vai trò của người đọc trong việc tạo lập nghĩa và xác định giá trị cũng như sự thành công cho các tác phẩm văn học. Cũng đã có nhiều tranh luận quyết liệt về quan điểm này, tuy nhiên vai trò của bạn đọc không ai có thể phủ nhận được. Và đặc biệt bạn đọc đó là các nhà nhà văn, các nhà nghiên cứu phê bình.

Khi người đọc tạo nên số phận cho tác phẩm
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

1. Khi tác phẩm thơ trở thành đối tượng nghiên cứu

Chúng ta biết làm thơ và đọc thơ là nhu cầu cần thiết với con người bất cứ ở thời đại nào. Người ta đọc thơ vì nhiều lý do khác nhau. Để giải trí, để hiểu biết, để trưởng thành, để tìm kiếm sự đồng điệu. Lý do nhu cầu đọc khác nhau tạo nên các phân khúc, các kiểu dạng người đọc khác nhau. Với tác phẩm thơ, có kiểu người đọc chỉ lưu tâm đến vần điệu đến nội dung tự sự trong thơ. Nội dung tự sự càng éo le, sướt mướt với những tình cảm trúc trắc não lòng đọc càng thấy hay. Có người không chỉ quan tâm đến vần điệu nội dung tự sự mà còn để ý đến các thủ pháp nghệ thuật được vận dụng trong thơ. Có người đọc sâu hơn, lấy tác phẩm thơ làm đối tượng nghiên cứu. Người đọc này là kiểu người đọc đặc biệt đó là các nhà văn, các nhà phê bình văn học, các sinh viên ngữ văn làm luận văn, khóa luận tốt nghiệp.

Tuy nhiên từ thực tế chúng ta cũng thấy ngay cả bạn đọc là các nhà văn, các sinh viên ngữ văn làm khóa luận luận văn tốt nghiệp, hay các nhà phê bình văn học thì cũng có những cách đọc, cách phê bình khác nhau. Có phê bình báo chí và phê bình chuyên nghiệp. Phê bình báo chí thường có nội dung thông tin giới thiệu về một tác giả hoặc một tác phẩm. Các bài phê bình kiểu này giúp cho người đọc biết về sự phong phú đa dạng của sinh hoạt văn chương của một quốc gia một vùng miền. Còn phê bình văn học chuyên nghiệp thì thường dựa trên lý thuyết văn học và sử dụng các phương pháp phê bình như: phương pháp tiểu sử, phê bình ấn tượng, phê bình thi pháp học, phê bình phân tâm học, lý thuyết tiếp nhận, chủ nghĩa cấu trúc và giải cấu trúc... để xem xét đánh giá cặn kẽ kỹ lưỡng tác phẩm.

Nhà phê bình Đặng Tiến (1940-2023) vận dụng Thi pháp học của Roman Jakobson để phê bình thơ. Ông đã xuất bản các tập: Vũ trụ thơ (1972), Vũ trụ thơ II (2008), Thơ – Thi pháp và chân dung (2009). Đọc các Vũ trụ thơ của Đặng Tiến chúng ta bị thuyết phục bởi các bài phê bình chuyên sâu: Nguyễn Du, nghệ thuật như một chiến thắng; Nữ tính trong thơ Bà huyện Thanh Quan; Tản Đà, thi sĩ của Phôi Pha; Đức tin trong hồn thơ Hàn Mặc Tử; Thi giới Đinh Hùng... ; Phó giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Lai Thúy dùng phân tâm học để nghiên cứu Hồ Xuân Hương, Hoàng Cầm. Ông đã in: Con mắt thơ (1992), Bút pháp của ham muốn (2009), Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực (2010), Thơ như là mĩ học của cái Khác (2012); Nhà thơ Mai Văn Phấn có tập Không gian khác; Nguyễn Đức Tùng với Thơ đến từ đâu; Khổng Đức với Dẫn vào thế giới thơ; Hồ Thế Hà với Những tiêu điểm thẩm mỹ thơ....

Nhiều, rất nhiều các công trình nghiên cứu khác nữa. Nhờ các công trình nghiên cứu thơ này, chúng ta có thể xác định được vẻ đẹp của thơ ca. Những đóng góp của thơ, những biểu hiện của thơ ca Việt Nam trên hành trình phát triển diễn ra như thế nào, hội nhập và lan tỏa với thế giới bởi những tác giả tác phẩm xuất sắc nào. ...

2. Mối tương giao (viết - đọc) của nhà văn và người nghiên cứu

Nếu thơ của bạn được đọc, được trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà văn, nhà phê bình lý luận, các sinh viên ngữ văn thì với tư cách là người viết ra những bài thơ, tập thơ đó, bạn mong chờ điều gì?

Theo tôi trước tiên là sự đồng cảm.

Bởi khi viết, chúng ta trình bày những điều mình yêu thương, những vẻ đẹp mình cảm nhận, những phải trái đúng sai mình suy nghĩ, những chấn thương, đau đớn dồn nén từ đời sống bất toàn. Có ai viết lại không mong có người đọc thấu hiểu, chia sẽ đồng cảm với những điều mình viết ra. Mong muốn được thấu hiểu trong tác phẩm văn chương đã là mong muốn từ ngàn đời.

Hơn thế nữa, chúng ta đã nghe nhiều đến khái niệm đồng sáng tạo trong văn chương. Đó là khi điều người đọc phát hiện từ câu chữ vượt xa với điều tác giả nghĩ đến khi viết. Tuy nhiên cũng cần nói thêm về sự đồng sáng tạo trong tiếp nhận văn chương. Những giá trị mới phát hiện chỉ được chấp nhận khi hợp lý trong giới hạn nhất định của văn bản. Những phát hiện chủ quan những suy diễn tùy tiện khác xa văn bản gốc không không thể được thừa nhận.

Vậy nên nếu có sự đồng cảm thấu hiểu từ người đọc. Nếu những ý tưởng sâu kín của chúng ta được phát hiện, những ẩn dụ, mờ nhòe trong thơ ta được rọi sáng. Nếu những gì mình viết ra được tìm tòi bóc tách bằng hết nghĩa trái, nghĩa đằng sau bề mặt câu chữ từ đó đem lại những giá trị mới cho tác phẩm. Thì chúng ta là những người viết vô cùng hạnh phúc. Có được người đọc như thế trên đời quả đúng là bạn tri âm. Nhà thơ và nhà phê bình tự dưng thấy quý mến nhau dù có thể chưa lần gặp mặt. Và sự chia sẻ đồng cảm này, tình bạn tâm giao này giữa nhà phê bình và nhà văn sẽ là động lực tốt đẹp để người viết tiếp tục sáng tạo những tác phẩm của mình. Bởi quá trình sáng tạo là của riêng nhà văn. Nhưng cảm hứng sáng tạo là cảm hứng được lan truyền và cộng hưởng trong những sinh hoạt văn học trong đó có sự kết nối giữa người đọc và người viết.

3. Thơ và phê bình thơ dưới những thiết thế truyền thông đa phương tiện

Như vậy, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của người đọc trong việc xác định giá trị của tác phẩm văn chương trong đó có thơ. Một vấn đề nữa đặt ra là chúng ta cũng không thể phủ nhận tác động của truyền thông với sinh hoạt văn chương trong thời đại bùng nổ của truyền thông đa phương tiện hiện thời.

Có thể nói người đọc ngày nay đang được dẫn đường bởi một danh hiệu không chính thức đó là danh hiệu best seller. Bản thân danh hiệu best seller đã hàm chứa thị hiếu và xu hướng đọc của độc giả. Các tác phẩm best seller có thể không có tính hàn lâm và tôn vinh như các tác phẩm đạt giải thưởng. Nhưng nó có sức hấp dẫn với bạn đọc. Bạn đọc có thể e dè với những tác phẩm đạt giải thưởng cao, thậm chí giải Nobel nhưng họ rất rất dễ bị thuyết phục bởi các tác phẩm đạt danh hiệu best seller. Có những tác phẩm best seller vừa mang tính giải trí cao vừa có những thông điệp về nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ. Nhưng cũng có những tác phẩm best seller chỉ chú trọng vào tính giải trí và được thổi phồng, quảng bá chỉ để bán được và thu được lợi nhuận. Việc thổi phồng, quảng bá theo kiểu quảng cáo này có lỗi một phần bởi các nhà phê bình.

Trước thực tế này các nhà thơ, các nhà phê bình, các bạn đọc chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp của văn chương cần tỉnh táo. Cả trong sáng tạo cả trong phê bình. Khi tiếp cận một tác phẩm thơ, cần tự mình đặt ra những câu hỏi tác phẩm đó đem lại điều gì mới. Cách viết có gì độc đáo so với các tác phẩm đã xuất hiện trước đó trong văn chương Việt Nam. Cần xác lập tính văn chương của tác phẩm và tài năng sáng tạo của tác giả trong những bài viết, những công trình nghiên cứu. Nếu các nhà phê bình trong lúc này vẫn chạy theo các bài viết kiểu ve vuốt phỉnh phờ theo dẫn dắt của các phương tiện truyền thông vì lợi nhuận. Nếu định hướng thẩm mỹ cứ bị lấn át bởi những yếu tố thương mại như vậy thì tác động không tốt đến diện mạo văn học của đất nước là đã rõ ràng.

Đinh Thị Như Thúy | Báo Văn Nghệ

* Bài tham luận tại Hội thảo: Nhà văn và con đường đưa tác phẩm văn học đến với bạn đọc

-------

Bài viết cùng chuyên mục:

Hậu lý thuyết và tương lai của phê bình Nghĩ vụn về nghề phê bình văn học - Tiểu luận của Nguyễn Hoài Nam Phê bình văn học - những vòng quay muôn thuở Viết lại văn học sử Việt Nam, và viết khác đi Vai trò của lý thuyết trong việc tiếp cận điện ảnh
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Baovannghe.vn - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, sáng nay, 22.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Baovannghe.vn - Bộ VHTT&DL tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Tổ chức triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổ chức triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam

Baovannghe.vn - Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức Hội nghị triển khai và rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam
Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài