Cho tới khi lang thang tới cái quán nhỏ chiều ấy. Tới khi nhìn thấy chị. Và anh.
Chúng tôi từng là những đứa trẻ cùng chạy chơi trên một cánh đồng xanh. Anh và chị hơn tôi vài tuổi. Anh từng là mối tình đầu đơn phương của không ít thiếu nữ và chị từng là hoa khôi của trường Đại học. Đám cưới của họ làm không ít kẻ nốc rượu, môi cười mắt khóc và những cuốn nhật kí thầm kín bị đem đốt. Có lẽ, tôi là kẻ duy nhất chứng kiến những ghen hờn, sóng gió và thứ hạnh phúc như men nổi, càng va chạm càng bềnh bồng loang của họ. Có lẽ con bé 19 tuổi tôi khi đó là đứa phù dâu duy nhất coi thường chú rể bởi chính cái mác nhà mặt phố, bố quan to và đôi mắt đá xéo đa tình trên khuôn mặt công tử bột trìu trĩu môi dày…
Mười hai năm hôn nhân. Nghe bảo, chị từng phải trị liệu căn bệnh giang mai khi đứa con út chưa đầy tuổi. Ở tòa li hôn, chị cúi đầu rồi gật khi anh trưng ra bằng chứng tài sản nhà cửa là của cha mẹ và gật tiếp khi số nợ anh cờ bạc, bao gái lên hàng 9 chữ số được chia đôi. Đôi mắt đứa con gái lớn giống hệt chị lúc lấy chồng, ầng ậng nước khi nó mở cửa phòng trọ, rồi rơi xuống khi nó lắc đầu bảo tôi về. “Chắc chắn mẹ cháu không tự vẫn đâu”. Cũng giống mẹ, nó bảo tôi vậy như đọc được sự âu lo của tôi…
|
Gần hai mươi năm nữa trôi, tưởng dòng đời xô chúng tôi cách xa rồi mất nhau mãi thì ở cái quán ven sông tỉnh lẻ này, vô tình tôi gặp lại họ. Chị vẫn đẹp mặn mà, thanh thoát nhưng tuổi tác kịp phủ thứ ánh sáng trầm mặc lên mắt môi, lưng tóc. Như không biết người đàn ông ngồi trong góc quán, chân quíu lại giấu dưới gầm bàn che đi đôi giày cũ và những ngón tay ố vàng lồng vào mái tóc xơ xác bờm xờm cố che khoảng da đầu thưa hói. Như không nghe thấy tiếng xoe xoé của người đàn bà chủ quán quát đám con nhanh tay lên mâm cho hai vị khách đặt cơm. Thi thoảng chị ta liếc về phía người đàn ông rúm ró, nhiếc những câu bâng quơ về sự vô tích sự, về sự yếm thế và lười biếng của thứ đàn ông bất tài thụ động. Lưng chị như co lại, bàn tay luồn vào tóc rồi kẹp lấy dải tóc gáy nắm chặt giống y như thời chị ôn thi đại học, trước bài toán khó và tiếng mắng của cha chị về nhan sắc lẫn trí não chị giống y người mẹ đã bỏ cha con họ mà đi…
Mâm cơm của chị được chính tay chị đặt trước mặt người đàn ông ấy trước những đôi mắt ngạc nhiên. Cái cách chị ngồi xuống thản nhiên cầm đũa gắp đồ ăn bỏ vào bát tôi giống như chúng tôi vẫn luôn cạnh nhau chứ không phải gần hai mươi năm không gặp. Chị bảo dù không liên lạc lại với tôi vì trải qua nhiều biến cố, mặc cảm và cả một phần vì thành đạt, nhưng chị vẫn biết về tôi nhờ số ít bạn bè và cả nhờ mạng xã hội. Bàn tay trái chị đeo chiếc nhẫn có hạt chủ màu vàng sắc nắng hệt sắc hoàng hôn đang phản chiếu trong góc mắt. Ổ nhẫn lấp lánh ngưng trên mâm cơm với những món ngày xưa chúng tôi từng thích khi chạm bàn tay tôi trống rỗng. Mắt chị sẫm, lời chị nhỏ nhẹ nhát gừng như thời chị từng trả lời người cha độc đoán. Chị kể về người chồng đang bình thản và kiên nhẫn đợi chị trong chiếc xe trắng lạc lõng ở vệ đường xa xa; về tờ giấy khẳng định số tài sản là căn nhà chị và anh ấy đã tặng cho đứa trẻ đang cặm cụi làm việc trong căn bếp nhếch nhác kia. Đứa trẻ mà cha nó từng dùng mọi cách tách khỏi vòng tay chị để làm người thừa tự, đội lư hương cho dòng tộc nhà anh…
Mặt trời khuất hẳn. Thứ ánh sáng nhạt thếch còn vương lại làm ổ nhẫn trên bàn tay chị lấp loá khi chị lại vuốt tóc. Giọng chị thoảng nhẹ về pha lê và kim cương. Dù là pha lê hay kim cương thì chúng đều cần ánh sáng mới có thể lấp lánh. Chị bảo chị từng chọn cuộc sống làm viên pha lê, chứa thật nhiều chì mà lấp lánh chấp chói để rồi vỡ vụn bởi lựa chọn sự đủ đầy dễ dàng. Để rồi khi thứ độc hại của chì giết chết rung cảm trong con tim chị, chị mới biết rằng gom thứ lý trí lạnh lùng toan tính mà biến mình thành viên kim cương thật nhiều lát cắt để với tới cái giá của cuộc sống hoàn mĩ.
Ngắm khuôn mặt đẹp của chị. Nhớ về những tiếng cười như chuông gió thuở tôi mười lăm và nỗi tiếc nuối cho chị năm tôi mười chín. Những lời của chị sượt nhẹ qua tai tôi trôi về cuối chiều. Tôi bận nghĩ về một người đàn bà khác, chắc ít đẹp hơn chị nhưng sự đau khổ vì đổ vỡ với người đàn ông trên chiếc xe màu trắng kia liệu có ít hơn. Không biết chị và chị ấy nỗi đau bị phụ tình ai lớn hơn ai; gia cảnh ai mất mát nhiều hơn ai; thời gian để trái tim đàn bà hồi phục ai dài hơn ai… Đôi mắt chị nhìn bàn tay tôi thoảng ánh xa xót. Câu nói chân tình với cái nắm tay thật chặt của chị cũng phai theo hơi ấm tan đi.
- Đàn bà mình cứ phải làm kim cương em ạ. Đừng như chị vội vàng gửi gắm. Mà cũng như chị, chọn cho mình chỗ đứng. Bằng bất cứ giá nào phải làm viên kim cương quý giá của đàn ông…
Tối sẫm, chiếc xe trắng đi lâu rồi. Hình như nãy chị có nói về việc chị sẽ cùng chồng con định cư ở đất nước xa xôi nào đó. Bên cái bàn sứt sẹo, cũ kĩ, người đàn ông dúm dó hói đầu vẫn lặng thinh bên mâm cơm còn nguyên. Tiếng xôn xao trong gian bếp, có giọng cười hể hả của người đàn bà chủ quán và cô gái trẻ mang bầu gần ngày sinh. Cậu trai trẻ mập mạp còn đeo tạp dề vẫn đứng nhìn theo con đường mà chiếc xe trắng vừa mất hút. Hình như cậu chưa từng gọi tiếng mẹ ơi suốt gần hai mươi năm…
Kim cương và pha lê…
Tôi ngắm những ngón tay tội nghiệp của mình rồi bật cười.
Hình như trong bóng tối những ngón tay tôi lấp lánh sáng. Thứ lấp lánh chẳng cần ánh sáng nào rọi vào. Hình như tôi lại thấy thương chị. Thứ cảm giác giống ngày tôi làm phù dâu cho chị hồi xưa…
----------
Bài viết cùng chuyên mục: