Sáng tác

Bụi tóc tiên - truyện ngắn của Cấn Vân Khánh

Cấn Vân Khánh
Truyện
12:05 | 22/07/2024
Những đám mây không bay nổi qua mùa...
aa
Bụi tóc tiên - truyện ngắn của Cấn Vân Khánh
Bụi tóc tiên - truyện ngắn của Cấn Vân Khánh
Anh bộ đội và lũ trẻ nhỏ - Truyện ngắn của nhà văn Hải Hồ Đôi bạn - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thi Dòng sông giữa hai ta - Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Nắng nhạt quá, nắng không thể đốt cháy những cánh tóc tiên hồng. Em lẩm bẩm run rẩy xòe bàn tay hao gầy đón từng cánh hoa mỏng... đẹp một cách kì diệu...

Mẹ gọi em, đập cửa thình thịch. Em giật mình chạy ra, lủng lẳng chùm chìa khóa. Mẹ vào nhà, mặt mày nặng nhẹ. Em giật mình nhìn chiếc ghế nhựa bên bụi tóc tiên. Tiếng mẹ khô khốc:"Nếu mải quá tao đập vỡ cái bình hoa ấy cho sướng." Em ngơ ngẩn cười, dường như đã quá quen thuộc với những lời nói đó. Mẹ bết lên mặt đầy phấn, mặt cong lên sắc sảo rồi mẹ dắt xe đi. Em không khóa cửa, cảm thấy nhũn người ra vì chán nản. Em lại ngồi ngắm hoa, thực ra em nhớ đến Sinh, em nhớ con người đẹp đẽ ấy, con người đã làm rụng cuống trái tim mười bảy của em, để em mất ăn mất ngủ. Nhưng bây giờ con người ấy đã quá tầm tay em, ngọt ngào mà cay đắng. Em thảng thốt, nhếch môi nhìn bụi tóc tiên...

Gã hàng xóm đối diện nhà em bắt đầu mở toang cánh cửa căn phòng nhỏ trên gác. Gã nhìn xuống hềnh hệch cười, uốn bộ mặt điển trai: "Dậy sớm thế Diễm, lãng mạn nhỉ!"

Em định chạy vào nhà nhưng không kịp, đành đơ người vô cảm nhìn gã. Cảm thấy có con người lắm điều như gã chêm vào nỗi trống trải của em, cũng đỡ dịu vơi hơn. Em gỡ làn tóc rối bù, nhìn gã tập thể dục. Gã là thằng đàn ông vô duyên vô dạng. Em rủa thầm quyết định chạy vào nhà.

*

Em rụt rè: "Con đến thăm cha." Mẹ em vứt ra bàn xấp tiền mỏng: "Bảo của mày nhé." Em đắng họng nhìn mẹ hụt hẫng. "Cha không cần đâu, không bao giờ cha lấy tiền của mẹ. Dù con nói dối thì cha cũng biết." "Dở hơi!" Mẹ nằm trên đệm, mắt chong lên trần nhà. Em tỉ mẩn ngồi bên chiếc bàn học cũ, định lôi sách ra đọc. Mẹ lẩm bẩm: "Nếu buồn thì mai mày ra quầy tao ngồi cho vui." Em rùng mình, vui gì khi ngồi ở quầy hàng mĩ phẩm chênh hênh giữa chợ ấy. Em chợt liên tưởng đến những chuỗi cười tục tĩu của mấy bà đeo mặt nạ bằng son phấn, nước hoa chỉ chực cong môi bĩu mỏ. Em lắc lắc đầu. Mẹ hừ lên một tiếng rồi lim dim mắt. Em lắc lắc đầu một lần nữa, thậm thào nghĩ về mẹ. Mẹ đã ba mươi tám tuổi, cái tuổi ngang ngang dở dở. Cái tuổi vẫn cần một bức tường che chắn để dựa. Em cảm thấy mẹ đáng thương hơn là đáng yêu. Mẹ thực dụng quá, tại sao mẹ lại chỉ biết có tiền? Mẹ cần những gì có thể đùn thành đống vật chất trong nhà, trên người mẹ. Mẹ cần nhiều thứ, nhưng trong cái mẹ cần lại không có cha. Cha chẳng phải là mục đích để mẹ ham muốn kiếm tìm. Tội nghiệp, tội nghiệp cho mẹ và cha.

Em khép cửa, nhìn mẹ dấm dẳng rồi so vai ra cửa. Gió lùa xao xác, mùa đông ảo não núp bóng dưới tán bàng đỏ sẫm. Em rụt rè nghĩ về bụi tóc tiên.

Một tiếng huýt sáo vang lên kiêu hãnh, có tiếng phanh xe và giọng nói sột sệt của gã hàng xóm: "Em về đâu hỡi em, khi trong lòng không chút nắng?" Em rướn người, nỗi đa cảm bắt đầu rướm đầy mình. Em nhoẻn miệng bằng đôi môi nhợt nhạt chào gã. "Thế Diễm đi đâu nào, lên đây anh chở!" Em lắc đầu quầy quậy, gã nhe nhởn: "Đừng ngại, anh chở không công...”. Em chu miệng, gật gù để gã chở. Qua một dãy phố dài ngoẵng, thắc thỏm vài bóng người bước vội, gã hỏi em mấy câu vẩn vơ, mấy cẩu không hợp với em chút nào cả. Em chỉ ậm ờ. Tự nhiên dấm dứt.

Cha em ở trong một căn nhà chật chội nơi khu tập thể đầy bụi bặm. Chốn đây cỏ lộn rộn mọc. Gã đòi vào cùng em. Em hơi đỏ mặt vì một câu nói luôn luôn nở trên đôi môi héo hắt của cha: "Cô nhỏ ngây thơ của cha đã đến rồi ư?"

Em đẩy cửa khẽ khàng, cha đang ngồi ăn cơm, lạnh lẽo. Gã hàng xóm bước vào cùng em, tỉnh bơ và có vẻ tự nhiên. Cha âu yếm nhìn em: "Bạn trai của con à?" Em chỉ biết im lặng. Cười cười. Cha cũng cười, còn gã cười to hơn, nói một giọng hơi trơ tráo: "Cháu đang định bác ạ." Em ngượng đầy mình, giá như làm được điều gì đó để hất ngược câu nói của gã trở lại. Cha ho khục khặc. "Mẹ con sao rồi?" Em ngẩn người nhìn mâm cơm của cha: "Cha có thiếu... gì không?" "Cái gì cơ?" Cha nghễnh ngãng hay cha đã nghe mà còn cố hỏi lại? Em tiếp tục đắm mình nhìn bát canh trong lạt lẽo, đĩa bống kho khế nậu sì. Gã hàng xóm săm soi bên giá sách: "Bác có thể cho cháu mượn cuốn Ruồi trâu được không?" "Cậu cũng thích đọc Ruồi trâu cơ à?" “Dạ.” Cha em ăn dở, úp nhẹ chiếc lồng bàn cũ rồi chậm rãi đến bên gã hàng xóm. "Thích gì thì mang về mà đọc." Gã lễ phép cúi đầu. Em nhỏ nhẹ: "Con về đây." Cha em ra cửa tiễn, em líu ríu sau xe gã, nghĩ thế nào, quay lại. "Cha ơi bụi tóc tiên lại nở, đẹp lắm cha ạ." Cha em cười, có vẻ khổ sở: "Đừng quên tưới nước nhé con!" Em rưng rưng nhìn về nỗi cô đơn của cha và òa lên khóc. Ga hàng xóm đặt tay lên vai em an ủi. Em thèm thuồng một sự đồng cảm đến chết đi được.

Mỗi lúc chạm trán gã hàng xóm, em lại ngường ngượng, không biết có nên cười vồn vã với gã không. Và em dễ dàng sa vào vòng lưới của mộng mơ, có đôi mắt đắm đuối của gã. "Đồ khốn." Em tự mắng mình, chẳng lẽ em lại phát sinh những tình ý như đã từng có với Linh không! Em từng ghét gã, ghét đến khổ sở con người vô duyên vô dạng ấy. Thế mà bây giờ, gã lợi dụng em. Gã lợi dụng sự khờ khạo của em, để rồi hăm hở chiếm hữu lòng em bằng sự dịu dàng già dặn. Ai bảo em thèm thuồng dịu dàng đến mức tham lam như thế.

Sáng sáng, em vẫn dậy sớm. Nhưng mỗi lúc ngắm hoa em lại không dám, chực sợ bên kia gã cũng tập thể dục, rồi có thể gã lại tán tỉnh em. Em sợ... Đành rằng em không muốn gặp gã, nhưng hình bóng gã cứ lảng vảng bên em. Em hay nghĩ đến gã một cách kinh khủng.

Mẹ vẫn về nhà vào lúc trời mờ tối, mang về một đống thức ăn. Em ngồi bên mẹ nhai trệu trạo. Mẹ thỉnh thoảng vẫn nhắc đến cha, rồi như cảm thương cho cuộc sống hẹp hòi của cha. Có lần em hỏi mẹ: "Ngày xưa mẹ có yêu cha thực lòng không?" Mẹ bĩu môi: "Không yêu làm sao đẻ ra cái con gàn dở như mày? Nhưng về sau cha mày cổ lỗ quá, còn tao..." Mẹ hay nói lấp lửng, em ghét sự lấp lửng ở mẹ. Lúc nào mẹ cũng buông lơi, sự buông lơi thái quá ấy làm em nhột nhoạt cả người...

*

Bây giờ thì em vẫn luẩn quẩn trong căn nhà lạnh lùng. Gã hàng xóm khiêm nhường hơn trong cách cư xử và sáng sáng lại cắp cặp đạp xe đi học. Gã là sinh viên, bụi bặm và cũng là con người khá "lịch sự" mà em được gặp. Có những phút giây em buồn đến mềm người, da diết nhớ cha, mong được gặp cha. Nhưng khi nghĩ đến những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy, em lại hụt hẫng. Em chỉ mong mẹ rước về một người đàn ông bất kì nào đó, người đàn ông ấy sẽ thay em làm bức tường cho mẹ dựa. Và em sẽ về với cha em, cha thân yêu cùng bụi tóc tiên hồng sẽ mang cho em cảm nhận cuồng nhiệt của cuộc sống. Đúng là như vậy.

Mẹ thường về nhà lúc nửa đêm, quay ra ngủ. Em mệt mỏi, run rẩy trong nỗi đau nhỏ giọt, buốt rát. Bạn bè không có, em là chỗ dựa của mẹ trong thế giới xô bồ. Em là chỗ dựa cho gã hàng xóm trong nỗi cô đơn của gã. Còn em, em biết dựa vào đâu? Lẽ ra em phải ở bên cha. Cha và em sẽ dựa vào nhau. Phải vậy chứ...

*

Sáng chủ nhật, gã hàng xóm gõ cửa, tỉnh bơ đưa em cuốn sách Ruồi trâu rồi cười ngạo nghễ. Em vênh váo đóng sập cửa lại, rồi em thấy mình chính xác là một con điên. Đúng như những vẽ vời ảo mộng của em, mẹ dẫn về một người đàn ông lạ, ông ta lùn hơn mẹ. Em nhức nhối khi nhìn ánh mắt của ông ta: mơ huyền, đắm đuối. Ánh mắt nhòe trước em những sắc màu quái đản. Ác cảm, em muốn hét lên thật to, càng rồ dại càng tốt.

Em quyết định về với cha, không nói với mẹ một lời, không nhắn gửi điều gì với gã hàng xóm đầy ấn tượng. Cuộc chạy trốn không có người đuổi đã diễn ra như thế. Cha đón em, và cha cười lộ rõ những nếp nhăn trên trán mà em thường gọi là nếp sóng đời cha. Cha vui sướng, hân hoan. Từ bây giờ, em cũng sẽ hạnh phúc. Em tin...

"Con không mang theo bụi tóc tiên ư?" "Con đã quên... Con xin lỗi!" Em hoảng hốt thực sự, tự nguyền rủa mình, lẽ ra em phải nhớ đến bụi tóc tiên chứ. Ôi! Nó sẽ vỡ mất, những cánh tóc tiên sẽ héo hon mất... Em bật khóc. Cha vuốt lên má em, những giọt nước mắt nóng mặn tan đi: "Cha sẽ trồng một bụi tóc tiên khác cho con, con yêu quý!"

Lại một sáng chủ nhật, có tiếng gõ cửa gấp gáp. Em lê người mở. Gã hàng xóm. Em kinh ngạc cùng với sự thảng thốt trong niềm vui tràn trề. Trên tay gã hàng xóm là bình hoa tóc tiên tươi tắn. Gã bối rối đặt bình hoa xuống. Em ngẩn ngơ. Cha em đến bên kêu lên: "Sao con không mời cậu ấy vào nhà?" Em luống cuống nắm tay gã hàng xóm. Gã bối rối nhìn em. Ánh mắt giao nhau, ấm áp. Chưa bao giờ em thấy gã đáng yêu như vậy.

Những bông tóc tiên hé nở, tươi tắn và xinh đẹp. Em nhìn lên mắt cha, người đã rưng rưng khóc...

(Cấn Vân Khánh - Lớp 11B4. PTTH Trần Nguyên Hãn - Hải Phòng).

Văn nghệ Trẻ, số 10/1995
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".