Văn hóa nghệ thuật

Có gì tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024?

Cao Anh
Văn hóa nghệ thuật
07:41 | 30/10/2024
Baovannghe.vn - Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề "Giao lộ Sáng tạo", diễn ra từ ngày 9/11 đến ngày 17/11/2024 với gần 100 hoạt động, hứa hẹn sẽ là điểm hội tụ của những ý tưởng đột phá và sáng kiến độc đáo từ cộng đồng sáng tạo Hà Nội.
aa

Lễ hội năm nay có gần 100 hoạt động với điểm nhấn là các công trình biểu tượng, sắp đặt mô hình không gian sáng tạo, hoạt động triển lãm - trưng bày, biểu diễn nghệ thuật, trải nghiệm, tọa đàm hội thảo quốc tế và trong nước. Đồng thời, tinh thần sáng tạo cũng được lan tỏa tại khắp các không gian di sản văn hóa, không gian sáng tạo, các làng nghề truyền thống trên khắp các tuyến phố, các địa bàn quận huyện, thị xã của Thủ đô. Và dưới đây là một số hoạt động tiêu biểu của Lễ hội.

Triển lãm video art Thăng đường nhập thất

Thăng đường nhập thất là dòng chữ lớn, viết bằng chữ Nho trên cổng tam quan ở vị trí trung tâm của bức tranh sơn dầu của họa sĩ Victor Tardieu ở giảng đường chính Đại học Đông Dương - nay là giảng đường Ngụy Như Kon Tum của Đại học Quốc gia Hà Nội. Dòng chữ này trở thành tên gọi không chính thức cho tác phẩm và ngụ ý sự hiển lộ, và uyên bác của kiến thức.

Bức tranh của Victor Tardieu là một bức họa khổng lồ kích thước 11x7m, được vẽ theo phong cách phương Tây, nhưng nội dung tác phẩm hoàn toàn mang chất Việt. Tác phẩm nổi tiếng này mặc dù đã được vẽ lại năm 2006 và đã được công chúng biết đến rộng rãi hơn, nhưng hành trình trở lại và những tâm tư nỗi niềm của danh họa cách nay một thế kỷ vẫn còn nhiều bí ẩn. Tác phẩm video art được khởi xướng từ ý tưởng của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, TS Phạm Long cùng kỹ sư Viên Hồng Quang, nghệ sĩ Triệu Minh Hải đã nỗ lực tái hiện chân thực nhất, gần với nguyên gốc nhất tác phẩm gốc. Hành trình đến sát nguyên gốc bằng sự kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo với sự phân tích dữ liệu nghệ thuật, sử học, xã hội học đã vô tình tìm được những giá trị hàm súc, thâm sâu của một thông điệp nhân văn bấy lâu dường như bị lãng quên. Tác phẩm video art chia sẻ trải nghiệm thẩm thấu lịch sử và xuyên không thời gian với một kiệt tác vô tiền khoáng hậu của mỹ thuật Đông Dương.

Có gì tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024?

Triển lãm video art Thăng đường nhập thất là cách các nghệ sĩ đánh thức bức tranh của họa sĩ Victor Tardieu, đưa đến người xem không chỉ là trải nghiệm nghệ thuật độc đáo mà còn mang đến thông điệp sâu sắc về sự tôn vinh tri thức, phù hợp với không khí học thuật của nơi đây. Ngoài ra, tác phẩm còn giới thiệu lịch sử và vẻ đẹp của mỹ thuật Đông Dương, như là một nhân chứng của sự giao thoa văn hóa, và tác giả bức tranh - họa sĩ Victor Tardieu - là Hiệu trưởng đầu tiên sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương thuộc Đại học Đông Dương vào năm 1924 và được xem là một trong những người quan trọng góp phần định hình phong cách mỹ thuật Đông Dương.

Triển lãm nghệ thuật Sắp đặt ánh sáng

Trong đại triển lãm Cảm thức Đông Dương tại tòa nhà Đại học Tổng hợp số 19 Lê Thánh Tông (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), tác phẩm Sắp đặt ánh sáng tại các ô cửa kính ngay sảnh chính tòa nhà tạo ấn tượng mạnh mẽ cho người xem khi vừa bước vào, được thực hiện bởi Trần Hậu Yên Thế - nghệ sĩ thị giác kiêm nhà nghiên cứu nghệ thuật. Ông được biết đến không chỉ với các sáng tác nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật ý niệm mà còn là một trong những nghệ sĩ đầu tiên thử nghiệm các loại hình nghệ thuật mới tại Việt Nam. Song song với sự nghiệp sáng tác, ông còn chuyên tâm nghiên cứu mỹ thuật cổ truyền, với nhiều ấn phẩm công bố về nghệ thuật cổ truyền của người Việt.

Có gì tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024?

Sắp đặt ánh sáng tại các ô kính trên cửa vào hình vòm sử dụng chất liệu giấy bóng kính cắt dán, ánh xạ lên không gian cổ kính bên trong tòa nhà tạo ra những sắc màu trầm mặc Hà Nội xưa đầy hoài niệm. Ý tưởng chủ đạo của tác phẩm được khơi nguồn từ cuốn sách Song xưa phố cũ của chính tác giả, như một cách ghi lại ký ức của thế hệ sinh ra vào thập niên 1970 - thế hệ cuối cùng có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên bản của Hà Nội trước khi đô thị có làn sóng thương mại hóa với các biển quảng cáo khổ lớn. Bên cạnh việc tái hiện quá khứ, tác phẩm còn phản ánh sự tiếp biến văn hóa độc đáo của Việt Nam. Những trang trí hoa sắt lấy cảm hứng từ hình bóng đèn, tượng trưng cho ánh sáng của tri thức, của phát minh vốn bắt nguồn từ phong cách kiến trúc Pháp và châu Âu, khi du nhập vào Việt Nam đã được "Việt hóa" để phù hợp với bối cảnh địa phương. Quá trình tiếp biến này đã hình thành nên các phong cách Đông Dương và Art Deco đặc sắc, thể hiện sự dung hòa giữa văn hóa ngoại lai và bản địa. Tác phẩm vừa đưa đến hiệu ứng về thị giác, vừa thu hút sự quan tâm của người xem về từng góc kiến trúc đặc sắc của tòa nhà. Từng ô kính ở vòm cửa với những chi tiết trang trí bằng sắt này, dù quen thuộc trong đời sống hằng ngày và đôi khi bị lướt qua, lại ẩn chứa những thông điệp về văn hóa và lối sống.

Cuộc viễn du tới thế giới Cảm Hứng: Chiếu phim hoạt hình Tiệp Khắc

Buổi chiếu phim do nhà làm phim và cây viết nghệ thuật Đỗ Văn Hoàng tuyển chọn cùng sự hỗ trợ từ giám tuyển Vân Đỗ, Trung tâm lưu trữ phim quốc gia Cộng hòa Séc (Czech Film Archive), Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội; nhằm giới thiệu đến khán giả Việt Nam di sản hoạt hình Tiệp Khắc trong thời kỳ "Kỷ nguyên vàng" (1950-1980) và kỷ niệm tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Tiệp Khắc.

Có gì tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024?

Hoạt hình Tiệp Khắc bắt đầu phát triển và trở nên rực rỡ với sự xuất hiện của các nhà làm phim tiên phong như Jiří Trnka, Karel Zeman, Břetislav Pojar, Jan Švankmajer và Hermína Týrlová. Phim của họ mở ra một thế giới màu nhiệm, ly kỳ, đẹp đẽ pha chút dị thường; đã đóng góp lớn vào việc phát triển các kỹ thuật hoạt hình như hoạt hình con rối, hoạt hình đất sét và hoạt hình cắt rời. Chuỗi phim là sự phóng to, thu nhỏ những trạng thái cảm xúc con người; thông qua ngôn ngữ tạo hình giàu trí tưởng tượng, cốt truyện đầy tính nhân văn và không gian ánh sáng ngập tràn màu sắc thần thoại.

Diễn ra vào ngày 9/11/2024 tại Rạp Khăn Quàng Đỏ, với 8 phim ngắn và 1 phim dài, Cuộc viễn du tới thế giới Cảm Hứng: Chiếu phim hoạt hình Tiệp Khắc dẫn người xem đi qua thế giới viễn tưởng cổ tích, băng qua âm vang văn hóa dân gian tới vùng đất ngụ ngôn của thời hiện đại. Chùm phim quy tụ những gương mặt điển hình nhất, trải ra một vùng đất phì nhiêu của di sản điện ảnh Tiệp Khắc - đồng vọng với ước mơ xây dựng Cung thiếu nhi Hà Nội thành miền đất hứa của những giấc mơ sáng tạo.

