Diễn đàn lý luận

Chối bỏ đô thị và mơ hồ sinh thái trong tiểu thuyết Nam bộ đương đại

Đỗ Hải Ninh
Lý luận phê bình
12:22 | 03/11/2024
Baovannghe.vn - Từ hướng tiếp cận phê bình sinh thái, bài viết tìm hiểu ý thức sinh thái và sự mơ hồ sinh thái trong tiểu thuyết Nam Bộ đương đại qua ba trường hợp Giữa vòng vây trần gian (Nguyễn Danh Lam), Sự trở lại của vết xước (Trần Nhã Thụy) và Sông (Nguyễn Ngọc Tư).
aa

Văn chương Nam bộ được sinh thành và phát triển trên vùng đất châu thổ chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, địa hình chủ yếu là sông nước, bởi vậy, đặc biệt nhạy cảm với thiên nhiên, sông nước và quan tâm nhiều tới môi trường sinh thái qua những câu chuyện về “Đất rừng phương Nam”, “Biển cỏ miền Tây”, “Đò dọc”, “Mùa gió chướng”... Nối tiếp dòng văn chương dồi dào tinh thần sinh thái đó, ba tác giả cùng thế hệ 7X Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Ngọc Tư với các tiểu thuyết Giữa vòng vây trần gian(1), Sự trở lại của vết xước(2), Sông(3) từ góc nhìn của những người gắn bó với đời sống đô thị đã gặp gỡ nhau trong sự thể hiện mối quan tâm về môi trường sinh thái. Bài viết tập trung khảo sát ba tiểu thuyết cùng viết về nỗi cô đơn và mất mát của những người trẻ trốn chạy đô thị như một chất vấn về mối quan hệ con người - đô thị - tự nhiên, góp phần lý giải tinh thần sinh thái cũng như sự mơ hồ sinh thái của văn chương Nam bộ đương đại.

Chối bỏ đô thị và mơ hồ sinh thái trong tiểu thuyết Nam bộ đương đại
Bài viết tập trung khảo sát ba tiểu thuyết cùng viết về nỗi cô đơn và mất mát của những người trẻ trốn chạy đô thị như một chất vấn về mối quan hệ con người - đô thị - tự nhiên, góp phần lý giải tinh thần sinh thái cũng như sự mơ hồ sinh thái của văn chương Nam bộ đương đại.

Bàn về Những tương lai của phê bình sinh thái và văn học, Karen Laura Thornber nhận định: “(…) giờ đây giới nghiên cứu lại tập trung vào mảng văn học về thành phố và quá trình công nghiệp hóa cũng như vấn đề công bằng/bất công môi trường cùng những vấn đề xã hội liên đới...”(4). Quả vậy, trong nghiên cứu gần đây của Ursula K. Heise, mối quan hệ giữa con người - tự nhiên và đô thị được đặt ra ráo riết bởi theo bà, đô thị là môi trường sống sở trường của loài người, hơn một nửa nhân loại hiện nay sống ở đô thị, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh được coi như là một trong những thách thức môi trường lớn của thế kỷ XXI, cùng với biến đổi khí hậu, sự mất đa dạng sinh thái và bền vững trong thế giới bất bình đẳng tự nó chính là sự thiếu bền vững. Bà cho rằng: “Nghịch lý là, đô thị hóa cũng được xem như là một giải pháp quan trọng đối với những thách thức lớn khác. Cùng lúc, hệ sinh thái đang trở lại đô thị, thừa nhận cái tự nhiên bị bỏ qua ở thế kỷ qua và trong quá trình hình thành một lĩnh vực mới nổi bật của sinh thái đô thị”(5). Đi sâu nghiên cứu Thành phố sinh học, phê bình sinh thái và những thách thức của đô thị, tại Hội thảo “Phê bình sinh thái: tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu”, Ursula có tham vọng trả lời những câu hỏi: “Đô thị và mối quan hệ của nó với tự nhiên đang được hình dung như thế nào trong các tác phẩm hư cấu và điện ảnh đương đại? Những chiến lược trần thuật nào được sử dụng và cái nào đã thất bại khi nó đề cập đến tương lai môi trường trong các đô thị phát triển nhanh?(6) Đây cũng chính là những vấn đề đặt ra trong bài viết này.

1. Ám ảnh nước, hồng thủy và những cảnh báo môi trường sinh thái

Những tác phẩm đặc sắc nhất của văn chương Nam bộ từ Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Đoàn Giỏi đã tái hiện hình ảnh con người Nam bộ hồn hậu, dũng cảm đi “mở cõi” sống giữa thiên nhiên và chinh phục thiên nhiên trong không gian sông nước hoang sơ, thơ mộng, sẵn đầy sản vật. Trong tác phẩm của Trần Nhã Thụy, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Ngọc Tư, dường như vắng bóng hình ảnh con người chinh phục thiên nhiên như trước. Các tiểu thuyết của họ mang một nỗi ám ảnh lớn về sông nước, hồng thủy và con người nhỏ bé, cô đơn thất bại trong thế giới ấy. Những cơn mưa gây ngập lụt, những vụ lở đất, những trận lũ quét, những thảm họa môi trường tràn ngập trong các tác phẩm. Ở tiểu thuyết Sông, dòng sông Di nuôi sống những cư dân nghề hạ bạc nhưng cũng trả thù con người bằng cách “nuốt gọn”, “cuốn trôi” nhiều thứ. Trong hình dung của những cư dân sông Di, cuộc trả thù của dòng sông “đang bị những dãy nhà hai bên bờ chồm ra bóp nghẹt” không chỉ là “trò chơi ngẫu hứng”: “Hồi xưa sông Di chỉ lấy đi những thứ nhỏ thôi... Giờ thì nó dữ tợn, có khi kéo đi cả căn nhà”, “Quán Tầm Sương chìm vào lòng sông sau một tiếng gầm thảng thốt. Dân Ngã Chín không lạ gì với việc một ai đó, một căn phòng nào đó một ngôi nhà nào đó biến mất. Họ quen với việc một người ngồi cạnh mình bỗng dưng lọt tõm vào một cái hố sâu nào”(7). Với con người nơi đây, dòng sông không chỉ còn là người mẹ bao dung độ lượng nữa, mà là bởi dòng nước ấy “nín nhịn và dịu dàng, khéo léo và có vẻ vô hại, nhưng đầy thù hận và hung hiểm”(8). Chi tiết gã chủ quán thì thầm, gọi sông Di là “bà” (“ấy, chớ nói lớn tiếng, bà nghe được”) cho thấy thái độ coi trọng và kính sợ dòng sông như đối với một vị nữ thần. Trong ba tiểu thuyết, cả hồ nước và dòng sông đều vừa là những không gian thực vừa mang tính biểu tượng: đó là dòng sông ô nhiễm đen ngòm nơi Thức ở trọ và nhảy xuống để tẩu thoát, là dòng sông hoang vắng nơi Thức bị lạc đến (Giữa vòng vây trần gian), là dòng sông Di chảy qua những miền quê nghèo buồn hiu hắt, là hồ Thiên trên núi chen chúc người đến hành hương (Sông), là hồ nước trong xanh mênh mông trong giấc mơ của người bảo vệ (Sự trở lại của vết xước). Những dòng sông Thức vượt qua là dòng nước đưa anh đến một bến bờ khác, một kiếp sống khác. Còn Hồ Thiên là nơi người ta tin rằng có thể trút sạch muộn phiền, bệnh tật xuống hồ “để ra khỏi hồ là những con người mới”. Trong Sự trở lại của vết xướcGiữa vòng vây trần gian, những cơn mưa miền nhiệt đới ào đến gây ra nỗi kinh hoàng, ở thành phố là ngập lụt, ở miền núi là lũ quét. Cơn nổi giận của thiên nhiên, những cơn mưa và những trận sạt lở bờ sông, những trận hồng thủy khiến cho con người không thể chống đỡ. Nước và hồng thủy vốn là những cổ mẫu trong văn học nhân loại gắn với motif trừng phạt và sự tái sinh(9). Những ám ảnh nước và hồng thủy trong các tiểu thuyết của Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Ngọc Tư dẫu chỉ liên quan đến một miền đất hư cấu nhưng cũng có ý nghĩa cảnh báo con người hiện đại trong quá trình phát triển, đô thị hóa và chinh phục/cải tạo thiên nhiên.

