Sự kiện & Bình luận

Ba Lan mà tôi biết

Hiệu Constant
Bút ký phóng sự
18:00 | 03/11/2024
Baovannghe.vn- Bất kỳ quốc gia nào hẳn cũng mong có những di tích, khu thăm quan đặc biệt để thu hút khách du lịch bốn phương, nhưng đất nước Ba Lan chắc đã chẳng mong muốn có nơi này: Trại Tập trung và Hủy diệt Auschwitz, dẫu hàng năm thu hút hàng chục triệu lượt người đến thăm.
aa

Chúng tôi đã đến Ba Lan vào những ngày cuối tháng tám, nắng vàng mượt bao trùm khắp nơi, cây cối bắt đầu khoác lên mình bộ áo óng ả. Mùa thu đã hiện diện trên mọi miền đất nước Ba Lan.

Ba Lan thân thiện và hiếu khách. Văn hóa Ba Lan là sự giao thoa giữa các nền văn hóa lớn của châu Âu, thể hiện trong kiến trúc, văn hóa dân gian và nghệ thuật. Giao thông công cộng ở Ba Lan phát triển mạnh. Trong nội đô có nhiều tàu điện, xe buýt, có nhiều bến xe chạy đường dài và hệ thống xe lửa phong phú. Ba Lan là quốc gia sản sinh ra nhiều người con vĩ đại, sở hữu sáu giải Nobel, riêng Marie Curie đoạt hai Giải Vật lý (1903) Hóa học (1911), 04 Giải Văn chương, 01 giải Hòa bình. Đất nước Ba Lan có chiều dài lịch sử ngàn năm, cũng thăng trầm như bao quốc gia khác: Lúc cực thịnh, hùng bá một phương, khi khác lại chìm sâu vào bi thương và mất mát ! Thảm kịch mới đây nhất, có lẽ là cuộc Đại chiến thế giới II.

Ba Lan mà tôi biết
Tết Việt tại Trường tiểu học số 152, Ochota, Warszawa. Ảnh: Trường tiếng Việt Lạc Long Quân.

Ra khỏi thành phố đông đúc là làng mạc yên ả. Đây đó hiển hiện những ngôi nhà thờ cổ kính theo phong cách Gotic. Những cánh đồng thẳng tắp trải dài bất tận, trồng ngô, khoai tây, hoa hướng dương… bởi dẫu có nền công nghiệp phát triển, thì nông thôn nơi đây vẫn bảo tồn ngành sản xuất nông nghiệp.

Chuyến đi để lại trong tôi nhiều cảm xúc, khi hồ hởi khám phá, lúc lãng mạn trữ tình, khi khác lại xúc động và chỉ có thể câm nín.

Cố đô Kraków là một thành phố cổ duyên dáng, đầy chất thơ nằm bên dòng sông Vistula uốn lượn dưới chân đồi Wawel. Thành phố được coi là đẹp nhất châu Âu này chứa đựng những trang sử bi hùng của dân tộc Ba Lan. Quần thể tòa lâu đài hoàng gia lừng lững oai vệ quay ra sông. Khu Phố cổ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1978, nên hàng năm thu hút hàng chục triệu khách, biến nơi đây thành một trung tâm du lịch sầm uất. Cũng giống như cố đô Kyoto của Nhật Bản, Kraków đã thoát được thảm họa phá hủy của Đức Quốc xã trong Đại chiến Thế giới II nên phần đông kiến trúc văn hóa nghệ thuật vẫn còn như nguyên vẹn. Ta dễ dàng nhận ra nhờ các thành quách và tháp canh xây bằng gạch đỏ được bảo tồn rất tốt và nền đường lát đá đã bị thời gian bào mòn, những chiếc xe ngựa mĩ miều được những chú ngựa to khỏe kéo chạy trên đường phố, phát ra những tiếng lóc-cóc khiến ta mường tượng đến khung cảnh thời Trung cổ. Tôi có cảm tưởng mỗi một địa điểm, mỗi con phố, thậm chí mỗi phiến đá đều ghi dấu ấn hàng thế kỷ của một Vương triều hùng cường và hưng thịnh. Các tòa lâu đài hoàng gia Ba Lan duyên dáng tao nhã, không hoành tráng như các cung điện của Pháp, nhưng bớt vẻ cứng nhắc.

