Đèn trên phố huyện tắt đã lâu. Con đường cái dẫn tới nhà ga tối nhờ nhờ như chiêm bao. Dãy đồi im lìm, giống khuôn ngực của các bà mẹ đang nằm yên ngủ. Mây trắng như những dòng sữa thừa thãi đang chảy trên ngọn những quả đồi ấy. Nền trời màu tím xanh. Một màu xanh ban đêm của trời miền biển, khó mà nhận ra ở đây lại là miền trung du.
Nhà ga làm giữa đồng. Đã vắng lại càng vắng. Đó là một ga xép mới làm. Nó ra đời bởi con đường sắt vừa được nối liền giữa Thủ đô và khu gang thép. Ở đây chỉ có hơi gió thỉnh thoảng phả vào cửa kính, còn thì mọi vật đều yên giấc. Chẳng nghe ra một cái gì: không một ánh đèn; nổi bật lên một cách duy nhất trong cảm giác con người là mùi nồng nồng của tường vôi mới quét.
Vòng ra sau ga, chỗ có hàng hiên khuất gió, nghe có tiếng ngáp và tiếng chuyện rì rầm của vài người khách chờ tàu. Họ là những người ở xa, đến ga trước từ chập tối. Cứ thế, những phút chờ đợi rạo rực kéo dài cho tới bốn giờ sáng, khi nghe tiếng còi tàu nổi lên từ sau dãy đồi kia, họ mới choàng dậy chuẩn bị lên tàu. Lúc ấy, những lồng đèn xanh đỏ của nhà ga sẽ rộn rịp vui mắt. Con tàu sẽ buông ra một tiếng còi như một lời chào thân ái, rồi đưa họ về xuôi.
Phút vui vẻ ấy chưa đến. Bây giờ chưa nửa đêm, còn là giây phút của câu chuyện xa gần. Bên cạnh cái bồn hoa dưới bực cửa có một đôi bạn đang trò chuyện. Chỗ ấy vừa có vẻ công khai vì là bực cửa, lại vừa kín đáo, vì những giỏ hoa to tướng che khuất đến đầu người. Đôi bạn ấy gồm một trai một gái. Lời nói với nhau rất mực bạn bè. Cách họ vài đòn gánh có một nhóm người nằm ngả nghiêng, thỉnh thoảng lửa thuốc lào lóe lên, nhấp nháy thấy mấy chồng quang gánh đặt bề bộn.
Từ chiều, lúc những đám mây đỏ ối còn đọng trên những ngọn đồi nhấp nhô, người ta đã thấy đôi bạn nam nữ ấy. Hai cái chấm nhỏ như hai cánh chim, từ sau một ngọn đồi xa tít tắp của một công trường nào đấy đi đến. Cái miền trung du khoảng khoát này, đồi núi trọc lốc, tầm mắt con người nhìn xa lắc xa lơ. Trông thấy họ có dễ ăn xong một bữa cơm mà họ vẫn chưa đến nơi. Họ xuống dốc này lại lên dốc khác, chỗ rẽ này quanh ngã ba khác, theo dõi bóng họ tưởng như đôi chim đang lượn vòng.
Chẳng hiểu họ ăn mặc ra sao, bao nhiêu tuổi, họ đến ga lúc mọi vật đều tối đen. Nơi ấy được chọn làm chỗ ngồi: một bực cửa công khai, một bồn hoa kín đáo. Biết bao câu chuyện họ đã nói với nhau. Rất nhiều lần người con gái nói với người con trai câu sau đây:
- Ừ, chúc bạn đi cho khỏe mạnh và tích cực là phải đi đôi...
Lần nào cũng thế, người con gái chưa nói hết câu, người con trai đã chúc lại:
- Ừ, Tỵ cũng ở lại công tác. Khi nào rỗi Tỵ về dưới ấy chơi. Tỵ cố học chị em, rồi lại gương mẫu để chị em học lại mình.
Sau đó, người con gái lại nói:
- Này, chúng ta ra đây muộn quá...
Người con trai lại cướp lời:
- Không sao, cũng như Tỵ đi tiễn tôi là một người bạn thôi.
