Văn hóa nghệ thuật

Cây Quân Tử của Hoàng Thiện Phúc

Quỳnh Hương
Mỹ thuật
08:48 | 29/10/2024
Baovannghe.vn - Hoàng Thiện Phúc vừa trở lại với không gian Mơ Art Space với 17 tác phẩm qua triển lãm Cây Quân Tử (tree of virtue), giám tuyển Nguyễn Hải Nam.
aa

Mượn chuyện cây để nói chuyện người; mượn sự bền bỉ của thế giới tự nhiên để phơi lộ sự can thiệp của con người vào thiên nhiên - 17 tác phẩm gồm các bức tranh khổ lớn và điêu khắc gốm của hoạ sĩ Hoàng Thiện Phúc trưng bày trong triển lãm Cây Quân Tử (tree of virtue) tại không gian nghệ thuật Mơ Art Space (Hà Nội) mang đến không gian thưởng thức và đối thoại cho người thưởng lãm.

Sau triển lãm cá nhân đầu tiên tại Mơ Art Space “Phúc - Vẽ. Cắt. Dán. Xếp” vào năm 2021, Hoàng Thiện Phúc vừa trở lại với không gian nghệ thuật này với triển lãm Cây Quân Tử (tree of virtue), giám tuyển bởi Nguyễn Hải Nam. Trong lần trở lại này, hoạ sĩ trưng bày 17 tác phẩm gồm các bức tranh khổ lớn và 2 tác phẩm điêu khắc gốm, thành quả trong 3 năm sáng tác gần đây. Trước đó, tác phẩm của Hoàng Thiện Phúc cũng được trưng bày tại triển lãm chung “Cẩm nang sử dụng cuộc đời” diễn ra vào giữa tháng 6 - 7/2024 tại VCCA, giám tuyển bởi Đỗ Tường Linh.

Mối quan hệ người - thiên nhiên

Hoàng Thiện Phúc từng chia sẻ, Paul Cézanne (1839 - 1906) là một trong những hoạ sĩ ảnh hưởng đến sáng tác và thực hành nghệ thuật của anh. Điều thú vị là, Cézanne thường xuyên đi về giữa Paris và Aix-en-Provence, thị trấn quê hương của ông. Đặc biệt, nhiều tác phẩm xuất sắc của hoạ sĩ Pháp có cảm hứng từ cảnh quan thiên nhiên tại quê nhà Aix-en-Provence. Sau khi tốt nghiệp khoa Sơn dầu, Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh 2020, Hoàng Thiện Phúc cũng thường xuyên đi đi về về giữa Sài Gòn và La Gi (Bình Thuận). Đây là một chi tiết nhỏ nhưng có thể phần nào mở ra về góc tiếp cận tác phẩm và thế giới nghệ thuật của nghệ sĩ thị giác trẻ sinh năm 1994. Trong quãng thời gian “ở hẳn” tại quê nhà, một làng chài bình yên ven biển miền Trung, Hoàng Thiện Phúc đã dành thời gian để suy tư về giữa thực hành nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên và văn hoá đang thay đổi tại quê hương mình.

Sự thay đổi về mặt địa lý, bao gồm cả cảnh quan đã trở thành nguồn cảm hứng đặc biệt cho Hoàng Thiện Phúc. Anh bắt đầu thoát ra khỏi lối mòn sáng tạo thông thường, bằng cách làm thơ, ghi chú những chiêm nghiệm, tạo ra những câu chuyện hư cấu, khám phá văn chương. Đây cũng là “nền tảng ý niệm” cho các sáng tác hội hoạ của Hoàng Thiện Phúc trong 3 năm sau khi bỏ phố về quê, từ 2021 - 2024, và sáng tạo nên nhiều tác phẩm có chung chủ đề. Cây Quân Tử (tree of virtue) là một trong những chùm tác phẩm quan trọng của anh trong giai đoạn sáng tác này.