Trường đại học mà xưa kia Nicolas Copernic (Mikotaj Kopernik), nhà thiên văn vĩ đại trong mọi thời đại đã học tập, nghiên cứu, giảng dạy thì ngày nay đã trở thành nhà bảo tàng, khiến tôi mê ly. Tòa nhà vẫn giữ nguyên những nét kiến trúc thời Trung cổ. Thời gian không xóa nhòa hình ảnh và tên tuổi ông. Ông hiện diện ở khắp nơi, trong nhà thờ, trên đường phố và trong các công viên. Cũng vậy đối với cố Giáo hoàng John Paul II, ngài là người con của xứ này, đã thực hiện phận sự Tôn giáo tại đây khi còn là Hồng Y giáo chủ. Người Ba Lan nổi tiếng sùng đạo!

Mỏ Muối Wieliczka cũng rất đáng để ta ghé thăm. Là một trong những mỏ muối cổ nhất thế giới, được khai thác từ thế kỷ XIII đến năm 1996 và được UNESCO xếp hạng Di sản thế giới năm 1978. Có thể nói đây là một kỳ quan, dưới lòng đất, nơi sâu nhất là 327m và tổng chiều dài các hành lang tầm 287km với gần 30 giếng khoan, còn có hồ nước ngầm xanh như ngọc. Từ khi ngừng khai thác, Ba Lan đã đầu tư rất nhiều để biến nơi đây thành một điểm du lịch. Các đường hầm và cầu thang được gia cố, hiện đại hóa, có nhà hàng, phòng trưng bày, thang máy. Có khu nhà nguyện cao đến 36m. Tất cả các bức tượng, phù điêu tại đây đều được tạc từ muối.

Bất kỳ quốc gia nào hẳn cũng mong có những di tích, khu thăm quan đặc biệt để thu hút khách du lịch bốn phương, nhưng đất nước Ba Lan chắc đã chẳng mong muốn có nơi này: Trại Tập trung và Hủy diệt Auschwitz, dẫu hàng năm thu hút hàng chục triệu lượt người đến thăm. Bởi nơi đây là bằng chứng hùng hồn nhất của sự hiểm độc, dã tâm của loài người. Một sự hủy diệt khó bút nào tả hết, mà ta phải đến tận nơi, phải chứng kiến tận mắt, xem những thước phim tài liệu, nghe những nhân chứng sống địa phương kể lại chặng đường mà dân tộc Ba Lan, cũng như một số dân tộc liên quan phải hứng chịu trước sự độc tài man rợ của Đức quốc xã thời điểm đó. Giờ đây đến thăm nơi này, ta thấy thấp thoáng giữa những hàng cây cổ thụ tươi xanh là những khu nhà mái đỏ rêu phong … Phong cảnh trầm lắng, mang vẻ man mác lãng mạn. Nhưng đứng lặng một chút, chìm mình vào không gian và đi ngược thời gian, có lẽ chúng ta vẫn còn nghe thấy văng vẳng những tiếng ai oán, vẫn nhìn thấy những cặp mắt thất thần của những con người vô tội. Đa phần các khu nhà vẫn giữ nguyên trạng, nhưng được trùng tu để tránh bị đổ nát theo thời gian. Tất cả những vật chứng vẫn còn đó, lên án tội ác, lên án chiến tranh.

