Ngày thứ bảy dần tan vào cơn mưa chiều. Ngoài phố, lưa thưa bóng người lao nhanh trong mưa. Quán cà phê ngay ngã tư vốn ít khách càng thêm vắng vẻ. Chỉ còn đôi nam nữ ngồi trên gác với chiếc bàn nhỏ hướng mặt ra đường. Cà phê, nước ổi ép đã cạn. Bình trà bên cạnh cũng nguội tanh. Mưa vẫn không ngớt. Anh ngồi chăm chăm nhìn nàng. Nàng thả hồn đăm chiêu vào những làn nước rơi nghiêng. Họ cứ lặng lẽ bên nhau như thế. Chợt nàng húng hắng ho, đôi vai khẽ rung lên trong làn tóc xoã. Anh vội kéo ghế xích lại gần, choàng tay qua vai nàng. Cử chỉ ấy của anh khiến nàng trở nên nhỏ bé, yếu mềm hơn nhưng cũng thật ấm áp trong hoàng hôn tĩnh mịch. Mưa vừa kịp tạnh, những con phố đã sáng rực điện đèn. Anh nắm lấy tay nàng vừa như kéo dậy:
Minh hoạ Công Quốc Hà |
- Mình về thôi em!
Ngoài đường còn hơi lạnh, anh cho xe chạy chầm chậm. Nửa tiếng sau họ đến nơi. Anh muốn vào nhà với nàng một lát, khi căn phòng đủ ấm sẽ ra về. Vừa chạm đầu con hẻm, nàng đã nằng nặc đòi xuống. Ngày mai anh phải lên công trường rồi, cần về sớm để nghỉ ngơi. Nàng bước xuống, xoè tay ra vẫy chào và vội vàng quay gót, để mặc anh đứng nhìn theo với bao tiếc nuối.
*
Ngôi nhà nàng ở khá thoáng đãng, giá cả phải chăng, tiện cả sinh hoạt, soạn bài và may vá. Chọn mua nhà ở vùng ven thành phố, cách xa trường học nhưng nàng thấy rất phù hợp. Nàng cần một nơi bình yên, thoải mái như thế này. Cuộc sống bon chen đông đúc xô bồ mệt mỏi biết mấy. Thời còn sinh viên, nàng từng làm gia sư cho nhiều gia đình có điều kiện. Họ quý nàng ở cả năng lực, nhiệt tình và trách nhiệm. Vì thế, khoản tiền nàng nhận về cũng kha khá, đủ để chi tiêu cho một sinh viên chuyên ngành sư phạm Văn được miễn học phí. Chính thức đi dạy rồi, xu hướng “thương mại hóa chữ nghĩa” khiến nàng không còn hứng thú dạy thêm nữa. Nghề giáo cao cả là thế mà bây giờ bạc bẽo sao đâu. Có đồng tiền, người ta muốn hành xử sao cũng được ư. Cứ bỏ tiền ra là con họ có thể thành thiên tài được ư. Nàng từng bị thưa bẩm vì một đứa học trò có chỉ số IQ thấp. Cha mẹ cho học thêm khắp nơi nhưng đứa ấy vẫn bị thi lại. Họ trình báo cách sao mà hiệu trưởng gọi nàng lên phê bình mình thiếu quan tâm, thiếu trách nhiệm.
Nghĩ cũng lạ, may vá tuy là nghề tay trái nhưng đem lại cho nàng nguồn vui thú hơn cả. Thuở bé, nàng vốn ham vẽ. Từ con búp bê mặc váy xoè hồng đến chú cún con có bộ lông xù nằm dưới giàn mướp chi chít hoa vàng; từ chú công nhân mặc bộ đồng phục xanh đến vị bác sĩ khoác blouse trắng. Những bức tranh nguệch ngoạc, lấm lem nhưng khiến cha nuôi rất thích. Ông sắm cho nàng đủ thứ bút sáp, bút lông và mực vẽ. Nhưng càng vẽ, trong bộ nhớ của đứa trẻ lên bốn tuổi luôn hiện hữu bóng dáng người mẹ ruột của mình. Nàng thường lẻn vào buồng để vẽ chân dung mẹ. Và khóc mãi. Các nét vẽ không thể lột tả hết nét thật trên khuôn mặt nhưng trong mắt nàng, mẹ hiện lên rất đôn hậu, hiền từ. Đôi môi trái tim luôn mỉm cười duyên dáng. Cảm hứng hội họa trong nàng bỗng bị tắt ngấm bởi mẹ nuôi. Bà phát hiện nàng ngồi khóc tu tu bên xấp tranh đang bày ra trước mặt. Thấy bà, nàng vội giấu tranh dưới đáy tủ. Bà lôi chúng ra, mắt trợn trừng, giọng gằn nộ: “Cô ta chết rồi, chết từ lâu rồi, con biết không?” Liền đó, bà đổi giọng ngọt dịu, âu yếm: “Cha mẹ yêu con, thương con như thế chưa đủ hay sao?” Mắt nàng nhoè nhoẹt vì khói, vì những nét vẽ cháy dần cháy dần cùng những đốm lửa lập loè xanh đỏ. Kể từ đấy, nàng bị giám sát chặt chẽ hơn. Nhất cử nhất động, nàng đi đâu, làm gì, mẹ nuôi cũng sợ tuột khỏi tầm mắt của bà. Bà quyết không cho nàng được nhắc tới mẹ nào khác ngoài mình ra. Dần dà, nàng như quên mất những ý tưởng về mẹ. Bảy năm sau, cặp vợ chồng hiếm muộn ấy mới sinh được con. Mải mê vui mừng chào đón sự ra đời của đứa con cầu tự, người ta không còn nhiều thời gian để ý tới con nuôi. Nàng cũng phải canh chừng em và luôn khát thèm những bộ quần áo sặc sỡ, đắt tiền mà nó mặc trên người. Lần nào nước mắt cũng ướt nhòe. Nàng hiểu rằng chẳng bao giờ còn cơ hội được mẹ nuôi dắt đi mua sắm những món đồ xa xỉ như thế.
Gần 0 giờ rồi, nàng vẫn ngồi tỉ mẩn đơm hàng cúc lên chiếc áo sơ mi để kịp giao cho khách vào sáng mai. Mân mê chiếc áo vừa may xong, nàng chợt mỉm cười khi nhớ về ngày cũ. Ước mơ được mặc những bộ quần áo đẹp từ thời thơ dại đã giúp nàng nghiện may vá hơn cả nghề dạy học.
*
Mùa hè trôi qua thật nhanh. Đồng nghiệp lên kế hoạch du lịch, picnic khắp nơi. Riêng nàng vẫn miệt mài với những thiết kế mới. Set công sở và áo dài cách tân là hai mẫu đang được ưa chuộng nhất. Nhờ sự kết nối lan tỏa trên mạng xã hội, tay nghề của nàng được quảng bá ngày càng rộng rãi. Khách hàng quen có, lạ có, cả những cô gái sang chảnh ở trung tâm thành phố cũng tìm tới nàng. Mỗi ngày, nàng phải tiếp chuyện đến năm, bảy người. Rồi đo, rồi cắt, rồi may. Nhiều hôm vội chỉ kịp pha mì tôm hoặc ăn vài trái chuối cho qua bữa. Nhìn nàng xanh gầy qua cuộc chat video, anh phát hoảng. Làm gì cũng phải nghĩ đến sức khoẻ. Nghỉ hè, nàng cần nghỉ ngơi, đi chơi đâu đó hoặc nên về thăm cha mẹ. Có ghét, có giận gì chăng