Diễn đàn lý luận

Tự sự lịch sử từ góc nhìn tư duy nghệ thuật

Phạm Thành Hưng
Lý luận phê bình
10:00 | 06/09/2024
Baovannghe.vn - Tự sự lịch sử (historical narrative) lâu nay được dùng như một khái niệm xác định đặc điểm của một số thể loại văn xuôi kể chuyện, như ký sự ...
aa

Tự sự lịch sử (historical narrative) lâu nay được dùng như một khái niệm xác định đặc điểm của một số thể loại văn xuôi kể chuyện, như ký sự lịch sử, truyện ngắn và tiểu thuyết lịch sử. Tuy vậy, những phát hiện của tự sự học hiện đại và nghiên cứu liên ngành văn hóa học gần đây đã làm cho khái niệm này biến động, mở rộng nội hàm. Nó được ý thức không chỉ như một hình thức thể loại gắn với đề tài lịch sử, mà còn như một phương thức của tư duy nghệ thuật.

Trước tiên, nếu coi tự sự học như một khuynh hướng vận động và phát triển của thi pháp học hiện đại thì tự sự học nói chung và phạm trù tự sự lịch sử nói riêng đã được đặt ra từ nghệ thuật học cổ Hy Lạp, trước hết là trong cuốn Nghệ thuật thi ca của Aristotle. Trong cuốn nghệ thuật học cổ điển này, Aristotle đã đặt vấn đề tự sự lịch sử khi so sánh thơ ca với lịch sử. Aristotle cho rằng: “Nhiệm vụ của nhà thơ không phải ở chỗ nói về sự việc đã thực sự xảy ra, mà là nói về cái có thể xảy ra theo quy luật xác suất hay quy luật tất nhiên”(1). Nhà thơ và nhà sử học, theo ông, không phải khác nhau ở chỗ người dùng các cách luật, tức các thể thơ, còn người kia không dùng. Nếu đem tác phẩm của sử gia Hérodote (484-425 TCN) đổi thành văn vần thì trước sau nó vẫn là tác phẩm sử học. Họ khác nhau ở chỗ “nhà sử học nói về những điều đã xảy ra thực sự, còn nhà thơ thì nói về những gì có thể xảy ra”. Aristotle đánh giá thơ ca cao hơn sử học, vì theo ông “thơ ca nói về cái chung, mà lịch sử lại nói về cái cá biệt, nên “thơ ca có ý vị triết học và nghiêm chỉnh hơn lịch sử”. Cũng phải phân biệt hoạt động lịch sử hay sử học thời cổ Hy Lạp mà Aristotle nói đến chưa phải là hoạt động khoa học, chưa phát triển như một ngành khoa học, chưa đủ sức đứng ra với tư cách một ngành khoa học xã hội (historiography) mà K. Marx đã có lần đề cao và kỳ vọng. Về cơ bản sử học thời đó vẫn dừng lại ở trình độ những ghi chép, kể lại các biến cố sự kiện cũng như những câu chuyện vương triều của vua chúa, danh nhân mà thôi. Nhà sử học ở đây thực chất là những người chép sử. Sách của họ viết ra chỉ là những hình thức sử ký. Chính vì lẽ đó nó không nghiêm chỉnh và có tính triết học (tức có tính trí tuệ) bằng thơ ca, tức văn học nói chung. Cũng trong chương IX của cuốn sách này, khi tác giả dẫn ra vở bi kịch Đóa hoa của Agathon, chúng ta thấy xuất hiện khái niệm hư cấu - tưởng tượng (fictional): “Trong vở này các sự việc và tên tuổi đều là hư cấu, thế mà nó vẫn được mọi người thích thú”. Ông còn viết tiếp: “Những điều này cho ta rõ rằng: nhà thơ phải là người sáng tạo cốt truyện hơn là người sáng tạo cách luật”, tức là sử dụng các hình thức câu thơ, hình thức văn vần.

Tự sự lịch sử từ góc nhìn tư duy nghệ thuật

Iliad - thiên sử thi Hy lạp cổ đại.Ảnh minh hoạ Pan Macmillan

Những đánh giá phân biệt thơ ca và lịch sử dẫn trên cho ta nhận ra rằng, vấn đề tự sự lịch sử đã hình thành và được ý thức rất sớm. Thơ ca tức văn học mà Aristotle nói đến chính là thơ tự sự và kịch bản sân khấu với các sáng tác bất hủ của Homer, Aeschylus, Sophocles, Euripides, Aristophanes. Cũng chính xuất phát từ đó mà khi nói tới thơ ca ông nói ngay tới cốt truyện (fabule) của kịch: “Nhà thơ phải là người sáng tạo cốt truyện”. Và theo đó có thể nói tới hai hình thức kể chuyện, hai phương thức tự sự: Tự sự hư cấu và Tự sự lịch sử. Đó là hai phương thức thống trị trong tư duy nghệ thuật từ thời cổ Hy Lạp.

Cũng phải nói thêm rằng, về mặt thuật ngữ, cả Platon lẫn Aristotle chưa bao giờ sử dụng khái niệm “văn học”. Khái niệm này xuất hiện rất muộn. Cho đến nửa đầu thế kỷ 19, Hegel chỉ nói đến thơ ca. “Văn học” là thuật ngữ xuất hiện mãi nửa sau thế kỷ 19. Các triết gia cổ đại chỉ nói tới thơ, tức là một kiểu ngôn ngữ trữ tình, có hình thức cách luật, sử dụng nhiều phương tiện biểu hiện như nhịp thơ, ngữ điệu, nhạc tính, các phép chuyển nghĩa, tu từ, vốn gắn liền với nghệ thuật hùng biện, có xu hướng viết ra để ngâm hoặc trình bày trước công chúng. Bản thân Platon cũng không bao giờ gọi các cuốn sách dưới hình thức đối thoại của mình là thơ. Ông biết là mình đang viết văn xuôi và luôn đặt thơ với văn xuôi trong vị thế đối lập. Nhưng nếu như thơ là sự phản ánh, là muốn “mô tả cái gì đó sau nó” thì ông hoàn toàn không tin cậy được. Chính vì vậy cả Platon lẫn người học trò “bướng bỉnh” của mình là Aristotle quan tâm nhiều đến khái niệm bắt chước - mô phỏng (mimesis).

Mimesis ở Platon và Aristotle có nội hàm cách biệt, khá xa nhau, xuất phát từ cơ sở triết học duy tâm và duy vật của mỗi người. Mimesis có thể hiểu như một phạm trù của nhận thức luận (epistemology, noetic). Ngay trong quan niệm của Platon về hoạt động mimesis cũng có sự biến động, mâu thuẫn. Đối tượng, chức năng và hiệu quả xã hội của mimesis thay đổi tùy thuộc vào góc nhìn của nhà triết học, góc nhìn của người mơ ước xây dựng nước cộng hòa lý tưởng. Không ít bài nghiên cứu đã dẫn quan niệm mimesis của Platon thời trẻ, coi đó là quan niệm duy nhất và tổng thể, mà bỏ qua những biến đổi về chất trong nội hàm của nó về sau, khi Platon đã thành một triết gia già.

Mimesis là câu chuyện khá phức tạp. Điều ta quan tâm xoay quanh khái niệm “tự sự lịch sử” (đối lập với tự sự hư cấu) là sự xuất hiện cùng lúc với mimesis một khái niệm mới, là “kể lại” (diegesis). Nếu như mimesis là bắt chước, mô phỏng lại, thì diegesis là kể lại. Chính sự phân biệt giữa mô phỏng và kể lại đã tạo tiền đề cho lý thuyết thể loại học (genologie) phát triển sau này. Trong cuốn Những giới hạn của truyện kể, Gérarde Genett viết rằng, Platon đã nói tới các thể văn như Bi kịch, Hài kịch, Anh hùng ca và Thánh ca. Đó là “thể văn”, còn “loại văn” tuy không phải là phạm trù cao hơn, không bao chứa các thể văn, nhưng lại là các “cách thức biểu hiện tình huống kể”. Hay nói cách khác, Platon phân định thể loại theo lập trường của chủ thể phát ngôn, trong đó bao gồm ba cách phát ngôn, tương tự như ba phương thức biểu hiện là: Kể chuyện, Mô phỏng và Kết hợp của Kể và Mô phỏng. Ví dụ tiêu biểu nhất cho kiểu văn thứ 3 này là các bản anh hùng ca, như Iliat Ôđixê của Homer, nơi mà tác giả khi thì bộc lộ trực tiếp cái tôi của mình, khi thì bắt chước, kể lại hành động của các nhân vật. Trên tinh thần đó, Thơ là bắt chước, là phỏng lại chính tâm trạng nhà thơ. Cố nhiên cái Thơ mà ta nói ở đây là thơ trữ tình (lyric), không phải là các hình thức cách luật, văn vần, mượn hình thức câu thơ. Còn văn xuôi nghệ thuật (beletrie) là các phương thức biểu hiện: Bắt chước - mô phỏng và Kể chuyện, trong đó có lối kể hư cấu (fiction narativ) chấp nhận mọi điều “có thể xảy ra” và lối kể lịch sử (historical diegesis) tôn trọng những điều “đã thực sự xảy ra”(2).

