Bộ phim truyền hình của đạo diễn Đỗ Thanh Sơn lên sóng “giờ vàng” VTV đã thu hút sự quan tâm của khán giả thành thị, đặc biệt là người trẻ nhưng cũng gây ra phản ứng trái chiều trong cộng đồng người Dao. Đằng sau thành công, đáp ứng thị hiếu công chúng của bộ phim là câu chuyện lớn hơn về ứng xử văn hoá mà người làm sáng tạo cần phải chú ý. |
Đi giữa trời rực rỡ (tên ban đầu: Đi về phía mặt trời) chính thức lên sóng giờ vàng phim Việt trên VTV3 (Đài Truyền hình Việt Nam) từ tối 31/7, lập tức thu hút khán giả. Bộ phim mới nhất của đạo diễn Đỗ Thanh Sơn kể về câu chuyện của Pu (Thu Hà Ceri đóng), một thiếu nữ người Dao đỏ vừa bước qua 18 tuổi, nhận giấy báo trúng tuyển Đại học Y dược Hà Nội. Trong lúc đang phơi phới với ước mơ sắp thành hiện thực, cô gặp rắc rối khi gia đình mắc khoản nợ lớn của ông Chiểu, một đại gia trong bản. Chải (Long Vũ đóng), cậu thiếu gia con ông Chiểu yêu Pu say đắm và theo đuổi cô nhưng bị từ chối hết lần này đến lần khác. Nội dung phim chủ yếu xây dựng trên câu chuyện tình yêu và sự trưởng thành của Pu và Chải cũng như câu chuyện tình yêu của hai người trẻ dân tộc Dao.
Đi giữa trời rực rỡ có một câu chuyện không mới với sự kết hợp giữa yếu tố lãng mạn hài hước và tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, việc khán giả truyền hình đang “bội thực” với những bộ phim về đề tài mẹ chồng - nàng dâu, hôn nhân, đánh ghen… thì một bộ phim như Đi giữa trời rực rỡ dễ được chấp nhận và yêu thích hơn. Bên cạnh đó, việc đặt bối cảnh và câu chuyện của tộc người thiểu số (Dao đỏ) đã tạo nên một điểm nhấn đặc biệt của bộ phim. Lựa chọn này cho phép nhà làm phim khai thác những chi tiết khác lạ, có phần mới mẻ với khán giả đại chúng (người Kinh đa số).
Phải khẳng định rằng, Đi giữa trời rực rỡ là bộ phim truyền hình do người Kinh tạo ra (đạo diễn, nhà sản xuất và dàn diễn viên chính đều là người Kinh). Đối tượng khán giả chính của bộ phim cũng đa số là người Kinh. Việc những diễn viên người Kinh hoá thân vào người dân tộc trong phim cũng giống như việc người thành thị mặc trang phục dân tộc và chụp ảnh lại sau mỗi chuyến du lịch lên các bản vùng cao. Sự “nhập vai” vô hình này nhanh chóng khiến khán giả đồng cảm bởi trong thực tế họ cũng làm điều tương tự. Vì thế, dù đặt bối cảnh câu chuyện là người Dao (thiểu số) nhưng khán giả (người Kinh đa số) vẫn thấy quen thuộc khi thưởng thức bộ phim này.
Mặt khác, Đi giữa trời rực rỡ cũng là sự trình hiện về đời sống, văn hoá của những tộc người thiểu số của Việt Nam, ở đây là người Dao đỏ. Ngay từ tập đầu tiên, bài hát rap Người miền núi chất của rapper Double2T (người dân tộc Tày) đã được vang lên nhiều lần. Rap/ hiphop vốn là một thể loại âm nhạc du nhập từ Mỹ vào Việt Nam, và dần trở thành văn hoá của người trẻ Việt Nam (chủ yếu là thành thị). Double2T tham gia và đoạt quán quân Rap Việt mùa 3 đã tạo nên hình ảnh “người miền núi chất”. Trong tác phẩm của mình, rapper này đã hát: Người miền núi chất/ Lên sân khấu tay cầm mic/ Từ cùng trời cuối đất/ Cho họ biết đây là Rap từ Hiphop từ trên bản làng.
Hình ảnh mà Double2T đưa vào bài rap cũng là hình ảnh nhân vật Chải và bạn bè trong phim Đi về phía mặt trời. Từ trang phục như giày sneaker, áo bóng chày... đến âm nhạc họ nghe, không hẳn là của người Kinh mà còn là văn hoá của người Mỹ da màu từ bên kia đại dương. Bên cạnh đó, những hình ảnh nhỏ khác như mặc váy, âu phục, các đoạn hội thoại trong phim cũng đang phản ánh những thay đổi của người dân tộc trong quá trình hiện đại hoá và toàn cầu hoá. Trên thực tế, việc tái trình hiện người dân tộc thiểu số lên truyền thông là điều cần thiết. Nhưng điều này chỉ đáng công nhận và khen ngợi khi không tổn hại đến cộng đồng thiểu số.
Phim Đi giữa trời rực rỡ. Ảnh: SK Pictures |
Lựa chọn câu chuyện và bối cảnh tại Cao Bằng, và cộng đồng người Dao ngoài giúp nhà làm phim khai thác yếu tố lạ lẫm, cuốn hút còn đặt ra cho họ nhiều thách thức không hề nhỏ. Việc hiểu văn hoá người Dao và đưa nó vào tác phẩm một cách chân thực mà vẫn sinh động là điều không hề dễ. Nếu điều này thực hiện không cẩn trọng, nhà làm phim sẽ “cớm nắng” trước khi thực sự đi về phía mặt trời hay đi giữa trời rực rỡ. Điều dễ dàng được khán giả nhìn thấy trên khuôn hình như trang phục, ngôn ngữ, cách ứng xử có thể được quan tâm và bàn luận. Không nằm ngoài dự đoán, khi phim vừa lên sóng được vài tập đã lập tức nhận được phản hồi đa chiều.
Theo báo Dân trí, tiến sĩ Bàn Tuấn Năng - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Trí thức khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam, Trưởng ban đại diện nhóm “Người Dao Việt Nam - gắn kết từ bản sắc”, cũng là người Dao quê ở Nguyên Bình (Cao Bằng), nơi diễn ra bối cảnh quay chính của bộ phim - cho rằng nhiều chi tiết trong phim là chưa hợp lý, thậm chí xúc phạm. Các chi tiết như nhân vật Pu mặc lễ phục người Dao đỏ đi chăn trâu là chưa đúng. Nhân vật Chải đeo yếm nữ nhảy múa là hình ảnh sai lệch. Hay hình ảnh người phụ nữ đứng trước ban thờ thắp hương cũng là điều cấm kị của người Dao. Để làm rõ những điều này, tiến sĩ Bàn Tuấn Năng đưa ra so sánh. Việc Pu mặc lễ phục người Dao đỏ đi chăn trâu cũng giống như việc người Kinh mặc áo dài đi chăn trâu, và điều này là bất hợp lý. Hay hình ảnh Chải mặc yếm nữ nhảy múa cũng tương tự như đàn ông người Kinh mặc áo ngực phụ nữ khi ra đường. Không chỉ về mặt trang phục, lễ nghi mà trong ngôn ngữ, người Dao cũng không xưng “mày - tao” như trong phim Đi giữa trời rực rỡ.
Ngay khi nhận được phản hồi của tiến sĩ Bàn Tuấn Năng, đạo diễn Đỗ Thanh Sơn đã đến gặp trực tiếp để trao đổi cũng như nhận lỗi về phía ekip làm phim vì chưa có những nghiên cứu sâu về mặt văn hoá của người Dao. Dù nhận lỗi nhưng đạo diễn Đỗ Thanh Sơn chưa đủ nhập tâm vào đời sống văn hoá người Dao một cách nghiêm túc. Vị đạo diễn và ekip vẫn bị chi phối bởi văn hoá của cộng đồng dân tộc đa số so với thiểu số, cụ thể ở đây là người Kinh với người Dao.
Những yếu tố không hợp lý, thậm chí xúc phạm trong Đi giữa trời rực rỡ có thể là dấu hiệu của sự chiếm dụng văn hoá. Tác giả James O. Young trong công trình Sự chiếm dụng văn hoá và nghệ thuật cho rằng, không phải mọi vay mượn của nghệ sĩ đều là sự chiếm dụng văn hoá. Hầu hết các nghệ sĩ đều “chiếm dụng” như vay mượn ý tưởng, motif từ những nghệ sĩ khác. Vì thế, chiếm dụng văn hoá không phải lúc nào cũng mang hàm nghĩa tiêu cực. Nó chỉ xấu khi quá trình này diễn ra một chiều trong đó một cá nhân hay một nhóm người hưởng lợi từ nhóm văn hoá của nhóm người khác, không đem lại lợi ích cho cộng đồng văn hoá.
Dù gặp phải tranh cãi, bộ phim vẫn đang được khán giả đón nhận một cách nồng nhiệt. Con số người xem và những bàn luận xung quanh tiếp tục khiến bộ phim trở nên phổ biến và nổi tiếng. Tuy nhiên, hệ luỵ đằng sau sự thành công này có thể khiến cho những khán giả vốn chưa có nhiều hiểu biết ngộ nhận, hiểu sai về trang phục, văn hoá, tín ngưỡng, đời sống của người Dao (hay bất kỳ cộng đồng người thiểu số nào nói chung). Đó là một thành công của một bộ phim truyền hình nhưng còn nhiều điểm cần khắc phục để đi tới thành công trong biểu đạt văn hóa.
Ý Nhi | Báo Văn nghệ
-----------
Bài viết cũng chuyên mục: