Sáng tác

Chạy dưới mưa - Truyện ngắn dự thi của Đặng Chương Ngạn

Đặng Chương Ngạn
Truyện
10:00 | 12/07/2024
Nhà văn Đặng Chương Ngạn đã tham gia cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2022 - 2024 ngay từ khi được phát động. "Kho báu" là một trong hai truyện ngắn dự thi của nhà văn đã được chọn vào Top 10 truyện ngắn hay nhất năm 2023. Đến số báo Văn nghệ số 27/2024, truyện ngắn dự thi "Chạy dưới mưa" đã làm nên chùm 3 truyện dự thi xuyên suốt cuộc thi này.
aa

Gần sáng, cứ nghe tiếng sáo trúc, mẹ tôi lại trở mình: “Cái thằng Tuyến đi học rồi đấy!”

Lặng đi một lúc giọng mẹ thắt thẻo: “Trường dời về Thạch Xuân xa hơn chục cây số, mùa đông đường sá ngập bùn… Khổ… Khổ… Chịu cực vầy rồi có làm vương làm tướng gì được không!”

Sáng nào, tiếng sáo trúc của anh Tuyến cũng đánh thức tôi. Nằm nán thêm một chút trong chăn ấm đệm rơm, tôi cố trở dậy học bài. Ngoài kia, vẫn còn tối lắm. Trời mù căm, gà gáy canh năm, ngoài ngõ cách mười bước chân vẫn chưa rõ mặt người. Tôi khoác áo bông, trùm cái chăn sợi gai dày sụ ngồi vào bàn học mà vẫn run cầm cập, nghĩ đến anh Tuyến đơn độc trên con đường lầy lội bùn, đầy ổ chân trâu, trần mình trong gió bấc… đến trường mà ái ngại.

*

Làng Chùa Nấp chỉ có trường tiểu học. Học cấp 2, phải qua xã bên cạnh. Học cấp 3 thì cả huyện chỉ có một ngôi trường ở Thạch Xuân. Thanh niên làng tôi học xong cấp 2 tự cho đã đủ, không còn ai đi học tiếp cấp 3 trường huyện nữa. Xa quá. Đường lầy lội quá. Để đến kịp giờ học thì phải đi từ mờ sáng… Chỉ còn anh Tuyến vẫn kiên nhẫn đến trường.

Ở làng, cũng chỉ mình anh Tuyến có mấy cuốn sách mà ai thích đọc có thể đến mượn: Thép đã tôi thế đấy, Ruồi trâu, Truyện núi đồi và thảo nguyên, Giamilia, Đường đến khoa học… Chỉ có anh Tuyến đặt thường xuyên qua bưu điện tờ báo Văn nghệ và Toán học tuổi trẻ. Tờ Toán học tuổi trẻ ra hằng tháng, còn báo Văn nghệ ra hằng tuần. Thứ bảy báo Văn nghệ phát hành thì thường thứ ba, thậm chí 10 ngày sau, mới đến tay anh Tuyến.

Ông Chắt Khoái, người đưa thư của xã, luôn ca cẩm với mọi người: “Không có ai đi đòi báo như thằng Tuyến. Tôi phát báo cho mọi người lỡ có thiếu một vài tờ họ đều bỏ qua, riêng cái thằng Tuyến cứ càm ràm mãi, như đòi nợ. Nếu là tờ báo khác, tôi đã lấy đâu đó, đưa nó cho xong. Nhưng cái báo Văn nghệ, cả xã, cả tổng này chỉ mình nó đặt mua. Lỡ mất, không kiếm đâu ra.” Ông Chắt Khoái không hiểu được vì sao anh lại đòi tờ báo như vậy. Còn tôi, sau này, khi đã nghiền báo Văn nghệ, tôi hoàn toàn hiểu rõ: mất đi một số là một tuần không được đọc mục dọn vườn, không được đọc mấy bài phê bình, một truyện ngắn đang đọc dở… người cứ bần thần, thiêu thiếu, như đánh rơi cái gì đấy. Rồi, sau này, tôi cũng có những cuộc cãi vã với ông Chắt Khoái vì tờ báo Văn nghệ giống như anh Tuyến.

Chạy dưới mưa - Truyện ngắn dự thi của Đặng Chương Ngạn
Chạy dưới mưa (Minh họa của họa sĩ Đỗ Dũng)

Hồi ấy, ở quê tôi, thanh niên mê sáo trúc và kèn harmonica. Hầu hết thanh niên đều có cây sáo trúc giắt sau lưng, một ít người có kèn harmonica trong túi. Anh Tuyến thổi sáo rất hay, tiếng sáo có hồn, mê hoặc. Mỗi lần liên hoan văn nghệ, đám cưới, luôn có ai đó thét gọi “Nghệ sĩ sáo trúc Minh Tuyến đâu!”, anh bước lên sân khấu với cây sáo trúc trên tay và đám đông chao đảo theo tiếng sáo của anh.

Nhưng tôi mê nhất tiếng sáo anh vào những đêm trăng, giữa cánh đồng đang mùa thu hoạch nồng hăng mùi cỏ cháy, mùi lá lạc, mùi đất cày ải… Nó mung lung, diệu vợi trộn lẫn vào ánh trăng mê hoặc, phủ lên những khoảng ruộng còn ngổn ngang rơm, rạ, mơn trớn, lênh loang miên man trên những rặng tre ngà. Cả làng Chùa Nấp về khuya trở mình không thể ngủ được vì tiếng sáo. Nhưng, tôi nhớ nhất, tiếng sáo của anh vào mỗi sớm mai, lúc canh năm gà gáy, tiếng sáo ấy thúc hối tôi tỉnh dậy học bài.

Anh nói buổi sáng anh chỉ thổi sáo khi đi băng qua nghĩa địa Cồn Nghê thôi. Thổi vì sợ, có tiếng sáo thấy vững tin hơn khi len chân qua từng ngôi mộ giữa đêm tối…

*

Tôi lên 8, gầy đét như tàu cau, da xanh mét.

Hồi đó, có một bác sĩ sơ tán về làng tôi. Ông thường mặc bộ blouse trắng, đeo tai nghe lủng lẳng trên cổ. Mọi người làng tôi cứ gọi là bác sĩ Trọng. Sau này, tôi mới biết ông chỉ là y sĩ trên bệnh viện tỉnh. Một lần, đạp xe ngang qua tôi, ông dừng lại, rồi hỏi:

“Cháu con ai trong làng?”

“Con mẹ Trân.”

“Cháu nói mẹ Trân đến gặp bác sĩ Trọng nhé!”

Mẹ gặp ông bác sĩ, trở về nhà tâm trạng âu lo, buồn. Mẹ nhìn rất lâu khuôn mặt tôi, săm soi mắt, cằm, cổ, rồi thở dài. Ngay tối đó, mẹ dẫn tôi đến nhà ông bác sĩ. Ông bác sĩ bảo tôi cởi áo ra, đặt cái ống nghe lên ngực tôi, lưng tôi, gõ gõ vào tai nghe mấy lần. Ông bấm ngón tay lên động mạch nổi như một sợi dây thừng xanh lét trên cổ tay tôi, nhìn đồng hồ, lẩm nhẩm đếm: mười, hai mươi, bảy mươi… Tôi bị hở van tim, cần điều trị, không sau này thành bệnh mãn tính hết cứu chữa. Mẹ tôi trả công cho ông bác sĩ một rổ khoai, nhận mấy viên thuốc rồi ra về. Những ngày sau, tôi đi đâu, người làng nhìn tôi với vẻ mặt ái ngại, thương xót. Có người thở dài: Bị bệnh tim thằng bé chẳng còn sống được bao lâu.

Tôi thường ra bờ sông Ruộc ngồi một mình hiu hắt, buồn thảm nghĩ về cái chết. Anh Tuyến tìm đến tôi. Nhìn tôi một lúc, anh phán: “Chết quái nào được. Mà mày chẳng có bị bệnh tim, mày bị bệnh đói ăn nên xanh xao vậy. Mẹ mày đẻ nhiều quá! Mày bị mấy đứa em vét sạch thức ăn, không có gì vào bụng nên thế. Từ giờ, hằng ngày qua nhà anh, anh cho thuốc. Sáng chạy thể dục với anh 20 phút là khỏi!”

Nhà anh Tuyến chỉ có hai mẹ con. Anh là con út, các chị đều đã lấy chồng sang làng bên, nên kinh tế khá hơn nhà tôi nhiều. Tôi qua, anh kéo vào ăn cùng nếu đúng bữa. Còn không, sẽ để dành cho tôi củ khoai, củ sắn. Buổi sáng, khi đi học, anh ghé nhà đón tôi. Hai anh em chạy cùng nhau đến nghĩa địa Cồn Nghê. Tới đấy, anh rút sáo vừa thổi vừa băng qua nghĩa địa, tôi chạy trở về nhà. Không biết tự lúc nào tôi thấy mình khỏe mạnh, yêu đời, không nghĩ đến bệnh hở van tim và cái chết nữa. Anh Tuyến là người rất hay chạy, nhiều việc người khác đi còn anh thì chạy, có lẽ do phải dành thời gian để học bài nên mọi việc anh phải làm nhanh, gấp vì vậy anh phải chạy: chạy ra đồng bứt rạ, gặt lúa, bới khoai, gánh chạy về sân hợp tác… Lũ trẻ con chúng tôi đôi khi vẫn chạy cùng anh. Nhớ nhất, những cơn mưa đầu mùa, anh sẽ thét lên: “Ra đồng, ra đồng nhận lộc trời nào!” Chúng tôi chạy theo anh như bầy vịt nhao nhác dưới mưa, cầm theo rổ, thúng, giỏ...

18 tuổi, tôi hỏi vị bác sĩ đi khám nghĩa vụ quân sự: Tim tôi có vấn đề gì không? Ông bảo chẳng có vấn đề gì. Tim, phổi, dạ dày… lục phủ ngũ tạng đều quá tốt. Tôi bảo ông: Tôi bị bệnh hở van tim. Ông trừng mắt: “Định trốn nghĩa vụ à? Hở đâu mà hở!”

*

Tôi học lên cấp 2, chiến tranh lan đến… Cái chết treo lơ lửng trên đầu mỗi ngày. Chúng tôi học bài dưới hầm chữ A, đi học theo đường hào và đội mũ rơm. Thanh niên trai tráng lần lượt lên đường. Anh Tuyến đang học dở lớp 10 thì nhập ngũ. Anh là con út, độc đinh, được miễn nghĩa vụ, nhưng anh ghi tên tình nguyện. Anh tặng lại tôi tủ sách mini. “Anh đã đặt báo Văn nghệ hết năm nay, em cứ đến ông Chắt Khoái lấy về đọc nhé!” Hết năm, tôi xin mẹ tiền đặt mua tiếp báo Văn nghệ, sau anh Tuyến, tôi trở thành người duy nhất ở xã Hoàng Hạ đặt mua báo Văn nghệ hằng năm và vẫn bị ông đưa thư bêu riếu khắp nơi vì đòi báo dai như đỉa giống thằng Tuyến.

