Sáng tác

Anh bộ đội và lũ trẻ nhỏ - Truyện ngắn của nhà văn Hải Hồ

Nhà văn Hải Hồ
Danh tác văn học
08:11 | 08/07/2024
Chỉ có anh bộ đội thì vẫn không chịu ngủ. Anh ta đứng gọn trong lòng hai đứa trẻ, tay ôm khẩu súng trước ngực, mắt nhìn thẳng về phía trước.
aa

Cái Mỹ có một anh bộ đội thật là đẹp. Đấy là một anh bộ đội bằng đất mẹ mới mua cho Mỹ phiên chợ hôm qua. Anh bộ đội mới về nhà cái Mỹ được một lúc, phải, chỉ một lúc thôi mà cái thế giới trẻ em khắp cói “xóm Mít” đều bàn tán, nắc nỏm, ao ước, xôn xao giống như câu chuyện của những người lớn khi có một tin thời sự nóng hổi đặc biệt, như tin tên lửa Liên Xô bay sau lưng mặt trăng chẳng hạn. Thật đúng là như thế!

Bọn con gái thì cho rằng anh bộ đội rất hiền và rất xinh, bởi lẽ anh chỉ bằng củ khoai dong, hai chấm mắt đen láy, lại có cả má hồng, cái miệng nhỏ lúc nào cũng mỉm cười với chúng nó. Bộ quần áo thì xanh ngăn ngắt như thể con cánh cam. Mà mũ cũng có huy hiệu sao vàng hẳn hoi nữa kia. Ôi, nom đến là xinh!

Nhưng, bọn con trai thì cho là anh bộ đội rất oách, bởi lẽ rõ ràng anh lúc nào cũng mang một khẩu súng trước ngực. Mà súng tiểu liên hẳn hoi nhá. Sau lưng ụ lên cái ba lô, chắc hẳn nhiều thứ nặng lắm. Hai con mắt cứ nhìn thẳng vào chúng nó. Còn đôi chân thì bao giờ cũng đứng rất nghiêm như thể sắp duyệt binh, giả dụ ai hô: “Một. Hai” chắc hẳn anh ta có thể đi đều bước ngay tắp lự. Oách thế kia chứ!

Lũ trẻ con xúm lại; đứa nào cũng muốn cầm xem, sờ vào cái áo xanh cánh cam, cái mũ có sao vàng, cái súng đen trũi và sờ cả vào khuôn mặt nho nhỏ hồng hồng của anh ta nữa. Thật là một anh chàng dễ dãi, đứa nào cầm đến anh ta cũng mỉm cười tươi tỉnh; một nụ cười lành như đất! Nhưng cái Mỹ thì thật là khắt khe, nó chỉ cho mỗi đứa cầm xem một tý vừa đủ để nó khoe xong một câu: “Của tao đấy! Đẹp không?” Chỉ một loáng thế thôi, rồi nó đòi anh bộ đội của nó lại ngay như sợ anh ấy cười với bạn nó lâu quá.

Việc này làm cho thằng cu Mài, bạn cách rào của cái Mỹ, thèm vô kể. Rõ ràng nó mới chỉ kịp sờ được vào cái mũ có sao vàng của anh ta thôi, thế mà cái Mỹ đã vội đòi phắt ngay lại. Ôi! Nom cái Mỹ nó cầm nhè nhẹ anh bộ đội, cái Mỹ khẽ khoanh tay vào ngực như ẵm em bé, cái Mỹ giả vờ ru như ru em ngủ, thằng cu Mài thấy thích biết mấy. “Mình cũng phải có một anh bộ đội mới được”. Cu Mài nghĩ trong bụng thế và rồi nó ngán ngay cái xe bốn bánh, không thiết chơi nữa. Gọi là xe nhưng thực ra nó chỉ vốn là hai cái lõi chỉ luồn kéo vào một cái khung bằng dây đồng, phía trên có đóng một miếng gỗ mỏng. Bố cu Mài làm cho nó từ dạo phục viên. Cu Mài vẫn kéo xe bằng một sợi dây gai rõ dài và thường chiếc xe vẫn chở đủ mọi thứ. Chuyến nào cũng đầy ú hụ những hàng hóa: gạo và ngô thì bằng những nắm đất bột và sỏi con, vải vóc đẹp là những mảnh lá cuộn tròn, còn như củ khoai luộc thì chính là một chú lợn béo quay chở gọn một chuyến xe khá nặng.

Nhưng bây giờ thì chẳng ai thích gì bằng anh bộ đội nữa rồi. Đến trưa nó nói với bố:

- Con không thích cái xe nữa bố ạ!

Người bố nhìn vào đôi mắt tròn giống mẹ của nó:

- Sao thế vậy?

- Con thích cái anh bộ đội.

Người mẹ bật cười với cả bố lẫn con:

- Thì bố mày chẳng là bộ đội mãi còn gì?

Cu Mài chỉ sang bên phía rào:

- Không! Bộ đội cầm súng như của cái Mỹ kia!

Và nhất định cu Mài kéo bằng được bố sang gặp anh ta. Người bố ngắm nhìn và cũng khen: “Thật là khéo!” Còn anh bộ đội thì cười với cả hai bố con. Một nụ cười dễ dãi và thân mật quá chừng. Có điều là anh ta vẫn đứng nghiêm và ôm chặt khẩu súng trước ngực như không hề bao giờ quên nhiệm vụ.

Vốn khéo tay lại chiều con, sau khi ngắm nghía một lúc rõ lâu, người bố quyết định làm cho cu Mài một anh bộ đội bằng gỗ. Công việc bắt đầu ngay từ hôm ấy. Cứ sau mỗi buổi đi làm đồng về, bố con lại lúi húi đục đẽo ở mé thềm. Một anh bộ đội khá rắn chắc. Chỉ có việc trang điểm cho anh ta tý chút nữa là hoàn thành. Cu Mài ngồi xem bố tô điểm đôi mắt nó ánh lên niềm chờ đợi sung sướng. Cũng thật là giản dị, chỉ một nước phẩm xanh là anh ta có bộ quần áo mới. Khẩu súng cũng đen nháy màu mực nho. Lại có đủ cả chấm quân hiệu nền đỏ sao vàng nữa kia. “Không thua gì anh bộ đội của cái Mỹ cả”. Cu Mài nghĩ bụng thế. Nhưng sao bố lại chấm xanh đỏ vào ngực anh ta thế nhỉ? Cu Mài vội hỏi:

- Cái gì thế hử bố?

- Huy hiệu Điện Biên mà.

Cu Mài vội nhìn vào ngực bố. Nó hỏi luôn:

- Cũng giống như bố à?

Người bố gật gù:

- Ừ! Giống chứ!

- À! Thế anh ấy cũng biết đánh Tây!

Nói xong, cu Mài vòng tay ngồi im, mắt không rời anh bộ đội trong tay bố. Chỉ một lát bố con lại hỏi nhau:

- Kìa? Sao bố không vẽ má hồng?

- Đánh Tây thì không cần má hồng.

- Giống má bố à?

- Ừ, đúng thế.

Cu Mài nhìn bố giây phút rồi bỗng nhiên nó bảo bố:

- Con cũng không cần má hồng.

Người bố lắc đầu:

- Má con vẫn hồng đấy thôi!

Cu Mài thốt sờ tay lên má, nó không nhận:

- Đâu?

Người bố cười ngất:

- Hồng đấy! Cái má giống mẹ mày như đúc.

- Ứ! Mẹ bảo con giống bố kia mà.

Bố cười rộ lên, to hơn, vui sướng hơn. Bố thơm mạnh vào chòm tóc cu Mài và dúi anh bộ đội vào lòng nó:

- Xong rồi đấy! Giữ lấy con!

Thế là, việc cu Mài có anh bộ đội đeo huy hiệu Điện Biên lại như một thời sự mới mẻ đến với lũ trẻ “xóm Mít”. Hai anh bộ đội bé bỏng được gặp gỡ làm quen ngay. Họ cùng cười với nhau mãi. Hẳn đúng là một đôi tri kỷ xa nhau lâu ngày nay mới gặp lại. Anh nào cũng nắm chắc tay súng trước ngực như dặn dò nhau đừng có bao giờ xa rời quân ngũ.