Những tác phẩm tranh khổ lớn của Hoàng Thiện Phúc trong triển lãm Cây Quân Tử “giăng mắc”, “trói” người xem vào một không gian, nơi cảnh sắc thay đổi, không chỉ ở các chủ thể, mà còn là dấu ấn ở sự biến đổi. Các tác phẩm có màu sắc tươi sáng nhưng đều ẩn chứa dấu ấn cơ học, hoá học và thậm chí “quyền lực” (tác động giữa con người với thiên nhiên và ngược lại), tái tạo sự khắc khổ và kiên cường trong cùng một tác phẩm. Tranh thiên nhiên, cây cỏ của Hoàng Thiện Phúc không hẳn là lối trực hoạ nhằm cung cấp một tầm nhìn có tính thẩm mỹ, nhưng là bứt ra khỏi bối cảnh để tái tạo nên cách tiếp cận và tiếp nhận mới.

Trong hầu hết tác phẩm tại triển lãm, công chúng đều thấy sự “can thiệp” của con người (kể cả khi không xuất hiện) vào không gian thiên nhiên. Đó là những cột trụ chống đỡ cây khỏi ngã, những dây nhợ giăng mắc lên những gốc cây bị quật ngã hoặc sắp đổ. Có những sự biến đổi tinh vi hơn nữa khi sự “can thiệp” này đã mất đi dấu vết của con người, thông qua một quá trình dài, khi cảnh quan nhuốm màu siêu thực bởi những biến đổi hoá học khiến cho cây cối, thiên nhiên trở nên kỳ ảo, giả tạo và nhựa hoá.

Mượn chuyện cây để nói chuyện người; mượn sự bền bỉ của thế giới tự nhiên để phơi lộ sự can thiệp của con người vào thiên nhiên - 17 tác phẩm gồm các bức tranh khổ lớn và điêu khắc gốm của Hoạ sĩ Hoàng Thiện Phúc trưng bày trong triển lãm Cây Quân Tử là một đối thoại nghiêm túc và nghiêm khắc của người nghệ sĩ trẻ trước thực tế đang diễn ra.

Cây Quân Tử của Hoàng Thiện Phúc
Nghệ sĩ thị giác Hoàng Thiện Phúc (trái) bên cạnh một tác phẩm của mình trong triển lãm Cây Quân Tử (tree of virtue) tại Mơ Art Space. Ảnh: Mơ Art Space

“Đặc tính” của đối thoại

Tương quan về môi trường và thổ nhưỡng của La Gi và Bình Thuận là câu chuyện đang diễn ra trong thực tế. Người dân thiếu nước sinh hoạt cục bộ và diện tích phủ xanh đang ngày càng giảm dần, tính đến năm 2024. Với nghệ thuật, Hoàng Thiện Phúc đã có một cuộc đối thoại bằng “thực hành” của mình. Anh không giấu giếm việc biểu đạt mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên (dù ở khía cạnh vật chất hay tinh thần) trong các tác phẩm của mình trong lần triển lãm.

Qua các tác phẩm, anh làm rõ “mối quan hệ” này chính là sự áp đặt, khi con người ngây thơ và liều lĩnh tin rằng mình có thể kiểm soát thiên nhiên. Quan niệm ngây thơ “thiên nhiên rồi sẽ trở lại” thường được sử dụng để mô tả sức sống kiên cường của thực vật và hệ sinh thái sau thảm hoạ. Sự tái sinh và thích nghi của thiên nhiên trong quá trình can thiệp này chính là những “cây quân tử”, trong quan điểm của người nghệ sĩ trẻ.

Để làm rõ đặc tính “đối thoại” thiên nhiên - con người, Hoàng Thiện Phúc đã “sáng tạo” ra cách thể hiện của riêng mình. Người hoạ sĩ gần như bứt các chủ thể ra khỏi không gian thực và tạo ra một thế giới riêng, thiết lập một cách biểu đạt khác. Từ đó, anh cũng yêu cầu công chúng một cách tiếp nhận nghiêm khắc hơn. Tháo đi những vẻ đẹp chỉ để lại những chủ thể vừa mang tính ấn tượng và trừu tượng là cách mà Hoàng Thiện Phúc sử dụng. Công chúng vừa có thể “hiểu” nhưng quan trọng hơn chính là “phản ứng” lại với thế giới trong tác phẩm.