Khác với cố đô, thủ đô Warszawa thật đúng với thành ngữ “Hồi sinh từ đống tro tàn”. Từng được mệnh danh là "Paris của phương Bắc", Warszawa đẹp và hào hoa trước khi diễn ra cuộc Đại chiến thế giới II. Có thể nói Warszawa là bãi chiến trường trong cuộc giao tranh giữa Đức và Liên Xô, để rồi sau cuộc Đại chiến chỉ còn là đống đổ nát, tê liệt hoàn toàn.

Giờ đây, Warszawa phát triển mạnh thành một thành phố với kiến trúc hiện đại, nhiều tòa nhà kính chọc trời, giao thông tấp nập. Khu thành cổ được thu hẹp, ở nơi cao nhất thành phố, đi dạo chừng một giờ là hết nhưng cũng để ta thấy được sự hùng tráng xưa kia. Nơi đây khi chiều tà buông, khách du lịch đông như nêm, suốt bốn mùa. Địa điểm lịch sử khiến ta xúc động nhất, có lẽ là Quảng trường Pitsudski, ở trung tâm thủ đô. Đây là phần duy nhất còn lại của Cung điện Saxon cho đến Thế chiến II. Quảng trường nằm cạnh một công viên lớn, cùng tên với Cung điện. Tại đây có tượng đài, và đó là một trong những tượng đài quan trọng nhất, bởi tại đó có Mộ Người Lính Vô Danh và Ngọn lửa Bất tử luôn cháy sáng, có chiến binh đứng gác 24/24.

Tâm hồn chúng ta hẳn sẽ lắng lại khi thăm Nhà Chopin, nơi mà thiên tài âm nhạc đã ra đời và lớn lên. Trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được những nét đơn sơ của một ngôi nhà thôn quê, nằm giữa một quần thể tự nhiên, không gian mênh mông, có rừng, suối nước và những hòn non bộ… Nơi đây giờ đã trở thành Nhà bảo tàng Chopin.

Đến Ba Lan, tôi đã được các “Chiến sỹ Trường Sa” của Câu lạc bộ Yêu biển đảo đón tiếp. Trò chuyện với các bạn, tôi thẩm thấu hơn tinh thần "Tình dân tộc, Nghĩa đồng bào" của những người con Việt xa xứ. Và thấy rằng câu lạc bộ đã thực sự gắn bó cộng đồng người Việt lại gần nhau và gắn kết với quê hương.

Là một nhà văn và dịch giả, tôi luôn quan tâm đến việc học Tiếng Việt và quảng bá Văn hóa Việt ở nước ngoài. Qua các bạn tôi được biết, Tiếng Việt được phát triển khá tốt ở Ba Lan. Thủ đô Warszawa có Trường Tiếng Việt Lạc Long Quân với thâm niên 25 năm và đón hơn 200 học sinh, cho khoảng 12 lớp khác nhau, được thực hiện vào các thứ Bảy hàng tuần. Qua anh Nguyễn Văn Thái, tôi được biết khá nhiều về lịch sử hình thành Cộng đồng. Anh Thái là một trí thức Việt kiều, một dịch giả mà tôi đã quen khi cùng được mời về dự Đại hội Hội Nhà Văn Việt Nam. Anh là một trong những người tham gia thành lập Hội Người Việt tại Ba Lan. Anh đưa tôi đi thăm khu Thương mại của Người Việt nằm ở vùng ngoại ô. Cùng với sự quan sát, tôi thấy được sự vất vả của những con người viễn xứ ở đây, tôi cảm thông với họ. Bởi người ta quen nhìn thấy sự thành công của một người nhưng mấy ai biết lộ trình để đi đến thành công của người ấy!

Tôi cũng có dịp trò chuyện với anh Nguyễn Hoàng Tuyển, một doanh nhân Việt thành đạt tại Warszawa. Theo anh Tuyển, sau 35 năm hình thành và phát triển, cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã rất hội nhập, nhưng vẫn kế thừa những giá trị của dân tộc Việt, tạo thành một Việt Nam thu nhỏ tại Ba Lan. Mỗi thành viên đều mong muốn gìn giữ, phát triển giá trị truyền thống trong quan hệ giữa hai nước để cùng nhau tạo ra giá trị chung đồng thời tỏa sáng theo đặc thù riêng của mỗi nước.

Cũng dịp này, tôi đã thực hiện được lời hứa của mình, đến thăm những người bạn văn, đồng thời cũng là những người bạn lớn của Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là các Nhà thơ Pawel Kubiak và Lâm Quang Mỹ. Tôi ngưỡng mộ anh Mỹ vì niềm đam mê anh dành cho khoa học và thơ ca. Tôi quí anh Pawel bởi tình yêu của anh dành cho Việt Nam. Chúng tôi đã hứa đến thăm nhau, nhưng thời gian trôi, Anh Pawel đã qua đời vào cuối năm 2020, anh Mỹ đã mất vào cuối năm ngoái. Chắc các anh đã đưa lối cho tôi, bởi giữa các nghĩa trang mênh mông, chính tôi đã tìm thấy mộ các anh. Xúc động đặt vòng hoa và thắp nến trên mộ Pawel, thắp nhang trên mộ anh Mỹ, tôi thầm mong các anh an nghỉ nơi Thế Giới Người Hiền!

Còn rất nhiều chuyện về Ba Lan mà trong khuôn khổ bài viết không thể nói hết. Khi thăm Ba Lan, xem những thước phim về lịch sử, về chiến tranh, về tinh thần yêu nước, chiến đấu quên mình của dân tộc Ba Lan, tôi lại nghĩ đến Việt Nam, hình như có chút gì đó tương đồng. Xin mượn hai câu thơ của Tố Hữu để kết thúc bài viết:

Anh đi, nghe tiếng đàn xuân ấy

Ca ngàn năm: Ba Lan, Ba Lan..

Paris 09/2024

Bèo gió giang hồ - Bút ký của nhà văn Đoàn Giỏi Có một làng nghề. Bút ký của Ngô Hường Mầm cây lớn lên - Bút ký của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh Giữa những gọng kìm - Bút ký của nhà văn Nguyên Hồng Đọc truyện: Thành hoàng hồi hương. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hằng
Học được ở Hoàng Su Phì - Thơ Trần Quốc Toàn

Học được ở Hoàng Su Phì - Thơ Trần Quốc Toàn

Baovannghe.vn- Chúng tôi leo thang ruộng men ngực đất
Tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”

Tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”

Baovannghe.vn - Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” tổ chức vào ngày 18/11/2024, tại sân vận động Cột Cờ, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Phá vỡ mạng lưới nghệ thuật giả trị giá 212 triệu USD

Phá vỡ mạng lưới nghệ thuật giả trị giá 212 triệu USD

Baovannghe.vn - Vào ngày 13/11/2024, cơ quan chức năng Ý đã phá vỡ một mạng lưới làm giả tác phẩm nghệ thuật quy mô lớn, với thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 200 triệu euro (khoảng 212 triệu USD). Mạng lưới này bao gồm hàng nghìn tác phẩm giả mạo của các nghệ sĩ danh tiếng như Andy Warhol, Banksy, Pablo Picasso, Amedeo Modigliani, Joan Mirò, Francis Bacon, Wassily Kandinsky, Henry Moore, và Gustav Klimt. Đây là một trong những vụ việc lớn nhất về làm giả nghệ thuật trong hơn 15 năm qua.
Mặt người khác. Truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế

Mặt người khác. Truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế

Baovannghe.vn - Tiếng gã vọng như dưới hố sâu, âm u dương xỉ. Như kẻ vừa bóp cổ, vẫn còn hằn ngón tay, nhưng lại tủi kiểu trẻ con bị cướp kẹo. Đi xa quá thích
Nâng cao năng lực truyền thông chính sách về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Nâng cao năng lực truyền thông chính sách về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Baovannghe.vn - Ngày 13/11, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm năm 2024