Còn lũ trẻ thì tha hồ mà cãi nhau thật kịch liệt về việc anh nào đẹp hơn và oách hơn anh nào. Kể ra hai anh bộ đội này khó mà so sánh ai hơn ai kém kia đấy.

Một anh thì rắn chắc như gỗ, nom mạnh mẽ rắn rỏi như vừa mới từ trận chiến đấu oanh liệt xa xôi trở về. Nét mặt, khuôn người còn hằn rõ nét khắc khổ gian truân. Nom có vẻ tự hào ra dáng. Chắc hẳn anh ta không hề biết sợ một kẻ thù nào cả.

Một anh son trẻ tươi vui, có nụ cười lành như đất. Dáng dấp khá là chững chạc, với khẩu tiểu liên cầm ngang tầm ngực dường như sẵn sàng đón mọi thử thách mà anh ta sẽ không cần đắn đo, do dự một chút xíu nào hết.

Bởi thế câu chuyện tranh cãi của lũ trẻ cứ om tỏi lên mà cũng khó ngã ngũ. Vả lại chúng không thích kết luận. Thôi cứ cầm xem mỗi đứa một tý cho thích là được!

Lũ trẻ xem hết một lượt rồi bèn để cả hai anh đứng ở bậc cửa. Thật đúng là bằng nhau, chẳng anh nào cao hơn anh nào nổi một ly nhé. Một đứa thích chí hát bài Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh... Cả bọn ùa hát theo, cả vỗ tay nữa. Tiếng cười lanh lảnh cả khu vườn “xóm Mít”. Hai anh bộ đội mỉm cười nghe bài hát quen thuộc, họ đứng rất thẳng bên nhau có vẻ hài lòng lắm.

Há xong, một đứa lớn nhất bọn, lớn hơn một cái đầu, bảo cả bọn:

- Này! Chúng mình tập trận đi!

- Có mang bộ đội đi không? - Cu Mài hỏi thằng bạn thế.

- Có chứ! Bộ đội mà lại không tập trận à?

- Được! - Cu Mài gật đầu tán thành ngay và nó vội khoe với lũ trẻ - Anh này cũng đánh Tây ở Điện Biên rồi đấy nhớ!

- Dô... ôi! - Một đứa con gái dẩu mồm ra vậy.

Cu Mài trợn mắt cãi:

- Bố tao bảo thế mà lị!

- Thế thì chúng mình cử anh ấy là chỉ huy. - Thằng lớn nhất bọn nói thế và nó tuyên bố ra vẻ dứt khoát:

- Đứa nào bằng lòng thì đi lấy súng mau lên.

Lũ trẻ ùa vào trong bếp và ùa cả ra dọc hàng rào. Chỉ thoáng một lá chúng đã trở đứng nối đuôi nhau ở sân. Đứa nào cũng có một thanh củi, một cái que hoặc là vác ở vai, hoặc là buộc dây quàng sau lưng, hoặc giắt ngang sườn như thể một thanh kiếm báu của người hiệp sĩ.

Thằng lớn hô lũ trẻ tập hợp. Nó cũng ra lệnh điểm số một, hai, ba... cho đến đứa chót, giống hệt như các anh bộ đội sắp ra thao trường:

- Nghiêm!

Nó hô xong liền quay lại bước tới trước thềm chào hai anh bộ đội đang đứng song song ở bậc cửa và báo cáo luôn:

- Quân ta đã tập hợp xong! Đề nghị đồng chí bên phải (Nó giơ tay chỉ anh bộ đội của cái Mỹ) ở nhà canh gác doanh trại không cho quân địch đánh chiếm.

Một thằng bé đứng giữa hàng nói xen vào:

- Ê! Cậu phải nói như trong phim ấy kia.

Rồi nó bước ra, ưỡn ngực nói luôn:

- Phải canh gác doanh trại, bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta.

Khi nó quay về hàng ngũ thì thằng bạn đứng cạnh khẽ huých nó khen:

- Cậu nói thế mới oai.

Cu lớn vẫn tiếp tục báo cáo, nó chỉ vào anh bộ đội của cu Mài và nói:

- Còn đồng chí này, yêu cầu chỉ huy chúng tôi ra mặt trận tiêu diệt quân thù dã man...

