![]() |
Deepa Bhasthi (trái) và Banu Mushtaq, hai người phụ nữ thắng Giải thưởng Booker Quốc tế năm 2025 cho tập truyện ngắn Heart Lamp. Ảnh: David Parry/Booker Prize Foundation |
Bộ đôi tác giả Banu Mushtaq và dịch giả Deepa Bhashthi đã làm nên lịch sử: Heart Lamp: Selected Stories (tạm dịch: Đèn tim: Tuyển tập truyện ngắn) trở thành cuốn sách đầu tiên dịch từ tiếng Kannada1 giành Giải thưởng Booker Quốc tế. Đây cũng là lần đầu văn chương của Mushtaq hiện diện trong tiếng Anh, và là bản dịch thứ ba được xuất bản của Bhashthi. Cả hai đã cùng làm việc trong ba năm để cho ra đời bản dịch này.
Bản dịch của Deepa Bhashthi được khen ngợi vì đã truyền tải được ngôn ngữ sinh động của Banu Mushtaq. Max Porter, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, nhận định: “Heart Lamp là điều thực sự mới mẻ đối với độc giả Anh ngữ. Một bản dịch thấu triệt làm xao động ngôn ngữ, tạo ra những kết cấu mới với đa dạng kiểu loại tiếng Anh. Nó thách thức và mở rộng hiểu biết của chúng ta về dịch thuật. Những câu chuyện đẹp đẽ, sinh động, truyền cảm hứng này hiện ra từ tiếng Kannada, xen kẽ với cái phong phú phi thường về mặt xã hội-chính trị của các ngôn ngữ và phương ngữ khác. Cuốn sách viết về cuộc sống, quyền sinh nở, đức tin, đẳng cấp, quyền lực và sự áp bức phụ nữ”.
“Nam nữ trên toàn thế giới đều nên đọc Heart Lamp, những câu chuyện của một tác giả suốt ba thập kỷ đấu tranh bền bỉ cho nữ quyền mà dịch giả đã chuyển ngữ đầy đồng cảm và tinh tế. Cuốn sách chất vấn thời đại của chúng ta, chất vấn thực trạng những tiếng nói bị uất nghẹn. Trong một thế giới chia rẽ, một thế hệ trẻ ngày càng kết nối hơn với những câu chuyện toàn cầu đã được biên soạn khéo léo cho độc giả Anh ngữ thông qua nghệ thuật dịch thuật”, Chủ nhiệm Giải thưởng Booker Quốc tế Fiammetta Rocco chia sẻ.
Bên cạnh biên dịch, Bhasthi còn sáng tác, viết phê bình văn hóa và tiểu luận, từng xuất bản ở nhiều tòa soạn, nhà xuất bản tại Ấn Độ và trên thế giới. Tháng 3 vừa qua Bhasthi ra mắt cuốn sách Champi and the Fig Tree mà cô viết và dịch hướng đến độc giả thiếu nhi.
Văn nghệ trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn Deepa Bhashthi do Sayari Debnath (phóng viên, đồng thời là dịch giả tiếng Bangla/Hindi sang tiếng Anh) thực hiện cho tờ Scroll.in hồi đầu tháng 4 vừa qua, sau khi Heart Lamp lọt vào chung khảo Giải thưởng Booker Quốc tế.
![]() |
- Deepa, trước hết xin chúc mừng chị vì đã lọt vào danh sách rút gọn Giải thưởng Booker Quốc tế 2025. Đây là lần đầu đối với chị và cả văn học Kannada. Nhưng trước Booker đã có giải thưởng PEN Translates2 và Paris Review. Khi thực hiện bản dịch mẫu và gửi đề xuất cuốn sách, chị muốn giới thiệu hình mẫu văn học Kannada nào đến độc giả toàn cầu? Và vì sao chị lại chọn Banu Mushtaq?