Có một lần người con gái nói được hết ý mình, đó là câu:
- Chúng ta ra đây muộn quá. Cửa hàng hợp tác đóng cửa mất rồi, mình chẳng mua được áo bông. Chỉ sợ có ai họ lại ngỡ chúng mình là...
Lần ấy người con trai ân cần:
- Có sao, cũng như bây giờ Tỵ đi tiễn mình, tháng sau trở lên mình sẽ mua áo mang lên cho Tỵ. Bách hóa dưới ấy thiếu gì bông!
Như ngần ngại, người con gái chuyển câu chuyện của mình sang công việc của một công trường làm đường sắt. Nhóm bên kia, chỗ đông người nằm ngổn ngang, có một giọng nghẹn khói thuốc lào hỏi vọng sang:
- Tôi hỏi khí không phải, anh chị là người làm đường tàu, vậy anh chị có biết tối thứ bảy này đã có tàu chạy buổi đêm chưa nhỉ?
Người con gái cười mũi một tiếng đến nghịch:
- Chuyến tàu hạnh phúc ấy à? Có đấy bác ạ! Chúng cháu làm đường cho tàu chạy chứ để dành làm gì?
Đôi bạn nam nữ cười giòn hơn tất cả. Tiếng người con trai:
- Chừng nào đặt xong đường tàu vào Nam, mỗi tuần mình mời bạn bè về nhà mình chơi một lần.
Người con gái:
- Có đường tàu chạy về Thái Bình thì mỗi năm nghỉ phép mình cũng sẽ mời bạn về quê mình chơi một lần.
Người con trai:
- Tết này bạn mời mình về nhà ăn Tết chứ?
Người con gái cười, tiếng cười thân ái nhưng bộc lộ một sự không đồng ý. Cô bảo rằng chỉ muốn mời người bạn trai kia về ngày thường thôi. Người con trai hỏi mãi tại sao. Người con gái không nói. Giọng thuốc lào nghẹn khói ở bên kia lại nói chen sang, bảo người bạn gái nên mời người bạn trai kia về ăn bánh chưng miền Bắc, vì lẽ người bạn trai kia Tết này còn xa nhà.
Người con gái nói khẽ, chỉ để đủ người bạn trai nghe.
- Mà bạn có nhất định về thật không? Ừ, Tết này tôi xin mời bạn. Mẹ tôi già mà vui lắm. Mình định mua áo bông nhờ bạn xuôi dưới ấy gửi hộ về cho mẹ mình đấy. Nhưng mà thôi, chúc bạn đi cho khỏe mạnh và tích cực công tác, bây giờ sức khỏe và...
Người con trai không chúc lại người con gái nữa. Anh ta im lặng như nghĩ ngợi rồi đánh diêm châm thuốc. Mắt anh lóe lên một tý rồi tắt. Tiếng cười người con gái thoáng trong khói thuốc của anh.
- Ừ, Tết này mình sẽ làm bánh đa khoai cho bạn ăn với mật. Quà quê nhà mình chẳng ra gì. Ôi, bà cụ lẩn thẩn lắm kia! Tết nào cũng bắt mình phải về. Một về, hai về! Bây giờ bạn cũng bắt tôi về nữa thì tôi biết chối làm sao.
Khói thuốc người con trai phà lên từng vệt trắng. Anh bộc lộ vài câu ngỡ ngàng về lời kể lể của người bạn gái, rồi ngồi im như lắng nghe. Trong phút lặng lẽ, cánh cửa kính gặp hơi gió thoáng rung lên nghe như một lũ mèo con gầm gừ trong tro ấm, như một lời đùa có cấu có bẹo đâu đó chen vào. Một lúc lâu lắm không biết người con gái đã kể câu chuyện của mình đến đâu. Về cái quê hương của chị ta. Về một cái cầu ngói già hơn bất cứ một người lớn tuổi nào vẫn nằm nghiêng nghiêng trên đầu chợ. Dưới cái bến sông ấy, có cả lứa con gái sắp đến tuổi tập ăn trầu và những trẻ con trai gái hơn cái tuổi đánh vòng còn thích tắm chung nhau. Cái đám trẻ con ấy, đến lạ, hình như chúng ăn chung một dòng nước sông, uống chung với nhau cây vối ở đầu làng, lớn lên khối đứa nặng tình với nhau. Ở đây cũng có đứa con gái, chính cái cô đang kể chuyện đây tắm chung với một người con trai. Họ ném bùn vào đầu nhau, lôi chân nhau dìm xuống nước. Và, lớn lên, biết làm sao được, khi họ cùng ăn chung dòng nước của một con sông và uống chung cây vối ở đầu làng. Mẹ già thương cả hai đứa, mẹ già cho lấy nhau.
Cho đến bây giờ, ở cái làng quê nhỏ nhắn ấy, bà mẹ già đến là lẩn thẩn. Đêm đêm, mùa đông cũng như mùa hè, cái chăn che kín lấy người mẹ. Ban ngày, mẹ cũng chẳng thấy gì rộng rãi hơn ngoài mấy gian cầu ngói thu lấy bóng mẹ hôm sớm ra đồng. Cho nên, anh ấy mất từ năm nào rồi mà mẹ còn hay nhắc. Đến là khỏe nhắc! Mẹ bảo rằng mẹ hay nằm mơ. Làm như mẹ sống bằng mơ nhiều hơn bằng thực trên cõi đời này. Nói ra thì mẹ lại chửi. Một người con giai, đã dám cầm súng đi đánh giặc, ai còn sợ gì cái nghĩa hy sinh? Anh ấy hy sinh như trăm nghìn các anh khác đã hy sinh. Có thế thôi! Mẹ lại bảo nó mất vào ngày Tết nên tao mới nhắc. Dễ thường nhắc mà ngồi dậy được chắc? Eo ơi, nếu thế thì ai chả mong ngày nào cũng Tết để lôi anh ấy trở về.
Câu chuyện nhẹ nhàng như nước con sông đào chảy thầm thì về đến quê hương cô. Ở đây hiện ra bóng một con đò vừa cập bến và bàn chân cô gái đặt nhẹ nhàng lên bậc bến tắm. Những tảng đá xanh vẫn nhẵn nhụi như ngày xưa đón lấy gót chân quen thuộc. Cái bóng trẻ thơ quần xễ quá rốn vẫn nằm in như trong bóng nước. Cô gái chào dòng sông, chào bóng mình, chào mọi người thân thuộc, nghe thấy một hạt bụi mỏng gió vương vào mắt. Đấy là một ngày cô về phép. Mẹ già bỏ vội bát cơm đang ăn cho mèo rồi ôm vội lấy con gái. Mẹ bỏ làm một buổi để ôm lấy con gái. Mẹ bảo: sao mày đi lâu vậy hử con? - Cô gái nói: lâu gì mà lâu, một năm giời là mấy! Đến tối, mẹ nằm mân mê tóc cô gái, nắn nắn lên đôi vai chắc chắc và nong nóng của cô, mẹ hỏi: sao mà mày ăn nhiều thế hử con? Một tháng hết những hăm mốt đồng bạc! Cô gái nói: u ạ, sang năm con sẽ gửi tiền về cho u. Mẹ lại nói: tao xem da thịt mày có đẫy hơn hồi ở nhà. Cô gái nói: u thì chỉ thích béo, béo nó nặng người ra, đi làm leo dốc làm sao được? Rồi cô gái mơ màng. Giấc ngủ ru cô về những công trường nhấp nhô, tiếng máy xúc máy đào bây giờ nghe vo ve như tiếng muỗi, tiếng cười của những người con trai nghe lơ lửng như tiếng lá chuối vỗ vào nhau ngoài hiên. Cô ngủ say sưa sau một ngày đò xe mệt nhọc. Mẹ già không ngủ. Nửa đêm nghe chuột rúc, mẹ nói: Tỵ à, Tết này về sớm sớm con nhá. Cô gái không trả lời. Gà gáy lần thứ ba, mẹ lại nói: con ạ, đến hăm ba thì nhớ mà về! Cô gái chỉ cựa mình, u ờ, cô đang hát trong giấc mộng. Canh tư, mẹ kéo chăn cho cô rồi nói một mình: Tết này mày chẳng về thì còn ra cái nông nỗi gì nữa hử con? Cho đến tinh mơ, lúc cô gái vừa ngồi đun bếp vừa chải đầu, mẹ già chăm chắm nhìn mặt cô, ánh lửa soi trên má cô một làn nắng mỏng, mấy cọng rạ đánh đu trên mái tóc dài lòa xòa, mẹ hỏi: nghe nói mày tìm được cái thằng nào đâu hở con? Cô gái mỉm cười: tìm hiểu chứ lại tìm! Mẹ nói: ừ thì tìm hiểu, nó