Tự sự lịch sử với tư cách một hình thức tư duy là một trong những đặc điểm có tính bản chất xuyên suốt lịch sử phát triển của khoa học về lịch sử. Tuy nhiên những người làm sử hay các sử gia nói chung không chấp nhận quan niệm cho rằng các cuốn sách của mình cũng là những câu chuyện to nhỏ khác nhau về quá khứ. Thật ra, lịch sử là do các nhà sử học làm ra, còn bản thân lịch sử vẫn chỉ là một đối tượng cho sự tìm kiếm muôn đời gần như vô tăm tích, không bao giờ tiếp cận tới được. Không hề tồn tại một chân lý lịch sử mà chỉ có những phán đoán sử học. Sử học vẫn là những “đại tự sự” lẫn “tiểu tự sự”, mà ở đó, các sử gia chính là những người kể chuyện vô tình và ảo tưởng. Theo Petr Cornej, nhà sử học CH Séc, năm 2004, trong một hội nghị sử học quốc tế về lịch sử trung đại, hội trường vang lên trong diễn văn khai mạc một câu hỏi nôm na: “Nhà sử học thực sự viết gì?” Nghe hỏi, lập tức mọi người nhớ đến câu hỏi đó đã từng được đặt ra trong một hội nghị quốc tế tương tự vào năm 1884. Khi đó một nhà sử học đã đứng lên, trả lời rất ngắn gọn và kiêu hãnh: Sự thật! Câu trả lời khi đó đã nhận được những tràng vỗ tay hưởng ứng giòn giã. Không ai ngờ rằng 120 năm sau, khi ai đó buột miệng nhắc lại “Sự thật” thì cả hội trường lại nổ tiếng cười ran. Tất cả đều biết “Sự thật” mà sử học tìm ra chỉ là câu trả lời đùa bỡn. Từ tiếng vỗ tay chuyển thành tiếng cười nói trên phản ánh rõ sự biến đổi và phát triển của khoa học lịch sử cũng như phương pháp luận của nó. Quan niệm sử học như một sự nhận thức khách quan quá khứ chỉ là một điều mơ mộng.

Sự vận động và phát triển của sử học cũng gắn liền với sự phát triển của Tự sự học (naratology). Chúng ta đã nhận ra chặng đường phát triển dài lâu của tự sự học, khởi nguồn ngay từ những quan niệm lý thuyết về truyện kể trong Nghệ thuật thi ca của Aristotle. Tự sự học hậu hiện đại đã xem nhu cầu tự sự như một yêu cầu của quyền dân chủ, gắn liền với quyền con người trong xã hội hiện đại. Bởi vì mỗi ngày cá nhân con người luôn tiếp xúc và tiếp nhận những câu chuyện của ngoại cảnh và của chính bản thân mình. Các câu chuyện (narativ) xuất hiện hằng ngày, nảy sinh từng giờ trong xã hội và trong chính mỗi người. Chúng tồn tại trong nhiều dạng thái, nhiều hình thức, chúng có thể bị giam giữ trong tâm trí mỗi người, chúng có thể bị mã hóa và chờ được giải mã. Có thể hình dung chúng như những hệ thống ký hiệu hay những ký hiệu quyển (semiosphera). Các chuyện đó sẽ trở thành diễn ngôn khi chúng được kể ra, truyền miệng cho người khác nghe hoặc được viết ra thành văn bản ngôn từ. Như vậy, những câu chuyện “buôn dưa lê” của mấy người bán rau chợ quê cho đến các tác phẩm sử học đều là “những câu chuyện” hoặc tản mạn hoặc được hệ thống hóa. Chúng bình đẳng về mặt loại hình nhận thức. Hơn nữa, cái biên giới ngăn cách giữa tự sự lịch sử về quá khứ dưới hình thức khoa học xã hội với tự sự văn chương là hết sức mỏng manh.