- Cảm ơn cô, Sayari. Thật lòng mà nói, lúc bắt tay dịch thử, tôi hầu như chẳng nghĩ đến một độc giả toàn cầu nào cả. Chỉ đến khi công bố danh sách PEN Presents3, tôi mới nhận ra những câu chuyện này có thể gây tiếng vang hơn nhiều so với tưởng tượng ban đầu của mình. Tôi nghĩ cũng cần lưu ý rằng các truyện của Mushtaq thêm phần sắc sảo và cấp thiết khi đặt trong bối cảnh đầy biến động hiện nay. Dẫu vậy chăng nữa, rất ít văn học Kannada được dịch sang tiếng Anh. Tôi đặc biệt quan tâm đến sáng tác của những tác giả Kannada nửa sau thế kỷ 20 - giai đoạn nhiều xáo trộn trong văn hóa và xã hội Kannada - và tôi hy vọng những dự án sắp tới của mình sẽ phản ánh điều đó.
- Quan hệ giữa dịch giả và tác giả bắt đầu từ rất sớm trước khi cuốn sách thành hình. Dịch giả đồng hành cùng tác giả trong quá trình xin tài trợ, nộp bản dịch thử… Chị và Mushtaq đã làm việc cùng nhau trong thời gian bao lâu? Hai người chọn ra 12 truyện trong sách như thế nào?
- Đến nay là gần tròn ba năm kể từ lần đầu tôi và Mushtaq trò chuyện cho đến khi cuốn sách được xuất bản. Tất nhiên, không phải tôi chỉ làm duy nhất cuốn sách này trong quãng đó. Có những giai đoạn tôi gửi giấy tờ hồ sơ và chờ đợi phản hồi mà thôi. Tôi thích dịch theo từng đợt tập trung cao độ, rồi đặt văn bản sang một bên, làm việc khác, sau đó quay lại xem xét bản dịch thô - dự án nào tôi cũng ưa làm từ tốn. Tôi đã đọc tất cả truyện Mushtaq từng xuất bản và lựa chọn theo ý thích riêng, những truyện tôi nghĩ dịch ra sẽ hay, đồng thời đảm bảo chủ đề phải đa dạng. Tất nhiên cũng có qua lại trao đổi với Mushtaq, nhưng chúng tôi thống nhất danh sách khá nhanh chóng.
- Đâu là ấn tượng đầu tiên của chị về truyện của Mushtaq? Chị có dễ dàng hòa nhập với giọng văn của bà ấy không?
- Tôi rất thích nét hài hước trong một số truyện! Tôi đồ nếu không thực sự thích văn bản gốc thì khó lòng mà tận hưởng quá trình dịch thuật, vì dịch giả phải “sống cùng” giọng văn của người khác trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Thực ra không khó để “thâm nhập” vào ngôn ngữ của bà ấy, bởi lẽ thế giới đa ngôn ngữ trong văn chương của bà tương đối quen thuộc với phần đa dân Nam Ấn như tôi - chúng tôi sống mỗi ngày trong những nền văn hóa ngôn ngữ khác nhau.
Nhưng phải mất nhiều thời gian hơn tôi mới dần cảm thấy tự tin về những “trường lực vô hình” (ngôn từ súc tích của dịch giả đoạt giải Booker Quốc tế Daisy Rockwell) hiện diện trong truyện của bà ấy. Tôi đắm mình trong văn hóa của cộng đồng của Mushtaq, từ phim truyền hình Pakistan gây nghiện, những nghệ sĩ yêu thích như Nusrat Fateh Ali Khan, Ali Sethi… đến truyện ngôn tình của Andaleeb Wajid - phần lớn đều lấy bối cảnh các gia đình Hồi giáo.