là người ở đâu, ra làm sao? Cô gái vẫn cười: con chỉ tìm được cái đầu tàu hỏa thôi, to lắm, nó lại cứ hay phụt khói. Mẹ chẳng cười, mẹ nói: thôi thì bây giờ đời mới, mẹ mặc chúng mày, xem ra phải ý với nhau thì hẵng gật. Giữ ý, giữ tứ con ạ. Kẻo cái kẻ đàn ông nó khinh cho. Mày mà lấy chồng xa thì lại mẹ khuất con, con khuất mẹ. Lần ấy cô gái cười lăn cười lộn. Cô nhủ rằng cô vẫn nhớ người chồng cũ, vẫn thương mẹ, cô đi tu, cô chẳng bao giờ lấy chồng. Mẹ già móm mém vui với cô. Mẹ lại nhìn má cô, nhìn tóc cô.
Còn một đêm nữa là sáng mai cô ngược sớm. Mẹ già lui cui nấu cơm nếp. Cô gái cũng không ngủ. Cô ngồi ôm lấy đầu gối mẹ. Mẹ bảo: mày có còn thích uống nước vối thì mang đi một nắm con ạ. Cô gái nói: đâu đâu, ở công trường uống mãi chè tươi xót cả ruột. Mẹ lại nói: đấy, thích uống nước vối mà lại chẳng ở nhà, làm giai đi đông đi tây đã đành. Cô gái ậm ừ: Người ta muốn bay nhảy chả được mẹ lại cứ níu chân chim... Và cô không nói nữa.
Buộc làn xong, cô gái chưa muốn đi. Cô nhìn mẹ từ đầu đến chân, rồi cứ cười; lát sau, cô kéo mẹ ngồi thụp xuống hè, ngẫm nghĩ sao cô lại cười tít với mẹ. Xong, cô nói: u này, bây giờ con mới nói thật với u nhá. U cứ ở hợp tác yên trí mà làm nhá. Lúc nào buồn thì u sang ở với các anh chị ấy mà vui với cháu. Chừng nào đường tàu bắc xong đến mỏ sắt thì con về. Con đi công trường chứ không phải đi lấy chồng đâu. Mẹ nói: Tao có biết mỏ chim gà nào, nhưng mà Tết thì phải về con ạ. Về với nó một tý, chẳng linh sao gọi là chết trận. Tao nằm chiêm bao thấy nó về bắt đền tao rằng... U phải bảo nhà con nó cứ ương không chịu về thì con về ăn Tết một mình à! Cô gái nói: anh ấy nói điêu đấy, con ở đâu thì anh ấy mò đến đấy chứ, cứ gì Tết. Eo ôi, cứ thấy anh ấy về anh ấy bẹo con. Rồi cô cười, sưởi ấm vào tai mẹ.
Cô gái đưa tiền cho mẹ tiêu Tết rồi đi. Mẹ già đưa cô ra tận cầu ngói. Hình ảnh người chồng cũ đưa cô về tận công trường. Ngày ngày cô gái làm trên đồi cao, mang bao tay, đi giày ủng, lưỡi xẻng của cô cắm dần xuống đồi đất sỏi; dưới chân cô, tít tắp ở dưới kia, con đường sắt chạy dài, có những chuyến xe qua lại: trong những toa xe xinh xắn ấy, hình như cũng có một bàn tay của chồng cô đang vẫy vẫy. À thì ra thế! Tết đến người ta đi Đông đi Tây, cô gái lại trở về quê hương mình. Mẹ già vui quá, tưởng như mình nằm trong cảnh chết, tiêu điều mà gặp con. Một cái Tết thật linh đình. Đầy nhà những người thân thuộc. Trong lúc mọi người đang vui vẻ, mẹ già kéo cô xuống một góc bếp, thầm thì: mày có thấy nó về nó bảo gì không hở Tỵ? Đã bảo mày tối hôm qua giỗ nó thì mày phải nằm riêng ra, mày lại cứ leo sang nằm chung với u. Nó về nó giận mày đấy!
Cô gái cười ngặt nghẽo. Mẹ lại nói: chẳng linh sao gọi là chết trận? Vợ chồng thì phải thế chứ, sao mà ương vậy hử con? Cô gái chỉ vào đầu gối mẹ, bịt mồm cười, tóc tai rũ rượi.
Cô gái hay cãi lại mẹ, nhưng tối hôm ấy cô nằm một mình thật. Một tối của đêm mùng một Tết không khí hoàn toàn trong trẻo. Giấc mơ trắng muốt đầy những cánh hoa nhài bay la đà đến cửa một vuông màn mới cưới... Có cái áo cánh phim nhuộm được nắng còn thơm mùi nâu non... Có một anh bộ đội nào bơi mãi trên dòng sông trong veo trong vẻo... Sáng hôm sau, hiên nhà hé nắng, cô gái mới choàng tỉnh dậy, mẹ già đã ngồi chờ dưới chân. Đôi mắt nhăn nheo của mẹ, có một niềm vui vô hạn. Mẹ cười với cô rất lâu. Lát sau, cô nói: u này - cô lại cười - anh ấy bảo với con thế này nhá, nhà mày phải tích cực công tác, xã đã cử nhà mày đi làm đường tàu thì nhà mày phải làm cho nhiều, nếu bỏ về thì anh sẽ đét vào đít cho ba roi! Mẹ già chẳng tin. Cô gái lại cười. Mãi đến lúc từ giã mẹ, cô gái mới nói rằng: u ạ, anh ấy bảo trước đây u thương anh ấy mồ côi đã cho con gái lại cho ở rể; u quý như con trai trong nhà, nghĩa của u anh ấy xin nhớ mãi. Anh ấy bảo rằng anh ấy chết theo đời sống mới, con mà lấy chồng thì anh ấy càng thương con hơn, chẳng giận đâu. Này, anh ấy còn bảo Tết sau u đừng làm cỗ nữa, anh ấy chẳng về nữa đâu. Anh ấy lại biết cả u đang ao ước một cái áo bông, dặn con phải dành dụm mua cho u một cái để u mặc dối già. U thích nhá! Có đúng không nào? Mẹ già nửa tin, nửa ngờ. Cô gái lại ra đi.
*
- Chừng nào bạn ngược qua đây bạn nhớ mua hộ mình cái áo ấy nhá! - Người con gái nói thế rồi chúc thêm người con trai đi cho có sức khỏe và tích cực công tác. Lần này người con trai không chúc lại. Một vệt sao rơi xuống đầu đường sắt. Có lẽ anh bạn miền Nam ấy còn đang bị bơi trên dòng sông trong veo trong vẻo kia; chung quanh anh đang hiện ra những cánh đồng màu xứ Thái xanh mướt những luống khoai, củ khoai đo đỏ màu da cháy nắng và những liễn mật ong màu hoa cải. Ừ, cô gái của anh sẽ lấy chồng. Một người chồng độ lượng và hay khuyến khích những gì tốt đẹp trong con người vợ. Anh nghĩ như thế. Chẳng hiểu vì sao anh lại buột miệng nói ra với cô bạn gái.
Nghe nói, người con gái cười khúc khích. Tiếng cười mang một niềm vui rất thực thà. Đúng ra, cô gái còn giấu người bạn trai câu chuyện sau đây:
Tháng vừa rồi mẹ già nhờ ông anh rể đánh giấy lên. Mẹ nói rằng: “Ơ cái con Tỵ! Mẹ nghe nói mày đã lấy chồng thật rồi ư con? Sao mà mày chẳng đánh giấy về để cho mẹ mày làm mâm cúng nó...” Cô gái liền viết thư về: “U ơi, Tết này hai vợ chồng con sẽ về chơi với u. U ra cầu ngói đón chúng con nhá! U này, anh chàng này trước cũng là bộ đội đấy. Bao nhiêu là râu! Quê anh ấy ở xa xa là. Anh ấy cũng về ở rể u ạ! Cái nón u cho con đấy, mưa rào hai vợ chồng đội chung. Nhà con biết thương u lắm. Thích uống nước vối nữa. Thương con rõ nhiều là thương...” Mẹ già nhận được thư liền đi báo tin cho các anh chị cô biết. Rồi cả làng đều hay. Mẹ kỳ cọm lên thăm cô vào một ngày mưa tầm tã, lôi theo một cái nón mới và một, hai nải chuối tây... Cô gái đang xông xáo ở nông trường. Các bạn của cô cho mẹ già biết cô vẫn là một người con gái rất tốt, thế thôi, ngoài ra chẳng thấy chồng con đâu cả. Chiều, cô gái của mẹ dẫn xác về. Mẹ giận nó, mẹ nhìn tóc tai nó ướt đẫm, vai áo nó bốc hơi, bùn ngập trên đầu gối nó như cái cách đi cấy chiêm, đôi môi nó mím mím bắt chước cái thằng chồng cũ của nó, mẹ lại thương quá! Đứa con gái út của mẹ, nó ăn mặc những cái gì thế kia, lỉnh kỉnh những cái gì thế kia.
Đêm ấy, mẹ kể với cô gái rằng có một đôi chào mào đến lót ổ trên cây khế ở nhà, mẹ lại ngờ rằng cô đã chửa con so.
Những ngày mẹ ở công trường, cô dặn mẹ chớ nói chuyện cũ của cô cho ai biết. Cũng đừng nhắc đến bức thư của cô gửi về. Lâu nay cô đã giữ kín. Thế mà bây giờ, đêm nay...
Cô gái có một niềm vui tự ngày xửa ngày xưa trở dậy. Cô kể chuyện, nghe thấy cả lòng cô trong suốt và đầy tự hào. Mấy ngôi sao xanh ở chân trời nhấp nháy nhìn trộm cô như một lũ trẻ con tinh nghịch. Đêm nay, bỗng dưng cô thấy mến một đám trẻ nào đó quá. Đám trẻ có mang bóng dáng của cô trong thời thơ ấu, đầy hãnh diện, nồng nỗng tắm chung một dòng sông.
Cô gái kể xong câu chuyện về mình rồi nói với người bạn trai:
- Quê mình nghèo lắm. Mẹ mình già mà vui lắm. Bạn có ưng ăn bánh đa khoai chấm mật thì Tết này mời bạn về.
Điếu thuốc người con trai lập lòe. Chưa thấy anh trả lời lại người con gái.
*
Khi chuyến tàu xuôi rời khỏi cái ga bé nhỏ này thì trời bắt đầu hửng sáng. Trong đám người lộn xộn chen lên toa tàu không thấy người con trai ấy. Qua khung cửa toa xe, tít tắp ở đằng xa, người ta bỗng nhận ra đôi bạn ấy đang đi bên nhau. Hai cái chấm nhỏ như hai cánh chim đang bay chon von trên một đỉnh đồi, ở đấy nắng sớm vừa hé lên khuôn ngực của các bà mẹ lại được thay yếm mới. Một người bảo: “Anh chàng tạm trở lại vì chẳng lẽ để cho một cô nữ như thế đi tiễn chân mình!” Một người nữa bảo: “Họ yêu nhau!” Người thứ ba, ông có giọng nghẹn khói thuốc lào nói rằng: “Anh ấy chưa đi vội là phải. Tết này anh ấy còn phải về. Về để cho cô gái từ nay sẽ không bao giờ còn phải nói dối mẹ, cho mẹ già đêm nằm yên giấc, không còn gặp chiêm bao. Và cái cô gái yêu đời ấy, không khéo Tết này còn dám đánh đu chung cả với chồng, tay đu đưa cao tít đánh lộn vòng cả trời xanh xuống dưới, rồi đêm nằm nhìn đỉnh màn mới lại ngỡ đây là nền trời đầy trăng sao”.
Năm 1960