Ngày 23/10/2024, tại Hà Nội, Nhà Xuất bản Thông tấn tổ chức lễ ra mắt tác phẩm “Truyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” của tác giả người Hàn Quốc Cho Chulhyeon, vào dịp tưởng niệm 100 ngày mất của Tổng Bí thư.
Cuốn sách về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nguồn Internet |
Tác phẩm “Truyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” dày 344 trang, do Nhà Xuất bản Thông tấn tổ chức biên dịch, xuất bản. Cuốn sách mô tả sinh động về thời niên thiếu, những năm tháng nỗ lực học tập, xuất sắc vượt qua các cấp học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và sinh viên Khóa 8, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội); thời kỳ công tác tại Tạp chí Cộng sản và những thành tựu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội (2000-2006), Chủ tịch Quốc hội (2006-2011); thời kỳ đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI, XII, XIII.
Tác phẩm gồm các phần: Mở đầu “Thời kỳ đi học”, Chương một “Thời kỳ trưởng thành”, Chương hai “Thời kỳ phê bình”, Chương ba “Thời kỳ vì dân”, Chương bốn “Thời kỳ thuận ứng”, Vĩ thanh “Phác họa bức tranh “Cường quốc văn hóa””.
Viết Lời tựa cho cuốn sách, Chủ tịch nước Lương Cường khi ở cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: “Tác giả, nhà văn Cho Chulhyeon đã thể hiện tình cảm trân quý, nể phục trí tuệ, tài năng, nhân cách, đạo đức, sự cống hiến hết mình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đất nước, nhân dân Việt Nam. Ông đã giới thiệu tới bạn đọc những câu chuyện chân thật, xúc động về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, để những sự kiện, câu chuyện giản dị tự cất lên tiếng nói, tự tỏa sáng mà không cần dùng những mỹ từ”.
Phát biểu tại lễ ra mắt cuốn sách, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Lê Hoài Trung khẳng định, tác phẩm đã khắc họa rõ nét, sinh động chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ thuở thiếu thời đến những năm là người đứng đầu Đảng ta liên tiếp ba nhiệm kỳ, trong đó tác giả tập trung vào những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hóa…
Cho Chulhyeon là nhà văn chuyên viết tiểu sử, đồng thời là nhà sản xuất phim tài liệu. Sau khi tốt nghiệp Khoa Anh văn, Trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, ông làm việc tại Ban xuất bản thuộc Ủy ban Phát thanh Truyền hình. Ông đã sản xuất nhiều phim tài liệu liên quan đến cộng đồng nói tiếng Hàn. |
Cuốn sách giúp bạn đọc trong và ngoài nước hiểu biết thêm về vị lãnh đạo đáng kính của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đồng thời, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân về đạo đức, lý tưởng cách mạng, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân.
Sáng 23/10, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Giải thưởng văn học nghệ thuật Thủ đô và Liên hoan nghệ thuật giới thiệu tác phẩm đạt Giải” năm 2024.
Đề án “Giải thưởng văn học nghệ thuật Thủ đô và Liên hoan nghệ thuật giới thiệu tác phẩm đạt Giải” nhằm tôn vinh, khẳng định giá trị và phổ biến được nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ Thủ đô có chất lượng, giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật; Tạo động lực cho văn học nghệ thuật Thủ đô phát triển mạnh mẽ, đa dạng, có nhiều tác phẩm có giá trị được tôn vinh, phổ biến, phản ánh chân thật, sinh động về công cuộc xây dựng và phát triển của Thủ đô theo hướng: “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Bên cạnh đó, góp phần đẩy mạnh hoạt động phổ biến tác phẩm văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ Thủ đô, đặc biệt là các tác phẩm có giá trị cao đã được trao giải thưởng. Đưa tác phẩm văn học nghệ thuật đỉnh cao đến với mọi tầng lớp nhân dân; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn học nghệ thuật, nâng cao dân trí; góp phần cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp…
NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nguồn BTC |
Tác phẩm tham gia xét giải là các tác phẩm, công trình thuộc 9 lĩnh vực (Văn học, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Múa, Sân khấu, Điện ảnh, Kiến trúc, Văn nghệ dân gian) bao gồm sáng tác, nghiên cứu và biên khảo, lý luận phê bình… đã phổ biến, xuất bản hoặc công diễn trong 2 năm trở lại trước mỗi kỳ xét giải), nằm trong quyền hạn chuyên môn xét duyệt và đề xuất của 9 Hội chuyên ngành thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Mỗi lĩnh vực đều có những quy định cụ thể dành cho tác phẩm dự giải riêng.
Nội dung tác phẩm tập trung phản ánh về mảnh đất và con người Thủ đô nghìn năm văn hiến, ưu tiên các mảng đề tài: Lịch sử dựng nước và giữ nước, phong trào cách mạng, kháng chiến cứu nước, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và truyền thống văn hóa dân tộc, công cuộc đổi mới trong xây dựng và bảo vệ đất nước; thiếu niên, nhi đồng, tri thức trẻ; dân tộc thiểu số; ca ngợi, biểu dương những nhân tố tích cực, những con người tiêu biểu trong xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Đề án, NSND Trần Quốc Chiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội bày tỏ mong muốn Đề án "Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô và Liên hoan nghệ thuật giới thiệu tác phẩm đạt Giải năm 2024" sẽ nhận được sự hưởng ứng tích cực của văn nghệ sĩ các hội chuyên ngành.
Triển lãm gốm "Nam Tước - Hồn Của Đất" là một không gian nghệ thuật, là nơi giao lưu, trao đổi giữa nghệ sĩ và công chúng yêu gốm. Qua đó, tôn vinh giá trị truyền thống và khơi dậy niềm tự hào về đất nước, con người Việt Nam.
Với mục tiêu, tạo nên một không gian nghệ thuật độc đáo, tôn vinh giá trị của gốm truyền thống Việt Nam, truyền cảm hứng và khơi dậy niềm đam mê nghệ thuật cho các bạn trẻ, triển lãm “Nam Tước - Hồn của đất” sẽ trưng bày các tác phẩm gốm độc đáo, từ gốm "Sông Quan" ứng dụng cho sân vườn và trang trí nội thất đến những bức tranh gốm kể chuyện đầy màu sắc và sự giao thoa giữa gốm Bát Tràng với văn hóa thờ Mẫu.
Triển lãm sẽ khai mạc ngày 25/10/2024 tại 16 Ngô Quyền, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. |
Triển lãm cũng là sự kết hợp hài hòa giữa đất, lửa và men, tôn vinh vẻ đẹp của gốm truyền thống Việt Nam dưới góc nhìn đương đại.
Triển lãm sẽ bao gồm ba chủ đề chính: Tầng 1: Gốm "Sông Quan": Nơi Trần Nam Tước tìm về nguồn cội, với những tác phẩm lấy cảm hứng từ dòng sông quê hương và những ký ức tuổi thơ; trang trí và Deco đương đại; gốm truyền thống theo cái nhìn mới - gốm ứng dụng. Tầng 2: "Gốm và sơn mài": Sự kết hợp độc đáo giữa hai chất liệu truyền thống, tạo nên những tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc; Tư duy cái nhìn kim cổ và đời sống. Tầng 3: "Chất liệu gốm Bát Tràng": “Bát Tràng nơi tôi đến” - Trần Nam Tước chia sẻ về hành trình đến với làng gốm Bát Tràng và những ảnh hưởng của nơi đây đến sự nghiệp nghệ thuật của anh; và sự gìn giữ giữa bảo tồn và phát triển.
Với "Hồn Của Đất", Trần Nam Tước đóng vai trò vừa người nghệ nhân sáng tạo nên tác phẩm, vừa là người kể chuyện, người truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống thông qua ngôn ngữ nghệ thuật đương đại.
Triển lãm sẽ khai mạc ngày 25/10/2024 tại 16 Ngô Quyền, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Việt Thắng (tổng hợp)
-------
Bài viết cùng chuyên mục: