Văn hóa nghệ thuật

Marcel Duchamp: “Nghệ thuật chỉ là trò chơi”

Hồ Minh Tâm
Mỹ thuật
08:00 | 22/08/2024
Baovannghe.vn - Khác với nhiều danh họa cùng thời, Marcel Duchamp (1887 - 1968) - họa sĩ đa tài người Pháp, sống ở Mỹ - chối bỏ loại hình nghệ thuật đáp ứng thị hiếu “võng mạc”. Theo ông, nghệ thuật phải là nguồn mạch từ bên trong, phải gợi mở “tâm trí”. Vì thế ông được xem là một “ca” đáng kể nhất trong lịch sử nghệ thuật phương Tây và thế giới. Cùng thời Picasso, cũng là một trong những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn đến công chúng bấy giờ, nhưng giữa hai người là một bức tường răng cưa. Những cái “răng cưa” ấy thể hiện sự muốn cứa vào nhau, loại trừ nhau…
aa

1.

Khác với nhiều danh họa cùng thời, Marcel Duchamp (1887 - 1968) - họa sĩ đa tài người Pháp, sống ở Mỹ - chối bỏ loại hình nghệ thuật đáp ứng thị hiếu “võng mạc”. Theo ông, nghệ thuật phải là nguồn mạch từ bên trong, phải gợi mở “tâm trí”. Vì thế ông được xem là một “ca” đáng kể nhất trong lịch sử nghệ thuật phương Tây và thế giới. Cùng thời Picasso, cũng là một trong những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn đến công chúng bấy giờ, nhưng giữa hai người là một bức tường răng cưa. Những cái “răng cưa” ấy thể hiện sự muốn cứa vào nhau, loại trừ nhau… Tác phẩm của họ nhờ thế được cưa cắt, mổ xẻ để khơi gợi sự sáng tạo. Nếu Picasso thích trên thân người có một cái đầu của con bò tót, thì Marcel Duchamp lại muốn gương mặt mình có những xinh tươi mềm mại của một thục nữ.

Quan điểm mĩ học khác nhau luôn tạo những mâu thuẫn lớn, nếu không muốn nói là lớn nhất, phản lại, xuyên phá sự hòa hợp. Tuy nhiên, trong nghệ thuật những quan niệm về cái hay cái đẹp có tính đối lập lại là dung môi cực tốt cho cái mới, cái riêng, cái bất ngờ vụt hiện.

Ai yêu hội họa hẳn không lạ Nàng Mona Lisa, một tuyệt tác vô giá của thiên tài Leonardo da Vinci. Mất gần 16 năm để hoàn thiện các chi tiết phi thường, hiện nàng Lisa đang được trưng bày với một quy trình cẩn trọng tại Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp.

Marcel Duchamp: “Nghệ thuật chỉ là trò chơi”
Marcel Duchamp (1887 - 1968)

Không ai phủ nhận sự hoàn mĩ của tác phẩm ấy, không ai không khỏi ngạc nhiên với số phận kì thú của bức tranh ấy. Một người sành sỏi nghệ thuật như Marcel Duchamp chắc chắn hiểu rõ giá trị (giá trị nghệ thuật lẫn giá trị hàng hóa) của bức tranh.

Tuy nhiên, Marcel muốn thưởng thức Mona Lisa bằng một ánh sáng khác... Ông tự quẹt vẽ thêm ria mép cho nàng. Hành động của ông bị phản đối dữ dội, nhưng ông vẫn tự lí giải, tự thực hiện hành động ấy nhiều lần trong hai năm liền. Tất nhiên, nàng chỉ mọc râu trên những tấm postcard, hàng trăm tấm postcard như vậy. Và, đặc biệt hơn, trên postcard có dòng chữ gồm các kí tự Latinh LHOOQ… Mãi sau người ta mới phát hiện “LHOOQ” đọc theo âm tiếng Pháp thành “elle a chaud au cul”, dịch ra tiếng Việt là “cô ả bốc lửa trong cái hĩm”! Thế giới nghệ thuật thời đó kinh hoàng với mật ngữ mà Marcel Duchamp đã “chơi”. Marcel làm vậy để làm gì? Tại sao Duchamp lại làm như thế? Tại sao, hàng ngàn câu hỏi tại sao. Đáp lại Duchamp cứ tưng tửng, chậm rãi lúc thế này lúc thế khác. “Leonardo da Vinci là một người đồng tính. Mona Lisa tại sao lại không thể cũng là một người đồng tính? Ảnh tranh của Leonardo da Vinci chứ có phải ảnh tượng Chúa đâu? Mà Chúa thì đã sao? Quý vị có thể cho Mona Lisa như thế là đẹp. Còn tôi, tôi thấy cô nàng phải có thêm mấy cọng râu nữa mới đẹp! Nàng Mona Lisa ở điện Louvre là đúng rồi. Nàng xứng đáng ở đó. Và nàng... chỉ nên ở đó…”

“Đúng là đồ tâm thần!” Nhiều người đã chỉ thẳng Marcel Duchmap rồi mắng chửi, sỉ nhục, nguyền rủa như thế. Giới học thuật cho rằng đó là sự suy đồi của nghệ thuật tư sản, đổ vỡ niềm tin, đứt gãy tư duy, lệch lạc mĩ cảm...

Thế nhưng, cũng khá nhiều công chúng khoáng đạt trong tiếp cận nghệ thuật lại thấy hứng thú với Duchamp, họ xem đó là trò nghịch ngợm có tính giải trí cao. Đúng vậy, đơn giản là nghịch ngợm; chính Duchamp đã nhiều lần tuyên bố “nghệ thuật chỉ là trò chơi”. Và ông cứ “chơi” như thế với những readymades (đồ vật làm sẵn), những performance art (nghệ thuật trình diễn)...

Nhớ lại, những năm 1980 khi báo chí rộ lên xung quanh bức tranh Nụ cười Mona Lisa (hồi đó họ tự nghĩ ra một cái tên khác, và họ gọi thế, là “Nụ cười của Mona”). Chúng tôi là những sinh viên, ít nhiều liên quan đến mĩ thuật, hội họa…, cắt ảnh của “nụ cười...” từ báo, đi đâu ngồi đâu cũng mang nàng ra để giải mã nụ cười. Chúng tôi dùng ngón tay mình, che nửa môi bên này, nửa môi bên kia... với một sự dịch chuyển nhỏ của ngón tay, thấy nàng như mở miệng rộng hơn, nụ cười như đã bắt đầu thành tiếng. Và, một phát hiện đầy thú vị, khi chỉ nhìn nửa môi bên phải của nàng bằng góc nhìn 90 độ thì đôi môi huyền bí ấy, nụ cười bí ẩn ấy như nửa hình thể từ mông lên lưng tuyệt đẹp của một thiếu nữ hiện ra. Một bí ẩn của nàng được Leonardo da Vinci tạo ra chăng? Hay đây là lí do mà Duchamp muốn dùng râu để che khuất? Tiếc là không thể gặp Duchamp để hỏi ông, hoặc ít ra khoe với ông phát hiện ấy… Hẳn ông sẽ khoái chí bởi ít nhất có một người đã thưởng thức nàng bằng cách riêng... giống mình!

Nghệ thuật phải chăng cũng là một tôn giáo, các tín đồ tự hành xác với sự khoái cảm, càng biết nhiều càng thấy thiếu hụt của mình. Tiếc thay, đến cuối ngõ họ mới nhận ra: nghệ thuật không có đích cuối, nghệ thuật thì không để hiểu, không cần hiểu, cảm được là đủ. Giống như nghe một bản giao hưởng giữa trưa hè nóng bức, lại cảm thấy như đang được bơi trong sương mờ mát lạnh. Ngắm một nét cọ trong tranh như thấy mình đang đi vào nơi hoang lạ, ở đó kể cả ông họa sĩ cũng chưa hề biết tới.

Nói nghệ thuật là “chơi” chẳng trật tí nào. Và, đã chơi thì phải có gì đó riêng, không dễ dãi, không lặp mình, không giống ai.

Nửa thế kỉ trước Marcel Duchamp đã “chơi” như thế. Ngày nay, trong tâm thức hậu hiện đại, hành động quẹt râu Mona Lisa của ông có thể diễn giải:

- Râu của nàng đã giải toả tâm lý tôn thờ ảnh tượng phổ biến nơi số đông.

- Marcel Duchamp đập phá một biểu tượng đã trở thành quyền lực, kìm hãm sự tự do phát triển do một hệ hình thẩm mỹ cũ kỹ, ức chế cái tôi tự tại.

- Ông đã khẳng định cái quyền nhìn nhận và cảm thức theo cách riêng của người thưởng ngoạn trước mọi giá trị. Hậu duệ nghệ thuật thấy ở ông một tinh thần khai phóng quyết liệt. Đập phá phần nhiều sự giam hãm, tù túng, của những mỹ cảm truyền thống. Nỗ lực của Marcel Duchamp phần nào trả con người về với điểm khởi đầu phi gia tốc trong căn tính, khôi phục bản thể hồn nhiên. Ông không phá cách để mà “chơi”. Chợt sực tỉnh, ngay cả tuyên ngôn “nghệ thuật chỉ là trò chơi” của ông cũng là sự chơi chẳng phải chỉ để “chơi” chút nào!

Cầu nối giữa đời sống thực tại và nghệ thuật đôi khi chỉ là ngây thơ, cần sự ngây thơ để cảm nhận. Picasso từng phải thốt lên: “Giá như chúng ta có thể tháo bộ não ra và chỉ dùng đôi mắt thôi!”

Thưởng thức nghệ thuật vì thú vui giác mạc, hay muốn tạo cú hích tâm hồn rốt cuộc cũng có một điểm chung đấy là hiệu ứng xung động của tác phẩm đến người thưởng thức.

2.

Marcel Duchamp: “Nghệ thuật chỉ là trò chơi”

Hand and Cigar, 1967

Picasso đã khởi tạo trường phái lập thể, còn Marcel Duchamp đã sáng lập chủ nghĩa dada. Marcel Duchamp tiếp thu cả khuynh hướng lập thể và vị lai trước khi ông trở thành kẻ thách thức tất cả các quy phạm, khi tác phẩm The Nude Descending the Staircase (Người khỏa thân bước xuống cầu thang) được giới thiệu tại Amory Show ở New York và gây ấn tượng mạnh mẽ.

Hành động giao chiến của Duchamp với chủ nghĩa duy mỹ thị giác, vốn được bắt đầu từ thời kỳ ông sáng lập chủ nghĩa dada, đã dấy lên những trào lưu nhỏ của nghệ thuật hiện đại. Nó mở đường cho nghệ thuật hiện đại, tạo hành lang cho những kẻ muốn chối từ các quy phạm. Nói như Wilhem de Kooning, riêng Marcel Duchamp đã là cả một trào lưu - “trào lưu một người”.

Năm 1915, ông mua một chiếc xẻng xúc tuyết rồi ông viết dòng chữ: Lường trước chuyện gãy tay. Thời gian này, cái từ “readymade” (đồ làm sẵn) lóe lên trong đầu ông như tên gọi cho hình thức biểu đạt.

Điểm nhấn quan trọng ở những tác phẩm “làm sẵn” là những câu văn ngắn, hoặc một vài chi tiết hình họa, ông gọi là “chi tiết trợ giúp”. Ở dịp khác, khi muốn phơi bày xung khắc cơ bản giữa nghệ thuật và tác phẩm làm sẵn, ông đã tưởng tượng ra cái gọi là “readymade tương hỗ”: biến bức tranh của Rembrandt như một mặt bàn dùng để là quần áo...

Nghịch mãi cũng nhàm, ông sớm nhận ra mối nguy hiểm của việc lặp đi lặp lại các hình thức biểu hiện và quyết định chỉ sản xuất một số lượng nhỏ các “tác phẩm làm sẵn”. Đối với người xem “có nghề”, nghệ thuật giống như một thứ ma túy. Một phán định cuối cùng của kẻ nghiện chính mình: Khi những tuýp màu được sản xuất hàng loạt, thì mọi bức tranh trên thế giới này đều là những “sự trợ giúp” của “tác phẩm làm sẵn” và đều là những tác phẩm lắp ghép.

Hồ Minh Tâm | Báo Văn nghệ

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Hiểu thêm về Ca trù - Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp Nhà & Người: Sự giao thoa giữa nghệ thuật và văn chương Bản tin Văn nghệ: Ghi nhận và tôn vinh những sản phẩm nghệ thuật đỉnh cao Phát triển mạnh mẽ, vững chắc nền Văn học, Nghệ thuật Nghệ thuật: Vũ khí của Nghệ sĩ châu Phi chống bất bình đẳng giới
Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.