Tọa đàm Cu li không bao giờ khóc: Nghĩ về thành phố như một nhân vật điện ảnh

Tọa đàm là cuộc hội ngộ của những chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, đặc biệt đối với vai trò của kiến trúc và văn hoá đô thị trong ngôn ngữ nghệ thuật; được điều phối bởi PGS.TS Hoàng Cẩm Giang, nhà phê bình văn học, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực văn học, điện ảnh; cùng sự góp mặt của các khách mời nổi tiếng gồm nhà văn Nguyễn Trương Quý, người không những am hiểu về kiến trúc mà còn có nhiều đầu sách khảo cứu Hà Nội, được nhiều người xem là nhà Hà Nội học thế hệ mới; đạo diễn Phạm Ngọc Lân, tác giả của bộ phim Cu li không bao giờ khóc; và TS Trần Ngọc Hiếu, nhà lý luận văn học với nhiều nghiên cứu về văn học Việt Nam đương đại.

Có gì tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024?

Chủ đề của buổi tọa đàm xoay quanh việc phân tích mối liên hệ giữa kiến trúc và cảnh quan đô thị Hà Nội trong ngôn ngữ điện ảnh của bộ phim Cu li không bao giờ khóc, đặt trong tương quan với văn học có bối cảnh Hà Nội. Những công trình kiến trúc cũ và mới, sự phát triển đô thị hiện đại sẽ được nhìn nhận không chỉ như những yếu tố vật chất, mà còn chi phối sắc thái tự sự, tạo ra lớp vỏ chứa đựng sự định hình thân phận nhân vật. Khi đó, cảnh quan và kiến trúc không chỉ là những hình ảnh nền tĩnh lặng, tưởng chừng như được đặt ngẫu nhiên mà còn phải mang những giá trị riêng, tác động sâu sắc đến sự phát triển cốt truyện và những trải nghiệm của từng nhân vật. Đô thị trong điện ảnh (hay văn học), là một bối cảnh và cũng là một nhân vật điện ảnh. Từ những phân tích, ý kiến chuyên môn của đạo diễn, nhà văn và nhà phê bình văn học, khán giả dự buổi tọa đàm có cái nhìn mới mẻ và đa chiều hơn về sự tương tác giữa không gian đô thị và nghệ thuật kể chuyện bằng ngôn ngữ và hình ảnh, đồng thời kích thích tư duy về vai trò của điện ảnh và văn học đối với việc gìn giữ và phát triển kiến trúc và cảnh quan. Người tham gia còn có cơ hội khám phá những khía cạnh mới lạ và sâu sắc về Hà Nội thông qua lăng kính của một nhân vật điện ảnh sống động.

Tọa đàm Di sản kiến trúc trong Thành phố sáng tạo

Với ý tưởng "Truyền sinh khí cho di sản kiến trúc trong dòng chảy đương đại", tọa đàm tập trung vào việc phân tích các kinh nghiệm thực tế trong việc đưa di sản văn hóa vào các hoạt động sáng tạo, trở thành không gian sáng tạo, địa chỉ văn hóa thu hút người dân và du khách.

Tọa đàm do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức; là sự kiện để các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, những nhà quản lý đô thị và di sản, các tổ chức quốc tế như UNESCO, UN Habitat, UNIDO và cộng đồng thiết kế sáng tạo tại Hà Nội thảo luận về các thiết kế, sắp đặt các pavilion, sắp đặt không gian nghệ thuật; những bài học thực tế về việc đưa di sản văn hóa tham gia trực tiếp vào các hoạt động sáng tạo trong thành phố, những giá trị truyền thống Việt Nam của di sản văn hóa tham gia vào sự sáng tạo của đô thị, cũng như các cơ chế và giải pháp để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi nhân rộng mô hình đưa di sản văn hóa tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển thành phố sáng tạo.

