Sáng tác

Bụi nắng. Truyện ngắn của Phan Huyền Thư

Phan Huyền Thư
Truyện
19:00 | 22/08/2024
Baovannghe.vn - Bác Cả tôi làm bác sĩ. Bác Hai là họa sĩ. Bố tôi thứ ba, là nhạc sĩ. Nhà tôi trùng tang. Năm năm bắt ba người. Mỗi lần tôi về bà lén chấm mắt
aa
Bụi nắng. Truyện ngắn của Phan Huyền Thư
Bụi nắng - truyện ngắn của Phan Huyền Thư

Để có những thứ ấy, bà phải đặt tận phố Hàng Mã ngoài Hà Nội. Hà Nội thì bà rành lắm, hàng chục năm buôn bán xuôi ngược nuôi con, chờ chồng. Hà Nội cách quê tôi chưa đầy ba chục cây về phía tây. Một năm, dăm ba lần tôi đạp xe về quê nội. Hầu như lần nào cũng vậy, bà ngồi nghiêng ra phía cửa sổ đọc sách. Chẳng ai tin một bà cụ chín mươi tuổi đọc "Trở lại thiên đường" của Eliay Kazan. Bà còn đọc tất cả sách thuê được trong làng. Bà nhỏ nhắn, tóc bạc cước ngồi lọt thỏm bên khung cửa. Nắng xiên qua song lưa thưa, quấn quýt trong mảnh nắng xế là những quầng bụi lấp lánh. "Bà vẫn thường bảo những hạt bụi ấy là bác Cả, bác Hai và bố tôi đang cười; Một ngày kia bà cũng sẽ thế.”

Bác Cả tôi làm bác sĩ. Bác Hai là họa sĩ. Bố tôi thứ ba, là nhạc sĩ. Nhà tôi trùng tang. Năm năm bắt ba người. Mỗi lần thấy tôi về bà lại lén chấm khóe mắt lẳng lặng ra chợ hay xuống bếp đun nấu. Nhà bà Năm bên cạnh cũng có ba con trai hi sinh năm vừa rồi được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, xã lại góp tiền xây sửa lại nhà cửa khang trang. Nghe kể, năm xưa bà Năm là người làm cho nhà tôi. Hôm sang mừng nhà mới của bà Năm, bà mặc áo dài the, vấn tóc đeo xuyến trang trọng. Nửa chừng lại lững thững về thắp hương cho bố tôi và hai bác. Bà Năm có lần nói lẫn: mấy anh "sĩ" chẳng anh nào bằng liệt sĩ được nhà nước đền bù.

Sau giải phóng miền Nam 1975, bác Hai tôi xuống làm công nhân mỏ ở Hà Lầm lấy vợ, có con được vài năm thì bị tai nạn lao động chết trong hầm lò. Để lại một căn nhà dột nát treo đầy tranh cho vợ cùng ba đứa lít nhít. Bà già thế rồi mà một tay gần chục đứa cháu nội mồ côi. Ông thì sống vẩn vơ như cái bóng quanh đi quẩn lại mấy cột nhà Tam bảo, bức hoành, câu đối rương thờ, lọng, võng. Hãn hữu lắm mới lại được thấy ông ra ngồi chõng uống rượu ngắm trăng chờ quỳnh nở. Tôi là đứa cháu nội duy nhất được xem ông làm thịt chuột.

Bố tôi đi trước bác Hai chưa đầy năm. Tai biến mạch máu não. Hơn ba chục tuổi đầu lại chết bệnh của người già. Bác Cả cũng lại đi khi chưa kịp mãn tang bác Hai. Nhà tôi âm u từ nấy đến giờ, suốt ngày hương khói. Không chỉ thắp hương cho bố tôi và hai bác, bà chăm chỉ thờ Phật và chủ yếu là Tam bảo, tổ tiên. Tam bảo nhà tôi có ngót nghét hai trăm năm, nguyên là trường học. Cụ kị nhà tôi xưa kia đã dạy học, học trò khắp nơi đến thương thầy nghèo mà cùng nhau dựng cho thầy ba gian nhà ngói. Khi còn nhỏ, về quê tôi chẳng hiểu sao người làng hễ gặp là cúi đầu "lạy cụ đồ", các ông bà già thì gọi ông bà tôi là ông bà Nho. Tôi là cô Bé con cậu Ba.

Cô lớn trong nhà tôi hơn bác Cả dăm bảy tuổi nhưng vì lễ giáo phong kiến, chỉ được gọi là cô. Năm 54 cô tôi di cư vào Nam, sau giải phóng lại di tản sang Pháp rồi định cư ở Ý. Dăm năm đổ lại dây, cô đại diện Việt kiều yêu nước về làm công tác từ thiện cho Hội Chữ thập đỏ quốc tế. Vì quê tôi không nghèo, cô xây trường học, bệnh viện ở Hải Dương, quê bà. Bà tôi vốn là con gái Tri huyện vì mến tài trọng đức chàng nho sinh gõ đầu trẻ kém mình bốn tuổi mà theo ông về xứ Đoài.

Năm nay, bà cho đặt lại quạt, võng lọng, cờ nheo mới. Sắp đặt đâu ra đấy, bà mua thêm vài chục mét vải trắng, vải xô. Bà bảo chẳng lo chết, chỉ lo cháu chắt đầu xanh non dạ biết đâu mà làm. Bà dặn ông bọc lại cẩn thận gia phả trên bệ thờ, may thêm cho ông vài bộ cánh trắng.

Yên tâm, bà lại ngồi đọc sách.

Nằm dưới chân bà vẩn vơ nghĩ chuyện bụi nắng. Tôi cố hình dung trong đám bụi lóng lánh kia những vong linh đói khát vừa nhặt bỏng nhặt khoai của bà. Tôi hình dung ra hai bác và bố tôi cười khi nhận quà bà vừa gửi; Hình dung cả ba liệt sĩ nhà bên cạnh bồng súng giơ tay chào. Tôi chẳng nhìn thấy được. Tôi nhớ, trước khi thiếp đi tôi đã định hỏi bà: Bà nhìn thấy người chết là bụi nắng, thế có ai đang sống mà thấy bụi nắng của mình không?

Phan Huyền Thư | Báo Văn Nghệ

-----------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc văn, đọc truyện Đọc truyện ngắn Nguyễn Thị Mai Phương Thông báo mở lại Chuyên mục “Đọc truyện ngắn hay trên Báo Văn nghệ” Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng
Văn nghệ Trẻ, số 8/1997
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.