Sáng tác

Cơm lạnh - Truyện ngắn của Hương Val Malcot

Hương Val Malcot
Truyện
08:14 | 28/11/2024
Baovannghe.vn - Nghĩ lại cảnh chạm trán đó Ngọc vẫn buồn thỉu người. Cảm xúc đầu tiên thường găm thấu vào tim gan, vĩnh viễn cư ngụ ở đó, khó nhạt đi dầu lòng người đã thay đổi...
aa
Thêm một chuyện người Việt di cư trời Tây, mong muốn đổi đời, tiền kiếm cả triệu “đô” mà vẫn sống lấm lét, bị xét khám bất cứ lúc nào, và đôi mắt không thể nhìn thẳng. Thấp thỏm sống trong hạng thứ dân ở xứ người, những người Việt tha hương làm ăn nhỏ lẻ này chỉ còn biết bám vào nỗi nhớ bữa cơm nóng quê nhà, như cái néo vô hình giữ hồn mình lại. Không có cách nào hợp hơn để tả cảnh sống tréo ngoe này bằng giọng văn tưng tửng, giòn sật mà mặn đắng của Hương. (Kiều Bích Hậu)

(Tặng Hà K.B)

“Ai tên Nguyễn Thị Kim Ngọc?” Ngọc bước ra, cáu kỉnh “Tao có giấy tờ, sao bắt?” “Chúng tôi có quyền giữ cô trong hai mươi tư giờ. Khám!” Ngọc cởi quần áo, lẩm bẩm “Xem tao như mẹ chúng mày nhé”. Tiếng cười vang lên “Mẹ tôi không đẹp như cô đâu.” Bố khỉ! Lần khân thế này đến lại muộn cơm chiều cho con mất thôi.

Ấy là Ngọc muốn thế. Tha thiết thế. Giữ cho được bữa cơm nóng lúc bảy giờ tối ở xứ lạnh này. Dù sao phòng tạm giam trong đồn cũng ấm gấp vạn lần ngoài trời. Mùa thu còn non búng ra đấy. Đủng đỉnh đến giữa ngày mới hứng được chút nắng để hong vàng mẻ lá sồi, phong, dẻ, bạch dương. Nhưng mùa đông tham lam thường đến trước giờ cơm tối. Cóm róm chờ xe buýt trong góc phố quánh sương xám, Ngọc rùng mình kéo hai mép áo khoác chặt lại, liên tục vung vẩy lúc lắc chân, thỉnh thoảng còn gõ gõ gót giày xuống vỉa hè cho đỡ cóng. Xe buýt ì ầm lướt qua con đường vành đai thẳng tắp. Đèn giao thông ơ hờ quét qua những thân bạch dương đang gắng trắng lên trong đêm tối. Kịp làm nồi phở bò thả nhiều hành xanh, húng chó, rau mùi rồi rắc thêm tiêu ớt, cả nhà ăn nóng chảy nước mắt nước mũi thì sướng biết mấy. Ngọc nuốt nước bọt. Khốn khổ. Giờ thành chủ gia đình rồi, tiền dắt đầy bụng mỗi cuối ngày rồi, quyết toàn chuyện sinh tử mà sao Ngọc vẫn như người chết đói chết khát những bữa ăn nóng.

“Ở xứ lạnh phải tập thói quen ăn nguội chứ. Tao cứ phải giấu tiền cho chắc rồi mới yên tâm và miếng cơm vào mồm.” Bố Ngọc hay bắt đợi dài cổ mới được ăn cơm vì lý do đó. Ngán ngẩm làm sao bài học đầu tiên khi Ngọc sang với bố. “Mẹ mày nuông chiều cho lắm vào. Tao không hiểu con gái con đứa gì mà hai mươi tuổi vẫn chưa biết bó mớ rau, mổ con cá.” Ngọc nhìn bát cơm nguội đi trong căn phòng chỉ hai mươi mét vuông, nước mắt ầng ậng dâng. Gần hai chục năm trôi qua mà cứ ngỡ mới hôm kia ngày kìa thôi chứ xa xôi gì. Kỳ nghỉ Quốc tế lao động năm ấy, mẹ dậy sớm ngồi gói từng mớ rau cần, chằng buộc từng cân cà pháo, lọ mắm tôm... cho Ngọc mang theo. Bố đem rau cà mắm muối đi khắp các nhà trong ốp(1) chia và khoe vợ tôi cho con gái đầu lòng sang ở hẳn với tôi rồi đấy. Bố còn cảm được hơi nóng ấm từ bàn tay vợ gói ghém trong đó? Mẹ không chiều Ngọc thì làm sao khỏa lấp được tuổi thơ của đứa con lớn lên thiếu vắng bố? Làm sao bù đắp nổi cú sốc vừa từ sân bay Seremechevo về đến cái gọi là nhà bỗng thấy có cô ngồi thù lù một đống như bà chủ trong nhà?

Nghĩ lại cảnh chạm trán đó Ngọc vẫn buồn thỉu người. Cảm xúc đầu tiên thường găm thấu vào tim gan, vĩnh viễn cư ngụ ở đó, khó nhạt đi dầu lòng người đã thay đổi. Dư chấn tâm lý mạnh đến nỗi bây giờ Ngọc ngồi xe buýt rảnh quá lại bận lo có khi nào về căn hộ của chính mình, mở cửa ra thấy một bà cô đang xới cơm nóng ăn, tỉnh bơ bảo “Mời chị ngồi ăn chung cho vui. Ơ, em cặp với chồng chị lâu rồi, cứt trâu hóa bùn rồi chị còn không biết ư.” À phải rồi, Ngọc mở điện thoại gọi cho Sa bảo tranh thủ đặt nồi cơm trong lúc chờ mẹ về. Con bé mười tuổi rồi, biết nấu cơm rồi. Vẫn còn thịt lợn vai đã băm nhỏ, dàn mỏng, nhét túi nilon cất tủ đá. Về đến nhà chỉ cần lôi ra, bẻ một miếng đúc trứng loáng cái xong. Phi thơm hành tím với cà chua, sẵn nồi nước xương gà hầm từ tối qua đổ vào, đun sôi sùng sục thả thêm nắm hành lá, rắc chút hạt tiêu. Thế là xong bữa tối nay, đầy đủ cơm canh, ngon và nóng. Con Sa hỏi thêm “Tiền hàng hôm nay bị lột hết rồi hả mẹ? Mẹ chửa nữa đi. Con có em còn họ không dám khám và lấy tiền của mẹ.” Chết không cơ chứ. Ranh con! Tại Ngọc kể cho nó nghe hồi chửa sáu tháng, cũng bị cảnh sát tóm về đồn hỏi giấy tờ. Cởi áo khoác ra thấy bụng to họ vội bảo mặc áo vào đi về, khỏi khám. Cũng từ đó Ngọc biết cách giấu tiền vào bụng chửa.

“Đàn bà còn có bụng chửa mà giấu chứ đàn ông giấu vào đâu.” Bố cười nhạt. Tình cảm bố con sứt mẻ từ chuyện ăn nóng ăn lạnh, trầm trọng đi sau vụ Ngọc gọi về cho mẹ kể chuyện bà cô ngồi như chúa trong nhà kia. Bố con thỉnh thoảng gọi cho nhau chỉ nói chuyện được về tiền. Giấu tiền trong thùng gạo bọn nó cũng xông vào nhà lục ra, đập cả ti vi đài đóm khám xét. Người mình nghiện ngập rồi làm chỉ điểm đầy ra đấy, chả tin bố con thằng nào được. Nên dọn bữa tao mới bắt mày vét hết cơm ra cái bát to, giấu tiền vào nồi cơm điện để ngay cạnh mâm, may ra chúng nó xộc vào lúc đang ăn sẽ không nghĩ tiền sờ sờ trước mắt. “Đấy, có mà ăn cơm nóng vào mắt, con ạ!”

Cái kiểu ăn nói ấy, cảnh sống lạnh lẽo phập phồng ấy khiến cho Ngọc nghĩ tuổi thơ không bố ở bên hóa ra lại hạnh phúc. Có tiền bố gửi về nên cũng chả phải thiếu thốn đói khát gì. Ngọc cứ thế mà tung tẩy vừa học vừa chơi, ra trường được nhận vào làm kế toán cho công ty xây dựng. Nghe oai chứ lương mỗi tháng chỉ đủ mua một cái quần bò và thêm hai tối thứ bảy cùng mấy con bạn mứt đạp xe từ Hà Đông ra Vọng Quán. Hôm nào máu lắm mới dám mò vào Hồ Gươm Xanh nghe anh Bằng Kiều, Tuấn Hưng hát. So với bạn cùng lứa cùng thời cũng tươm rồi. Cơm nước mẹ vẫn miễn phí, không truy cứu tiền lương. Bao năm mẹ đánh đổi cuộc sống xa chồng để gia đình có đủ miếng cơm manh áo, lúc chia tay mẹ chỉ dặn “Sang bên ấy, con đi đâu làm gì cũng phải có vợ có chồng có con ở bên. Nhớ nhé.” Ngọc đang làm điều mẹ dặn đây. Nhưng cô không làm được nhiệm vụ mẹ ngầm giao phó, có con gái lớn sang ở cùng bố sẽ hạn chế những quan hệ ngoài luồng của người đàn ông xa vợ. Người ta sang đây cặp bồ đầy ra. Khắp các ốp thiếu gì cảnh này. Xa vợ thiếu chồng lâu ai nhịn được. Ngọc chỉ không hiểu nổi bà cô kia sang đây khi vừa học hết cấp ba, trẻ trung xinh xắn sao lại đi cặp với ông già đã vợ con đàng hoàng như bố cô. Và Ngọc đã sang rồi sao cô ta không đi thuê chỗ khác mà ở, cứ ngồi một đống trong phòng chật thế kia. Đã thế bố còn xoen xoét nói dối nói phét. Về Việt Nam thì cãi chày cãi cối tuyệt đối không dan díu với ai. Nhậu nhẹt ở đây thì khoe chiến tích có bồ trẻ đẹp. Mới sang được hai tuần Ngọc đã tức không chịu được, hỏi thẳng bà cô trong khi chờ bố về ăn cơm “Này, bao năm nay bố tôi không đưa cô về gia đình giới thiệu chính thức thì có nghĩa ông ấy không bỏ vợ đâu. Cô còn hy vọng gì mà cứ bám lấy?” Hôm sau mẹ ế này mách bố Ngọc, kêu con gái anh nó muốn đuổi em đi. Hai mươi năm xa bố, mới đoàn tụ hai bố con đã chính thức cãi nhau vì gái già. Hãm! Thỉnh thoảng ngứa mồm Ngọc lại đòi về Việt Nam. Tâm trạng nặng như bát cơm xới ra rồi cứ để nguội mới được ăn.