Cả hai anh bộ đội cùng vui lòng nhận nhiệm vụ với nụ cười dễ dãi và họ phải chia tay nhau ngay lập tức. Một anh được để lên chiếc xe bốn bánh do chính tay cu Mài kéo đi đầu. Cả bọn khom khom người tiến theo sau, toán quân hướng về góc vườn. Cũng giống như mọi hôm, mặt trận được diễn ra ác liệt tại đấy.

Còn anh bộ đội giữ nhiệm vụ canh gác thì vẫn đứng nguyên trên bậc cửa. Anh ta đứng thẳng mà không hề biết mỏi một tý nào. Xung quanh vắng vẻ, chỉ còn mỗi cái Mỹ và cái Lúa ngồi lại ở thềm. Bọn con trai không chịu cho chúng ra mặt trận. Hai đứa vào nhà lấy khoai luộc chia cho nhau ăn, chúng chia cho cả anh bộ đội nữa. Nhưng anh ta nhất định không chịu ăn rồi, lúc canh gác ai lại ăn uống linh tinh thế được. Tiếng reo, tiếng súng “pằng pằng, đoành đoành” từ một góc vườn dội vào lanh lảnh.

Một con chim chích chòe đậu trên ngọn đọt cau nhún đuôi hót “chiu chót”. Nắng non trưa vàng roi rói. Nắng bò dần đến ngưỡng cửa, nhưng có hề gì, anh bộ đội vẫn đứng đinh ninh không lộ vẻ gì là ngại ngùng nắng gió cả. Cái Mỹ bỗng nhiên rủ bạn:

- Chúng mình chơi ru em đi.

Cái Lúa đồng ý ngay:

- Ừ! Không chơi đánh nhau nữa! Ru em thích hơn.

- Thế chúng mình ru bài Hòa bình chim trắng... nhớ.

Thế là cái Mỹ bế anh bộ đội, còn cái Lúa bế củ khoai; hai đứa cùng ngồi võng đưa bổng tít và chúng nó ru cho em ngủ, tiếng ru thánh thót:

Hòa bình chim trắng a trời xanh

Có anh bộ đội giữ canh hòa bình

Con chim chích chòe trên ngọn cau, cũng hót véo von như họa theo lời ru của hai đứa gái nhỏ.

Lúc này góc vườn đã im tiếng hò reo. Súng đã lặng. Chắc là quân địch đã bị tiêu diệt vì bọn trẻ đã quay ra bắt chuồn chuồn kim và những con bướm nhỏ cánh vàng kéo đến xập xòe trên vạt rau khoai lác đác trổ hoa tim tím.

Riêng anh bộ đội vẫn đứng nguyên trên xe gỗ để dưới gốc mít. Anh ta đứng rất thẳng, không hề chịu buông súng, mắt dõi nhìn phía trước. Hình như anh ta lo cảnh giác quân địch, sợ chúng trở lại đánh úp lũ trẻ đang nhởn nhơ giữa vườn đầy bướm. Đã là bộ đội thì không được một chút nào lơ là nhiệm vụ cơ mà. Bởi vậy, anh ta vẫn đứng nguyên ở vị trí, đứng rất vững không hề thay đổi.

Chắc chắn lúc này anh cũng đang nóng lòng nghĩ tới người bạn chiến đấu lúc chia tay. Ừ! Anh bạn ấy có làm nhiệm vụ như mình không nhỉ?...

Làm tròn chứ? Mãi tới lúc tan đồng, người mẹ trở về thấy cái Mỹ và cái Lúa đã ngủ say tít. Hai đứa trẻ gái thở đều đều, má chúng hồng hồng mìn mịn như da những quả đào chín.

Chỉ có anh bộ đội thì vẫn không chịu ngủ. Anh ta đứng gọn trong lòng hai đứa trẻ, tay ôm khẩu súng trước ngực, mắt nhìn thẳng về phía trước. Anh ta mỉm cười với bà mẹ. Có lẽ anh ta rất hài lòng về công việc của mình, cái việc thức canh cho em gái ngủ, giấc ngủ êm ả dịu ngọt trên chiếc võng nhỏ khe khẽ đu đưa.

Tuyển tập 75 gương mặt Văn nghệ - Kỷ niệm 75 năm báo Văn Nghệ
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.