Những gốc cây trụi lủi, gãy gập, những sợi dây giăng mắc; những trụ chống, vẻ hoang tàn trên nền rực rỡ cho thấy sự nhân tạo, truyền tải sự can thiệp của con người ở cả mặt vật lý lẫn tinh thần đối với thiên nhiên. Sự kết hợp giữa chất liệu sơn dầu trên toan với những vết quệt mạnh tạo nên sự gồ ghề, sắc cạnh bên cạnh những chất liệu sơn phun, dây vải… cho thấy một thế giới thiên nhiên được vá víu, chống đỡ “thảm hại”. Những khung cảnh sau nhà, qua một lớp rèm nhanh chóng biến mất vẻ “tự nhiên”, chỉ còn tồn tại trong tâm tưởng người hoạ sĩ, thường là hoang tàn, vụn vỡ. Bên cạnh 15 tác phẩm tranh khổ lớn, hai tác phẩm điêu khắc gốm trong triển lãm lần này cũng tạo nên cuộc đối thoại nghệ thuật khác dù nó vẫn không thoát khỏi những biểu hiện mà Hoàng Thiện Phúc theo đuổi trong chủ đề này.

Không gian địa lý và văn hoá đã tác động đến chủ đề sáng tạo của người nghệ sĩ, từ đó nảy sinh ra các cuộc đối thoại thông qua nghệ thuật. Nếu như 3 năm trước, lúc người nghệ sĩ trẻ vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM, tìm cách “đối thoại” với xã hội đương đại với các chủ đề như “Mối quan hệ”, “Giới hạn”, “Ích kỷ” và “Kỳ thị”. Có thể, Hoàng Thiện Phúc không cố tình mở ra cuộc đối thoại giữa con người và thiên nhiên nhưng “đặc tính” (đối thoại) này luôn tồn tại trong các loại hình nghệ thuật. Nhưng với Cây Quân Tử, anh thực sự đã mở ra những tương tác, những đối thoại về thiên nhiên và con người. Điều đáng nói ở đây, Hoàng Thiện Phúc không hẳn đi vào lĩnh vực nghệ thuật sinh thái, vốn đã và luôn là “mốt” trong thế kỷ này, thay vào đó biểu đạt những đối thoại của riêng anh, một người nghệ sĩ với cảnh quan thiên nhiên quê hương mình.

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Dương Bích Liên của "Nghiêm Liên Sáng Phái": Tài năng nhưng cô độc giữa đời Chiêm ngưỡng Cách mạng Mỹ qua những kiệt tác lịch sử Thư gửi (hay là lời tự thú) của một hoạ sĩ trẻ Họa sĩ Hồ Hữu Thủ - Thả mình trong cõi vô niệm Tiếng vang lịch sử: Diễn giải Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua hội họa
Khai mạc: Hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Khai mạc: Hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Baovannghe.vn - Trong hai ngày 21 và 22/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Trượt - Thơ Vũ Thanh Hoa

Trượt - Thơ Vũ Thanh Hoa

Baovannghe.vn- Đám mây chiều sũng nước/ trùm lên thành phố
Bài thơ "Không nói" của Nguyễn Đình Thi

Bài thơ "Không nói" của Nguyễn Đình Thi

Baovannghe.vn - Nhà thơ Nguyễn Đình Thi - gương mặt thơ tiêu biểu của thơ ca kháng chiến, từng để lại ấn tượng đáng quý trong bạn đọc yêu thơ về sự cách tân, tìm tòi và sáng tạo cho thơ ca hiện đại...
Bài thơ “Chợ chim” của Hữu Thỉnh

Bài thơ “Chợ chim” của Hữu Thỉnh

Baovannghe.vn - Nói đến Chợ chim là nói đến chim và chợ. Đây là cuộc họp mặt ăn tiệc rộn ràng của họ hàng nhà chim tại cái chợ của chúng - chợ theo cách hiểu của tác giả bài thơ...
Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ đêm và sáng sớm trời rét, ngày nắng hanh.