Hà Nội với vị thế trung tâm đất nước hơn một thiên niên kỷ là một tập hợp các dấu tích vật chất muôn vẻ, trong đó những công trình kiến trúc tạo ra một khối di sản làm nên diện mạo hấp dẫn của đô thị. Đặc biệt, các công trình trên trục phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông - Tràng Tiền có ý nghĩa đặt nền móng cho một Hà Nội mang hình thái hiện đại, trải từ cuối thế kỷ 19 đến nửa sau thế kỷ 20. Trơ gan cùng tuế nguyệt - đến nay, những di sản kiến trúc này đóng vai trò ra sao trong sự phát triển đương đại cũng phản ánh sự ứng xử với bản sắc hình hài Hà Nội? Với ý tưởng "Truyền sinh khí cho di sản kiến trúc trong dòng chảy đương đại", tọa đàm tập trung vào việc phân tích các kinh nghiệm thực tế trong việc đưa di sản văn hóa vào các hoạt động sáng tạo, trở thành không gian sáng tạo, địa chỉ văn hóa thu hút người dân và du khách. Bên cạnh đó, tọa đàm còn trao đổi với tác giả các pavilion - tuyến di sản kiến trúc - để đưa ra những góc nhìn sáng tạo, cùng với ý kiến của các nhà quản lý để tìm ra giải pháp nhằm tái tạo sức sống cho các di sản kiến trúc và đưa di sản văn hóa có các đóng góp tích cực hơn nữa trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố sáng tạo Hà Nội.

Tọa đàm được tổ chức vào 9 giờ ngày 13/11 tại Hội trường Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Sự kiện chiếu phim Xưa ta thuở nhỏ: Tự sự điện ảnh trẻ em Việt Nam thời chiến

Sự kiện có sự hỗ trợ từ Viện phim Việt Nam, nhằm mang đến khán giả một không gian đối thoại và chiêm nghiệm về hình tượng trẻ thơ trong thời chiến tranh - bối cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước; được giới thiệu và điều phối thảo luận bởi Ngô Thanh, người thực hành giám tuyển và hướng dẫn khóa học làm phim, phê bình phim tại Trung tâm phim tài liệu - thử nghiệm Hanoi DOCLAB.

Có gì tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024?

Sự kiện sẽ trình chiếu hai tác phẩm tiêu biểu của thập niên 70: Em bé Hà Nội (đạo diễn Hải Ninh, 1974) và Mẹ vắng nhà (đạo diễn Nguyễn Khánh Dư, 1979). Cả hai phim đều khắc họa những đứa trẻ lạc mất người thân giữa thời loạn lạc, gợi nhắc người xem về ký ức tập thể của một thời kỳ đau thương mà kiên cường. Nhân vật trẻ thơ trong phim không chỉ biểu hiện hình thái mất mát cá nhân mà còn đại diện cho một thế hệ phải đối diện với cuộc chiến và sự khắc nghiệt của lịch sử.

Thông qua ba chủ đề xuyên suốt - hư cấu điện ảnh, trẻ em Việt Nam và một thời chiến tranh, sự kiện sẽ gợi mở những câu hỏi sâu sắc về cách điện ảnh khắc họa hình ảnh trẻ thơ. Không chỉ đơn giản là một nhóm tuổi, nhân vật trẻ em trong điện ảnh còn được nhìn nhận qua nhiều lăng kính về tâm lý, cảm xúc và sự trưởng thành trong suy nghĩ. Hình ảnh trẻ thơ trong điện ảnh, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam, không chỉ phản ánh đời sống hiện thực mà còn góp phần tạo nên những tầng nghĩa mới qua sự "hư cấu" - một kiểu nhất định lý tính mà triết gia Jacques Rancière từng nhấn mạnh. Bằng việc kết hợp giữa hư cấu và hiện thực khắc nghiệt, điện ảnh đã mở ra không gian để chân dung trẻ em hiện lên đa chiều, vừa mong manh, vừa kiên cường đồng thời đan bện những non ấu trẻ thơ vào thời điểm khắc nghiệt của dân tộc tạo nên cảm xúc mạnh mẽ trong điện ảnh.

Workshop Trạm Chơi - Những thanh âm ngẫu hứng

Ian Richter là nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, đồng thời là nhà trị liệu âm nhạc, giúp trẻ em và thanh thiếu niên gặp khó khăn về sức khỏe tinh thần thông qua âm nhạc. Không định danh hay khu biệt thực hành của mình trong những phong cách, khái niệm hay quy ước trong âm nhạc, các tác phẩm của Ian trải rộng nhiều thể loại từ nhạc điện tử trừu tượng, nhạc cổ điển đương đại cho đến âm nhạc sân khấu thể nghiệm và hơn thế nữa. Với khả năng nắm bắt trải nghiệm âm thanh của con người và xử lý nhuần nhuyễn các yếu tố kỹ thuật, anh khám phá những vùng âm thanh mới mà không làm mất đi giá trị truyền cảm của âm nhạc. Kết hợp cùng Ngụy Hải An, với kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực nghệ thuật, workshop hứa hẹn mang đến cho người tham gia một không gian âm nhạc - nghệ thuật thú vị.

Được điều phối bởi nghệ sĩ Ian Richter cùng giám tuyển giáo dục Ngụy Hải An, workshop Trạm Chơi - Những thanh âm ngẫu hứng không chỉ đơn thuần là một hoạt động sáng tạo mà còn là quá trình khám phá, làm việc và thử nghiệm với âm thanh. Sự kiện diễn ra vào 10 giờ ngày 15/11/2024 tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Tập trung vào việc tạo ra những âm thanh ngẫu hứng từ các nhạc cụ được làm từ vật liệu tái chế như vỏ chai, hộp, ống nhựa, gỗ đã qua sử dụng, workshop hướng đến xây dựng một không gian âm nhạc sáng tạo. Những nhạc cụ kỳ lạ nhưng lại vô cùng gần gũi, thân thiện này tạo điều kiện cho người tham gia cùng được tương tác và tạo ra những âm thanh độc đáo, góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm âm nhạc. Hướng tới mọi đối tượng khán giả, Workshop Trạm Chơi - Những thanh âm ngẫu hứng mở ra cơ hội khám phá và phát triển khả năng sáng tạo của người tham gia thông qua âm nhạc. Góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và giá trị của việc tái sử dụng thông qua việc sử dụng vật liệu tái chế, workshop còn mang tới góc nhìn thú vị mới về vai trò của nghệ thuật hiện nay cũng như hướng tới xây dựng một cộng đồng yêu thích nghệ thuật và có trách nhiệm với môi trường.

Tọa đàm Sáng tạo hình ảnh Hà Nội trong điện ảnh các thời kỳ

Tọa đàm diễn ra vào ngày 16/11, là cuộc gặp gỡ của những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong việc định hình hình ảnh Hà Nội trong điện ảnh, với sự tham gia điều phối bởi nhà văn Nguyễn Trương Quý, một nhà Hà Nội học thế hệ mới; các khách mời là lớp diễn viên tài năng thuộc các thế hệ đầu tiên của điện ảnh Việt Nam và Hà Nội: diễn viên, NSND Minh Châu; diễn viên Lan Hương (phim Em bé Hà Nội); nhà sản xuất Nghiêm Quỳnh Trang của phim Cu li không bao giờ khóc.

Có gì tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024?

Ký ức như điện ảnh, điện ảnh như ký ức - cặp phạm trù này phản ảnh lẫn nhau và qua nhiều thời kỳ cùng lưu giữ một nền văn hóa, một không khí, hay một tinh thần trí tuệ của một nơi chốn. Ở đây ta nói về Hà Nội. Các phim được chiếu trong rạp Khăn Quàng Đỏ đậm chất Hà Nội, trong chiến tranh (Em bé Hà Nội, 1974) và sau Đổi mới (Hãy tha thứ cho em, 1992), nếu được đặt trong một đối thoại với một bộ phim có bối cảnh chính là Hà Nội vừa hoàn thành năm 2024: Cu li không bao giờ khóc, ta có thể thấy được sự tiếp nối và thay đổi của cảm quan Hà Nội trong sáng tác nghệ thuật qua các thế hệ.

Buổi tọa đàm là dịp để khán giả cùng các nhà làm phim, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu bàn về vai trò của điện ảnh như một phép lưu giữ ký ức về văn hóa và con người Hà Nội, cùng nhau khám phá mối liên hệ giữa ký ức tập thể, bối cảnh đô thị, và hình ảnh con người Việt Nam qua các gương mặt điện ảnh, từ đó mở ra những trao đổi nhằm kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai.

Có gì tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024?

