Đêm 8/1, tại Nhà hát TP HCM, Hơn 100 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên múa sẽ góp mặt trong Chương trình kỷ niệm 30 năm Giải Mai Vàng và Lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 30-2024. Chương trình có 3 phần mang ý nghĩa: Tri ân - Gắn kết - Tiếp nối, dưới sự chỉ huy của Tổng đạo diễn - nhà báo Thanh Hiệp, phát triển trên nền tảng ý tưởng kịch bản văn học ban đầu của nhà báo Dương Quang - Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động.
Với thiết kế sân khấu khai thác chiều sâu của Nhà hát Thành phố như dòng chảy văn hóa thấm đẫm ý nghĩa của hành trình 30 năm Giải Mai Vàng đi vào đời sống, bền chặt trong cảm xúc, suy nghĩ của công chúng, bạn đọc và văn nghệ sĩ khi nhắc đến Tết cổ truyền của dân tộc, trang trí do Công ty Thiết kế mỹ thuật Văn Toàn thực hiện đã dàn dựng 2 hàng hoa mai nở rực lộng lẫy chào xuân. Sự hỗ trợ hình ảnh của màn hình Led và Gauze Thái Dủ mang lại một không gian chào đón năm mới Ất Tỵ đầy màu sắc.
Các nghệ sĩ tham gia tổng duyệt chương trình trước Lễ trao giải. Ảnh: BTC |
Lần đầu tiên chương trình quy tụ 3 vũ đoàn: Bông Sen, Bầu trời xanh, Si Si và sự tham gia của 20 diễn viên Sân khấu Lạc Long Quân. Bốn biên đạo múa Huỳnh Đoan Trinh, Hữu Phúc, Y Nhã, Lê Huỳnh Bảo Kiệt đã nỗ lực tập dượt nhằm vẽ bức tranh sinh động vinh danh những nghệ sĩ, ca sĩ đã giữ vững phong độ sau khi đã đoạt Giải Mai Vàng và họ đã tề tựu về Nhà hát Thành phố để hát vang niềm tự hào khi là "nghệ sĩ Mai Vàng".
Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ là những người đã từng đoạt Giải Mai Vàng gồm: NSND Kim Xuân, NSND Phượng Loan, NSND Tấn Giao, Nhóm hát Mắt Ngọc và hai rapper Hoàng Trung Anh, La Trần Đức Thiện. Tất cả đều bày tỏ sự thích thú và niềm vinh dự khi được hát về sự đổi mới của TP HCM với những ca khúc dạt dào cảm xúc.
Cùng với sự xuất hiện của hai ca sĩ được đông đảo công chúng mến mộ là Thanh Lam và Tùng Dương, hy vọng Chương trình sẽ mang đến chương trình một không gian sinh động, hào hứng từ trách nhiệm cộng đồng cùng chung tay tô điểm diện mạo văn hóa - nghệ thuật TP HCM và cả nước thông qua quyết tâm sáng tạo nhiều sản phẩm mới phục vụ công chúng.
Nhằm góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, dịp Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025, Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc và hấp dẫn, đồng thời mở cửa miễn phí phục vụ Nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.
Hình ảnh trưng bày gồm những câu chuyện bình dị, đời thường trong hoạt động sinh kế của người dân vùng di sản. Pano ảnh cũng cung cấp thêm thông tin về các sản phẩm OCOP; mối liên hệ gắn bó giữa di sản và cộng đồng trên nhiều phương diện khác nhau…
Nghi lễ thả cá chép Tết ông Công ông Táo tại di sản Thành nhà Hồ dịp Tết nguyên đán hàng năm góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: TT Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ |
Trong ngày 14/1 (tức 15 tháng Chạp), khuôn viên Thành nhà Hồ sẽ trở thành không gian để trưng bày hoa xuân và cây cảnh với chủ đề Hoa xuân cố đô. Tại đây, du khách được thưởng lãm hoa và những tác phẩm nghệ thuật độc đáo về cây cảnh.
Tiếp đó, vào ngày 19/1 (tức ngày 20 tháng Chạp), tại khu trưng bày văn hoá nông nghiệp Tây Đô, sẽ tái hiện không gian Tết xưa với chủ đề Tết xưa thành cổ nhằm tái hiện một phần không gian Tết cổ truyền với những hương vị ẩm thực rất quen thuộc như bánh trưng, bánh giầy, hoa đào, hoa mai, bánh pháo...
Ngày 21/1 (tức ngày 22 tháng Chạp) tại khuôn viên Cổng Nam di sản Thành nhà Hồ sẽ diễn ra chương trình giáo dục di sản với các nội dung: Tái hiện Lễ thượng nêu Tết xưa, thả cá ông Công trong Hoàng Cung.
Trong ngày 21/1 (tức ngày 22 tháng Chạp), tại cổng Nam thành nhà Hồ sẽ diễn ra lễ tổng kết và trao giải cuộc thi video ảnh mùa hè di sản Thành nhà Hồ với chủ đề Rực rỡ cố đô do Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ phối hợp với Trường THCS Tây Đô tổ chức.
Ngày 31/1 (tức mùng 3 Tết) tại khuôn viên Cổng Nam Di sản Thành nhà Hồ là lễ hội Thư pháp và cho chữ đầu Xuân với chủ đề Tết xưa thành cổ.
Ngày 12/2 (tức ngày 15 tháng giêng) tại đình Đông Môn (thôn Đông Môn, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc), Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức Lễ hội làng Đông Môn và hoạt động văn hoá nghệ thuật vùng di sản Thành nhà Hồ.
Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ sẽ miễn phí vé tham quan cho du khách trong nước và quốc tế. Thời gian mở cửa miễn phí tham quan từ ngày 25/1 –29/1/2025 (tức từ ngày 26 tháng chạp đến ngày mùng 1 Tết Ất Tỵ).
Ngày 7/1, Ban tổ chức (BTC) Lễ hội truyền thống Chùa Ông lần thứ X năm 2025 cho biết, lễ hội sẽ ra diễn từ ngày 5 – 10/2 (nhằm ngày Mùng 8 đến 13 tháng Giêng năm Ất tỵ) tại Di tích quốc gia Chùa Ông (phường Hiệp Hòa), TP. Biên Hòa, Đồng Nai.
Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Ất tỵ 2025, gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước.
Theo đó, Lễ hội truyền thống Chùa Ông lần thứ X năm 2025 có nhiều chương trình đặc sắc như: Nghi lễ thỉnh hàm thư, lễ Nghinh thần trên sông Đồng Nai; nghi lễ cung thỉnh và an vị kim thân, linh vị các bậc Tiền hiền trong công cuộc khai mở, xây dựng và phát triển vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai; hoạt động diễu hành trên đường phồ với nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, chương trình biểu diễn Lân Sư Rồng, triển lãm và giao lưu thư pháp – thư họa, lễ thả khí cầu và hoa đăng, biểu diễn nghệ thuật cải lương tuồng cổ, giao lưu Đờn ca Tài tử Nam Bộ…
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội truyền thống Chùa Ông lần thứ X năm 2025. Ảnh: BTC |
Lễ hội được tổ chức thường niên nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của cộng đồng, từng bước hình thành sản phẩm du lịch văn hóa ở địa phương. Góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc; tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, vui chơi giải trí lành mạnh cho người dân và du khách nhân dịp đầu Xuân.
Lễ hội truyền thống Chùa Ông năm 2024 đã thu hút hơn 50 ngàn lượt công chúng và du khách hành hương, tham quan và vui chơi… trong dịp những ngày đầu của năm mới.