“Mẹ để đấy cho nguội con mới ăn được. Canh nóng bỏng họng mà mẹ chan được, ăn được. Siêu nhân!” Con Sa ngúng nguẩy chưa chịu ngồi vào bàn. Bảy giờ tối. Muốn ăn nóng rồi cũng chỉ Ngọc đúng giờ. Anh Thành hồi mới lấy nhau ăn uống cũng phèn lắm, vợ cho gì chén nấy. Từ hồi dư dả lối sống cũng phong lưu hơn. Thành đặt lịch cuối ngày đi chơi tennis với bạn, chọn ngồi vào bàn giờ khác, ăn cũng kiểu khác. Ngày ngày Thành duy trì sáng dậy từ năm giờ, tập yoga một tiếng, thong thả đun ấm nước nóng pha cốc hạt chia, ăn thêm đĩa trái cây. Trưa đi nhậu nhẹt với bạn bè, tiếp đãi đối tác. Tối về trung thành tô nước cốt xương gà hầm củ cải ăn kèm mấy lát bánh mì đen, tránh cơm. Ngọc ngắm nhìn tổ ấm của hai vợ chồng. Căn hộ cũng chỉ rộng gấp đôi của bố. Triệu đô trong tay rồi, vẫn ở chật chội thế này đây. Lại nhớ con Hà đã chuyển sang Hungary định cư có lần mời Ngọc sang chơi, khoe mới tậu được villa to rộng, bể bơi trong nhà. Mẹ ơi! Từ sân bay về nhà nó xa tít tắp. Ngọc chỉ ưng mỗi cái vườn trồng cẩm tú cầu bông nào bông nấy bung lụa, nhìn sướng mắt như những cọc tiền thắng quả công hàng vải của bọn Tàu. “Bao tiền cơ ngơi này?” Giọng Ngọc thờ ơ. “Hơn ba trăm nghìn Oi(2) đấy chị ạ”. Ngọc nhìn Hà như người mới ở hành tinh nào rơi xuống. Giời ạ. Nó đồng cam cộng khổ với Ngọc ở Nga dễ đến gần chục năm trời mà không nhớ anh nông dân chân đất cũng nhét lưng quần từ một đến hai triệu đô là chuyện thường. Người giàu phải ở Nga chứ làm gì có đất ở Ba Lan, Hungary, Pháp hay Đức. Bỏ ba trăm nghìn Oi mua cái villa hơn nghìn mét vuông nhưng cầm số tiền đó ở Nga chỉ đủ mua cái móng nhà. “Kệ! Miễn là được cái cảm giác thoải mái. Kiếm chậm nhưng cầm đồng nào chắc tay đồng ấy chị ơi, không ngay ngáy lo bị lột sạch. Sáng sáng được tung tẩy lái con Mẹc đi cà phê, ăn phở. Nhìn chị có mấy triệu đô mà cứ phải giả nghèo, nhà to không dám mua, xe đẹp không dám lái, hàng hiệu không dám dùng thì sướng ở chỗ nào.” Ngọc tỉnh bơ “Tao cứ phải ở trung tâm, chả hơi đâu về nhà quê, đã buồn thì chớ, ăn lại còn không ngon, bói không ra dịch vụ nóng sốt.” Hà lầm bầm “Kể ra kiếm tiền thì ở bên ấy là thích nhất. Nhưng mà eo ơi, lạnh teo buồng trứng. Em mà cứ ở thêm bên ấy chắc tịt đẻ chứ đâu tòi ra được hai thằng cu thích như bây giờ.”

À, khoản này thì con Hà nói phải. Lần nào gọi điện buôn chuyện nó cũng đắc thắng kể con A hồi còn đứng bán quầy cạnh nhau ở chợ vòm chính thức teo buồng trứng, tiệt đường con cái. Vợ chồng ông D tốn bao tiền chạy chữa hiếm muộn vẫn không nặn ra nổi mụn con, hình như tinh trùng zê rô. Cô G đã chửa được sáu tháng lại lưu thai. Rằng nó mừng cho Ngọc với Thành. Tòi ra được con Sa, chẳng gia tài cơ nghiệp nào so cho bằng. Anh Thành tay trắng đi lên cũng từ buôn bán như Ngọc thôi. Nguy cơ lắm chứ. Cửa hàng thực ra chỉ là cái công ten nơ ngoài trời. Đứng bán từ năm giờ sáng tới sáu giờ chiều trong thời tiết âm ba mươi đến âm bốn mươi độ C, người cứng như đi mượn, nước mũi vừa chảy ra đã đóng đá. Cảm giác sắp toi đến nơi. Lúc đông khách luôn chân luôn tay còn ấm người lên một tí. Khi vắng khách cứ phải nhảy lò cò, uống cà phê nóng liên tục. Uống nhiều chỉ tổ đi vệ sinh. Đàn ông tìm xó nào đứng giải quyết còn dễ chứ đám đàn bà như Ngọc với Hà đùm đà tất trong quần ngoài áo lông dài lụp xụp, mỗi lần chui vào nhà vệ sinh công cộng chật chội bẩn thỉu thảm không để đâu cho hết. Không teo là may rồi.

Cơm lạnh - Truyện ngắn của Hương Val Malcot
Tranh của danh họa Vincent Van Gogh.

Chẳng biết con Hà còn nhớ chính nó lôi kéo Ngọc ra ở riêng. Ban đầu bố còn tưởng Ngọc đi theo trai. Thời đó con gái mới lớn như cô đắt giá lắm. Cơn cớ là bà cô ế kia không chịu đi, cứ lỳ ra một đống. Thì Ngọc phải đi thôi. Chỉ sau ba tháng sang Nga, Ngọc rời căn hộ hai mươi mét vuông đi theo một đứa con gái mới quen ở chợ vòm. Con Hà đấy. Kể cũng liều, con Hà lúc ấy mới đi làm thuê cho một gia đình người Việt ở chợ vòm được một năm, kinh nghiệm còn non đã dám rủ Ngọc ra ngoài buôn bán cùng nhau, thuê một căn hộ ở cùng hai cặp khác. Hai chị em thuê một công mất năm trăm đô để được vào sân vận động bán quần áo. Cực nhất cảnh ngày ngày đánh đu đóng mở công ten nơ trong giá rét. Mỗi lốc hàng năm mươi cân mà Ngọc với Hà hồi đó chỉ bốn nhăm cân chứ mấy. Dần khôn ra, tiền kiếm được chia cho mấy anh Trung Á to cao lởn vởn cạnh đó mở cửa đóng cửa giúp. Chốc chốc đặc nhiệm lại ập đến, đang đông khách mà phải vứt hết bàn ghế quần áo vào công rồi đóng cửa, chạy. Lên xe buýt tưởng thoát, vẫn bị lôi về đồn, lột sạch tiền. Đỏ cũng lắm mà đen cũng nhiều. Ờ, không đen không thành Pa-ven(3), con Hà hay nói thế. Không tôi luyện như thế không thành công và cũng chẳng vững vàng được như ngày hôm nay. Càng không nghĩ có ngày chính bố phải nương nhờ Ngọc.

Công bằng thì chính bố đã tạo cho Ngọc bệ phóng đầu tiên ở xứ này. Lúc bỏ nhà đi Ngọc cũng đã có chút tích cóp. Bố mở cửa hàng thực phẩm ngay dưới tầng ngầm của ốp. Ngọc chẳng phải đi đâu xa, sáng được ngủ nướng đến chín mười giờ. Mười một giờ bố mang hàng về thì xuống bán đến chín giờ đêm lên dọn nhà nấu cơm. Khách chủ yếu người Việt trong ốp, Ngọc phải vật vã mổ cá bó rau nhưng không đến nỗi rét lạnh thấu xương như bán hàng ngoài chợ thế này. Mỗi ngày từ cái cửa hàng thực phẩm bé tin hin ấy cũng kiếm từ một đến hai nghìn đô. Lần đầu Ngọc hoa cả mắt, trách bố “Biết kiếm tiền dễ thế này sao bố không gọi con sang sớm hơn.” Bố ậm ờ “Ham chưa? Tao cứ phải ở bên này không về với mẹ con mày được là vì thế. Mày khôn thì đừng phải lòng thằng da trắng nào bên này. Bọn đó éo có tiền đâu. Đầu đen như mình mới là thằng có tiền ở xứ này.” Nhìn tiền kể cũng sướng thật nhưng vẫn chướng mắt với bà cô đang ngồi xỉa răng trên ghế bọc vải. Lại nhớ mẹ ở quê nhà mà thương không kể xiết “Bố bận kiếm tiền hay còn bận ngủ ấm nữa”, Ngọc từng vặc lại. Bố quăng đũa “Nói cho mày biết, để chạy giấy tờ hợp pháp cho mày sang đây tao phải chi bảy nghìn rưỡi đô chứ ít à. Mày cũng được ngủ đến trưa mới dậy, còn tao năm giờ sáng rét rụng mũi cước chân đã phải lái xe đi lấy hàng tươi sống về cho mày bán rồi. Mày nhìn khắp các ốp có ai không bồ bịch như tao? Đã ăn lạnh rồi cũng phải được ngủ ấm vài giờ chứ. Mà tao đã bao giờ bỏ mặc mẹ con mày chưa.”

