Cái cảm giác một lần nghe tên mình vọng lại từ trập trùng núi rừng xanh thẳm chẳng dễ gì quên được, nhất là với người sinh ra từ nơi chốn ấy. Kể từ lúc sinh ra đã uống nước mạch của khe, ăn quả rừng hái chon von trên cành cao, phải rời xa thì nhớ nhung ghê lắm, có khi nhớ người thương cũng chỉ vậy mà thôi.
Tôi không nhớ nổi lần đầu tiên leo núi là năm mấy tuổi, cũng không nhớ nổi từ ngày ấy mình đã bao lần căng bắp chân bước trên những con dốc mòn đầy gai và lá khô. Chỉ biết quãng tuổi xanh của mình gắn liền với đồi cao, khe sâu. Vậy mà gần hai mươi năm đời người ấy, trẻ thế khỏe thế mà chẳng đi hết nổi núi non quê mình.
Bản tôi nằm giữa hai dãy núi, dãy núi phía sau bản cao lắm, lại có hình người đàn ông đang nằm ngủ. Còn dãy phía trước, nơi mỗi sáng cả bản nhìn thấy mặt trời trước nhất trên đỉnh nó, nhỏ và thấp hơn, lại từa tựa hình người đàn bà nằm ngủ. Lạ hơn cái cặp đôi khổng lồ ấy họ nằm đảo đầu nhau, để ra một chỗ trống ở giữa ấy là bản tôi.
Ngày bé tôi vẫn hay nghe nội kể chuyện về nguồn gốc của bản, câu chuyện một đám người mò mẫm vượt thác cao vũng sâu xuôi dòng nước suối đi tìm nơi trú chân, tới khi gặp một con thác cao chặn đường, họ cùng nhảy xuống, có người chết, có người sống. Những người còn sống quyết định dừng chân lấy mảnh đất này làm nơi sinh cơ lập nghiệp, đặt tên cho con thác cũng là tên của bản luôn. Tôi hay mộng mơ thì không thích truyền thuyết ấy, cái tối trăng miên man tãi ánh sáng xuống khắp bản, khiến hai dãy núi đen thẫm nhìn ra hệt hình hai người đang nằm ngủ, tôi tưởng ra cảnh tổ tiên cụ kị của mình, họ xơ xác nhưng cũng can trường bước ra từ một hang sâu giữa dãy núi hình người sau nhà cơ.
Từ hai dãy núi ấy bao mạch ngầm chảy ra nuôi sống những đứa bé người Tày cho tới khi lớn lên và về với rừng. Suối trong ngằn ngặt, mát vời vợi ngọt ngào biết bao. Tôi thường ví rừng với biển, những lần một mình đi vào rừng như lặn sâu vào tán lá cao vút xanh bằn bặt mà chẳng ngột thở bao giờ. Lúc ấy chỉ thấy mình nhỏ nhoi trước sự khôi vĩ của thiên nhiên, trên đầu mình là lá, là chim sóc chuyền cành, trên nữa là mặt trời mà ánh sáng của nó cũng chẳng thể chiếu thủng những lá là lá ấy.
Mùa nào rừng núi quê tôi cũng xanh thậm, xuân hạ thu đông đều vậy cả. Ở đâu mùa thu rừng lá đổ vàng đổ đỏ thì tôi không biết, chỉ biết cây lá ở núi đồi chỗ tôi mùa ấy một là rụng lá trụi lụi (loại này ít), hai là vẫn xanh ngắt. Tôi thích nhất mùa hè trên núi quê tôi. Mùa ấy lá tươi tốt, hoa quả đua nhau nở chín, vào rừng lúc này thấy thơm lựng, ngọt ngào và đa sắc. Hè thấy trám gặp gió lớn rụng rào rào trên lá, bứa chín vàng giữa những vạt nứa ngả nghiêng, và cả đồi sim chông chênh vang tiếng chào mào kêu như muốn giữ quả tím khỏi rơi vào tay lũ trẻ đầu trần.
Ký ức của người sống xa núi nhiều lắm, cái đám ấy tưởng mình được đi xa thoát khỏi núi xanh rừng thẳm, tha hồ rộng mắt nhìn trời biển đấy. Nhưng cứ thử dăm ba cái Tết ngửa mặt phóng mắt bốn phương mà không thấy một chóp xanh sừng sững, không nghe được nổi một tiếng chim gọi bầy xem, lòng chả buồn quay quắt. Lúc ấy thể nào chả nhớ lại hình ảnh mình đứng trên mom đồi trọc, dang tay mở ngực ra đón những cơn gió thổi tung áo quần đầu tóc. Thể nào chả muốn về mà dựa lưng vào núi thở than phiền muộn cuộc đời.
Cứ về đi rồi giãi bày với núi, rồi gọi tên mình giữa trập trùng đất trời, núi bao dung lắm, nhận hết những ta thán ấy. Về mà ăn miếng chua chát đắng đót từ đất trời sinh ra.
Người miền rừng khi xa quê lâu ngày có hai thứ phải tìm ăn khi về lại với núi. Một thứ ở trên trời, một thứ ở dưới đất. “Ba bát thịt trâu không bằng bát quả sổ” cái thứ quả tròn tròn xanh xanh ăn vào vừa chua vừa chát ấy nếm một lần rồi không quên được đâu, nhắc tên là ứa nước miếng, là muốn ngược dốc đi tìm mà ăn cho bõ thèm ngay. Còn thứ dưới đất phải đợi mưa đổ xuống, đợi sấm giật vang trời mới xé đất nhú lên, ăn vào đắng đót chứ ngọt ngào gì mà sao ai cũng nhớ. Cái thứ măng vầu đắng ngắt ấy lần nào chẳng chui vào câu chuyện miên man nỗi nhớ của đám con dân miền rừng khi xa quê gặp nhau chứ.
Người Kinh có câu “cóc chết ba năm quay đầu về núi” người Tày xa quê không về với núi thì sao còn là người Tày, khi mà nhau thai của anh từ lúc lọt lòng đã được treo ở tàng cây trong cánh rừng dưới chân núi. Mỗi bận trở về, tôi lên tới núi hòa mình vào những cỏ cây, tôi vẫn thấy mình là đứa con của núi. Mùa măng mới vẫn có thể nhìn vết đất nứt mà lần ra củ măng nhu nhú, vẫn biết dừng bước lắng nghe khi bắt được tiếng dũi nhai rễ cây kèn kẹt dưới hang. Vẫn biết khum hai tay vào trước miệng hét tên mình vào núi để được nghe tiếng đáp da diết vọng từ thăm thẳm xanh ngắt của núi và rừng. Ấy là núi gọi tên mình đấy.
![]() |
Sapa - Việt Nam. Ảnh Licolas Max |