Tôi còn tham gia một lớp học chữ Urdu hay tuyệt của cô Akshita Nagpal và ôn lại chút tiếng Ả Rập lõm bõm mình từng học. Vì đó là một thế giới rất khác biệt với thế giới của tôi, nên tôi dặn lòng phải thật cẩn trọng, và tôi tin rằng chỉ bằng cách tiếp xúc với những thể thức văn hóa ấy thì tôi mới có thể thấu hiểu sâu sắc các nhân vật của Mushtaq. Tôi còn tự nhủ, quả là cái cớ tuyệt vời để mà nghe nhạc hay và xem TV vui vẻ hàng tháng trời!
- Trước Mushtaq, chị từng dịch Kodagina Gouramma và Kota Shivarama Karanth - hai tác giả quá cố. Lần này, dịch một tác giả đương đại còn sống và vẫn đang sáng tác có phải là một thay đổi lớn đối với chị không? Có áp lực hơn không?
- Mấy năm qua tôi đã vài lần tự hỏi câu này và thử đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau. Kết luận của tôi như sau, chí ít là đến hiện tại: trong các tác giả tôi từng dịch, tôi không thấy nhiều khác biệt giữa tác phẩm của một người còn sống so với của một người đã khuất. Tất nhiên, có thể trực tiếp đặt câu hỏi thì rất hữu ích. Nhưng tôi tin rằng việc đọc thật nhiều tác phẩm khác để thấm nhuần giọng văn của tác giả ngay từ đầu cũng quan trọng không kém. Xét ở khía cạnh này, phương pháp dịch thuật của tôi thiên về trực giác.
- Trong Lời người dịch, chị chia sẻ rằng Mushtaq không viết bằng một thứ tiếng Kannada “danh giá”. Mà giọng văn của bà đầy góc cạnh, gần như châm chích. Chị đã giữ được chất gắt gỏng đó trong bản dịch. Và bà ấy còn thông thạo nhiều ngôn ngữ. Làm sao để cô đọng thế giới đó vào trong tiếng Anh? Tôi hỏi câu này vì chị làm được điều đó mà không hề làm giọng văn tác giả thành ra ngang phè tẻ nhạt: Bản dịch tiếng Anh của chị có những cao trào, trầm bổng, lắng đọng, qua đó cho thấy Mushtaq viết bằng một thứ tiếng Kannada khác. Độc giả lập tức cảm nhận được điều đó, trước cả khi đọc chú thích của chị!
- Cảm ơn cô! Tôi rất biết ơn mọi người đã đọc kỹ. Tôi nghĩ cần nhớ rằng nhiều người Ấn, ít nhất là ở các bang miền Nam - mà phần nào tôi có thể đại diện - đều quen thuộc với rất nhiều ngôn ngữ. Thực tế, nhiều nhà văn nổi tiếng ở Karnataka, nhất là trong thế kỷ 20, viết bằng tiếng Kannada, nhưng sử dụng tiếng Anh trong công việc, mà tiếng mẹ đẻ lại là một ngôn ngữ khác, thêm nữa còn dùng một ngôn ngữ thứ tư trong đời sống thường nhật. Khoan bàn đến tính phức tạp của vấn đề ngôn ngữ ở Ấn Độ hiện nay, đặc biệt là các yếu tố chính trị liên quan, nhưng tôi cho rằng chúng tôi cư ngụ trong không gian song ngữ / đa ngữ như một lẽ hiển nhiên.
Bản thân tôi thông thạo sáu ngôn ngữ, và hiểu kha khá hai ngôn ngữ khác - trong số đó ít nhất vài ngôn ngữ thường xuyên len lỏi vào lời nói hằng ngày. Đó có thể là tham chiếu văn hóa, thành ngữ, những từ riêng lẻ, v.v. Nói vậy để thấy rằng, đúng là tiếng Kannada của Mushtaq khác lạ, song với tôi lại rất quen thuộc. Vì thế, việc dung hòa các nền văn hóa ngôn ngữ rồi cô đọng trong tiếng Anh không phải một thử thách bất khả, mà giống bài toán cân bằng phương trình: giữ lại bao nhiêu cao trào, trầm bổng và từ bỏ bao nhiêu cá tính ngôn ngữ.
- Bình cuốn sách này, tôi từng viết rằng có “những va vấp nhỏ” phát xuất từ việc “dịch sát nghĩa”. Nhưng ngẫm lại, tôi cảm nhận những va vấp đó có thể là chủ ý. Như thể chị muốn người đọc khựng lại khi bắt gặp những cụm từ lạ tai trong tiếng Anh, những từ được dịch sát. Như thể chị muốn nói: “Đây là tiếng Anh của tôi, tôi sẽ dùng nó theo cách tôi muốn”. Cảm giác của tôi có đúng không?
- Chính xác. Mỗi đoạn dịch sát nghĩa, mỗi từ hay ngữ Kannada/Ả Rập/Urdu mà tôi giữ lại đều là lựa chọn có chủ đích. Tôi từng viết rằng dịch thuật, đặc biệt ở những nước từng là thuộc địa như Ấn Độ - nơi chúng ta tiếp nhận tiếng Anh kèm theo một gánh nặng phức tạp, thì không nên hướng đến chuyện viết tiếng Anh “chuẩn”. Khi dịch, mục tiêu là giới thiệu đến người đọc những ngôn từ mới, cụ thể ở đây là từ ngữ tiếng Kannada, hoặc những ý tưởng ngân nga âm hưởng một ngôn ngữ khác. Tôi gọi đó là “dịch thuật sót lại phương ngữ”, để nhắc độc giả nhớ rằng họ đang đọc tác phẩm thuộc về một nền văn hóa khác - mà không tô vẽ lạ hóa nó. Vì vậy, tiếng Anh trong Heart Lamp “ngân nga” theo một kiểu Kannada đầy chủ ý.
- Một cách diễn đạt tuyệt vời. Ở đây còn xuất hiện nan đề khác: liệu một dịch giả theo Ấn độ giáo thuộc đẳng cấp cao có thể chuyển tải thỏa đáng tác phẩm của một tác giả Hồi giáo hay không? Tôi có hai câu hỏi: a) Danh tính cá nhân ảnh hưởng thế nào đến vai trò dịch giả? b) Ý thức về chuyện đó có gây trở ngại cho công việc không?
- Một dịch giả Hồi giáo có lẽ sẽ dịch truyện của Mushtaq tốt hơn tôi. Nhưng ngay khi viết câu trả lời này, tôi cũng đắn đo - biết đâu chính con mắt người ngoài cuộc sẽ nhìn ra được sắc thái mà người trong cuộc bỏ sót vì đã quá đỗi gần gụi. Lý tưởng mà nói thì bản sắc tôn giáo và đẳng cấp không nên ảnh hưởng đến công việc dịch thuật. Nhưng trong thời đại mà chính trị danh tính bị lợi dụng hòng phục vụ nhiều mục đích, có lẽ chúng ta cần ý thức về bản sắc cá nhân và cẩn trọng hơn trong công việc. Điều đó có gây trở ngại không? Theo tôi là không. Tuy có những thứ tôi chẳng thể hiểu hết vì không sống trong thế giới của Mushtaq, nhưng sau rốt tôi vẫn tin rằng dịch giả nên để văn bản dẫn đường, để ngôn ngữ chỉ lối - và bảo tiếng nói khác lô nhô đằng sau… hãy biết thân biết phận mà im lặng.
- Mushtaq là nữ tác giả thứ hai chị dịch. Sự khác biệt giữa việc dịch tác giả nam và nữ là gì?
