Sáng tác

Ngược nguồn Ly Lang. Truyện ngắn dự thi của Sơn Trần

Sơn Trần
Truyện
09:00 | 28/10/2024
Baovannghe.vn - Ngày ấy đã lâu rồi... Bao giờ cũng thế, mẹ bắt đầu câu chuyện bằng điệp khúc quen thuộc đã ăn sâu trong tiềm thức về những điều mà nay nghiễm nhiên đã là cổ tích.
aa

1.

Mãi đến năm mười tám tuổi, tôi mới về thăm quê ngoại. Nơi ấy rất xa. Có dãy núi Đắc Tô Rông như bức tường thành sừng sững tiếp giáp với biên giới. Nơi khởi nguồn dòng Trà Khê huyền thoại. Trong kí ức lẫn lộn giữa nhớ và quên của mẹ, một đứa con lưu lạc, luôn ám ảnh về nguồn cội… thì vùng đất ấy cất giữ nhiều bí ẩn. Nhưng, mẹ chỉ kể cho tôi nghe về sinh hoạt, về tập tục, về truyền thống của tộc người thiểu số sống rải rác quanh ngã tư Ly Lang, nơi hợp lưu của những dòng thác mạnh mẽ, có nhiều cuộn xoáy đã phá núi, băng rừng đổ về biển với một nhánh chính có tên gọi là Trà Khê.

Ngược nguồn Ly Lang. Truyện ngắn dự thi của Sơn Trần
Minh hoạ Đặng Tiến

Ngày ấy đã lâu rồi... Bao giờ cũng thế, mẹ bắt đầu câu chuyện bằng điệp khúc quen thuộc đã ăn sâu trong tiềm thức về những điều mà nay nghiễm nhiên đã là cổ tích. Đó là câu chuyện về cô gái tên Ly, chàng trai không ai biết tên, tạm gọi là Lang, và dòng Trà Khê. Khê mang nghĩa của khe suối, trong lành. Còn Trà là một trong bốn dòng họ thuộc dân tộc Chăm. Người đời truyền rằng, Lang là chàng trai dân tộc Chăm. Trong hành trình di dân, mở cõi, người Chăm đã dừng lại bên dãy núi uy nghi, bên dòng sông thơ mộng để lập bản, dựng nhà, vỡ đất khai hoang. Rồi người đời còn thêu dệt biết bao huyền tích về mối tình đầy trắc trở: Ly- Lang, về chim Jrink chỉ trở về rừng vào độ mùa xuân.

Mẹ lặng lẽ nhìn tôi rồi nhìn ra màn đêm đen kịt chứ không nói thêm điều gì.

Tôi càng lớn càng thấy mình lạc lõng giữa đám bạn choai choai của xóm chài. Tuy nước da đứa nào cũng đen nhẻm, mặn mòi vị biển nhưng riêng ở tôi thì cặp mắt đen hơn, sâu và to hơn, lúc nào cũng ngơ ngác nhìn. Còn mái tóc thì cứ xoăn tít, không dài ra được. Đứng cùng với hai đứa em, tôi là một phiên bản hoàn toàn khác.

Cha tôi không quan tâm điều này. Ông bận với những chuyến ra khơi, bận chống chọi với những trận cuồng phong. Mỗi lần thuyền cập bến, bước lên bờ, cha ghé hiệu tạp hóa đầu xóm mua quà chia đều cho cả ba anh em. Tôi biết ơn cha vì đã không phân biệt, đối xử khi đứa con lớn này hình dáng, tính tình không giống với hai đứa con còn lại.

2.

Mùa lũ. Dòng Trà Khê oằn mình, tuôn về biển cả. Nước đục, rác rều, cả những thân gỗ mục bị nước cuốn trôi. Thi thoảng, người ta còn thấy xác động vật nữa. Hai bên bờ sông, ruộng vườn, nhà cửa nước ngập đầy, chỗ cao cũng đã ngấp nghé. Cha neo thuyền thật chặt vào trụ bê tông ở bến. Mẹ trùm tấm choàng nilon chạy ra chạy vào trong cơn thịnh nộ của thiên nhiên lúc trời chạng vạng. Mấy anh em tôi co rúm ở góc giường. Mưa bão gầm rú. Biển cả dậy sóng. Suốt đêm cả xóm thức trắng. Từng chặp tiếng loa phát thanh thông báo lưu ý bà con cẩn thận đề phòng bờ biển sạt lở cũng như nước lũ thoát không kịp, nước sông dâng cao.

Rồi bão tan, lũ rút. Nước biển xanh trong, từng con sóng dịu êm liếm nhẹ vào bờ cát, cảm giác chưa từng có cơn giông dữ dội vừa xảy ra. Cha tôi cùng bạn thuyền chuẩn bị ngư cụ ra khơi. Nhưng mẹ tôi bất ngờ ngã bệnh, nằm liệt mấy ngày, không ăn không uống gì cả. Đêm, mẹ hay mê sảng, la hét. Khi gượng dậy, mẹ lần từng bước ra bến sông, nhìn trời, nhìn nước.

Có người ái ngại nói với cha rằng mẹ bị mất trí, mau tìm thầy cúng. Mấy anh em tôi sợ hãi, đưa mắt nhìn cha. Cha ngồi bên ngọn đèn bão, mặt nhàu nhĩ gục xuống bàn.

- Phải đưa mẹ về núi thôi!

Cha ngước lên nhìn vào khoảng đêm rồi cứ thế độc thoại cùng cái bóng của mình đang chập chờn trên vách.

Mẹ ú ớ, xoay mặt vào phía trong. Mái tóc dài của mẹ xổ ra, tràn một góc giường.

3.

Mẹ không chịu về núi. Theo lời của cha là sẽ tìm đến một thầy mo sống trong hang núi, chuyên trừ tà, yểm bùa. Nhiều người khắp nơi tìm đến và đã khỏi bệnh. Nhưng mẹ kịch liệt phản đối khi nhắc tên thầy mo đó. Mẹ bệnh chẳng qua nhìn dòng Trà Khê hung dữ cuốn phăng tất cả về biển. Mẹ ám ảnh, mẹ đau đớn khi nhớ về ngày trước. Chuyện này cha biết, cả xóm chài bình yên ven biển đều biết. Họ quý cha, người đàn ông mồ côi, sống thui thủi trong căn nhà nhỏ, vách thưng tuềnh toàng những tấm ván ép, bao xi măng nhưng lại rất cần cù, chịu khó làm ăn. Họ thương mẹ, người đàn bà có số phận hẩm hiu, bị cuốn trôi trong một trận lũ. Ngay từ khi thấy mẹ sấp ngửa cùng bè nứa bên hông thuyền thì cha đã linh cảm cuộc đời tiếp theo của mình là gì.

Khi được cha cứu, mẹ im lặng không nói gì suốt một thời gian dài. Không phải vì phản đối việc người đàn ông xứ biển đã cứu mạng, cưu mang mình, cũng không phải việc dân làng đến thăm hỏi, quan tâm quá mức mà hình như có uẩn khúc mà mẹ cần che giấu.

Một chiếc bè nứa mang theo người đàn bà có chửa, lênh đênh suốt mấy ngày đêm, băng qua dòng nước đục, từ thượng nguồn về đến cửa biển. Một tai nạn sông nước? Sự trục xuất đầy đau đớn bởi một lời nguyền? Vùng cao còn nhiều luật lệ hà khắc. Nơi ấy sự sống và cái chết luôn song hành bởi những ràng buộc khó hóa giải, duy trì từ đời này sang đời khác? Đấy là những hủ tục lạc hậu. Chẳng hạn chuyện sau khi sinh con, nếu chẳng may người mẹ chết thì đứa trẻ sơ sinh phải bị chôn theo mẹ. Trong quan niệm ấu trĩ của kẻ đứng đầu buôn làng là nếu để đứa con lại thì hồn ma người mẹ về tìm con, quấy nhiễu buôn làng. Đứa con mất mẹ vô tình thành điềm gở, mang đến nhiều điều xấu. Rồi chuyện cầm đồ thuốc đậu, giết chóc lẫn nhau vì sự ích kỉ, vì kém hiểu biết. Chuyện trai gái yêu nhau nhưng bị cấm cản phải đưa nhau vào rừng, ra sông... Tiếng chim ở núi bao giờ cũng buồn thương cả.

Nhưng rồi mọi chuyện dần chìm đi trong nhiều nỗi lo của cuộc sống. Mẹ đã bước chân ra đường, đến chợ. Mẹ chăm sóc, nuôi dạy tôi và hai đứa em tôi lần lượt ra đời sau đó.