nữa họ cũng là ân nhân cưu mang nàng mười mấy năm trời. Nghe những lời nói như khuyên, nàng nhẹ cười. Yêu nhiều năm rồi nhưng đâu hiểu hết được nhau. Một kẻ vất vơ như nàng làm gì có quyền căm ghét, thù hận ai. Nhưng tại sao không thể hào hứng mà chạy về với họ. Từ lúc cô em ra đời, nàng như bị đẩy ra khỏi thế giới tình cảm mà trước đó họ dành cho nàng với bao yêu thương, chở che. Khác máu tanh lòng, nhiều bữa cơm không ai gọi tên; rửa bát, giặt giũ, lau nhà liền tay vẫn phải nghe tiếng cằn nhằn, cau có từ tầng trên vọng xuống. Mâu thuẫn càng rõ hơn khi lần đầu nàng “tới tháng”. Phải ngủ trong kho xép cùng vài món đồ linh tinh, cũ kĩ, nàng bị bỏ mặc trong cơn đau bụng thấu trời. Đứa em cũng nhìn chị như một kẻ mắc bệnh truyền nhiễm, đừng hòng đụng vào những gì của nó. Cha nuôi có vẻ nhân từ hơn, thi thoảng ông dúi vào tay nàng năm chục, vài trăm để mua sắm các vật dụng cần thiết. Ước nguyện lớn nhất của ông là nàng thi đậu đại học. Nhưng việc làm ấy không thể lọt qua đôi mắt cú vọ của người vợ ích kỉ, tàn nhẫn. Không ruột rà máu mủ, đàn ông mà cứ sán lại gần con gái mới lớn thì tránh đâu chuyện tòm tem... Ngôi nhà đầy ắp tiếng cười trước đây như biến thành tù ngục, nàng vẫn nín lặng cam chịu, tối ngày miệt mài sách vở để thực hiện ước nguyện của cha nuôi. Cho đến lúc đủ can đảm bước chân ra khỏi ngôi nhà ấy, nàng may mắn gặp được anh.
*
Chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc kì nghỉ hè. Nhiều cuộc họp chuẩn bị năm học mới sẽ xuất hiện trong lịch công tác. Anh thu xếp nghỉ một tuần về đưa nàng đi nghỉ dưỡng. Nàng chần chừ mãi. Người ta đem vải đến may nhiều quá, chất đầy trong tủ vẫn không chứa hết. Phải tranh thủ may cho kịp để các cô, các chị diện vào dịp lễ 2/9 và khai giảng. Nàng càng do dự anh càng ra sức nài nỉ. Cuối cùng họ chọn du lịch biển. Biển! Nàng từng ao ước được trở về với những chiều thanh mát, những đêm vằng vặc trăng sao. Đó cũng là nơi cuối cùng nàng được ở bên mẹ. Lần này đi cùng anh, biết đâu nàng sẽ gặp lại bà. Thế thì còn sung sướng nào bằng.
Họ đặt phòng trong một khách sạn sát bờ biển. Buổi tối, anh đón taxi đưa nàng đến một quán ăn rất đông khách. Nàng bật cười vì cái tên nghe rất ngộ “CƠM BÚN HẾN”. Một người phụ nữ trung niên ăn vận kín đáo chạy ra đon đả:
- Mời chú và o ngồi!
Nghe lời chào có thể đoán ngay chủ quán đích thị người gốc Huế. Cách nhau một dải đèo cao dài, người Huế vào đây làm ăn sinh sống khá đông. Họ nói chuyện với khách toàn “mô, tê, răng, rứa” cả. Cách phát âm cũng thật lạ. Các tiếng có thanh sắc, hỏi, ngã đều chùng xuống như dấu nặng nhưng lại nghe ấm tai, giống như ví dụ nàng từng đưa vào các bài dạy tiếng Việt cho học sinh. Nhưng có thực nghe mới thấy giọng Huế mang nét rất riêng, rất khác biệt. Họ xa quê bao nhiêu năm mà tiếng nói vẫn không lẫn vào đâu được. Cũng thật khó để nàng bắt chước theo.
Vừa lắng tai nghe cô chủ nói chuyện nàng vừa ngước nhìn vào cái bảng menu to tướng trước mặt. Thực đơn quả là phong phú, nào là bún hến, cơm hến, hến xào, có cả bánh lọc, bánh nậm, nem chua… Anh bảo nhỏ, chỉ người Huế mới nấu được những món ăn dân dã nhưng rất cầu kì, hấp dẫn. Anh chọn món bún hến trộn dọc mùng, nàng ăn hến xào. Thức ăn nhanh chóng được bưng ra. Nàng hít lấy một hơi sâu. Thơm quá! Nhưng có vẻ cay. Ớt nhiều thế mà. Tinh nghịch gắp những miếng ớt đỏ chót trong đĩa hến sang tô bún mà anh đang trộn đều, nàng liền tay cầm bánh tráng xúc hến và nhai rùm rụm. Càng ăn càng thấy ngon miệng. Vị ngọt dai của hến hòa cùng với độ giòn thơm của tóp mỡ, đậu phộng rang, thêm cả mùi thơm của hành phi và cái cay nồng của hành tây xắt mịn.
- Sau này có dịp mình ra Huế chơi đi anh!
Anh cười đắc ý. Ánh mắt nhìn nàng vừa trìu mến lẫn thương cảm. Ngày này tháng nọ, nàng chỉ biết mải miết vùi đầu vào công việc, có chịu thưởng cho mình những chuyến đi, những món đặc sản lạ miệng như thế này bao giờ. Anh từng khuyên nàng nên rủ bạn bè rong chơi đây đó. Nhưng ngoài anh và một số khách hàng thân tín, nàng luôn cô độc. Ngay cả đồng nghiệp nữ với nhau, quý nàng thì ít, đố kị ganh ghét nàng thì nhiều. Họ thường chụm đầu vào nhau để xoi mói, chọt chỉa nàng với những câu từ đầy ác ý: “Ồ cái ngữ chân ngoài dài hơn chân trong” - cách mỉa mai một người chỉ chú tâm vào việc phụ mà lơ đãng nghề chính. Vì thế mới có những chuyện bé xé to ở cơ quan mà nàng phải thường xuyên đối mặt. Họ dạy thêm kín ngày kín buổi thì nàng cũng cày ngày cày đêm để may vá được. Miễn sao thật đông khách và có tiền. Những đồng tiền làm ra từ mồ hôi nước mắt, không cướp giật của ai sao phải ngại, phải sợ! Trả xong nợ mua nhà, nàng sẽ lên những dự tính khác cho tương lai.
Hai người trở về khách sạn vừa lúc trăng lên. Bức vách của các tòa nhà trên cung đường chính hắt lên màu sáng dịu hiền hòa. Gió rì rào trên rặng phi lao phía sau lưng. Những đợt sóng ì oạp lấp loáng trăng vàng. Họ khoác tay nhau thong thả bách bộ ra bờ biển. Đôi chân trần bước trên cát mịn, nàng nghiêng người vào anh, thỏ thẻ:
- Anh biết mơ ước lớn nhất của em là gì không?
- Biết rồi. Biết rồi. Anh sẽ đưa em ra Huế chơi.
Nàng cười khanh khách. Tiếng cười giòn tan hòa vào hơi biển mặn. Đi hết vùng biển sáng, nàng leo lên lưng anh nhẹ như một bó hoa, giọng nũng nịu đòi cõng về tận khách sạn.
Mãi đến khuya, nàng vẫn không ngủ được. Gió ngoài khơi đang vi vút lùa vào. Hơi sương bám dày trên các tấm cửa kính. Gối đầu lên tay anh, nàng nghe rõ hơi thở đều đều đang phà nhẹ lên má mình. Hai đứa rong chơi từ sáng đến tối, người mỏi nhừ ra rồi. Nàng khát thèm được say giấc như người yêu. Nhưng những cơn ho lần lượt kéo đến, nàng ngồi bật dậy và đi như lao vào phòng tắm, cố chặn chúng lại vì sợ anh thức giấc. Bàn tay đã chắn kín miệng rồi mà tiếng ho cứ phát ra sù sụ. Mặt nàng đỏ gay, tóc tai lòa xòa. Cơ thể phản ứng vì ăn phải món lạ miệng chăng? Hay vì đêm lạnh?
Dứt cơn ho, ngực nàng căng tức như có tảng đá to tướng chèn lên. Không thể nào nằm xuống được, nàng đứng ngắm anh một lúc rồi lững thững tiến ra ban công. Trăng đã nghiêng hẳn về phía tây, những bức vách của tòa nhà nhập nhòa tối. Phía xa chỉ còn loang loáng ánh đèn của đoàn thuyền đang đánh cá ngoài khơi. Nàng ngửa mặt lên không trung tìm kiếm. Những ngôi sao bé xíu ẩn hiện sau đám mây mờ. Bỗng thấy nhớ mẹ quá. Mẹ đang ở đâu? Dẫu bà là một kẻ hành khất náu mình trong xó xỉnh nào đó, một người đi bán vé số dạo hoặc lượm rác thuê... nàng vẫn yêu mẹ vô bờ bến. Mẹ sẽ được nàng bù đắp tất cả những gì bà từng thua thiệt. Nhưng mẹ đang ở đâu? Là vì sao xa xăm kia hay linh hồn đã hóa thạch dưới đáy biển sâu? Nàng nhớ rất rõ. Năm mười lăm tuổi, nàng chỉ muốn bỏ học vì sự ngược đãi của mẹ và đứa em không cùng huyết thống, cha nuôi thì một mực khuyên lơn và hứa hẹn. “Chỉ cần con chăm học, ba sẽ dẫn đi tìm mẹ!” Hai cha con ngồi trên xe khách hơn một ngày ròng. Nơi họ tìm đến là một làng chài cũ nghèo, xa sâu. Con đường dẫn xuống biển vừa nhỏ hẹp vừa hoang vu. Những đám xương rồng um tùm nằm chen trong những ngôi mộ gió phủ đầy rong rêu, cát bụi. Nàng ngây người ra để nghe người ta kể về một vụ mất tích. Vào tết Đoan ngọ năm kia, dân làng thường kéo ra biển tắm rất đông. Ai cũng mong gột sạch rủi ro, đen đủi và gặp nhiều điều may mắn. Theo lời đồn thổi linh thiêng của dân làng, một nhóm người trên vùng đồng bằng hào hứng rủ nhau xuống biển tắm. Nhưng thánh thần ở đâu ra. Mọi điều tốt đẹp liền đóng sập từ một đợt sóng lớn. Nàng buông tay mẹ ra. Và thôi. Câu chuyện nghe như một giai thoại mơ hồ, không đủ sức thuyết phục một đứa sinh viên học giỏi như nàng. Đi dạy được vài năm, nàng quyết định quay lại chốn ấy một lần nữa cho rõ ngọn ngành. Nhưng tất cả làng xóm, bãi bờ, mộ gió… chỉ còn là những dấu tích nhạt nhòa không còn nằm trong bản đồ khu đô thị mới.
Vọng trong tiếng gió đêm rì roạt, lời mẹ nuôi năm xưa lại xoáy vào tâm can nàng nhói buốt. “Cô ta chết rồi. Chết từ lâu rồi! Con biết không?” Những đốm sao li ti cũng khuất dần trong đám mây khuya khoắt, nước mắt nàng chảy ròng ròng rồi tan vào miệng mặn chát.
*
Nàng đi dạy được hai tháng thì phải nhập viện. Đang giảng bài mà bỏ lớp chạy xuống khu vệ sinh cả mười lăm, hai mươi phút mà ho mà khạc thì làm sao đảm bảo giờ giấc. Nói được vài câu, đờm đã dâng lên và chặn ngang cổ khàn đặc. Mấy đợt trước, thuốc dùng đủ liều là ngưng ho. Bệnh tưởng đã hết hẳn sau khi uống hết số thuốc liều cao mà bác sĩ tư đã cấp, cả mấy chai Cao Thiên Môn và một số thuốc gia truyền khác. Ấy thế mà, bệnh tình không hề thuyên giảm. Cũng tại nàng đấy thôi. Biết nàng ho nhiều, cha nuôi nhất nhất bắt nàng vào Sài Gòn khám bệnh. Thiếu đủ bao nhiêu ông sẽ đưa thêm. Nàng nguýt một hơi thật dài. Bệnh chẳng qua là do thời tiết trở trời, ông ấy làm to chuyện lên chỉ khiến “mẹ con bà kia” dòm ngó nhiếc móc, càng thêm tủi cực. Không ngờ, lần duy nhất nàng làm trái lời đã khiến cha nuôi giận ra mặt. Nàng dẫn anh về thưa chuyện cưới hỏi, ông không những tỏ ra lạnh nhạt mà còn bàn ra nói vào với anh hòng chia cách, cấm cản. Thật là vô lí. Chẳng lẽ ông ghen! “Không ruột rà máu mủ, đàn ông mà cứ sán lại gần con gái mới lớn thì tránh đâu chuyện tòm tem!” Lời phán xét mang tính áp đặt của mẹ nuôi là đúng thật sao. Đã bao giờ ông tỏ thái độ suồng sã hoặc đụng chạm gì đến cơ thể nàng đâu. Lí do gì mà ông cấm cản. Nàng và “mẹ con bà ấy” đã từ mặt, ông cũng không còn quan tâm tới nàng như trước, sẽ hẫng hụt lắm đấy. Nhưng thôi, họ đã quay lưng giũ bỏ, nàng có quyền gì để níu kéo. Ơn nghĩa cưu mang bao năm nàng nguyện trả về sau.
Chuyện buồn bực ấy cần gác lại, nàng bận rộn quá. Đi khắp các shop trong thành phố mới mua được xấp vải satin ưng ý. Nàng sẽ thiết kế và tự tay may váy cưới cho mình. Một thách thức lớn đây. Đã may váy cưới cho ai bao giờ! Làm thế nào để có chiếc váy ba tầng phủ ren hoa vừa bồng bềnh, mềm mại vừa hiện đại, quyến rũ. Đó sẽ là kỉ vật thiêng liêng trong ngày vui lớn nhất. Và cả cuộc đời này. Nghĩ vậy, nàng càng quyết tâm hơn. Ho sốt hành hạ đến run người. Kim đâm vào tay đau nhói. Bắp chân cứ đơ cứng ra, vừa may vừa phải nâng giữ lớp vải nặng dày. Mười ngày ròng rã, nàng cũng may xong. Ướm thử thành phẩm lên người và ngắm nhìn trong gương, nàng giật mình vì chiếc váy quá rộng.
Bây giờ nằm đây, váy chưa kịp sửa, kết quả chẩn đoán ra sao cũng chẳng thấy một ai báo cho nàng biết. Mỗi ngày, nàng dùng rất nhiều thuốc và phải uống yến chưng thay cơm. Cổ họng khô chát không thể nuốt như người bình thường được.
*
Dưới ánh sáng xanh nhạt của bóng đèn led trong phòng bệnh, nàng nằm lọt thỏm trên tấm ga trắng muốt. Thân hình gầy rộc, môi má nhợt nhạt. Ngực còn âm ấm nhưng đã hết đau rát. Chẳng còn cơn ho nào có thể giày vò thể xác nàng nữa. Bên cạnh giường bệnh là hai người đàn ông, một già, một trẻ đang ngồi với vẻ mặt thất thần. Đúng lúc ấy, vị bác sĩ mặc bộ blouse dài và đeo đôi kính cận dày cộm tiến lại gần. Ông kiểm tra một lần nữa rồi từ từ kéo tấm khăn trắng phủ lên người nàng. Nhìn hai con người khốn khổ, ông nhẹ lắc đầu, giọng chậm rãi đầy tiếc nuối:
- Xót quá! Cô ấy bị K phổi nặng thế mà phút chót các anh mới đưa tới đây. Chúng tôi không thể trở tay kịp. Thật tội nghiệp.