Nghĩ lại, Ngọc cũng nhiều lúc hơi quá quắt. Cái cực khổ của bố là rõ rồi. Tiền kiếm được cũng gửi về cho vợ con chứ không phải là bỏ bẵng. Thằng Vinh em Ngọc bố cũng bảo sẽ cho du học Úc, hoặc mở công ty riêng gây dựng sự nghiệp ngay ở Việt Nam, tội gì sang Nga cho khổ. Nếu nó cứ thích sang Nga cũng đón, nhưng cho vào đại học chứ không bắt bán hàng như chị. Vẫn đầy một cục tức ở chỗ bố giỏi tính toán thế, chu đáo thế sao không thuê hoặc mua lấy một căn hộ khác cho bà cô kia ở. Hoặc chuyển căn nào rộng hơn, có phòng riêng để Ngọc rúc vào cho đỡ chướng tai gai mắt. Đón thằng Vinh sang rồi cả lũ cũng chui rúc trong căn phòng số hai mươi ba, tầng bốn, ốp số bảy này à. Chỉ hai mươi mét vuông mà vừa ngủ nghê, tiếp khách và cũng nấu nướng ăn uống vệ sinh trong đó luôn. Tưởng sang đây thế nào, hóa ra nơi ở chẳng khác gì khu tập thể ở Việt Nam. Hành lang đầy xe nôi, giày dép quăng tứ tung, vỏ bia rượu vun đầy các góc. Cái gác xép bố ưu tiên cho Ngọc ngủ, chỉ cần đứng thẳng là chạm trần, u đầu. Cứ thế này Ngọc gù mất.

“Con gái con đứa đi đứng thẳng lưng lên, có ngực phải hãnh diện ưỡn ra”. Giọng mẹ vang lên. Cái thời Ngọc mới dậy thì, lưng cổ chân tay vươn dài lộc ngộc, cao hơn cả lũ con trai trong lớp. Ngọc ngại, đi đứng cứ khòng lưng xuống. Sang với bố ăn bơ sữa nhiều, trổ mã tròn đầy ngon nghẻ hẳn mà đi lại trong căn hộ cứ phải khòm lưng mới điên. Giờ Ngọc cũng gắng uốn nắn cho con Sa, đi thẳng ưỡn ngực dáng mới đẹp được. Đúng là duyên số. Bao nhiêu vệ tinh vè vè Ngọc chỉ ưng Thành vì hồi đó anh nắm thóp, hiểu tâm lí. Thành bảo dành dụm đủ tiền mua cả mấy cái biệt thự bên này rồi. Nhưng dại gì đầu tư nhà cửa bên này, tiền đó gửi về mua đất cất khách sạn, đầu tư với người ta xây cao ốc cho ngân hàng thuê. Ngồi ở đây vẫn nhìn thấy tiền thuê hàng tháng chuyển thẳng vào tài khoản ở Việt Nam là chắc cú nhất. Còn ở bên này, đỉnh của chóp là Thành có quan hệ rộng, chạy chọt được một suất chung cư trong khu có canh gác bảo mật hai tư trên hai tư giờ. Phải máu mặt mới chạy được suất ở đó. Căn này chỉ bốn nhăm mét vuông nhưng cực hiếm và rất an toàn. Mang tiền hàng về không lo phải cất trong nồi cơm điện, đẻ con ra cũng không sợ bị bắt cóc tống tiền. Thỉnh thoảng từ chợ vòm về bị tóm vào đồn coi như chỉ đen lúc ngoài đường thôi. Không đen không thành Pa-ven cơ mà. Còn về đến nhà mình là chắc cú an toàn. Ờ, lấy Thành là thượng sách. Đàn ông đầu đen, có tiền và chưa vợ ở quê, lại biết tìm nơi an toàn dễ thở cho Ngọc trú ngụ.

“Mày đừng tưởng bở. Nó chẳng đạo đức gì hơn tao đâu. Thằng Thành mà không yếu sinh lí thì cũng lập phòng nhì, con riêng con chung vung vẩy khắp nơi.” “Con tởm là tởm cái kiểu sống hai mặt của bố mà vẫn sống vui cho được. Thành nhà con ít ra không giả như bố.” Hết nói chuyện tiền thì gây sự chuyện sinh lý. Bố với chả con. Chán mớ đời. Ngọc có thể bỏ cái căn hộ chỉ hai mươi mét vuông ấy ra đi chứ không thể dứt tình cha con được. Mới năm kia năm kìa chứ đâu, cửa hàng thực phẩm ế ẩm, bố với bà cô già nhảy ra ngoài mở xưởng may chăn ga gối đệm, cũng thuê mặt bằng thuê nhân công hoành tráng như ai. Đầu tư cả đống tiền. Bày vẽ đua với thiên hạ. Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào. Bao năm chỉ tính mớ rau con cá, tự buôn tự bán còn dễ. Ra ngoài làm ăn lớn không có kinh nghiệm vỡ mặt ngay. Bị nợ bị quỵt tiền hàng, nhát không dám thuê xã hội đen đi đòi như Ngọc nên sạt nghiệp. Bo nớt thêm quả đột quị tí chết. Ngọc phải trả nợ cho hơn bốn trăm nghìn đô. Bị đột quị chữa mãi không xong bệnh viện trả về, bố Ngọc tưởng không qua khỏi bắt Ngọc hứa lo cho bà cô ế. Ngọc ra điều kiện bố phải về Việt Nam chữa đông y, còn nước còn tát, rồi dưỡng già ở quê luôn. Hơn bảy mươi tuổi rồi đừng sang lại đây nữa thì mới hứa. Về quê gặp thầy hợp thổ nhưỡng thế quái nào bố Ngọc lại đỡ, sống ổn dù mẹ Ngọc cũng chỉ thỉnh thoảng ghé qua lo thuốc thang chứ quyết không chứa chấp, không cho về ở chung. Con Hà biết chuyện lại kiên trì giả thuyết “Em đồ bà cô già này bị teo não mới thủy chung son sắt với ông cụ nhà chị thế chứ. Giờ ông ấy tuốt về Việt Nam rồi, có cho cả công tiền cũng không sang nữa mà bà cô ấy vẫn không cặp với ai à. Có tiền cặp phi công trẻ cho sướng đời. Tội gì ôm cái căn hộ rách ấy cho khổ.”

Con Hà đúng bị ám ảnh bởi các kiểu teo. Nó tưởng Ngọc không xui bà cô ấy từ đời tám hoánh nào rồi à. Từ hồi ra ở riêng, rồi lấy chồng, thỉnh thoảng Ngọc vẫn ghé qua căn số hai mươi ba tầng bốn ốp bảy. Nhìn quanh không thấy bố đâu, vẫn bà cô ế ngồi trên ghế bọc vải xỉa răng. Nhìn dáng vẻ chậm chạp kinh người ấy, ngứa mắt quá Ngọc lại xúi “Bà dại. Còn xuân mà cứ ngồi xó này ôm ông già làm gì. Lấy mẹ nó phi công đi, tôi giới thiệu cho.” Ban đầu bà cô còn mách ông già, ông già tức tốc gọi điện chửi Ngọc. Sau không thấy mách nữa. Vì không thấy ông cụ gọi chửi. Ngọc chả đúng à. Bà ngu lắm. Gái tơ mành mành lại đi ở không công cho thằng đã vợ con. Già rồi thì dựa éo được vào ai. Bà cô ngồi mặt phớt đời, cùng lắm chỉ hỏi đi hỏi lại câu “Thế giờ giấu tiền vào nồi cơm điện hay cặp lồng cơm đây?”

Đấy, mở nắp nồi cơm điện cả chục phút rồi con Sa mới chịu ra bàn xúc cơm chan canh ăn. “Sao mẹ bắt con nấu nhiều cơm thế, bố có chịu ăn cơm đâu”. Thành lạch cạch mở cửa vào nhà “Hai mẹ con cũng tập bớt bớt ăn cơm đi. Cơm lắm tinh bột, táo bón, báu gì.” Người Thành lạnh toát, áo khoác cứng giòn tưởng sắp vỡ vụn. “Hôm nay anh chịu khó ăn cơm đi, nước xương gà hầm em mượn tạm nấu canh cà chua rồi. Mai em nghỉ, sẽ ninh đền nồi xúp xương gà.” Đợi con Sa ăn xong vào phòng riêng, Thành mới bảo “Điện thoại của em để kiểu gì mà gọi cứ tò tí te thế. Anh lo nên phải chạy về nhà sớm.” Ngọc chợt nhớ “Chiều nay bị tóm vào đồn, gọi cho anh mãi cũng không được. Lúc ra khỏi đồn em gọi được cho con Sa nhõn một cuộc là treo máy. Lạnh quá máy cũng teo hay sao ấy.” “Ông già em gọi đấy. Kêu thằng Vinh chả chịu ghé thăm gì cả, bố về cả năm rồi nó cũng coi như không. Ông ấy nhớ con Sa, hỏi Sa có ngoan không, có hay cãi không”. Ngọc dài giọng “Con Sa mà dám cãi em. Chỉ có bố nó là hay chửi em thôi.” Thành bật cười “Bố nó cũng là bố em còn gì, quên à.”

“Lại cô à?”, viên cảnh sát nhìn Ngọc hỏi. “Lại tao đây!” “Hôm nay chúng tôi có bắt cô đâu mà tự dẫn xác vào? Thích được khám à?” Ngọc hất mặt về phía phòng tạm giam “Đến bảo lãnh cho bà cô ế kia” “À, bà này không có giấy tờ gì cả, phạt nặng đấy” “Chúng mày nhẵn mặt bà ấy còn gì. Tên còn hay quên làm sao nhớ giấy tờ để đâu, rơi đâu. Thôi cho tao nộp tiền bảo lãnh đi.” Ngọc đưa bà cô ế lên xe buýt, ngồi cùng một chặng, rồi bảo “Bến sắp tới tôi xuống đấy. Cô đi năm bến nữa mới về tới nhà. Còn nhớ nhà ở đâu không?” Bà cô mắt vẫn nhìn ra ngoài cửa xe, ánh đèn đường quét lên những thân bạch dương trắng bợt và run rẩy “Số hai mươi ba, tầng bốn, ốp bảy.” “Ờ, chuẩn đấy. Này, con Sa hôm nay nấu cơm dẻo ngon lắm, tôi bảo nó xới vào cặp lồng mang cho bà đây.” Bà cô quay lại, nhìn chằm chằm “Con Sa của tôi à? Cặp lồng à? Cơm à?” Ngọc bần thần ngồi ngắm bà cô chậm chạp lần cởi từng khuy áo khoác, vén vạt áo len lên rồi nhét cặp lồng vào bụng “Giấu thế này cho chắc.” Ngọc gật gật, nước mắt ầng ậng dâng lên “Ừ, ủ thế này cho ấm.”

---------------

1. Ốp: Khu chung cư.

2. Oi: Đồng tiền Euro của châu Âu.

3. Pa-ven: Nhân vật trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy.

Văn nghệ, số 12/2022
Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 50/2024 ra ngày 14/12/2024 có các nội dung sau đây:
Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Baovannghe.vn - Lê Vĩnh Thái luôn mang tâm thế là một thầy giáo nghèo vùng ngoại ô của Huế. Sự vất vả, lam lũ, khung cảnh nông thôn chính vì thế luôn là không gian nghệ thuật nổi bật trong thơ anh.
Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Baovannghe.vn - Trong tranh của Trương Đình Hào, ta thường bắt gặp nón quai thao, một cặp nam nữ đang hát quan họ, các con vật và vật dụng thường ngày… Thoạt nhìn, rất dễ để xem tranh Hào dưới góc nhìn văn hoá, di sản: các tác phẩm ghi lại các hoạt động bình dị hằng ngày của đời sống nông thôn ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trong đáBaovannghe.vn - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội là trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tòa nhà bình dị này mang một ý nghĩa rất lớn.
Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Baovannghe.vn- Tôi gặp mùa thu trên mặt sông đầy/ nhịp cầu giống chiếc đòn gánh lớn