Bằng sự mẫn cảm của nghệ sĩ và ý thức trách nhiệm đối với xã hội, ba cuốn tiểu thuyết đều ít nhiều, ngầm ẩn hoặc trực tiếp nhắc đến những vấn đề nóng của môi trường sinh thái, những mặt trái của đô thị hóa và văn minh công nghiệp.

Là một trong những quốc gia đang phát triển, Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức đối với môi trường sinh thái: nạn phá rừng, khai thác tài nguyên, lũ lụt, sạt lở đất, ô nhiễm môi trường, biển xâm thực, sự tuyệt chủng các loài sinh vật...(10) Bằng sự mẫn cảm của nghệ sĩ và ý thức trách nhiệm đối với xã hội, ba cuốn tiểu thuyết đều ít nhiều, ngầm ẩn hoặc trực tiếp nhắc đến những vấn đề nóng của môi trường sinh thái, những mặt trái của đô thị hóa và văn minh công nghiệp. Đô thị qua miêu tả ở các tiểu thuyết này là không gian ngột ngạt, ô nhiễm và xô bồ, chen chúc theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Xen lẫn trong những câu chuyện đời tư của nhân vật, Sự trở lại của vết xước nhắc nhớ ý thức môi trường qua hình ảnh nhân vật ngồi ăn ngay bên đường phố, uống bia trong “ly nhựa cáu bẩn” ở một ngã ba “đèn vàng” “bụi bặm”, gần đó có một dãy thùng rác đang chờ được chở đi bốc mùi hôi thối. Cũng vậy, ở Giữa vòng vây trần gian, ngay từ đầu tác phẩm, nhân vật đã xuất hiện trong không gian quán xá nhếch nhác và bùn rác với vỏ trái cây thối, vảy cá, lá chuối. Hình ảnh đô thị ô nhiễm cũng dần hiện qua những dòng sông đen “Nước đặc. Lợn cợn rác rến”, “Chất nước nhớt nhợt”, “Dưới gầm cầu, mùi xú uế sặc sụa thốc lên, lấn át cả mùi mưa”. Môi trường đô thị bị ô nhiễm cũng hiện diện nhiều lần trong Sự trở lại của vết xước. Cuộc sống đô thị buồn thảm, ngột ngạt vì sống chung với rác thải, ô nhiễm nguồn nước, sau cơn mưa, đường phố ngập lụt thành sông, nước mưa sẽ “tràn lên với tất cả mùi hôi cống rãnh, dơ bẩn phố phường”. Thông tin về ô nhiễm nguồn nước được nhắc đến như một sự mai mỉa: trên báo chí hàng ngày người ta “vẫn cãi nhau về chuyện nước bẩn, mặc dù đã mời tất cả các chuyên gia, các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành vào cuộc”. Hình ảnh dòng sông Di trong tiểu thuyết Sông, đoạn chảy qua Bình Khê như bị bức tử vì rác thải và bị lấn chiếm: “Sông ngờ nghệch, không thể nhận ra là nước đang chảy nếu không có những váng rêu nhớt phập phều. Đã vậy chợ Bình Khê còn kẹp cổ nó giữa những dãy nhà cao cẳng tẹp nhẹp. Chỗ có tên là Bến Lở mà chị Ánh đã từng lột giày rửa chân, giờ là một bãi rác nửa chìm nửa nổi”(11). Còn thành phố, nơi sinh sống của nhà báo Mai Triều là khu hẻm ngập sâu đến gối, rác rưởi trôi qua giữa hai đầu gối ướt sũng. Những miêu tả đều dễ khiến người đọc liên tưởng đến tình hình ngập lụt ở các đô thị Nam bộ (Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Phú Quốc...). Do đặc thù địa hình trũng thấp và chịu ảnh hưởng của triều cường, dưới tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến sự ấm lên toàn cầu và nước biển dâng, vấn đề ngập lụt ở thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị Nam bộ là câu chuyện cấp bách hiện nay(12). Ở tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước, con người sống chung với ngập nước, cái bất thường trở nên quá quen thuộc, thậm chí, kẹt xe và ngập nước là những “đặc sản” ở đô thị này. Câu chuyện ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm được nhắc đến nhiều lần trong tiểu thuyết của Trần Nhã Thụy: tình trạng lạm dụng hóa chất, chế biến thực phẩm bẩn độc hại vì lợi nhuận khắp từ nông thôn tới thành thị. Câu mở đầu của cuốn tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước “Cơ thể của chúng ta đang bị nhiễm độc từ từ” được láy đi láy lại chính là lời cảnh báo về sự ô nhiễm môi trường. Những vết xước thỉnh thoảng xuất hiện trên cơ thể mỗi khi chứng kiến nỗi buồn đau trong cuộc đời là những vết xước mang tính biểu tượng. Nhân vật nhà văn trẻ từng muốn ói mửa khi thấy “thấy những con chuồn chuồn va đầu vào kính chắn xe lộp bộp, tươm tóe một chất sệt nhòe như máu”, “thấy buồn khủng khiếp, muốn bước xuống bờ ruộng kia đi đến một cây cầu vắng ngồi ở đó cho hết đêm hoặc lăn xuống một vũng bùn như con trâu hoặc trôi ra dòng sông như con cá”, đó là những phản ứng của cơ thể khi nhân vật phải chứng kiến những cảnh tượng ám ảnh. Nhưng phản ứng mạnh hơn của cơ thể là những vết xước xuất hiện mỗi khi cuộc đời hắn gặp một biến cố, “như bị một loại móng vuốt nào đó cào cấu, cảm giác hơi ran rát nhưng không phải do ai gây ra mà nó tự có” như một nỗi đau mà cơ thể phải chịu đựng. Càng ngày, những tác động đến thể chất càng tăng vì sống ở môi trường đô thị, hắn có dấu hiệu viêm xoang, thị giác bắt đầu giảm sút, mà theo lý giải của bác sĩ “Đây là căn bệnh của công dân đô thị, nơi những nước đang phát triển”. Bằng hình ảnh những vết xước và căn bệnh đô thị, tiểu thuyết của Trần Nhã Thụy lên tiếng cảnh báo về tình trạng ô nhiễm môi trường, bày tỏ nỗi lo âu về tương lai của con người đô thị, gửi gắm những thông điệp để bảo vệ môi trường sinh thái. Trong cả ba tác phẩm, những cảnh báo về môi trường vượt ra khỏi phạm vi của đô thị để chạm đến tồn tại của con người nói chung trong mối quan hệ với tự nhiên. Để phục vụ cho sự sống của con người, thiên nhiên đã bị khai thác cùng kiệt. Hành trình đi dọc sông Di cũng là hành trình nhân vật được tận mắt chứng kiến những hành động vắt kiệt tài nguyên, tận diệt mọi loài cỏ cây sinh vật như chuyện khai thác vàng ở Ngã Chín, chuyện mò ốc Bụt Đồng Nàng, chuyện sôi sục tìm thủy tùng... Những chi tiết đáng buồn về sự biến mất, diệt vong của sự vật khi “ngược dòng sông Di đi đến tận vùng Thượng Sơn mà không nghe tiếng thú rừng táo tác trong đêm bởi có lẽ chúng cũng đã bị săn bán. “Ở đây mọi sự diệt vong đều rất dễ giải thích. Đã bán”(13).