Tôi đi tiễn anh. Tập kết ở xã được phát quân tư trang. Anh chỉnh tề trong bộ quân phục mới, thắt eo, đội mũ cứng, ba lô phồng căng sau lưng. Ba lô anh Tuyến khá nặng vì anh mang theo tất tật sách học lớp 10. Anh sẽ tiếp tục học hết chương trình dù anh đã được đặc cách tốt nghiệp phổ thông. Anh nói học để có kiến thức, hết chiến tranh tiếp tục học đại học. Tôi lẽo đẽo theo anh cho đến khi đoàn xe chở tân binh rời bánh…

Tôi chưa bao giờ thương nhớ một ai quay quắt như vậy. Anh ra đi để lại cả một khoảng trống lớn. Không còn người thầy, người anh, một người bạn thân thiết bên cạnh, tôi cảm thấy thiếu vắng, cô đơn.

Anh Tuyến viết cho tôi mấy lá thư, viết cho bác San mấy lá thư… khi đang luyện tập ở một huyện miền núi, khi đang hành quân vào Nam. “Anh vừa qua sông Trà Bồng em ạ, con sông quá quen thuộc trong thơ Tế Hanh. Vậy là, anh xa em gần ngàn cây số rồi đấy.” Đó là những câu trong lá thư cuối cùng tôi nhận được. Anh mất hút không còn tin tức… Sau năm 1975, những người lính nhập ngũ cùng đợt với anh lần lượt trở về hoặc gia đình nhận được giấy báo tử, anh Tuyến vẫn vô tăm tích…

Có hai người hay ra đứng đầu làng nhìn lên quốc lộ 1 chiều chiều mong ngóng là tôi và bác San. Mỗi khi có một người lính bước xuống con đường đất lối về Chùa Nấp, tôi như nghẹt thở. Nhưng anh Tuyến đã không trở về… Rồi một hôm, anh Nhu, một người làng bên, tòng quân cùng đợt với anh Tuyến, chống nạng gỗ lập bập trước ngõ nhà bác San với tin dữ: Anh Tuyến đã hi sinh. Chính mắt anh nhìn thấy anh Tuyến bị trúng đạn ngã gục xuống, máu chảy trào ra ướt đẫm quân phục, đọng thành vũng trên đất đỏ bazan, trong trận đánh ở Cam Lộ. Khi ấy, tiểu đội trưởng thúc anh xông lên yểm trợ cho mũi giáp công bên phải nên phải rời đi… Nếu anh Tuyến vẫn trở về thì trận ấy, anh chỉ bị thương và đã được cấp cứu, còn đến nay vẫn không có tin tức gì thì chắc chắn anh Tuyến đã hi sinh ngay ở Cam Lộ.

Anh Nhu vừa rời đi, bác gái đã đổ gục xuống bất tỉnh. Chỉ ít ngày sau, bác gái ra đi. Trái tim người mẹ không chịu được nỗi đau quá lớn ấy. Đợi đứa con trở về từng ngày, hi vọng từng ngày, khiến trái tim của người mẹ tan vỡ khi nhận tin buồn. Anh Nhu ân hận nhưng anh chẳng có lỗi gì khi anh không thể mang đến tin vui. Một thời gian, sau nhiều lần lập cập với cái nạng gỗ đi lên Ban chỉ huy quân sự tỉnh, anh Nhu mang về xóm tôi giấy báo tử cho liệt sĩ Đặng Minh Tuyến.

*

Rồi tôi tốt nghiệp lớp 10 xuất sắc. Mấy môn tự nhiên toán, lý, hoá đều đạt điểm tuyệt đối. Hình ảnh anh Tuyến và những người lính cứ ám ảnh tôi, ám ảnh tôi những trang báo Văn nghệ viết về người lính, tôi kí đơn thi vào trường Đại học kĩ thuật quân sự, nơi đào tạo ra những kĩ sư cho quân đội. Năm đó, trường Phan Đình Phùng có 5 thí sinh thi Đại học kĩ thuật quân sự, nhưng chỉ mình tôi đủ điểm vào trường.

Tôi cũng mặc áo lính như anh, học 5 năm, ra trường đeo lon trung uý rồi được điều về một đơn vị quân đội đang xây dựng khu hậu cần dầu khí ở Vũng Tàu. Ngành dầu khí mới phôi thai, chưa khoan được một lít dầu nào, chưa hút lên từ mỏ một lít khí nào, tất cả vẫn trong giai đoạn tìm kiếm ngoài khơi và chuẩn bị kho, bãi, cầu cảng, giàn khoan trong bờ. Chúng tôi xây dựng căn cứ địa vật lý, xưởng cơ khí trung tâm, tiền cảng, kho chứa xăng dầu… Thành phố biển Vũng Tàu như một đại công trường lớn. Tôi trưởng thành trong đại công trường ấy, một năm sau, tôi được phong hàm thượng uý. Sĩ quan kĩ thuật, hai mươi ba tuổi, đeo trên vai một vạch ba sao thực sự hiếm.

*

Vẫn chưa có dầu, có khí… Mọi hi vọng vẫn ngóng trông từ phía biển.

Tất cả đang ở thì tương lai. Những người lính dầu khí: binh nhất, binh nhì, hạ sĩ… từ chiến trường chuyển qua làm việc quên mình nhưng đời sống thật khó khăn với vật giá leo thang biến động từng ngày.

