Diễn đàn lý luận

Bài thơ định mệnh "Bên sông" của Bế Kiến Quốc

Trần Vũ Long
Tác phẩm và dư luận
08:00 | 01/09/2024
Baovannghe.vn - Trong cuộc đời mỗi con người, có những điều ngẫu nhiên xảy ra như một định mệnh báo trước thật khó giải thích. Bài Bên sông của nhà thơ...
aa

BÊN SÔNG

BẾ KIẾN QUỐC

Con sông trôi ở cánh buồm

Gió thành dòng nước chiều hôm tím dần

Bên bờ ngồi duỗi đôi chân

một mình lặng ngắm cõi trần phù du…

Hay là lên núi thanh tu?

Hay là vào giữa mùa thu lánh đời?

Không cười khóc, không buồn vui

Không thương không giận, không vơi không đầy…

Vầng trăng chợt vượt qua mây

Cả dòng sông sáng

ngất ngây đất trời…

LỜI BÌNH:

Trong cuộc đời mỗi con người, có những điều ngẫu nhiên xảy ra như một định mệnh báo trước thật khó giải thích. Bài Bên sông của nhà thơ Bế Kiến Quốc cũng là một sự ngẫu nhiên đặc biệt đó. Còn nhớ, sáng ngày mồng một tết Nhâm ngọ, năm 2002, nhà thơ Bế Kiến Quốc đọc cho tôi nghe bài Bên sông, ông vừa khai bút đêm giao thừa. Một bài thơ ông rất ưng ý, lại là thơ định mệnh của cuộc đời ông. Nó như là linh cảm của nhà thơ và linh ứng cho sự ra đi của ông sau đó không lâu.

Bài thơ định mệnh "Bên sông" của Bế Kiến Quốc
Thuyền và biển. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Với hình ảnh ẩn dụ ở hai câu thơ đầu, tác giả đã vẽ nên một dòng sông vừa thực lại vừa ảo. Một dòng sông có không gian sống nhưng lại rất mơ hồ, nó chỉ có trong sự liên tưởng của nhà thơ và người đọc; một không gian được đan xen bởi cái hữu hình và cái vô hình. Dường như đó là con sông cuộc đời, dòng chảy cuộc đời cứ mải miết không chờ đợi ai. Và để duy trì dòng chảy đó chính là chúng ta những sinh linh nhỏ bé, những thân phận trầm luân trong cõi hữu vi này. Đến hai câu thơ tiếp theo nó là chìa khoá giải mã cho dòng sông mà tác giả muốn nói tới:

Bên bờ ngồi duỗi đôi chân

một mình lặng ngắm cõi trần phù du…

Tác giả đã đi từ cõi hữu vi đến cõi vô vi để nhìn lại thước phim đã qua của kiếp người. Nhìn lại không phải để nuối tiếc, không phải để thỏa mãn mà nhìn lại để tự giải thoát mình. Sự giải thoát của một phật tử đã trải đời và đã ngộ trong tâm thế tâm tịnh. Tôi may mắn có một quãng thời gian được gần gũi với nhà thơ Bế kiến Quốc nhưng chưa bao giờ nghe ông nói chuyện về tôn giáo. Chỉ sau khi ông mất, đọc lại thơ của ông tôi mới nhận ra một điều, Bế Kiến Quốc là người am hiểu về đạo Phật. Đạo lý nhà Phật thấm đẫm trong cách sống cũng như trong thơ của ông. Những câu thơ ám ảnh, mở ra một không khí linh thiêng và từ bi, như muốn hướng người đọc đến ánh sáng của cái thiện, nhắc nhở mọi người về đức hy sinh và luật nhân quả trong cõi luân hồi.

Khổ thơ thứ hai, bắt đầu bằng hai câu hỏi tu từ “Hay là lên núi thanh tu? Hay là vào giữa mùa thu lánh đời?”, đặt ra sau một loạt những suy nghĩ của nhà thơ về cuộc đời, những suy nghĩ không được tác giả diễn bằng lời thơ, và chính hai câu hỏi đó đồng thời cũng là câu trả lời cho một loạt những suy nghĩ. Hai câu hỏi tu từ vừa là câu vào đề, vừa là câu kết luận cho những suy nghĩ không được diễn giải. Khi đã đi gần hết cuộc đời này, nhà thơ nhận ra một điều rằng tất cả mọi sự đều là huyễn giả vô thường. Và, nhà thơ dường như đã rũ bỏ được mọi tham sân si để bước qua cánh cửa của cõi vô thường. Bế Kiến Quốc đang tiệm cận gần hơn chút nữa đến sự giải thoát.

Bức tranh như sáng bừng lên bởi nét chấm phá của hai câu thơ cuối bài. Phải chăng đây là sự trốn tránh. Hoàn toàn không phải vậy. Đó chính là điểm mấu chốt mà bài thơ cần phải có. Đó cũng chính là cái đích mà nhà thơ đã đạt được trong cái vũ trụ sắc sắc không không bao la rộng lớn. Giải thoát!

Đúng ngày rằm tháng 5 của năm đó, nhà thơ Bế Kiến Quốc đã ra đi. Một bài thơ buồn mang nặng những suy tư về cuộc đời, về nhân tình thế thái, về những hỉ nộ ái ố của cõi trần thế, về sự lánh mình vào cõi thiên thu, lại là một bài thơ khai bút và hình như nó cũng là bài thơ cuối cùng của ông. Đêm hôm đó trăng rất tròn, rất sáng. Dường như đó cũng là một định mệnh.

Trần Vũ Long | Báo Văn Nghệ

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Bàn thêm về bài thơ "Nắng chiều" của Phan Khôi Từ bài thơ cổ "Thị Bách Quan" của Vua Thành Thái Bài thơ "Mẹ và quả" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm Bài thơ "Tiếng thở mẹ nhọc nhằn" của nhà thơ Phan Hoàng Bế Kiến Quốc: Bài thơ đáng viết nhất vẫn đang còn phía trước
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...
Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Baovannghe.vn - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - Microsoft đã chính thức bước chân vào ngành xuất bản sách với việc ra mắt 8080 Books, một nhà xuất bản được thiết kế để thúc đẩy sự đổi mới trong xuất bản và kể chuyện. Được đặt tên theo bộ vi xử lý Intel 8080 – nền tảng cho sự khởi đầu của Microsoft trong thập niên 1970 – 8080 Books không chỉ là một cột mốc mới trong chiến lược đa dạng hóa của công ty mà còn đại diện cho tham vọng đưa công nghệ vào thay đổi ngành xuất bản vốn còn nhiều hạn chế.
Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Baovannghe.vn- Đối diện nhau, con cá mập và Tử thần, kẻ bị giết và kẻ giết, con mồi và gã thợ săn, đối tượng của cái chết và tay sai của cái chết, con cá mập nằm sóng soại trên sàn thuyền, Tử thần thì đứng thẳng hiên ngang, một trục hoành - một trục tung, tạo thành một hệ tọa độ bất đắc dĩ giữa biển xanh sâu thẳm, mỗi kẻ đeo đuổi những huyễn tưởng khác nhau, nhưng sau rốt đều xuất phát cùng từ một gốc: ám ảnh về những trò ảo thuật.