Không chỉ Sự trở lại của vết xước, nhiều tác phẩm khác của Trần Nhã Thụy viết về đô thị và đời sống của những người trẻ lập nghiệp ở thành phố cũng hiện diện những nhân vật vẫn còn một con người nhà quê, “người gốc quê ngụ phố”, “nỗi thèm quê” như tản văn Mùi hương thôn dã, Dưới chân núi Giàng, Con người tinh khôn, con người rồ dại. Tản văn của Trần Nhã Thụy viết sau trận bão đổ bộ vào Quảng Ngãi đã trực tiếp đánh thức tinh thần sinh thái: “Tôi đi giữa rừng dương tan tác, có cảm giác như mình đang khóc”, “Vâng Trái đất cũng chính là một cơ thể”, “chúng ta đều cùng một mẹ thiên nhiên”. Những trăn trở về môi trường sinh thái cũng được bộc lộ trong nhiều tản văn, truyện ngắn và trong Biên sử nước, tiểu thuyết gần đây nhất của Nguyễn Ngọc Tư. Từ những văn bản trực diện đối mặt với sự suy thoái môi trường (ký, tản văn) cho đến các tác phẩm chỉ đề cập đến nó một cách ngắn gọn, hoặc ẩn sau những hình tượng nghệ thuật, văn chương Việt Nam đương đại đã cho thấy những nhận thức về mối quan hệ giữa con người đương đại với môi trường tự nhiên và đô thị, cũng như tinh thần sinh thái đã hình thành trong ý thức của một thế hệ nhà văn hiện nay.

2. Motif “ra đi”, “biến mất” và sự chối bỏ đô thị

Cùng với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay, văn học Việt Nam hình thành một dòng sáng tác về chủ đề đô thị thể hiện những nhận thức về mặt trái của văn minh và những lo âu đối với môi trường sinh thái. Các nhà văn cũng ý thức được rằng, một mặt đô thị hóa là xu thế tất yếu của phát triển đất nước, mặt khác hậu quả của nó khiến cho con người bị tách biệt khỏi thiên nhiên và hệ lụy là sự mất cân bằng, sự đứt rễ đó khiến con người có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nhân tính. Nhiều tác phẩm văn học Việt Nam viết về đô thị cho thấy những bi kịch của con người trong đời sống đô thị(14). Trong văn học trước đây, đô thị là vùng sáng lý tưởng hấp dẫn, vẫy gọi, là chốn phồn hoa, hứa hẹn sự đổi đời nhưng cũng là nơi đầy cạm bẫy, lọc lừa, nơi con người tha hóa nhanh nhất. Tiểu thuyết Việt Nam đương đại đến các tác giả 7x có một sự chuyển hướng quan tâm nhiều hơn đến chủ đề đô thị (Trước đó Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ đã dựng nên những “huyền thoại phố phường” của giai đoạn đầu chuyển sang kinh tế thị trường, nhưng phải từ sau năm 2000, với Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Đỗ Phấn, Phong Điệp, Tiến Đạt, Nguyễn Xuân Thủy... đô thị trở thành không gian quan trọng của tiểu thuyết, tạo nền cảnh để các tác giả khai thác chủ đề kiếm tìm bản ngã). Trong khi viết về đô thị, các cây bút trẻ đào sâu vào tâm trạng con người, đặc biệt là giới trẻ với nỗi hoang mang trước sự thay đổi chóng mặt của đời sống xã hội, nỗi cô đơn của tuổi trẻ nơi phố thị xô bồ, sự nổi loạn của cái tôi, khẳng định bản ngã trước cuộc đời ô trọc... Văn học viết về đô thị cũng tiêu biểu cho xu hướng khám phá bản thể, con người đô thị trăn trở vật vã đi tìm cái tôi của chính mình. Các tác phẩm viết về đô thị mang ý nghĩa kép: vừa đặt con người trong môi trường đô thị, vừa nhấn mạnh hơn đến cái bản ngã: tôi là ai, tồn tại như thế nào. Nhân vật “con người thừa” xuất hiện khá nhiều(15) trong các tiểu thuyết đô thị của Nguyễn Việt Hà (Cơ hội của Chúa), Đỗ Phấn (Vắng mặt), Nguyễn Danh Lam (Giữa dòng chảy lạc)... Đây cũng là xu hướng văn học thể hiện rất rõ sự thay đổi tư duy tiểu thuyết: không tập trung khai thác những xung đột xã hội gay gắt, những vấn đề lớn của thời đại một cách trực tiếp mà đi sâu khám phá những con người cá nhân, với những mâu thuẫn tự thẳm sâu bên trong, những vấn đề tưởng chừng “tủn mủn”, vặt vãnh của đời sống hàng ngày. Văn học đô thị cũng là bộ phận thể hiện rất rõ màu sắc hiện sinh khi thể hiện nỗi âu lo và cảm thức phi lý về đời sống. Văn học đô thị đương đại xuất hiện khá nhiều motif ra đi và biến mất(16), nhưng cốt truyện không nhằm dẫn dắt đến các sự kiện và truy tìm nhân vật như tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết phiêu lưu mà chỉ nhân sự ra đi, biến mất đó để các nhân vật buộc phải soi lại quá khứ bản thân họ và “đi tìm thời gian đã mất”. Nhìn chung, “Văn học đô thị thiên về miêu tả quá trình đô thị hóa ở Việt Nam với nỗi âu lo về sự khủng hoảng nhân tính. Cảm quan chi phối văn học đô thị là tinh thần nhận thức và khám phá mặt trái của môi trường văn minh đô thị vật chất tha hóa con người làm gia tăng các tệ nạn xã hội, đồng thời khiến con người ý thức rõ hơn về chính mình trong sự mất cân bằng sinh thái”(17).