Gần tết, trung đoàn trưởng gọi tôi lên: “Trông cậu nhanh nhẹn. Cậu dân miền Trung nhưng nói giọng Nam còn chuẩn hơn dân Nam Bộ gốc. Tôi cử cậu xuống miền Tây, tìm xem có thể liên hệ với các nông trường dưới đó mua ít nếp, đường về cho anh em ăn tết.”

Tôi loanh quanh Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang. Một ngày, đã gần trưa, tôi đi qua nông trường mía. Dưới ánh nắng như thiêu, như đốt, một người đàn ông cao cao, thanh mảnh đang chất những cây mía lên chiếc xe công nông. Ô! Anh Tuyến! Anh Tuyến! Mắt tôi không thể nhầm được. Tôi bỏ xe máy trên bờ ruộng chạy như bay đến chiếc xe công nông: “Anh Tuyến! Anh Tuyến… Em Chung đây!” Tôi gọi khản cổ, nhưng người đàn ông dường như không nghe thấy, bỏ lại chiếc công nông và đám cây mía đã chặt, quay lưng đi thẳng vào ruộng mía cao ngút đầu, lá múa loạn xạ theo gió lốc… Tôi chạy theo, nhưng khi tôi đến gần, người đàn ông càng bước chân nhanh hơn. Tôi buồn bã quay lui. Sao tôi có thể nhầm được: dáng người ấy, mái đầu ấy, vầng tóc ấy! Nhưng, làm sao còn anh Tuyến ở đây để tôi gặp: Anh đã hi sinh rồi! Anh đã chết trong trận huyết chiến ở Cam Lộ rồi kia mà!

Tôi lầm lũi bước đi dưới ánh mặt trời ban trưa ở Bình Thành như thiêu, như đốt.

“Chung!”

Có tiếng gọi giật ngay sau lưng. Tôi quay lại: anh Tuyến đứng đó, trước mắt tôi bằng da, bằng thịt.

Tôi nhào tới ôm chặt lấy anh và khóc. Tôi hai mươi ba tuổi, khóc như một đứa bé con trên vai anh. Khóc nức nở hơn cả cái lần anh tìm ra tôi bên bờ sông Ruộc khi tôi buồn thảm đón chờ cái chết.

*

Anh Tuyến không hi sinh trong trận đánh đó như anh Nhu người làng nhầm tưởng. Anh bị trúng đạn vỡ nát xương cánh tay, xuyên qua ổ bụng, phá ra sau lưng, lòi cả ruột ra ngoài. Bộ đội địa phương sơ cứu, chuyển anh đến trạm phẫu thuật tiền phương. Anh được cứu sống, nằm điều trị hơn ba tháng, rồi bổ sung vào một đơn vị chiến đấu khác. Sau khi xuất ngũ, anh đã trở về quê, ở quán nước làng bên, anh biết: Mẹ đã mất, xã đã nhận giấy báo tử liệt sĩ Đặng Minh Tuyến, đã làm lễ truy điệu… Anh cũng biết tin tôi đã vào đại học. Mẹ đã mất. Về làng chẳng còn gặp được người thân. Anh qua nghĩa địa Cồn Nghê thắp hương cho bác gái, rồi ra quốc lộ 1, bắt xe quay vào Nam. Anh dự tính sẽ trở về làng một dịp khác sau này, khi anh đã có sự nghiệp, và sẽ làm sáng tỏ sự nhầm lẫn. Anh đã xin vào làm việc ở nông trường mía xa xôi này và luôn lánh mặt để không gặp người cùng quê. Anh nhận ra tôi ngay, khi nghe tiếng gọi của tôi, nhưng đã bỏ đi vì thế.

“Anh không vào học đại học nữa sao?”

“Vào chứ. Em có nhớ hôm lên đường, anh vẫn mang tất cả sách lớp 10 theo không. Rồi sau này, anh phải bỏ bớt lại vì ra trận mang theo một gam cũng phải cân nhắc tính toán. Anh bỏ đi tất cả sách truyện, sổ ghi chép, nhưng cuốn học bạ, sách toán, lý, hoá vẫn giữ. Anh vẫn tự học những lúc có thời gian hết chương trình lớp 10… Giấc mơ đó không bao giờ anh từ bỏ.”

“Sao anh vẫn ở đây?”

Anh thở dài:

“Đấy là một câu chuyện buồn. Có hai lần lẽ ra anh đã đến được giảng đường đại học. Lần thứ nhất, khi đó vẫn đang chiến tranh. Rời bệnh viện, về đơn vị mới, anh cùng một tổ với tiểu đội trưởng trong nhóm hoả lực B41. Tiểu đội trưởng Long, xạ thủ chính, mang súng B41, anh xạ thủ phụ mang AK và ba lô đạn đã nạp liều phóng khi ra trận. Lần ấy, đụng độ với một tiểu đoàn thiết giáp đối phương. Trận đánh hết sức khốc liệt. Tăng chúng tràn qua, nhiều chỗ phòng tuyến đe doạ bị vỡ. Tiểu đội trưởng Long lóng ngóng thế nào bắn 2 quả B41 đều không trúng chiếc M41 đang gầm rú chồm tới, chỉ mấy giây nữa thôi sẽ cán lên ngay trên đầu anh và Long. Anh giật lấy súng trên tay tiểu đội trưởng Long, lắp đạn, nhảy lên khỏi công sự, bắn ngay vào chiếc M41 sắp chồm qua. Rồi lắp đạn, bắn tiếp chiếc thứ 2, bám theo chiếc thứ nhất. Quay qua phải, một chiếc M551 khác từ trên đỉnh đồi đang lao tới. Phát B41 thứ ba trúng ngay chỗ chứa đạn trên xe, đạn phát nổ làm bay luôn cả tháp pháo chiếc Sherian đi xa cả chục mét… Trận đó, đại đội anh hi sinh mất 12 người, bị thương 30 người, nhưng chặn đứng và tiêu diệt sạch tiểu đoàn cơ giới.