… Chiều thứ bảy chìm dần trong những làn mưa lất phất bay. Hơi lạnh tràn vào từng ngõ ngách. Người đến dự tang lễ mỗi lúc một đông. Cơ quan đồng nghiệp, khách hàng và cả cha mẹ, bà con phía anh cũng có mặt. Họ xếp thành hàng dài, lần lượt đi vòng quanh linh cữu. Trong chiếc áo cưới satin trắng hồng, nàng nằm bình yên như đang ngủ - một giấc ngủ sâu dài vĩnh viễn. Tiếng khóc của một người, vài người rồi cả đám đông cùng cất lên rền rĩ. Ai cũng tiếc thương cho một kiếp người bạc phận. Mặc bộ comple đen cài hoa cưới trên ngực, anh ngồi như bất động túc trực linh cữu. Kỉ niệm đẹp nhất cho mối tình sáu năm chính là chuyến ra Huế đấy sao. Một album ảnh đẹp cực kì. Những địa danh từng xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện thông tin nhưng khi xem album ấy, ai cũng trầm trồ và mong muốn được ra Huế một lần. Xinh nhất là tấm ảnh nàng mặc bộ áo dài tím thướt tha, nghiêng nghiêng che nón bên cầu Tràng Tiền. Góc chụp ngay chỗ cây phượng vĩ gần trăm tuổi mà hoa vẫn rực cháy một góc sông. Tấm khác là cảnh nàng ngồi tình tứ bên anh. Cả hai cùng cười viên mãn giữa bãi cỏ xanh mướt bên dòng Hương thơ mộng. Cổ kính, trầm mặc hơn là ảnh chụp trong Đại Nội, chùa Thiên Mụ... Hạnh phúc ngọt ngào nhưng quá đỗi ngắn ngủi thế ư. Còn gì đau đớn hơn khi hôn lễ được tổ chức đúng vào ngày họ mãi mãi mất nhau trong đời.
Mấy người bạn thân vội lau nước mắt để gom đồ đạc của nàng vào những chiếc bao tải đem lên mộ đốt. Họ sững sờ phát hiện ra dưới gối ngủ có một bức tranh được đóng khung rất kĩ lưỡng. Chắc chắn nàng đã ngắm rất nhiều trước khi đi ngủ. Trong tranh không phải búp bê mặc váy xòe hồng, cô công chúa mắt tròn xoe hay chú cún con có bộ lông xù nằm dưới giàn mướp chi chít hoa vàng… Đó là chân dung của một người phụ nữ, tuổi chừng ba mươi. Trước nền tranh xanh biển biếc gợn vài lớp sóng lăn tăn, khuôn mặt bà hiện ra thật phúc hậu. Đuôi mắt nheo nheo chứa đầy nỗi niềm u ẩn. Riêng đôi môi trái tim giống hệt môi nàng. Bà đang mỉm cười nhìn đám đông.
Người đó là ai? Nàng đã vẽ tự bao giờ? “Trời ơi!” Mọi ánh nhìn đổ dồn về phía người đàn ông mặc tang phục vừa thốt lên câu than đau đớn. Đứng trước quan tài, mắt ông đục mờ với giọt nước mắt chực rơi xuống. Thục Oanh! Người đàn bà trong bức tranh kia và ông từng có một tình yêu tuyệt đẹp. Trước khi ông lên thành phố làm việc và cưới người khác, họ đã có với nhau một đứa con gái. Thật trớ trêu, niềm tuyệt vọng bị người tình bỏ rơi và căn bệnh ung thư phổi quái ác đã khiến bà tìm đến cái chết oan uổng vào giữa tết Đoan ngọ năm ấy. Còn ông, một lão già vô dụng hèn nhát đã phải sắm vai người cha nuôi thật khéo để đón con về ở cùng. Địa vị có, tiền tài có nhưng đã bao giờ ông đem lại cho nàng tình yêu thương của người cha đúng nghĩa. Vì sao ông thuê người làng chài kể vụ mất tích của người nào đó để dối gạt nàng. Vì sao ông đốc thúc nàng đi khám bệnh và nhẫn tâm cấm cản nàng không được cưới anh. Những bí mật đằng sau cái chết này, ông sẽ phải ôm theo cùng nỗi day dứt đến suốt cuộc đời.
Nàng đang nằm rất đỗi yên bình giữa muôn vàn đóa cúc trắng. Mẹ con nàng sẽ được gặp nhau ở một thế giới hoàn toàn khác. Nơi ấy đầy ắp tiếng cười, hương hoa và tràn ngập niềm vui sướng. Họ chẳng cần biết trên trần gian còn những ai tiếc thương hay luyến nhớ mình.
Hương Văn| Báo Văn Nghệ