Chối bỏ đô thị và mơ hồ sinh thái trong tiểu thuyết Nam bộ đương đại
Cuộc sống người dân Nam bộ đầu thế kỷ XX - Ảnh: Tư liệu

Cả ba cuốn tiểu thuyết Giữa vòng vây trần gian, Sự trở lại của vết xước, Sông đều đánh dấu sự chuyển hướng của các tác giả thế hệ 7X về mặt thể loại: trước đó họ đã thành danh với truyện ngắn, tạp văn và bắt đầu chuyển sang tiểu thuyết như những thể nghiệm mới mẻ. Nhân vật trong các tiểu thuyết này đa phần là người trẻ, sống ở đô thị một cách chật vật với những bon chen sinh kế, những trăn trở hạnh phúc cá nhân và bên cạnh đó có cả mối lo âu về môi trường sống xung quanh (tự nhiên và xã hội). Với mức độ khác nhau nhưng ba tác phẩm đều có motif nhân vật ra đi, chạy trốn và biến mất: trong Sự trở lại của vết xước, người vợ của “tên nhà văn trẻ” bỗng dưng một ngày biến mất không dấu vết, Giữa vòng vây trần gian là hành trình chạy trốn của Thức trôi dạt trên sông, lạc vào một ngôi làng như chốn lưu đày và cuối cùng biến mất sau cơn mưa lũ tràn qua hang núi. Sông là hành trình đi dọc theo sông Di rời bỏ/đào thoát khỏi môi trường sống quen thuộc của các nhân vật thanh niên thành thị. Sự biến mất của các nhân vật ở mỗi tiểu thuyết dẫu theo những cách khác nhau và có ý nghĩa khác nhau nhưng đều là sự chối bỏ đô thị, từ chối sự ồn ào, xô bồ, từ chối cái văn minh vật chất hào nhoáng mà thiếu vắng hơi ấm con người. Đô thị với họ không còn là môi trường sống hấp dẫn, không còn gì có thể níu kéo, quá cô đơn, lạc lõng và xa lạ, họ ra đi và biến mất. Tràn ngập trong các tác phẩm là sự chạy trốn, sự trôi đi, sự biến mất của con người, nhà cửa, rừng và núi, như nỗi lo âu về ngày tận thế.

Trong Giữa vòng vây trần gian, Thức bắt đầu hành trình lưu đày sau khi chạy trốn khỏi thành phố, một thành phố chỉ xuất hiện thoáng qua ở phần đầu của tác phẩm. Miêu tả thành phố trong số ít trang ngắn ngủi nhưng cảm quan về đô thị khá rõ, đó hoàn toàn không phải là chốn phồn hoa đô hội mà là một thế giới phơi bày toàn bộ những nhếch nhác, tiều tụy của thành phố ban đêm và con người ở chốn tận cùng cô đơn. Phố đêm với những nhân vật lảo đảo hơi men bước qua hè phố: “Đèn phố vàng. Chấp chới thiêu thân. Xác chúng phủ lầy mặt đất, trộn lẫn với bùn”, “Phố dính nhớp. Ánh đèn loe ra. Những dáng người sũng nước”. Nhân vật được miêu tả trong đoạn đầu của tiểu thuyết dần hiện rõ, “với cái tên sử dụng lối bỏ dấu nghịch thanh, nhân vật tên Thức nhưng có dấu ngã đè trên”(18). Trong hơi rượu, câu hỏi buông ra “Về đâu?” không có lời đáp, chỉ có trước mặt là “Phố hút sâu. Buồn rợn. Mỗi tiếng động nhỏ cũng dội vào đến xương sống”. Tiểu thuyết nhấn sâu vào nỗi cô đơn của con người đô thị khi bước trên hè phố nghĩ về cánh cửa đóng im ỉm của căn nhà thuê trọ sẽ trở về, đến nỗi nhân vật “về gần đến nơi lại thèm đi”. Trong bóng đêm thành phố, nỗi thèm con người khiến Thức cố gắng níu gọi một gã tẩm quất không quen biết ngồi uống cà phê cùng để chia sẻ nỗi buồn của kiếp sống dật dờ nơi phố thị: “Trọ buồn. Thế thì thằng nào cũng buồn”. Các nhân vật cũng tự nhận thấy cái đời sống mòn mỏi, nhạt nhẽo, tù đọng “trước kia còn tính ngày tính tháng giờ thôi rồi, vì ngày nào cũng giống ngày nào”. Từng chi tiết đều thể hiện sự ngưng đọng, tù túng của không - thời gian, đến cả cái đồng hồ của bà chủ xe cà phê cũng chết, mọi thứ như đang chết mòn trong sự quẩn quanh. Câu hỏi của Thức dành cho gã tẩm quất dường như chất chứa tất cả những u uất của chính anh: “Thế mày nghĩ mày có sống không?”(19). Đó cũng chính là những băn khoăn, trăn trở của Thức về sự tồn tại của bản thân. Sự chán chường được đẩy đến tận cùng, đến nỗi nhân vật chỉ mong trên đường có cái vỏ lon để vừa đá rồi bước theo nó, nếu nó rớt xuống cống thì thu nhỏ người chui xuống theo nó. “Biết đâu dưới ấy chả có cả một thế giới”(20). Chi tiết này chính là sự chuẩn bị cho cuộc trốn chạy của nhân vật, từ chối đời sống đô thị, bước vào một thế giới khác.

Sự trở lại của vết xước, người vợ của “tên nhà văn trẻ”, sau khi sinh con được mười tháng chín ngày đã lặng lẽ rời khỏi nhà, biến mất lạ lùng “như nước bốc hơi”. Qua lời chuyện trò của nhà văn với người vợ vắng mặt - cũng là độc thoại của chính anh ta - có thể thấy gia đình họ đã có một cuộc sống khá chật vật, cả hai đều cố gắng làm việc chăm chỉ, sống lành mạnh, nhưng số tiền dành dụm được quá ít ỏi để mua được căn nhà như mơ ước nơi thành phố, họ vẫn phải sống trong cảnh thuê trọ với những tủi nhục, uất ức trong đời sống hàng ngày. Sự biến mất “như nước bốc hơi” của người vợ không thể giải thích, không có câu trả lời, có thể là một tai nạn giao thông (mặc dù người chồng đã tìm kiếm khắp các bệnh viện), có thể là do người vợ quá chán nản cuộc sống này, thành phố này. Sự biến mất của cô khiến người chồng không thôi nghĩ ngợi, day dứt, hồi nhớ những ngày họ sống trong cảnh thuê trọ, họ từng bị đội dân phòng kiểm tra giấy tờ trong đêm, nhưng người vợ chỉ im lặng, khi biết mình có mang cũng chỉ lặng lẽ khóc; cô biến mất chỉ hai ngày sau khi gọi điện cho cô bạn thân nhiều lần không nghe máy. Sự biến mất lạ lùng ấy chỉ mơ hồ là một sự chạy trốn và từ chối cuộc sống đô thị. Không chỉ người vợ biến mất trong tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước, mỗi nhân vật đều có một cách trốn chạy thành phố riêng: người bảo vệ chỉ thích làm việc ở những nơi rộng rãi, người đi câu mỗi ngày vẫn ăn, vẫn ngủ trong căn nhà của mình nhưng ông cứ như một “người đi vắng”; và nhà văn trẻ cuối cùng cũng lựa chọn rời xa thành phố cùng với đứa con nhỏ của mình.

