Bạn bè không trẻ nữa, con cháu đầy nhà cả rồi đáng phải gọi nhau bằng anh, bằng ông, nhưng tôi lại quen gọi hắn là “thằng”. Hắn cùng quê với “lão Khúng” của Nguyễn Minh Châu mà lại bảnh như trai thành thị. Hai đứa cùng lớp ở Đại học, lúc đi tán mấy em khóa dưới, nhỏ thó đen đúa tôi thường bị thiệt. Mắt hắn như có ma lực, các nàng nhìn rồi như bị ma ám. Nghe đâu hắn lấy được vợ kháu khỉnh. Lại con nhà có máu mặt nhất vùng nên sau này hắn lập nghiệp ở Hà Nội. Tháng trước, mấy thằng cùng lớp rủ hắn vào Thanh chơi. Tôi đi đón. Tàu vừa dừng, tôi đã nhận ra hắn, giày ba ta, quần sooc kẻ sọc áo phông, phơi ra cái đầu. . . hói. Tóm lại, từ đầu đến chân hắn gần như toàn màu trắng, không phải trắng tinh. Mới trông hơi bị ngầu. Chen vai giữa đám đông khách tàu ồn ả; véo nhẹ tai tôi, vẫn với cái thổ âm của quê mẹ đẻ, hắn nói như quát: “Vờ vịt hả? Thằng này chừ đẹp trai rứa hầy!”.
Tối hôm ấy, bọn tôi đãi hắn món dê núi, tại chân động Hàm Rồng. Hắn uống vội viên amplo cho ổn ổn cái huyết áp rồi vào trận khá chững chạc. Mỗi người một chuyện. Đến lượt hắn. Tôi hỏi, sống Hà Nội thế nào? Hắn nói. Buồn! Rất buồn. Trước buồn vì “đấu đá” giờ buồn vì “già”. Rồi hắn kể, đi xe bus tuyến thị xã Hà Đông - Ngã Tư Sở theo đường Nguyễn Trãi, người túa ra từ nhiều phía. Lên được xe đã khó. Một bé đeo kính cận, dáng nữ sinh đứng lên nhường chỗ. Hắn tần ngần. Người Tràng An thanh lịch thật. Cảm ơn. Hắn ngồi tựa lưng vào thành ghế. Lòng chợt buồn. Thế là hắn đã già thật ư? Ý nghĩ này làm người hắn bải hoải, chả khác xe bị xịt lốp. Một trong những họa lớn của đời người là tuổi già. Đã đành không ai tránh được, nhưng sao lại đến với hắn biệt lệ cấp số nhanh thế không biết. Có thể tất cả chỉ tội cái đầu . . . hói. Một lần đi siêu thị, nhác thấy mình trong gương, hắn mới nhận ra mười mươi cái sự già nó mau đến. Vậy mà khi về quê, người lớn tuổi bảo trông hắn còn sung sức, đám trẻ hơn thì luôn miệng: Eo ôi, bao năm rồi mà bác vẫn thế! Và rồi cũng chỉ dăm ngày trước, qua đường phố Tây Sơn, đoạn gần Đại học Thuỷ lợi, lại cũng nữ sinh xinh như mộng đến dắt tay qua đường, độ chắc hắn là người quê. Những gần một phút là tới vỉa hè. Hắn hỏi, em học trường nào? “Thưa ông, Đại học Thuỷ lợi ạ!”. Nói rồi, cô gái rời tay hắn và bước thật vội. Hắn buồn. Hồn vía như đi đâu mất. Giỏ quả trên tay hắn tuột từ khi nào không biết, bưởi cam véo vó lăn bên vệ đường. Không buồn nhặt. Lần ấy hắn bảo cảm giác chẳng khác ngày mai về Văn Điển. Cái thằng thật lạ! Buồn khi người ta thương quý nhường chỗ cho mình cùng sự thưa kính lễ nghi đối với mình? Sắp tới cháu con mừng thượng thọ hắn cũng buồn chăng!? Khi đối diện với tuổi già, người ta hốt hoảng nhận ra một cái gì đó đang chết. Không gì buồn bằng khi lòng người ta đã chết. Hắn buồn bởi cái sự yêu trong hẳn hẳn như đã chết.
Nghe hắn cứ xa xót mãi về cái nỗi già, tôi bảo: Làm quen với tuổi già đi. Ông phải đọc thiền mà ngấm cái cách sống và chết; lúc già, lúc tưởng không còn đáng sống sẽ khổ con khổ cháu cũng cần sự thông thái đấy! Hay gì cứ mãi ôm cái buồn mà sống được.
Mai, hắn về Hà Nội. Tôi nói, nên liên lạc nhiều nhiều với nhau thật vô tư cho qua giai đoạn thứ hai của đời người. Nói rồi tôi tắt đèn ngủ vì nhớ mai xe hắn chạy chuyến đầu giờ sáng. Bóng tối vừa chụp lên căn phòng, giọng hắn đột nhiên vống lên: “Này, thỉnh thoảng mày cho tao một tiếng chửi!?”. Tôi ngạc nhiên: Chửi! Hắn nói, như tiếng vọng từ một nơi rất xa: “Mày ạ, hình như chốn đô hội đất diễn của muôn vàn cung bậc giờ toàn lời chúc phúc, một dạ hai vâng. Khen. Lời khen quà biếu. Chán! Lắm khi tao cứ thấy yêu chốn quê ngay cả trong sự mắng mỏ thật tình”. Chao ôi! Thì ra hắn thèm sự chân thành dù dấu sau một tiếng chửi. Như người quê hắn thèm ớt chỉ thiên. Hắn sợ cái vị lợt lạt của tình đời rồi. Lặng đi đôi chút, hắn kể: Tuần rồi đang tơ mơ giấc ngủ trưa, loáng thoáng nghe tivi cáo phó, hấp háy hé mắt thấy người dẫn chương trình mặc lễ phục màu đen nói ông A, ông B từ trần, phát tang, ngày và giờ, và địa điểm an táng. Thì ra mấy lão ấy chưa chết. Mình quá vô cảm. Và, biết đâu nhiều thằng lâu nay cũng coi mình như đã chết!?
Hắn về Hà Nội đã được mấy ngày. Thấy nhớ. Cả cái sự buồn cùng nỗi sợ hãi của hắn. Nỗi sợ người ta quên mình. Thời gian khuất lấp cả hình lẫn tiếng cũng là một thứ chết thấy được. Bây giờ thì có lẽ hắn đang vui vầy bên con cháu hay săm soi chút hương vị từ đống sách báo cũ nhàu nhưng cái bộ dạng tài tử, đi giày bata, quần sooc kẻ sọc áo phông, đầu hói để trần, tất cả đều màu trắng cứ ám ảnh tôi hoài. Tôi thích cái màu trắng không tinh tươm hơi bị ngầu của hắn và tôi rất nhớ hắn bảo thỉnh thoảng gửi cho hắn một câu “chửi”.
Cái thằng . . . vậy là hắn vẫn còn sống trong tôi!
![]() |
Tranh Bobilo |