Tối đó, Long gọi anh ra ngoài:

“Chiều nay, mình đã báo lên đại đội thành tích diệt ba chiếc tăng… nhưng mình lỡ khai thành tích mình bắn.”

“Nhưng đó là tôi bắn!”

“Đúng! Tuyến bắn! Tuyến là một anh hùng trong giây phút đó. Trận hôm nay, nếu không chặn được hai chiếc M41 đầu tiên ngay thì coi như phòng tuyến vỡ… Nhưng Tuyến ơi, xin lỗi Tuyến, mình là cựu binh, xạ thủ chính không lẽ báo với đại đội mình không bắn được, mình run đến bắn trượt… Tuyến cho mình tạm vay thành tích này!”

Anh đã đấm một cú vào mặt, Long ngã ngửa. Anh nhào tới tính đấm anh ta cú nữa vì tức giận. Long chắp hai tay vái anh: “Tuyến ơi, mình xa nhà hơn mười năm rồi. Nhớ mẹ quá. Người ta bảo đợt này chiến sĩ lâu năm có thành tích xuất sắc sẽ được ra Bắc về thăm nhà!” Anh cũng đang nhớ mẹ, nhớ đến quay quắt và mong được trở về. Anh bỏ đi và đã im lặng không tố việc Long cướp công với cấp trên. Anh nghĩ: Long xa nhà quá lâu, tuổi đã lớn, tư tưởng đang dao động nên hôm nay ra trận không được bình thường. Hoá ra, chuyện không chỉ vậy. Do thành tích đó Long được thưởng huân chương, được bình bầu chiến sĩ thi đua, được rút ra Bắc đi học… Lẽ ra, cái suất đi học đó phải là anh! Một cơ hội như vậy thật hiếm!

Lần thứ hai anh lại bị hụt ước mơ. Lần này, khá lớn chuyện.

Chỉ còn một tháng nữa, bọn anh được ra quân, những người lính đã hoàn thành nhiệm vụ và có thành tích tốt được chọn một số nguyện vọng: đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, đi học văn hoá ở trường quân đội để thi vào đại học hay về quê. Anh ghi nguyện vọng được về học trường văn hoá. Trong ba lô anh đã có quyết định về trường văn hoá quân khu. Trường đó, cả những người lính học rất i tờ vào luyện 5-6 tháng, thi đại học điểm cao chót vót. Anh em trong đại đội đùa: thông minh như anh điểm thi dư sức đi du học…

Tối ấy, bất ngờ đơn vị anh được huy động hỗ trợ cùng bộ đội biên phòng bắt một vụ tổ chức vượt biên lớn, bằng tàu biển theo mật báo. Bộ đội biên phòng sẽ tập kích vào vị trí đám vượt biên đang tập kết trên bờ biển chuẩn bị xuống tàu, ba trung đội bọn anh sẽ hỗ trợ vòng ngoài, đón lõng bắt những người vượt biên trốn chạy lúc hỗn loạn. Anh được giao đứng chặn ngay lối mòn dẫn qua đám dừa nước vào khu dân cư ven biển. Sau tiếng súng nổ ở nhóm tập kích khoảng 10 phút, một cô gái kéo theo một người đàn ông lao vào lối mòn đó. Họ là hai cha con. Ông bố nguyên là công chức hành chính, cô con gái học dở năm nhất đại học. Ông bố đang bị bệnh gan, không có thuốc điều trị, chỉ có cách trốn ra nước ngoài, đến Phần Lan nơi con trai ông du học xong đang làm bác sĩ ở đấy. Anh biết vậy, vì họ mang theo đầy đủ giấy tờ cá nhân và cả bệnh án của ông bố đưa cho anh xem để xin được tha. Cô gái cố dúi vào tay anh cái túi nhỏ đựng vàng: “Đây là tất cả tài sản còn lại của ba con em!” Anh đã gạt phắt đi: “Không được mua chuộc người lính chúng tôi. Cả hai về đồn.” Cô gái trắng trợn: “Ông lính, nếu ông không cần vàng, ông có thể giữ em lại nhưng cho ba em đi. Vì nếu bị bắt ba em sẽ chết bệnh trong tù!” Anh quát: “Đằng sau quay, đi về đồn!” và kéo cò súng. Cô gái đó nhào đến ôm chặt lấy anh: “Ông lính, ông có thể làm gì em cũng được! Em mười chín tuổi, còn trong trắng!” Chính vì câu nói đấy, anh quyết định để cha con cô ấy đi. Anh đứng sang một bên, nói rất khẽ: “Hai người đi nhanh đi!”

Đêm đó, bên biên phòng và đại đội anh cũng chỉ giữ lại được khoảng hai trăm người, hơn trăm người đã chạy thoát vào lúc hỗn loạn… Chẳng ai phát hiện ra việc anh tha cho hai cha con họ nếu anh không dại dột tâm sự với một đồng đội. Câu chuyện loang ra cả trung đội, đến tai cấp trên. Kỉ luật được thi hành ngay. Nếu không vì những thành tích chiến đấu trước đó, anh đã bị tước quân tịch. Anh bị cảnh cáo, hạ quân hàm xuống binh nhất, và cho xuất ngũ. Cánh cửa vào trường văn hóa luyện thi đóng sầm lại.

Xuất ngũ, anh đã về quê và rồi khi biết mẹ đã mất, anh quay lại nơi này. Em biết ở quê mình, dòng họ mình, những người đào ngũ đều phải bỏ xứ đi xa vì không chịu đựng được sự khinh ghét. Anh là một quân nhân bị kỉ luật, bị hạ quân hàm… sẽ bị khinh ghét hơn! Làm sao có thể chịu được ánh mắt của các ông, các cụ trong làng, trong họ. Mà nói ra sự thật như anh vừa kể cho em thì chắc chẳng ai tin…”

Tôi thở dài cảm thông cho số phận cay đắng của anh. Anh trầm ngâm: “Phải chăng do anh em mình đọc nhiều sách về chiến tranh, đọc quá nhiều truyện về người lính nên sống lí thuyết khác người ta quá chăng!”

Sực nhớ ra, tôi hỏi anh:

“Anh có hay đọc báo Văn nghệ nữa không?”

“Không. Ở đây muốn đọc cũng không có báo. Nhưng đi qua chiến tranh rồi, anh không còn muốn đọc những câu chuyện viết về người lính, viết về chiến tranh trong sách báo nữa! Hình như những câu chuyện ấy được viết bởi những người chưa ra trận, hay chỉ đi qua bên lề các trận chiến.”

Lúc chia tay, anh cứ nhìn mãi cái quân hàm trên vai tôi:

“Không ngờ, đứa em của anh mới 23 tuổi đã đeo hàm thượng uý. Ở chiến trường cỡ em đã là tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, chỉ huy cả trăm lính thét ra lửa. Có mơ, anh không bao giờ được ngồi cùng để bàn chuyện quân.”

Rồi, anh nhìn tôi, gật gù như lão thầy tướng ở Đền Hạ, phán:

“Tai to, trán cao, mắt sáng, dáng đi chậm rãi, từ tốn… Hai mươi ba tuổi đã đeo lon thượng uý, bốn mươi tuổi em sẽ đeo lon tướng! Còn nếu làm bên dân sự, ít nhất cũng là tổng giám đốc công ty có chục ngàn quân!”

Tôi cười: “Tướng em khác gì anh, đều tai to, trán cao, mắt sáng…”

Anh nghe vậy, trầm ngâm rất lâu, rồi cười: “À, há!…”

Đôi mắt anh buồn, ánh nhìn xa xăm.

Chạy dưới mưa - Truyện ngắn dự thi của Đặng Chương Ngạn
Chạy dưới mưa (ảnh minh họa)

Tôi gửi thư cho anh theo địa chỉ nông trường. Anh hồi âm đều đặn. Rồi đến một thời gian, thư của tôi bên bưu điện trả lại: không có người nhận. Tôi tìm được số điện thoại nông trường. Gọi đến, họ dập máy, hoặc trả lời cộc lốc: “Không có ở đây!” Thật lạ! Cho đến một hôm, bên kia là một giọng nữ, nhẹ nhàng, như gió thoảng, nói nhanh vội vàng:

“Anh trai em không còn ở đây. Anh ấy đã trốn đi, không ai biết địa chỉ. Họ đang truy nã anh ấy về tội trộm cắp. Đó không phải là sự thật, chỉ là một cái cớ…” Tôi chưa kịp hỏi thêm gì bên kia đã đặt ống nghe xuống.

Rồi bất ngờ, tôi nhận được tin nhắn của anh. Tôi lên Sài Gòn, tìm mãi mới ra cái xưởng sản xuất than tổ ong thủ công nằm bên mé kênh nước đen, ngập ngụa rác. Anh gầy gò, da cháy đen, mặc áo ba lỗ, quần lửng ngang đầu gối, tay và mặt ám đen màu than đá. Hoá ra, cái nông trường ấy là một ổ buôn lậu hàng qua biên giới. Mấy chục héc ta mía chỉ là cái bình phong cho những đoàn ghe, xuồng, tấp nập tới lui chuyển hàng buôn lậu. Phát hiện ra điều đó, anh hết sức sửng sốt, anh gửi ngay một lá thư lên huyện uỷ. Lá thư đó được chính đồng bọn đám buôn lậu nhận, và chuyển về cho bộ sậu nông trường. Họ quyết định xử lí, bịt đầu mối kẻ tố cáo ngay, một màn kịch đã được dàn dựng, sẽ được diễn vào đêm cuối tuần: anh là kẻ đã trộm tiền từ phòng tài vụ nông trường về giấu dưới gầm giường, chuẩn bị chạy trốn, bị bắt quả tang điên cuồng chống cự, nên bị tiêu diệt. Chính cô gái trả lời điện thoại tôi lần trước là người mật báo cho anh âm mưu của họ và khuyên anh hãy chạy trốn ngay.

Anh rời khỏi nông trường mía, bắt xe đò, trốn về thành phố. Ở nông trường, bảo vệ đến khám phòng khi anh vừa rời đi. Không giết được anh, họ dàn dựng: khui từ gầm giường của anh lên một bao tiền lớn chụp hình đăng báo, kèm theo lệnh truy nã tội phạm… Anh ở nhờ nhà anh Nguyên, một đồng đội cũ, với một lí lịch mới, đóng vai em trai của Nguyên từ quê lên ôn thi đại học. Hồ sơ anh đứng tên là một câu chuyện đau buồn của anh Nguyên: đứa em đang học năm cuối phổ thông, theo bạn bè vượt biên đã bị chìm tàu mất tích ngoài biển. Tin đau buồn ấy, anh Nguyên giấu kín, cả ông bà cụ dưới quê cũng chưa được biết.

Ngày anh đi làm cho tổ hợp than tổ ong, tối tiếp tục ôn luyện thi vào đại học. Tạm thời anh mang tên Trung, Sáu Trung. Hi vọng, chẳng bao lâu nữa, đám buôn lậu kia bị tống vào tù, anh sẽ lấy lại hồ sơ của mình…

Từ đó, tôi luôn nhận được tin vui từ anh: đã thi được vào khoa Hoá Đại học tổng hợp; học xong năm thứ nhất, giỏi tuyệt đối, được học bổng; đã học xong năm 2, giỏi tuyệt đối; cái xưởng đúc than tổ ong đã được anh cơ giới hoá gần xong, chỉ cần bấm nút là đầu dây nhận được sản phẩm; anh đã vào học năm thứ ba, anh tính học thêm bằng kinh tế…

Chỉ cái tên anh vẫn là Sáu Trung và bè đảng đám buôn lậu kia vẫn chưa bị triệt hạ.

“Chắc anh sẽ được giữ lại trường. Nhưng anh muốn về một viện nghiên cứu nào đấy. Hoá học, nghiên cứu hoá học sẽ là con đường tương lai của nhà khoa học Đặng Minh Tuyến. Sẽ có một ngày tên anh nằm bên cạnh tên những nhà phát minh sáng chế danh giá nhất…”

Tôi tin anh làm được điều đó. Bao nhiêu người tài năng không bằng anh, nghị lực không bằng anh mà tôi gặp mấy năm qua, họ đã trở thành các phó giáo sư, giáo sư, nhà này, nhà nọ… thì sao một người như anh không làm được.

Tôi không thành một vị “tướng” như anh dự đoán.

Binh đoàn xây dựng quân đội có quyết định chuyển qua dân sự trở thành Liên hiệp xây lắp dầu khí. Tôi rời quân đội với quân hàm thượng uý trở thành một kĩ sư dân sự.

Chúng tôi liên lạc với nhau bằng điện thoại. Tôi cho anh số ở cơ quan, ngay phòng làm việc của tôi. Anh gọi cho tôi từ điện thoại công cộng, các trụ điện thoại dùng thẻ ngoài phố. Bẵng đi khá lâu không thấy anh gọi điện thoại. Cũng có thể anh gọi mà không gặp. Tôi đang rắc rối trong công việc, bị ông giám đốc đì, buổi chiều hằng ngày phải xuống công trường tham gia chỉ đạo trực tiếp thi công cụm kho dầu Tiền Cảng. Bị đì vì tôi với tư cách trưởng phòng kĩ thuật đã phản đối việc chạy theo tiến độ thi công để báo cáo thành tích, ông giám đốc đã cho san lấp cát sai quy trình ở công trình cảng, chưa nạo vét bùn xong đã ùn ùn đổ cát sẽ tạo nên những thấu kính bùn dưới nền móng công trình tương lai.

Anh đã gọi đến vào lúc tôi xuống công trường chăng?

Mơ hồ có chuyện không lành, lòng như lửa đốt, tôi bắt xe lên thành phố đến nhà người đồng đội cho anh ở nhờ.

“Anh Tuyến chết rồi em!”

Anh Nguyên thốt lên, rồi ôm mặt khóc.

Chị Ngân vợ anh cũng khóc: “Chú ấy dại dột quá. Sáng nhịn đói lên giảng đường. Trên đường về gặp đám cháy bên kênh Nhiêu Lộc, nghe tiếng trẻ con khóc kêu cứu, cứ thế chạy ào lên cầu thang. Nhà ấy cầu thang làm bằng gỗ, trần bằng gỗ đều đang cháy, khói lửa mù mịt. Người ta dân chống cháy, cứu hộ chuyên nghiệp, có áo chống cháy, có mặt nạ phòng độc, đi giày… còn không dám lên theo lối cầu thang. Chú Tuyến tìm được thằng bé, bế nó xuống, nhưng qua lầu 2 bị trần nhà đang cháy, rơi ập xuống đè luôn hai chú cháu. Trời ơi! Sao chú ấy dại thế!”

Anh Nguyên quát chị Ngân:

“Em im đi được không, đừng than bậy nữa! Nếu chú ấy ‘khôn’ thì cũng chẳng còn thằng này để làm chồng em, đã bị xích xe M113 nghiến tan thây bảy năm trước. Chú ấy ‘dại’ mới liều lao ra ngay trước cái thiết vận xa M113 đang vãi đạn 12 ly 7 như điên, kéo chồng em bị thương, nằm chết ngất một cục xuống hào… Chú ấy là một anh hùng! Một anh hùng!”

“Mộ anh ấy ở đâu?”

“Anh biết em là người thân duy nhất của Tuyến ở gần Sài Gòn mà không làm sao báo được. Anh đâu biết địa chỉ của em. Anh đã đưa chú ấy về an táng ở quê anh. Ngay trong phần mộ gia đình. Anh chôn cất chú ấy với tên em trai anh. Ngoài kia, chú ấy là liệt sĩ Đặng Minh Tuyến. Còn ở đây, chú ấy là em ruột của anh!”

*

Tôi rời khỏi nhà anh Nguyên, trời chiều đang mưa. Từ phòng khách tôi nhào thẳng ra đường bỏ luôn cả đôi giày da bên bậc cửa, cứ thế đội mưa mà đi. Cơn nấc hậc lên, tôi oà khóc, nước mắt trào ra trên hai má. Tôi khóc dưới mưa, nước mưa chảy tràn cùng nước mắt nên không ai nhận thấy. Hết đường Ung Văn Khiêm, tôi đi bộ dọc theo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, theo Điện Biên Phủ về bến xe Văn Thánh… Người đi đường trố mắt nhìn một gã điên quần xanh, áo sơ mi trắng dính sát vào người, ướt như chuột lột, bước lầm lũi dưới mưa…

Phải, tôi đang điên, đầu tôi và ruột gan tôi như đang sôi cháy, hai mắt tôi như đang sôi cháy. Đôi chân trần của tôi cày qua sỏi lề đường bị cứa rách, chảy máu, tôi không hề biết… Hiện lên, trong tâm trí tê dại của tôi những cơn mưa mùa hè ở Chùa Nấp. Những cơn mưa sau mùa thu hoạch khoai, đỗ, lạc. Anh Tuyến thường là người đầu tiên hét vang lên khi mưa sầm sập tới: “Ra đồng, ra đồng nhận lộc trời nào!” Anh cởi trần, làn da rám nắng, mặc độc chiếc quần đùi chạy dưới mưa… Đám trẻ con chúng tôi như bầy vịt chạy theo sau, những đứa con trai lớn mặc quần đùi quăn vỏ đỗ, mấy đứa nhỏ hơn cởi truồng, mấy đứa con gái mặc nguyên quần áo. Đứa nào cũng mang theo đồ vật là cái thúng, cái rổ, cái mẹt, cái cạu, cái giỏ bắt cua… Những thửa ruộng sau mùa thu hoạch đã cày ải, đã bừa hay chưa bừa, đã bao lần chúng tôi quần qua quần lại mót những củ khoai, củ lạc rơi vãi, sót lại… tưởng không còn một mống. Nhưng bây giờ, dưới trận mưa đầu mùa, những báu vật vùi chôn hay bị đất che phủ bỗng lộ ra. Đó là quà của trời, lộc của trời. Chúng tôi tranh nhau nhặt… Anh Tuyến chạy trước, đá những củ khoai, búi lạc bung ra, cho chúng tôi nhặt. Nhà anh có hai mẹ con nên anh không cần mót thêm lộc của trời…

Chúng tôi băng qua Đồng Vường, Đồng Cao… rồi Đồng Ngô. Khi bọn trẻ các xóm khác kéo ra thì chúng tôi đã nhặt hết lộc trời. Chúng sẽ đứng từ xa nhìn chúng tôi khệ nệ bưng, xách thúng, rổ, giỏ… chiến lợi phẩm mà tiếc nuối, tự kiểm với nhau, cơn mưa mùa sau sẽ lao ra đồng sớm hơn. Nhưng rồi vẫn vậy, vì chúng không có một người anh như anh Tuyến dẫn dắt. Một người nhìn lên trời xanh, đoán biết cơn mưa đầu mùa sắp tới để hét to với chúng tôi: “Chuẩn bị nào, trời sắp mưa! Sắp mưa!” “Chuẩn bị nào, anh đã ngửi thấy mùi mưa rồi đấy!”

*

Rồi tôi rời khỏi công ty xây dựng dầu khí, làm việc cho một công ty nước ngoài. Mười năm sau, tôi cũng tự mở một công ty xây dựng cho riêng mình. Bạn bè tôi nhận các gói thầu nguồn vốn nhà nước giàu lên như diều gặp gió. Nhưng để chen chân được vào các gói thầu đó thì phải có quan hệ, phải biết điều và phải biết nhậu. Ngay yêu cầu đầu tiên, tôi đã bị loại từ vòng gửi xe, tôi không uống được, chỉ vài lon bia đã say. Công ty tôi chỉ nhận được những công trình của các nhà đầu tư nước ngoài trong các khu công nghiệp, sau khi đấu giá trầy vi tróc vảy. Giá thi công trừ chi phí vật liệu, lương công nhân, thuế… cũng chẳng còn lại bao nhiêu. Xây dựng hàng trăm công trình, tôi cũng chỉ kiếm được ít tiền để lo chỗ an cư và nuôi sống gia đình.

Tôi là người thất bại trong mắt các cụ cao tuổi ở làng. Đôi khi họ nói nhỏ với nhau, vẫn đến tai tôi: “Thằng Chung được cái học giỏi, mà ra đời thì kém hơn mấy đứa bỏ ngang không bằng cấp!” Cụ trưởng họ chép miệng: “Tui nghiệm ra làng mình, mấy đứa học hành bài bản, lập nghiệp, không đứa nào thành công.”

Tôi luôn nhớ về anh Tuyến, đôi khi, trong giây phút nào đó, tôi đã thoáng nghĩ: cuộc đời tôi như vậy có lẽ vì tôi đã giẫm lên bước chân anh.

Nhưng ngay đấy, tôi mỉm cười. Tôi nghe như đâu đó từ không gian mông lung vọng lại tiếng sáo trúc của anh, tiếng sáo hồn tôi. Và, những cơn mưa đầu mùa trở về trong tâm trí tôi. Tiếng sấm vang động cả chân trời, lũ trẻ con chúng tôi ào chạy ra đồng trên đôi chân trần... Và những giọt mưa mát lành tưới ướt chúng tôi.

Kho báu. Truyện ngắn dự thi của Đặng Chương Ngạn Chạy theo hướng núi Tà Bên. Truyện ngắn dự thi của Trần Nguyên Mỹ Dòng sông giữa hai ta - Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.