Sông cũng có nhiều nhân vật “biến mất” khác nữa: những người phụ nữ mạnh mẽ và thành công/nổi tiếng về phương diện nghề nghiệp, nhưng cô đơn, tuyệt vọng như San và Ánh đều chối từ cuộc sống, rời bỏ đô thị theo cách riêng của mình.

Trong tiểu thuyết Sông, nhân vật Ân bắt đầu hành trình dọc sông Di để thực hiện đơn đặt hàng viết cuốn sách du khảo, nhân tiện lần dấu thông tin của nữ nhà báo Ánh - người đã không trở về sau chuyến đi sông Di trước đó, nhưng lý do thực sự của Ân đằng sau đó là ra đi để giấu nỗi buồn tình yêu (đồng giới) tan vỡ, ra đi mà không có ý định quay về “Cứ nghĩ nếu đi hết, quay về Sài Gòn cậu bỗng sợ. Cậu không biết sẽ làm gì ở đó”(21). Sông cũng có nhiều nhân vật “biến mất” khác nữa: những người phụ nữ mạnh mẽ và thành công/nổi tiếng về phương diện nghề nghiệp, nhưng cô đơn, tuyệt vọng như San và Ánh đều chối từ cuộc sống, rời bỏ đô thị theo cách riêng của mình. San tự thiết kế cho mình một giấc ngủ thật dài, mãi mãi trong căn phòng kín tràn ngập hoa tươi, nhẹ nhàng, buông bỏ. Ánh đi dọc sông Di và không trở về để lại những huyền thoại nửa hư nửa thực cho người kiếm tìm phía sau. Còn Bối là kiểu nhân vật luôn thích chơi trò biến mất, tự tạo kịch tính cho cuộc đời mình, anh ta sống trong “một gia đình có cha mẹ và em gái suốt ngày hùng hục để kiếm danh vị, ngôi nhà có hai giáo sư và một tiến sĩ hoàn toàn không cãi cọ”, ý tưởng của anh ta đầy thách thức “cứ biến mất coi ai là người tìm mình đầu tiên”(22). Với Ân, hành trình dọc sông Di không chỉ là “đi viết sách và để tìm người, đi để quên”, đó còn là một cuộc chạy trốn nhọc nhằn dứt bỏ quá khứ, phá vỡ những ảo tưởng về cuộc đời, về tình yêu, hạnh phúc. Từ motif “ra đi” và “biến mất” nảy sinh những motif mới: hành trình kiếm tìm, dòng hồi ức, cuộc phiêu lưu hay lựa chọn tự hủy.

Dường như có một sự đồng điệu giữa các tiểu thuyết khi motif “biến mất”, “ra đi” của các nhân vật gắn với tâm lý chối bỏ cuộc sống đô thị bon chen, xô bồ để tìm đến một thế giới khác (thế giới như thuở hồng hoang hay thế giới sông nước bí ẩn đầy huyền thoại, hay không gian mơ ước với ngôi nhà có bờ rào cây, đồng cỏ trước mặt với nhiều hoa dại, có thể trồng rau và nhiều gió thổi)... Sự rời bỏ và biến mất không dấu vết, những cái chết của các nhân vật đem lại cảm giác thấm thía hơn với kiếp người mong manh, nhỏ bé, vô thường, tan biến trong đời sống đô thị. Rõ ràng, đô thị trong tác phẩm của các cây bút Trần Nhã Thụy, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Ngọc Tư, dù với các mức độ hiện diện khác nhau (đậm hay nhạt, thoáng qua hay thường xuyên) nhưng đều khiến con người hoang mang, rã rời, chạy trốn. Ân luôn tự nhận thức tình thế của mình: “Quên không phải ở trước mặt, bằng chứng là cậu vẫn nhớ Tú... Chạy trốn không xong, mẹ vẫn gọi về để sửa hàng rào”; “Sài Gòn 448 km. Thông tin khô khan trên cột cây số làm thấy an toàn như thể đã chạy trốn một nỗi ám ảnh nào đó mà nó đã không còn khả năng đuổi kịp mình”. Hành trình rời bỏ đô thị của Ân ở Sông khác với Giữa vòng vây trần gian: nhân vật Ân luôn phải vật lộn giữa quá khứ và hiện tại, dứt bỏ từng phần đời quá khứ, những kỷ niệm khi có Tú ở bên, tình cảm thân thiết với San, Ánh. “Những tin nhắn của bạn bè với theo từ Sài Gòn làm cậu thấy mình đã lạc khỏi dòng chảy của cuộc đời”, “Cậu đã tách dòng hay sông Di cuốn cậu đi?”, “cảm giác mình không thuộc về nơi nào cả, Sài Gòn cũng không mà sông Di thì ẩn nhẫn đằng sau”. Trong Giữa vòng vây trần gian, quá khứ cuộc đời Thức bị xóa trắng sau những lần nước sông gột rửa, đời sống của anh chỉ còn những hiểm họa và những thế lực bí ẩn đe dọa rình rập xung quanh. Sự trở lại của vết xước, ngược lại, không lần theo dấu vết người vợ mất tích mà xoáy vào tâm trạng của người ở lại. Mỗi cuốn tiểu thuyết tái dựng lại đô thị, con người đô thị và thể hiện motif ra đi và biến mất theo những cách khác nhau và hòa tan vào tự nhiên cũng theo những cách riêng. Nhưng tất thảy đều giải ảo những hấp lực đô thị, đập vỡ ảo tưởng đô thị khiến con người có thể bình thản nhìn lại, tìm kiếm cái bản nguyên của chính nó trong mối quan hệ với đô thị và với tự nhiên.

3. Tình yêu thiên nhiên và sự mơ hồ sinh thái

Theo Karen Thornber, “Sự mơ hồ về môi trường tự biểu hiện ra theo nhiều cách đan bện với nhau, bao gồm cả những thái độ nước đôi đối với thiên nhiên; sự nhập nhằng trong nhận thức về điều kiện thực sự của yếu tố vô nhân trong môi trường, thường là hệ quả từ thông tin mơ hồ; những hành vi mâu thuẫn của con người đối với các hệ sinh thái; những chia rẽ, bất đồng trong thái độ, điều kiện và hành vi dẫn đến việc giảm nhẹ hoặc phó mặc vấn đề về sự xuống cấp của môi trường vô nhân một cách chủ động, cũng như việc làm hại, dù không chủ ý, chính những môi trường mà con người đang bảo vệ”(23).

Mặc dù có thể thấy ý thức sinh thái xuất hiện khá đậm nét trong Giữa vòng vây trần gian, Sự trở lại của vết xướcSông, nhưng các tác phẩm này vẫn có một sự mơ hồ sinh thái trong thái độ với tự nhiên. Từ chối đô thị nhưng vẫn tìm cách hòa giải với nó, yêu/tôn thờ tự nhiên nhưng lại mong muốn sở hữu nó, phá vỡ sự yên tĩnh hoang dã của nó.