4.

Cha đã bí mật ngược dòng Trà Khê tìm về nơi mẹ sinh ra. Mọi chuyện được sáng tỏ phần nào nhưng lòng cha vẫn còn u uất. Cha ít nói hẳn, nhưng bù lại cha quan tâm, chăm sóc mẹ nhiều hơn.

Một hôm, cha say rượu, lảo đảo bước đi dọc bờ kè trong cái nắng trưa hè oi ả. Mẹ chạy theo kéo cha về. Cha hậm hực nhìn người vợ nhỏ bé, quần áo đẫm nước khi vừa kéo mấy chiếc thúng vào bờ. Nhưng rồi cha buông thõng hai tay và khóc nấc. Đêm ấy, trong nhập nhoạng ánh trăng cuối tháng, trong âm thanh tiếng ốc u vọng tới từ ngôi miếu bỏ hoang phía gành đá, mẹ bồi hồi nhớ lại...

Ngay ngã tư Ly Lang có một ngôi mộ đá lâu đời. Ngôi mộ rất to, có tường đá vây quanh, vòm cổng khắc chữ nổi nhưng bị mờ theo thời gian. Che trùm một phần ngôi mộ là cây pơ lang cổ thụ. Cứ gần hết mùa xuân hoa nở đỏ rực trông như tấm thảm treo lồng lộng giữa bạt ngàn màu xanh của rừng núi. Mỗi lần đi ngang, không ai dám dừng lại lâu bởi hốc cây khói nhang cứ mịt mờ, ma mị. Cứ thế sắc hoa cứ thầm lặng rơi cho đến hết mùa. Cứ thế những câu chuyện hoang đường từ ngã tư Ly Lang xuất hiện.

Người dân quanh vùng xôn xao về lai lịch của ngôi mộ cổ. Là người khai sinh dòng tộc ở vùng đất này, là người thuộc thế hệ đầu tiên phía nội của mẹ. Mẹ kinh hoàng, khiếp sợ trước sự thật phơi bày. Mẹ điếng người khi biết bàn tay trái của những người là con, là cháu của người nằm dưới ngôi mộ kia đều mất đi ngón áp út. Một lời thề đánh đổi giữa nhân tính và sự giàu sang cho thế hệ sau? Một khế ước bất thành văn được lưu truyền bí mật? Người chết được chôn đứng và những người thân còn lại phải bị chặt ngón áp út. Một hành động man rợ để đoạt chiếm sự giàu sang và bình yên? Gã thầy mo được rước về từ đỉnh núi cao đã cắt tiết con gà trống choai, ném hai đồng xu sấp ngửa, thắp một nén nhang ở ngã tư Ly Lang...

Lễ cúng diễn ra suốt ba ngày đêm. Ngón áp út nhầy nhụa máu đặt trên chiếc lá hình bầu dục. Con cháu sụp xuống, vái lạy. Còn gã thầy mo luôn miệng cúng, đọc kinh, chốc chốc liếc mắt, cười bí hiểm. Khi mọi người không chú ý, gã véo nắm xôi, xé cái đùi gà nhai ngấu nghiến.

Dân làng chỉ đứng từ xa nhìn, bàn tán. Họ thắc mắc rằng quan tài quàn đến mấy ngày, trái với tập tục vùng này, để lâu con ma sẽ ám người sống. Họ không hiểu sao đã đưa quan tài về hướng Nam, dừng bên dốc đá làng Bua, ở đấy đã đào sẵn huyệt rồi mà... Người này hỏi người kia, nhận lại chỉ là cái lắc đầu. Nhưng rồi khi biết việc chôn cất gắn với lời nguyền ghê gớm ảnh hưởng trực tiếp đến số phận mình, họ đã uy hiếp và bắt rời ngôi mộ đi nơi khác. Nhưng đã muộn. Quan tài là khối đá xanh được đục rỗng lại trát kín bằng sáp ong trộn cùng loại bột đá có độ kết dính cao lấy từ đỉnh núi Ngọc Linh. Ngôi mộ được xây âm thầm trong đêm.