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội được tổ chức thường niên như một sáng kiến cấp quốc tế của Hà Nội nhằm nuôi dưỡng cảm hứng, thúc đẩy sáng tạo trên toàn thành phố; đồng thời quảng bá sức sáng tạo của Thủ đô, tiến tới thu hút các nguồn đầu tư chất lượng để phát triển công nghiệp văn hóa bền vững.

Với truyền thống văn hóa, lịch sử nghìn năm văn hiến, cùng những nguồn lực sáng tạo dồi dào, Hà Nội đang dần khẳng định vị thế của Thành phố Sáng tạo, xứng đáng là Nhạc trưởng sáng tạo của Việt Nam, tiến tới trở thành Kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á trong lĩnh vực thiết kế.

Qua mỗi năm, các chủ đề và quy mô của Lễ hội ngày càng được mở rộng và dần trở thành một Ngày hội của giới sáng tạo và người yêu văn hóa Thủ đô. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 đã đón hơn 200.000 lượt khách tham quan cùng 4 triệu thảo luận trong 10 ngày tổ chức, tạo ra một hiện tượng văn hóa hiếm thấy trong những năm gần đây. Qua đó cũng khẳng định sức hút của Lễ hội đối với người dân Hà Nội cũng như bạn bè trong nước và quốc tế.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 do UBND Thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo; Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng Tạp chí Kiến trúc thực hiện; có sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội cùng sự phối hợp của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, và các đơn vị liên quan... Tuyến trải nghiệm của Lễ hội năm nay khai thác các công trình kiến trúc nổi bật, gắn liền với lịch sử Thủ đô Hà Nội, cùng với hoạt động trên các tuyến phố, vườn hoa trong khu vực... sẽ tạo thành một tuyến trải nghiệm thú vị một đối thoại giữa kiến trúc, lịch sử, ký ức cộng đồng với các không gian di sản tinh hoa.

Đây là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; cũng là năm thứ 5 Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Thiết kế.

Cao Anh | Báo Văn nghệ

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình 2024 - Gắn kết những nhịp cầu Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024 - Hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội: 1.000 người mặc áo dài truyền thống họa tiết hoa sen Về Rộc Răm tìm hiểu Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy Ra mắt chuỗi sự kiện Lễ hội Xuân Quê hương 2025 tại Nhật Bản
Một tương lai tươi đẹp cho các em

Một tương lai tươi đẹp cho các em

Baovannghe.vn - Hẳn là đa phần các ông bố bà mẹ đều yêu thương con cái mình. Thế nhưng, có khi vì thiếu hiểu biết nên đã gây ra những tổn thương nơi những đứa trẻ... Tránh đi những ấn tượng xấu và tạo lập những giá trị tốt tích cực nơi tuổi thơ là cách chắc chắn để định hình xây dựng nên một tương lai tươi đẹp cho các em.
Trần Tiến, người sáng lập thể kí tự thuật trong văn xuôi Việt Nam từ năm 1764

Trần Tiến, người sáng lập thể kí tự thuật trong văn xuôi Việt Nam từ năm 1764

Baovannghe.vn - Trần Tiến người làng Điền Trì, tỉnh Hải Dương. Ông sinh giờ Dần ngày 18/11 năm Kỉ Sửu (1709), tên tự là Khiêm Đường, cũng có tên tự khác là Hậu Phủ, tên hiệu là Cát Xuyên, là con Tiến sĩ, Tham tụng Lễ bộ thượng thư - Diệu Quận Công Trần Cảnh, nhà nông học đầu tiên của Việt Nam.
Như Bình - người đàn bà đạp chân lên gai nhọn

Như Bình - người đàn bà đạp chân lên gai nhọn

Baovannghe.vn - Như Bình chọn tập viết là “tạp bút”, như một sự định danh thể loại hết sức linh hoạt, đủ không gian để trút vào con chữ những sắc thái biểu cảm.
Nhớ Thanh Tùng - Thơ Phùng Văn Khai

Nhớ Thanh Tùng - Thơ Phùng Văn Khai

Baovannghe.vn- Cảng - Phố - Thanh - Tùng/ Mùa phương Nam réo gọi
Thư mời cộng tác báo Tết Ất Tỵ 2025

Thư mời cộng tác báo Tết Ất Tỵ 2025

Baovannghe.vn - Kính gửi quý tác giả và độc giả!