Mặc dù có thể thấy ý thức sinh thái xuất hiện khá đậm nét trong Giữa vòng vây trần gian, Sự trở lại của vết xướcSông, nhưng các tác phẩm này vẫn có một sự mơ hồ sinh thái trong thái độ với tự nhiên. Từ chối đô thị nhưng vẫn tìm cách hòa giải với nó, yêu/tôn thờ tự nhiên nhưng lại mong muốn sở hữu nó, phá vỡ sự yên tĩnh hoang dã của nó. Trong miêu tả của Trần Nhã Thụy, con người chán nản, thất vọng và rời bỏ đô thị nhưng họ vẫn tiếp tục tồn tại bởi ẩn sâu bên trong tâm hồn có bà mẹ thiên nhiên nâng đỡ: Có nhiều buổi sáng sau khi đưa thằng bé đến trường, hắn quay trở về nhà, nằm yên trên giường nhắm mắt lại. Hắn khép mắt thật chặt, như cố dìm mình xuống tận sâu dưới lòng đất. Đất tươi mới, ấm áp, rơi nhè nhẹ lên đôi mắt hắn”(24). Trần Nhã Thụy đã từng giãi bày về điều này trong tản văn Cha và con và đô thị: “Khi xây dựng cuốn tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước, quả thật tôi đã nghĩ đến một cuộc chạy trốn đô thị cùng với đứa con trai bé bỏng của mình”(25). Giống như nhiều tác phẩm văn học Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, tình yêu thiên nhiên luôn là một truyền thống dễ nhận thấy. Văn học Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung thường bày tỏ tình yêu thiên nhiên, đặt cạnh với tình yêu quê hương, đất nước, yêu bầu trời, trăng sao, dòng sông, cây cỏ... Các tiểu thuyết này tiếp nối truyền thống đó, bày tỏ tình yêu thiên nhiên và khát khao hòa vào thiên nhiên, tự do cùng thiên nhiên. Trong Sự trở lại của vết xước, hình ảnh ông nội sống hài hòa cùng thiên nhiên, không biết chữ, chưa bao giờ bước chân ra đường nhựa, có một cõi sống riêng, tắm truồng với trạng thái nguyên sơ nhất của con người để hòa vào thiên nhiên là một biểu tượng đẹp đẽ của con người sống “thuận theo tự nhiên”. Bên cạnh mơ ước về một căn nhà bình yên, một gia đình êm ấm - một giấc mơ dang dở, tan vỡ, nhân vật nhà văn trẻ luôn mơ về một khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời: mơ thấy mình ngồi ăn trái trên những ngọn cây sạch sẽ, gió rờm rợp(26). Trần Nhã Thụy từng thừa nhận trong tản văn của mình: “Người thành phố hôm nay, đi cùng với sự tiến bộ về nhịp sống số là tái hiện những cảnh quê cho đỡ nhớ đỡ thèm”. Nỗi nhớ quê hương và khát vọng được giao hòa với thiên nhiên được thể hiện rất rõ qua những chi tiết trong truyện: “Hắn thích trồng xương rồng bát tiên và cây cải rổ, mong ước đến căn nhà có hè để trồng hai loại cây ấy, tình yêu chân thành đến nỗi “ngồi với hai cái cây ấy, nhiều khi vợ gọi cũng không nghe thấy, hắn đang trống rỗng”. Đó cũng là cảm giác hạnh phúc của người bảo vệ trong đêm tối mênh mông dưới bầu trời sao rực rỡ. Truyền thống yêu thiên nhiên còn được thể hiện ở việc lấy thiên nhiên làm hình mẫu lý tưởng. Trong Sự trở lại của vết xước, nhân vật luôn hướng tới thế giới tự nhiên, ngưỡng mộ thiên nhiên: “Hắn nhìn đám cỏ đang mọc tự do phía trước mặt. Nắng lên. Gió tới. Dưới lớp cỏ kia là mặt đất sinh hóa, sinh động không ngừng, là những con giun cái kiến đang vui tươi, nhảy múa, đang hồn nhiên sống và hồn nhiên chết, sống bất cứ chỗ nào và chết bất cứ lúc nào”. “Hắn phải sống mạnh mẽ lên và phải thật thanh sạch, như những cây bạch đàn vươn mạnh lên để đón lấy những ngọn gió trên cao”(27). Ở Sông, thiên nhiên là giải pháp trị liệu cho những thương tổn tâm hồn của con người: “Mình thích được chôn giữa một đồng hoa cải vàng như vầy. (…) Cậu cũng muốn được những vạt cải hoa vàng nuốt chửng lấy mình, dìm sâu tận đáy”(28). Con người ồ ạt đổ về hồ Thiên như một cuộc hành hương, để được tắm gội, gột rửa trong nước. Các tác phẩm đều cho thấy tình yêu thiên nhiên dạt dào và chính thiên nhiên trở thành hình mẫu mơ ước của con người, thanh tẩy tâm hồn con người.

Thế nhưng, ý thức về sinh thái trong tác phẩm Sự trở lại của vết xước vẫn đầy mâu thuẫn khi một mặt con người đầy tình yêu thiên nhiên, mặt khác, nhân vật lại ao ước căn nhà của hắn toàn đồ gỗ: kệ gỗ hương, bàn gỗ xà cừ, tủ rượu được chế bằng gốc cây xá xị, tủ để ti vi bằng gỗ tràm bông vàng, phòng ăn có bộ bàn ghế gỗ xà cừ trắng. Sử dụng đồ gỗ thể hiện niềm mong ước được gần gũi, thân thiện với thiên nhiên, để cho thiên nhiên được hiện diện trong môi trường sống của con người. Nhưng đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, khi diện tích rừng ngày càng thu hẹp do nạn phá rừng, khai thác gỗ tràn lan thì ước mong đó cần phải xem xét lại. Ước mong đó, dẫu quá xa xôi và không thể trở thành hiện thực nhưng cũng cho thấy sự mơ hồ sinh thái trong thái độ và ứng xử với tự nhiên. Một trường hợp nữa là người đi câu với đôi mắt xanh lơ - màu của cỏ xanh, đồng xanh, bởi thích nghề tự do, thích hàng ngày đi ra khỏi thành phố, đến những nơi rộng rãi nên ông đã chọn nghề đi câu. So với thời đại đánh bắt cá bằng kỹ thuật cao, thường có tính tận diệt (kích điện, xuyệt điện), công việc đi câu lạc hậu mà lại mang chứa tinh thần sinh thái. Nhưng dẫu là cách thức đánh bắt truyền thống, an lành, ít gây hại đến tự nhiên nhất thì nhân vật vẫn có cảm giác mang nợ thiên nhiên, có lỗi với thiên nhiên. Câu xong con cá lóc mẹ định quay trở lại coi bầy ròng ròng con, “người đi câu” thấy ngực đau nhói, một sự phản ứng của cơ thể tương tự nhân vật nhà văn với những vết xước và những cơn buồn nôn. Trong tiểu thuyết Sông, tình yêu thiên nhiên, ham muốn khám phá và khát vọng tự do khiến ai cũng ao ước được có chuyến đi lên thượng nguồn sông Di như của Ân nhưng tất thảy đều bị trói chân bởi “Hầu hết họ đều là thiêu thân tỉnh lẻ, cái cảm giác bất an đeo đuổi, kiếm được bao nhiêu tiền ngồi đến chức gì đều có cảm giác rồi Sài Gòn sẽ hất cẳng họ đi”(29). Mâu thuẫn trong thái độ với thiên nhiên cũng được thể hiện rất rõ qua cách ứng xử với dòng sông, với những người phụ nữ. Dòng sông mang sức mạnh của vị nữ thần: chở che, nuôi dưỡng con người nhưng cũng dữ dằn, nghiệt ngã lấy đi những gì nó muốn. “Sông Di nguyền rủa những kẻ chắn dòng của nó, không khánh kiệt thì cũng chết oan uổng đâu đó, tưởng tượng bà sông Di nói ê rừng làm ơn giết bọn nó giùm tôi cho bõ tức. Đại ngàn gật đầu ừ được chớ, tôi cũng đang hận tụi nó chặt phá lung tung”. Con người kính sợ gọi sông là bà nhưng cũng chính con người bức tử dòng sông. Trong tiểu thuyết này, dòng sông và hồ nước mang tính cách của người phụ nữ, gắn với hình ảnh phụ nữ. Suốt hành trình dọc sông Di, Ân gặp “rặt toàn những đàn bà”, “những mảnh đời con con”, những tâm hồn cô đơn, những câu chuyện đời buồn tê tái, những số phận trầm luân cùng sông nước. Kể cả dù khi người đàn ông không xuất hiện thì sức mạnh nam quyền dường như vẫn lấn át qua hình ảnh những đứa trẻ đi mua rượu, những cái áo đàn ông căng trên dây phơi... Sự chi phối của sức mạnh nam quyền ấy in đậm trong cách nghĩ của con người vùng đất này, khi Ân hỏi thăm về Ánh thì câu hỏi lại luôn luôn là: chứ Ánh vợ của ai?. Một người phụ nữ bất kỳ trong tâm thức của cộng đồng cư dân sông Di không tồn tại độc lập mà phải neo vào một ông chồng nào đó, “đàn bà không còn tên riêng nữa”. Ở đây, sự mơ hồ sinh thái vừa là tình yêu thiên nhiên, ngưỡng mộ và tôn thờ thiên nhiên, vừa sợ hãi thiên nhiên và hủy hoại thiên nhiên, cũng giống như sự mơ hồ trong cái nhìn về người phụ nữ, vừa như một thế giới bí ẩn, bất ngờ nhưng lại là những nạn nhân chịu những thương tổn thể chất và tinh thần nhiều nhất. Nếu như Sự trở lại của vết xước đôi khi vẫn còn vướng vào sự mơ hồ sinh thái thì Sông đã hướng tới phản biện những mơ hồ sinh thái ấy một cách rõ ràng hơn với câu chuyện dòng sông Di và những người phụ nữ gắn số phận họ với dòng sông ấy.

Cả ba tác giả đều có những nỗ lực vượt thoát khỏi sự mơ hồ sinh thái ấy khi quá trình nhận thức về điều kiện thực sự của yếu tố bên ngoài con người diễn ra trong toàn bộ tác phẩm và kết thúc mỗi tiểu thuyết là những thức tỉnh mạnh mẽ về mối quan hệ của con người với môi trường xung quanh và với tồn tại của chính nó.

Hành trình chạy trốn và lưu đày trong Giữa vòng vây trần gian là một phản đề của thuyết lấy con người làm trung tâm. Câu chuyện Giữa vòng vây trần gian ban đầu đem lại cảm giác giống như một tiểu thuyết phiêu lưu với kiểu nhân vật lạc đến thế giới khác, trải qua những thử thách kinh hoàng, gặp gỡ kỳ lạ. Nhân vật Thức, khi lao mình xuống dòng nước đen trong cơn mưa là đã phó thác số mệnh của mình cho tự nhiên. Nhưng không có hình ảnh người hùng chinh phục thiên nhiên, chiến thắng tự nhiên, tự lập trong hoang dã mà chỉ có con người nhỏ bé trước thiên nhiên hung dữ, trở nên thảm hại, bất lực trước những thế lực vô hình. Ban đầu là đất lở bên sông, rồi cơn lũ chết chóc từ thượng nguồn, cuộc sống chui lủi đói khát, rồi những cơn gió trái mùa, những đe dọa vô hình... Trong cảnh khốn khổ, con chó hoang trở thành bầu bạn, là sinh vật duy nhất ở bên cạnh sưởi ấm cho Thức. Con chó, một sinh vật phi nhân là nơi nương tựa của con người. Sự hoang mang hoài nghi tràn ngập tác phẩm, hành trình trốn chạy của Thức không có quá khứ, không ký ức, chỉ có hiện tại bị lưu đày, bủa vây, đe dọa lơ lửng, thiếu vắng con người. Nơi Thức lạc đến là hoang địa, chỉ có những bụi gai, dòng sông với hai lão già kỳ quái, hay ngôi làng hoang vắng hoàn toàn cách biệt với thế giới văn minh, thức ăn hàng ngày chỉ là miếng bí luộc, nước uống lấy từ sông, đêm ngủ chung với đàn gà đậu trên xà nhà, chịu đựng những thứ khó chịu và kinh khủng nhất như ruồi nhặng, cát bay, gió thốc. Từ chỗ hoảng loạn, hoang mang trước thực tại phi lý, Thức dần sống chung với nó, mặc nhiên như một kiếp khác. Chạy trốn đô thị, nhưng nơi Thức đến không phải là chốn điền viên thanh bình khiến con người được thư thái mà là một cuộc lưu đày, hành xác, một tù ngục rộng hơn và sự kết án vô hình, ở đó thiên nhiên hoang dã, nhưng không dễ dàng đối với con người. Con người nhỏ bé, yếu đuối, bất lực cũng trở thành tâm điểm trong Sự trở lại của vết xước: người phụ nữ đột nhiên biến mất không thể lý giải, nhà văn trẻ lạc lõng giữa đời sống như kẻ đang ở giữa đảo hoang, nhưng may mắn hơn Robinson, bên cạnh có cậu con trai nhỏ, “nhưng cũng chính vì có nó mà hắn thấy mình yếu đuối, lẻ loi hơn bao giờ hết”. Các tiểu thuyết này dường như đã xem xét vị trí của con người trong quan hệ với tự nhiên, rõ ràng, con người là một phần của tự nhiên và phụ thuộc và tự nhiên để sinh tồn. Sự mơ hồ sinh thái cũng được thể hiện qua những cách diễn giải về mối quan hệ giữa con người và môi trường sống. Cả ba tác giả đường như đều có ý thức tạo dựng huyền thoại như một phép đối lập giữa văn minh đô thị và cái nguyên thủy, sơ khai, cái lý tính và cái bí ẩn, kỳ lạ, không thể lý giải: những giấc mơ và ám ảnh nửa hư nửa thực của Thức (Giữa vòng vây trần gian), những vết xước tự dưng xuất hiện trên cơ thể, sự biến mất như bốc hơi của người vợ (Sự trở lại của vết xước), giai thoại về Ánh và thằng nhỏ - con của Hà bá đi theo muốn lấy cô làm vợ, những bóng người lướt qua thánh đài, chợ Chằm của người âm (Sông)... Tuy nhiên, cả ba tác giả đều có những nỗ lực vượt thoát khỏi sự mơ hồ sinh thái ấy khi quá trình nhận thức về điều kiện thực sự của yếu tố bên ngoài con người diễn ra trong toàn bộ tác phẩm và kết thúc mỗi tiểu thuyết là những thức tỉnh mạnh mẽ về mối quan hệ của con người với môi trường xung quanh và với tồn tại của chính nó. Đó cũng là cách mà văn chương khiến con người phải nhìn lại thái độ ngạo mạn của nó với tự nhiên, ngẫm ngợi về triết lý “thuận theo tự nhiên”.

Đô thị hóa ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển với tốc độ chóng mặt và gây ra những hệ lụy lâu dài. Tiểu thuyết Nam bộ đương đại, qua ba trường hợp tiêu biểu của các tác giả thế hệ 7X: Giữa vòng vậy trần gian, Sự trở lại của vết xước, Sông đã mang lại những hình dung về đô thị trong bối cảnh suy thoái môi trường và những cuộc chạy trốn, đào thoát khỏi “vòng vây trần gian” đó. Bằng những chiến lược trần thuật mà các tác giả sử dụng trong các tiểu thuyết, từ motif “biến mất”, “ra đi”, những ám ảnh biểu tượng nước và hồng thủy, sự tạo dựng huyền thoại, các tác phẩm văn chương phương Nam đã thể hiện nỗi lo âu, bất an và khát vọng được giao hòa với thiên nhiên của con người đương đại.


1. Nguyễn Danh Lam, Giữa vòng vây trần gian, Nxb. Hội Nhà văn và Đông A DC, H., 2005.

2. Trần Nhã Thụy, Sự trở lại của vết xước, Nxb. Trẻ, TP. HCM., 2015.

3. Nguyễn Ngọc Tư, Sông, Nxb Trẻ, Tp. HCM., 2012.

4. Karen Laura Thornber, “Những tương lai của phê bình sinh thái và văn học” (Trần Ngọc Hiếu dịch), in trong: Phê bình sinh thái là gì (Hoàng Tố Mai chủ biên), Nxb. Hội Nhà văn, H., 2017.

5. Ursula K. Heise, Jon Christensen: “Biocities Urban ecology and the cultural imagination”, The Routledge Companion to the Environmental Humanities (Ursula K. Heise, Jon Christensen, Michelle Niemann edited), Routledge, 2017, tr.452.

6. Ursula K. Heise, “Thành phố sinh học: phê bình sinh thái và thách thức của đô thị”, Kỷ yếu Hội thảo Phê bình sinh thái: tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017, tr.232.

7. Nguyễn Ngọc Tư, Sông, Sđd, tr.32.

8. Nguyễn Ngọc Tư, Sông, Sđd, tr.33.

9. Ví dụ câu chuyện về con thuyền Noah trong Kinh Thánh hay motif quả bầu trong truyện cổ tích Việt Nam. Xem thêm: Đinh Hồng Hải, Nạn Hồng thủy và motif quả bầu trong văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á dưới góc nhìn Khu vực học (Deluge and Gourd Motif in Vietnamese and Southeast Asian Culture from the Perspective of Regional Study), Tạp chí Bảo tàng và Nhân học, số 2, 2018, tr.42-56.

10. Xem Lưu Thế Anh (2020), “Những vấn đề môi trường cấp bách của Việt Nam: thực trạng, xu thế, thách thức và giải pháp”, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020. Nguồn: https://kinhtetrunguong.vn.

11. Nguyễn Ngọc Tư, Sông, Sđd, tr.69.

12. Xem Nguyễn Việt Hưng, “Ngập lụt do triều cường ở thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí Khí tượng thủy văn, số 12, 2011, tr.47-56.

13. Nguyễn Ngọc Tư, Sông, Sđd, tr.184.

14. Đặng Thị Thái Hà, Căn tính, thân thể và sinh thái, Nxb. Hội Nhà văn, H., 2019, tr.122-185.

15. Nhân vật con người thừa được biết đến là kiểu nhân vật nổi bật của văn học hiện thực Nga, luôn hoài nghi, chán chường, sống bên lề xã hội, không có mục đích, lý tưởng, sống quẩn quanh.

16. Trong Biên niên ký chim vặn dây cót (Murakami): con mèo mất tích, người vợ cũng biến mất; trong Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Phương bỏ đi, Kiên cuối cùng cũng ra đi; ở T mất tích (Thuận): người vợ đột nhiên biến mất không lý do...

17. Đỗ Hải Ninh, “Khủng hoảng môi trường và số phận của cộng đồng thiểu số trong tiểu thuyết Paris 11 tháng 8 của Thuận”, in trong: Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Phê bình sinh thái: tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu, Nxb. Khoa học xã hội, H., 2017 tr.778.

18. Nguyễn Danh Lam, Giữa vòng vây trần gian, Sđd, tr.9.

19. Nguyễn Danh Lam, Giữa vòng vây trần gian, Sđd, tr.13.

20. Nguyễn Danh Lam, Giữa vòng vây trần gian, Sđd, tr.16.

21. Nguyễn Ngọc Tư, Sông, Sđd, tr.164.

22. Nguyễn Ngọc Tư, Sông, Sđd, tr.80.

23. Karen Laura Thornber, “Những tương lai của phê bình sinh thái và văn học” (Trần Ngọc Hiếu dịch), in trong: Phê bình sinh thái là gì (Hoàng Tố Mai chủ biên), Nxb. Hội Nhà văn, H., 2017.

24. Trần Nhã Thụy, Sự trở lại của vết xước, Sđd, tr.158.

25. Trần Nhã Thụy, Cuộc đời vui quá không buồn được, Nxb. Phụ nữ, H., 201,3 tr.207.

26. Trần Nhã Thụy, Sự trở lại của vết xước, Sđd, tr.85.

27. Trần Nhã Thụy, Sự trở lại của vết xước, Sđd, tr.146.

28. Nguyễn Ngọc Tư, Sông, Sđd, tr.23.

29. Nguyễn Ngọc Tư, Sông, Sđd, tr.77.

Bài in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Sinh thái và văn hóa Nam bộ trong văn học Việt Nam”, Hội thảo của Viện Văn học và Đại học Văn Lang, Nxb ĐH Quốc gia TP.HCM, 2022.

Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh | Báo Văn nghệ

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Vài nét về chủ nghĩa Mác sinh thái Phê bình sinh thái - trào lưu nghiên cứu của thế giới Thiên nhân hợp nhất từ góc nhìn sinh thái Văn học sinh thái là thử thách với người viết và thú vị với người đọc Một số vấn đề sinh thái văn hóa trong nghiên cứu văn học
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.