Họ bất lực, nơm nớp lo sợ đợi chờ sự linh nghiệm mà gã thầy mo từng phán. Nhưng cuộc sống vẫn bình yên trôi. Dân làng vẫn hàng ngày lên rẫy, xuống đồng. Dòng Trà Khê vẫn mang con nước trong mát chảy về xuôi. Chỉ có dòng họ những người chặt đi ngón áp út là chịu những biến cố, những bi kịch. Người li tán, người đoản mệnh, người phải chạy vô rừng trốn lệnh truy nã vì buôn bán chất cấm...

Gã thầy mo vẫn ngạo nghễ đi qua làng. Có người còn thấy gã vén quần quay mặt vào gốc pơ lang cổ thụ.

Mười tám tuổi, mẹ cũng phải chặt ngón tay trong ngày kị của người nằm dưới ngôi mộ cổ. Mẹ không chịu nên trốn đi. Đang là mùa xuân, tiếng chim Jrink thao thiết nhớ. Mẹ muốn chạy thật nhanh, đến nơi không có màu hoa đỏ như máu nhuộm đầy bóng chiều, đến nơi chỉ có những người lành lặn tâm hồn và suy nghĩ, biết yêu thương và chia sẻ, đến nơi không chấp nhận kẻ tin vào trừ tà, dị đoan. Cứ thế mẹ băng rừng.

Đêm trong rừng thẳm. Thức ăn mang theo đã hết. Mẹ lơ mơ trong cơn mộng hãi hùng. Một con mãng xà xuất hiện. Linh mộc trút từng vốc lá vàng phủ lên người mẹ. Con mãng xà vẽ một đường đưa mẹ đi. Trong ánh sáng ảo diệu, mẹ thấy mình bay lên cùng chàng Lang, nàng Ly... Mẹ hét lên, choàng tỉnh vì mẹ sợ phải về làng, gặp lại ngã tư Ly Lang, đối mặt với ngôi mộ chôn đứng.

Mẹ đói lả, bất động ở bến sông. Người đánh cá tốt bụng cho mẹ tá túc qua ngày. Một hôm, ông neo thuyền ở bến, bảo đưa mẹ lên chợ mua đồ sơ sinh chuẩn bị cho mẹ vượt cạn. Mẹ ngơ ngác rồi đau đớn nhận ra vết cứa lẹm sâu nơi bầu ngực. Kẻ mặc áo màu chàm, người nồng hơi men đã biến mẹ thành đàn bà trong ê chề nhục nhã. Trong lúc suy sụp nhất cũng là lúc mẹ cần tỉnh táo mà sống vì mầm sống vô tội đang lớn dần trong bụng.

Mẹ theo thuyền hết bến này đến sông khác. Mẹ lên bờ đổi cá lấy gạo. Ông lão xem mẹ như con gái, bảo xưa ông cũng có một gia đình hạnh phúc. Nhưng trận lũ năm Thìn đã cuốn trôi vợ và hai đứa con. Lúc đó tầm nửa đêm, ông không thể giành lại vợ con từ tay thần nước. Ông vô cùng ân hận, cho thuyền xuôi ngược dòng sông tìm kiếm. Mênh mông nước trời. Biền biệt thời gian. Ông tuyệt vọng, chỉ biết nhìn lên khu nghĩa địa hoang vu nằm cạnh bờ sông mà than trời.

5.

Cây pơ lang bên ngôi mộ cổ bỗng nhiên chết trong một ngày cuối đông. Thân khô xác, lá vàng ào một lượt đầy gốc. Dân làng xôn xao, họ không dám nhắc đến hai từ... điềm dữ. Chính quyền mời người có chuyên môn bên sở nọ về khảo sát. Họ lấy mẫu đem đi xét nghiệm. Một tháng sau có kết quả, ai nấy vừa thở phào nhẹ nhõm vừa buồn cười. Là bởi cây chết vì lượng nước thải quá nhiều và sức nóng hàng đêm của những nén nhang.

Gã thầy mo đời thứ n biến mất, không còn lai vãng ở làng. Có người bảo rằng thấy gã say rượu, vừa đi vừa hát những lời có quỷ, có ma đầy ám ảnh rồi rơi xuống vực mà trong tay vẫn còn cầm ngón áp út nhầy nhụa máu.

Mẹ tin vì đấy là kết cục cho kẻ hại người. Cha phớt lờ ánh nhìn chờ đợi của tôi khi tôi hỏi về cha ruột. Bởi tôi biết cha rõ điều này hơn ai hết. Mẹ cũng nhìn cha im lặng... Cha quay mặt đi, gò lưng vá xong mấy tấm lưới rách nhàu nhĩ. Lúc này trời đã trưa. Từng cơn gió hun hút từ biển thổi vào. Cha bảo mùa bức, nguồn hải sản hiếm, lại thường có giông, nên nghỉ dài ngày.

Hai đứa em học trên huyện, thường cuối tháng mới về. Tôi phụ cha đi giã, đi câu mực gần bờ trên chiếc thúng chai. Ở khoảng cách mấy sải chèo, trong đêm, hai cha con nói chuyện với nhau. Tôi thấy chỉ bấy nhiêu là đủ. Quá khứ nghiệt ngã, chất chứa nỗi niềm thì cứ cho qua. Nguồn cội thì nhớ, có dịp sẽ tìm về. Nhưng đừng ưu tư, dằn vặt quá. Để hiện tại được trọn vẹn, vui vẻ. Mẹ cha bảo tôi đã trưởng thành.

Một hôm tôi men theo mép nước bắt con sò, con vẹm. Mùa thu cũng đã theo về sau cơn lũ trái mùa. Con nước hiền hòa, trong xanh. Thong thả xuôi về biển cả. Tôi dừng chân ở một bến sông có cây cừa tỏa rộng tán. Có nhiều người nhìn tôi, lạ lẫm. Tôi biết mình đã đi quá xa xóm chài. Mặc kệ, tôi cứ đi, biết đâu tôi sẽ gặp được những gì mình đã từng mơ. Đấy là một ngôi làng nép bên chân núi. Một con đường vắt ngang nối làng với bến Ly Lang. Dân làng ăn mặc khác với người dân xóm chài. Họ hay vào rừng săn bắn. Họ đốt lửa và nhảy múa vào những đêm tối trời. Họ hát những làn điệu dân ca... Tôi đã đi theo một tốp người vào làng. Con người ở đây rất thân thiện và hiếu khách. Già làng đặt bàn tay to, nhăn nheo, rám nắng lên đầu tôi. Một hồi chiêng vang dài...

Cha mẹ hớt hải đi tìm, gặp tôi lang thang ngoài bãi vắng. Mẹ ôm chặt tôi, khóc nức nở. Cha tôi chỉ lặng im nhưng mắt đỏ hoe. Tối đấy, cha mẹ không ngủ được, cứ trằn trọc mãi. Tôi nằm phòng bên, lắng tai nghe rõ câu chuyện giữa hai người. Nỗi ân hận dâng trào.

- Phải cho con biết sự thật về cha ruột của nó thôi! - Giọng của cha khe khẽ

- Không được đâu, nó sẽ sốc, thà rằng để nó mập mờ như vậy dù tôi cũng buồn đau lắm! - Giọng mẹ uất ức, đầy nguồn cơn.

- Nó đã đi tìm rồi đấy, nếu nhỡ có chuyện gì thì mình hối hận không kịp? - Cha dứt khoát.

- Nhưng... - Mẹ ấp úng, bỏ dở câu nói

- Dù cha nó là ai cũng là máu mủ. Mình biết tôi thương nó như con ruột, không phân biệt gì cả. Nó cũng cảm nhận được điều này mà.

- Mình để tôi suy nghĩ thêm...

Cứ thế, câu chuyện giữa cha và mẹ khiến tôi khóc lúc nào chẳng hay. Nước mắt đầm đìa gối. Cảm giác lúc này là cha ruột của tôi là ai, tôi cũng không cần nữa. Tôi thương mẹ và vô cùng quý trọng người đàn ông tôi gọi là cha lâu nay, người chưa từng quở trách hay nặng lời với tôi bao giờ.

Những thông tin nhanh chóng được lan truyền:

Đập thủy điện hình thành, trữ nước cho những cánh đồng.

Phía thượng nguồn nước dâng.

Làng dời lên đồi cao.

Ngôi mộ cổ chìm sâu dưới đáy.

Mẹ tôi như một người khác. Nôn nóng và đầy tâm trạng. Mẹ bảo cha nên đưa cả nhà về núi một chuyến. Cha ngạc nhiên trước sự thay đổi của mẹ. Trước đây mẹ nhất quyết không về, mẹ bảo đến chết mới chịu làm ma làng cũ. Còn bây giờ, mẹ thường ra ngóng núi. Bóng thiên di từng chiều mang nỗi nhớ thương của mẹ theo cùng.

