Sáng tác

Tượng thi hào - Truyện ngắn của Slawomir Mrozek

Slawomir Mrozek
Văn học nước ngoài
14:00 | 20/07/2024
Trên nửa thế kỷ nay Slawomir Mrozek (1930-2013) được xem là nhà văn trào phúng số một của Ba Lan. Những tác phẩm châm biếm giầu tính bi hài
aa
Tượng thi hào - Truyện ngắn của Slawomir Mrozek
Slawomir Mrozek (1930-2013)

Tượng thi hào

Chúng tôi được cấp một khoản ngân quỹ để dựng tượng thi hào Adam Mickiewicz. Song vì có nhiều nhu cầu nên chúng tôi đã mượn tạm khoản tiền này để chi cho các việc khác. Thi hào vốn yêu quý dân tộc mình, cho nên chắc ông không phản đối. Tuy nhiên, sắp đến thời hạn khánh thành tượng với sự hiện diện của lãnh đạo cấp cao ở địa phương. Chúng tôi bèn triệu tập một cuộc họp.

- Thưa các quý vị! - Giám đốc khai mào - Tình hình gay. Thi hào đã có nhiều cống hiến, tiền đã được cấp, tượng đài không. Làm sao bây giờ?

Vấn đề cực kỳ nan giải. Bệ tượng thì dễ, chỉ cần một tảng đá to đặt lên vạt cỏ là xong. Nhưng hình người thì lấy đâu? Lại phải làm bằng đồng đỏ, đào đâu ra ngần ấy tiền. Còn phải thuê nghệ sĩ đúc tượng nữa chứ, khoản này cũng ngốn ối bạc.

Trong thị trấn của chúng tôi có một ông về hưu. Chúng tôi bèn đến gặp ông ta và đề nghị:

- Ông sẽ đứng trên bệ đá trong tư thế tượng đài và đóng vai Mickiewicz. Vinh dự cho ông mà lại được trả thù lao. Chỉ có điều, tuyệt nhiên ông không được nhúc nhích, dù chỉ là một milimét, không được nghiêng ngả, ngay cả gãi ngứa cũng không. Ông nghỉ hưu, ối thời gian, công việc nhẹ nhàng, ngoài trời, thoáng đãng, còn khoản thù lao ông sẽ được nhận cũng tốt cho ông.

- Tôi không đứng mà nằm có được không? - ông già nói - Dạo này chân tôi yếu lắm.

- Ông muốn hơi bị nhiều đó. Trường hợp này là may cho ông, vì không phải là tượng Nữ thần chiến thắng. Nếu là Nữ thần chiến thắng thì ông phải đóng vai một phụ nữ, hở ngực, vác thanh kiếm nặng chịch, to đùng.

Lễ khánh thành diễn ra suôn sẻ. Trước mắt những người dự lễ, thi hào hiện hữu như còn sống. Y phục đuôi dài, sách cắp nách, một tay cầm bút lông, tay kia chỉ về phía xa. Đầu đội vòng nguyệt quế.

- Đẹp - đại diện chính quyền khen - Rất thực. Phải cái nét mặt nom có vẻ không thông minh.

Một thời gian sau mọi chuyện đều tốt đẹp. Mỗi ngày tám tiếng ông già đứng trên tảng đá theo đúng yêu cầu, lúc nào đau chân thì lão sang ngồi bên quán rượu đối diện và đợi tín hiệu khi có đoàn tham quan hoặc khách đến xem. Khi đó ông già bò trở lại và đứng trên bệ tượng, có khi đầu lão hơi lắc lư, khách tham quan cứ nghĩ đó là tại gió. Mỗi năm lão được bốn tuần nghỉ phép. Lúc đó chúng tôi treo lên bệ tượng tấm biển đề “Tượng đưa đi tu bổ”.

Nhưng rồi ông già bắt đầu yêu sách.

- Trong hợp đồng không nói gì đến khoản chim bồ câu, còn bây giờ chim bồ câu thường vô lễ đối với tôi. Tôi yêu cầu tăng thù lao.

Lão được chiều theo ý, nhưng ngần ấy với lão vẫn chưa đủ.

- Họ viết cả lên người tôi - lão nói - viết bằng bút chì hoặc bút bi thì không đến nỗi nào. Đằng này hôm qua có một thằng cha dùng đinh sắt nhọn viết lên người tôi: “Tôi đã đến đây. Zbyszek”.

Chúng tôi đành thêm cho lão một ít tiền, nhưng ngay cả như vậy cũng không xong. Yêu sách mỗi ngày một tăng.

- Là Mickiewicz - lão nói - thì tôi phải được đi Paris để nghiền ngẫm nét nhớ cố hương hiện trên gương mặt. Độ hai tuần là đủ.

Sang Paris thì quá lực tài chính của chúng tôi, rút cuộc chúng tôi đã gửi lão đi Matscơva. Lão tha hồ mà nhớn.

Tên lỗ mãng

Nhân viên văn thư vào báo cáo với tôi:

- Ngoài phòng đợi có một người khách đang ngồi, nom lạ lắm. Gã không yêu cầu cho vào gặp giám đốc, cũng không phàn nàn tại sao chúng ta giải quyết công việc chậm chạp thế. Tôi phải làm gì bây giờ đây?

- Gã đợi lâu chưa? - tôi hỏi.

- Ngồi khoảng hai tiếng đồng hồ rồi, chẳng yêu cầu gì hết.

Cứ để cho hắn ngồi thêm một tiếng nữa, rồi hắn sẽ sốt ruột. Sau một giờ nhân viên văn thư lại vào, tay anh chàng run run.

- Chưa bao giờ lại thấy một người như vậy - nhân viên văn thư nói. - Gã ngồi điềm tĩnh, đọc đi đọc lại tờ báo phải đến ba lần, lịch sự đến độ kinh tởm!

Tôi thân chinh đi ra phòng đợi. Đúng là có một người đang ngồi, gã nhìn qua cửa sổ, mỉm cười. Tôi hỏi gã như chưa hề biết gì cả.

- Anh phải đợi hơi lâu nhỉ?

- Không sao - gã đáp một cách thô lỗ.

Tôi bực mình.

- Anh muốn vào gặp giám đốc chắc? Có việc quan trọng phải không?

- Chuyện vặt - gã nói.

Tôi đâm ra khó xử. Tôi chạy vào phòng giám đốc báo cáo. Giám đốc lệnh cho anh ta vào.

Gã chần chừ, nhưng tôi cùng nhân viên văn thư nắm lấy tay gã rồi dắt vào phòng. Giám đốc nói với gã gay gắt:

- Anh không thấy là tôi đang bận hay sao?

- Thì tôi lại đợi tiếp - gã đáp một cách lỗ mãng và định bước ra ngoài.

- Đứng lại! - giám đốc hô - Anh nộp đơn đi.

- Muộn hơn có được không? - hắn đáp một cách vô liêm sỉ.

- Không có muộn miếc gì hết! - giám đốc quát, mặt đỏ phừng phừng - Hoặc là anh nộp đơn ngay, hoặc là tôi giải quyết tuốt tuột cho anh mà không cần đơn từ gì hết!

Lúc này gã nhìn ra cửa sổ và nói:

- Thôi, có lẽ để dịp khác vậy, vì bây giờ trời cũng đã tạnh rồi. Tôi vào đây chỉ để trú mưa. Chào các ông.

Và gã bước ra ngoài. Đúng là một tên lỗ mãng.

Lê Bá Thự dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan.

Báo Văn nghệ

TÌNH HÌNH TIẾP THU LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI HIỆN NAY Sách văn học nước ngoài được độc giả yêu mến trong tháng 8 Dù bị đe dọa truy tố, Arundhati Roy vẫn giành giải PEN Pinter Viết cho Esmé Với tình yêu và tiếng thét
Văn chương trong vại nước. Tản văn của Tô Đồng

Văn chương trong vại nước. Tản văn của Tô Đồng

Tôi vẫn luôn tin rằng, tất cả những sáng tác nghệ thuật vô cùng nghiêm túc của người lớn đều chịu ảnh hưởng bởi lòng hiếu kỳ thuở nhỏ. Còn với những người được gọi là nhà văn, lòng hiếu kỳ của họ đều hóa thành những con chữ hữu dụng hoặc vô dụng, bị đào thải hoặc được lưu lại.
Lễ hội Hoa Lư năm 2025: Tiệm cận những giá trị của Đô thị Di sản thiên niên kỷ

Lễ hội Hoa Lư năm 2025: Tiệm cận những giá trị của Đô thị Di sản thiên niên kỷ

Baovannghe.vn - Lễ hội Hoa Lư Ninh Bình năm 2025 vừa được khai mạc tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, thành phố Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình). Sự kiện thu hút sự quan tâm của hàng trăm nghìn lượt du khách trong và ngoài nước.
Đời sống tâm linh của con người trong truyện Việt Nam sau 1975

Đời sống tâm linh của con người trong truyện Việt Nam sau 1975

Baovannghe.vn - Tâm linh - kích thước con người trong văn học (trung tâm Văn học và Ngôn ngữ học Viện KHXH vùng Nam bộ (trích tham luận).
Mộc - Thơ  Nguyễn Thu Hà Sg

Mộc - Thơ Nguyễn Thu Hà Sg

Baovannghe.vn- Trái tim đâu biết phấn son/ Bàn tay đâu biết mất còn trả vay
Nước mắt khô. Truyện ngắn của Quế Hương

Nước mắt khô. Truyện ngắn của Quế Hương

Baovannghe.vn - Hôm ấy thứ sáu – cô đang chùi cửa kính. Ở quê nhà một năm cô chỉ chùi một lần vào cuối tháng chạp để đón Tết. Bụi. Mặc. Quay cuồng theo cơm áo hơi đâu mà để ý cửa bẩn hay sạch.