- Chính là sự đồng cảm tức thì! Hẳn nhiên trải nghiệm cá nhân của mỗi người là khác nhau, nhưng có rất nhiều trải nghiệm của nữ giới mà tất cả chúng tôi, những ai nhận mình là phụ nữ, đều tìm thấy điểm chung. Chúng tôi tranh đấu cùng những cuộc đấu tranh, trải nghiệm cùng kiểu tình chị em, chật vật xoay xở, thường xuyên phải viện vào sự hài hước và sức chống chịu truyền đời để sống sao cho trọn vẹn nhất. Điều đó lý giải vì sao văn chương nữ giới dễ thấm. Dẫu Gouramma và Mushtaq xuất thân từ những thế giới khác biệt là vậy, song truyện của họ vẫn tức khắc mang đến cho tôi cảm giác thân quen - như thể đó là chuyện của một người dì, một người bạn, một người quen sơ hay ai đó ta từng nghe kể đến.
- Giờ đây khi Heart Lamp đã phát hành ở Ấn Độ, có lẽ chúng ta cần chuẩn bị tâm thế: Mushtaq có thể gây tranh cãi trong giới nói tiếng Anh, tương tự trong văn đàn Kannada. Ở vai trò một người góp sức ngang hàng với tác giả, chị có thấy lo lắng? Đổi lại, chị hy vọng tập truyện này sẽ khơi gợi những đối thoại như thế nào?
- Tôi không quá lo lắng về tranh cãi, nhưng tôi đang chuẩn bị tinh thần đón nhận bình luận từ cộng đồng. Thực tế đã có vài lời lẽ “phản pháo” trên mạng xã hội đúng như dự đoán. Dù vậy, tôi hy vọng trên hết những câu chuyện này sẽ nhắc nhở người đọc rằng suy cho cùng, mặc cho cái khung giai cấp, tôn giáo hay chính trị bản sắc vững như bàn thạch nào mà ngày nay chúng ta thường bị phân định vào, quả đúng là ta có khác nhau đấy, nhưng xét phần đa thì ta vẫn “na ná” nhau mà thôi.
BÁCH ANH (dịch)
-------------------------
1. Kannada là một trong 22 ngôn ngữ chính thức của Ấn Độ, chủ yếu được sử dụng tại bang Karnataka, miền Nam nước này. Khoảng 45-50 triệu người sử dụng tiếng Kannada như tiếng mẹ đẻ, và với hàng triệu người khác thì đây là ngôn ngữ thứ hai. Tiếng Kannada có nhiều phương ngữ khác nhau, phân bổ từ nông thôn đến thành thị. Do đó sự phân định giữa “tiếng Kannada phổ thông” (thường dùng trong văn chương, giáo dục) và các phương ngữ địa phương là một chủ đề quan trọng trong dịch thuật và văn hóa. Tiếng Kannada có lịch sử văn học kéo dài hơn 1.500 năm, là một trong những ngôn ngữ có truyền thống văn học lâu đời nhất ở Ấn Độ. Những văn bản tiếng Kannada cổ nhất được ghi nhận từ thế kỷ V-VI sau Công nguyên. Ngôn ngữ Kannada sở hữu kho tàng văn chương đồ sộ, từ thơ Jain cổ đại, văn xuôi Phật giáo, văn học Bhakti thời trung đại, cho đến các tác phẩm hiện đại về xã hội và nữ quyền. Một số nhà văn Kannada nổi bật đã đoạt giải thưởng Jnanpith, giải thưởng văn học cao quý nhất Ấn Độ.
2. Giải thưởng của English PEN - tổ chức văn học trụ sở tại Vương quốc Anh, thuộc mạng lưới PEN International (Hiệp hội Văn bút Quốc tế - tổ chức văn học toàn cầu với hơn 100 trung tâm trên khắp thế giới. English PEN thành lập vào năm 1921 và là một trong những trung tâm PEN đầu tiên.
3. Chương trình lựa chọn và giới thiệu những bản dịch mẫu (sample translations) xuất sắc, giúp các dịch giả và tác phẩm chưa được xuất bản tìm cơ hội tiếp cận với các nhà xuất bản Anh.