6.

Mẹ gọi nơi sinh ra và lớn lên của mình là làng cũ. Mẹ bảo theo thời gian làng cũ không còn như xưa, đã nhiều thế hệ đi qua, mọi chuyện đau buồn cũng khép lại, lãng quên như tiếng sáo của chàng Lang si tình không còn cất lên ở bến sông trong những đêm thanh vắng, nàng Ly tiều tụy, tuyệt thực trong căn phòng tối để phản đối sự cấm đoán của cha mẹ cũng không còn ai nhắc đến.

Cuộc đời mỏi mòn nên thấy buồn và dài. Sông thì rộng mà núi thì cao. Đứng bên này nhìn hút qua bên bờ kia chẳng thấy gì ngoài màu xanh của rặng cây. Còn bên kia núi chắc sẽ là núi. Núi chạy vòng quanh, bao bọc và vây hãm con người trong sự tù túng của tập tục và lễ giáo. Muốn vượt thoát cũng khó thực hiện. Nhưng rồi... Mẹ thở dài nhìn đám rong quấn quanh cọc cây mé bờ.

Bên kia sông vọng lại câu hò. Chiếc thuyền đánh cá xuất hiện. Mẹ ngạc nhiên hết sức, miệng há hốc. Vị ân nhân năm xưa vẫn còn khỏe, trông chỉ già hơn chút đỉnh.

Cả nhà bước lên thuyền. Và mẹ khóc. Ông lão nhìn cha rồi nhìn tôi. Cha nhanh nhảu:

- Đứa trẻ được ông mua đồ sơ sinh nhưng chưa kịp mặc đấy ạ!

Ông lão nhìn mẹ rồi bỗng nhiên khóc nấc khi nhớ về ngày ấy, ông lên bờ uống rượu. Lũ về trong đêm. Chiếc thuyền đứt neo, lật úp còn đứa con gái ông mới nhận làm con nuôi đã mất tích.

Trời chiều ngả bóng, từng cơn gió mùa thu đưa những đám mây trắng bồng bênh trôi về phía núi. Mặt sông loang loáng ánh nắng, lao xao. Chiếc thuyền rẽ nước, ngược dòng. Tôi ngồi ở mũi thuyền, mê đắm nhìn cảnh vật xung quanh. Một bức tranh đẹp đến nao lòng nhưng thật bình yên. Mẹ nhìn tôi mỉm cười. Cảm giác niềm trắc ẩn bấy lâu ghim gút trong lòng mẹ đã bị xua tan. Hiện diện trong cõi đời này, giữa khung cảnh bao la trời nước là người thiếu phụ đang hạnh phúc in bóng mình xuống dòng nước xanh trong, ngẩn ngơ trông theo những bông hoa rừng khe khẽ nở.

7.

Đứng trên bờ nhìn dòng Trà Khê đẹp như tranh, như vẽ. Phía thượng nguồn, từ ngày có đập ngăn, bỗng biến thành hồ, lung linh mặt nước, soi rõ bóng mây, sắc chiều. Người làng cũ họ luôn tự hào về dòng sông quê hương. Họ vẫn hay kể về những huyền tích, về ngọn nguồn Ly Lang nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến ngôi mộ cổ và mấy căn nhà hoang đã chìm sâu dưới đáy hồ.

Tôi theo mẹ lên rẫy. Mùa vàng nghiêng trong từng thửa ruộng bậc thang. Những nhà chòi đơn sơ gác trên chạc ba cây cao nhằm đuổi khỉ, đuổi heo rừng phá ngô, phá sắn. Đi ngang khu nhà mồ, mẹ chợt dừng lại, níu ánh nhìn của tôi bằng vẻ mặt đầy ưu tư. Giữa lô xô nấm đất đầy cỏ tranh, một ngôi mộ hình vuông, phía đầu chèn tảng đá to, khắc chữ đỏ.

----------

Bài viết cũng chuyên mục:

Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 43/2024 Đọc truyện: Thuyền rồng. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân Một tiếng ve rừng. Truyện ngắn dự thi của Khánh Liên Đọc truyện: Doi biển. Truyện ngắn dự thi của Bùi Tuấn Minh

Tags:

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...
Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Baovannghe.vn - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, sáng nay, 22.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).