Trong cuốn Siêu sử học (Metahistory; 1973) Hayden White đã có những đánh giá gây sự sửng sốt lẫn nỗi bất bình cho các sử gia về bản chất của khoa học lịch sử đương đại. Ông cho rằng: những thành tựu công nghệ và sự phát triển của khoa học kỹ thuật nói chung khiến ý thức nhân loại hướng về hiện tại và tương lai nhiều hơn hướng về quá khứ. Hoàn cảnh hậu hiện đại lại càng làm người ta nhận ra tính chất phi khoa học của sử học. Vinh quang sử học đã được đẩy lên đỉnh cao trong thế kỷ 19. Sang thế kỷ 20, ý thức về lịch sử và sử học nói chung đã rơi vào khủng hoảng. Ngoài những nguyên nhân nêu trên, sự khủng hoảng này còn bắt nguồn ngay từ khát vọng xây dựng sử học như một ngành “khoa học triệt để”, một kiểu sử học hàn lâm, đồng thời cố gắng đối lập sử học với nghệ thuật và triết học. Sử học đang rơi vào khủng hoảng, đang thiếu thốn về phương pháp nghiên cứu. Nó không đem lại những bức tranh khoa học nào đáng trọng mà chỉ có những hình ảnh hư cấu hay những mô hình về quá khứ. Viết về các sự kiện lịch sử trong các công trình sử học lâu nay thực chất là kể chuyện, là một hoạt động tự sự. Nhà sử học không thể thoát khỏi “trường tự sự”. Trong cuốn Những quỹ đạo của diễn ngôn (Tropics of Discourse, 1978), H. White bày tỏ ý định trả lại uy tín cho sử học bằng cách làm cho các sử gia ý thức thật sớm những ngộ nhận và sai lầm định mệnh của mình. Vì sử học không thể dừng lại mãi ở sân chơi với trò chơi “khoa học khách quan”. Nhiệm vụ của nó không phải là đi tìm cái đã xảy ra như thế nào, mà là cung cấp cho con người chiều kích thời gian đặc thù của ý thức về chính bản thân mình. Nghiên cứu lịch sử muốn làm tròn bổn phận khoa học của nó với thế giới nhân sinh này, nó phải hợp tác với nghệ thuật và triết học. Nếu sử học không “sử dụng đôi mắt mà nghệ thuật và khoa học cung cấp, nó sẽ vẫn tiếp tục mù lòa”.

Khoa học lịch sử cố nhiên không phải là một khoa học chính xác. Những nỗ lực của nhà sử học thực ra không có gì khác hơn là cung cấp cho người đọc một hiểu biết về quá khứ dưới hình thức nghệ thuật. Hoạt động của nhà sử học là kết hợp của khoa học với nghệ thuật ngôn từ. Sử học cố gắng đạt tới tính khoa học khách quan nhưng thực chất đã hình thành nhiều trường phái nghiên cứu với nhiều phương pháp khác nhau. Hai trường phái tiêu biểu nhất là sử học tiên nghiệm và sử học ấn tượng. H. White cho rằng nghiên cứu lịch sử thế kỷ 19 ở châu Âu phát triển theo mục tiêu hiện thực chủ nghĩa và thực sự định hình bốn kiểu chủ nghĩa hiện thực gắn liền với bốn nhà sử học: Jules Michelet (Pháp; 1855-1856), Leopold von Ranke (1795-1886, Đức); Alexis-Charles-Henri Clérel de Tocqueville (1805-1859, Pháp); Jacob Burckhardt (1818-1897, Thụy Sỹ). Điểm gặp gỡ của cả bốn nhà sử học nổi tiếng châu Âu thế kỷ 19 là tự sự lịch sử. Vì các công trình nghiên cứu của họ không có gì khác hơn việc chế tác những câu chuyện từ các tài liệu tìm kiếm và sưu tầm được. Những chuyện rắc rối hay bí ẩn của lịch sử đều phải được tạo ra bằng những câu chuyện và bằng một cách kể nào đó. Điểm khác biệt ở bốn sử gia này là ở phong cách kể. Đó là 4 lối kể: lối kể dân dã trữ tình (romance), lối kể hài hước (komedy), lối kể bi thương (tragedy) và lối kể dung tục (satira)(3).

Tóm lại, tự sự lịch sử là một hình thái tư duy hướng tới sự nhận thức và mô tả đối tượng quá khứ một cách xác thực, hướng tới cái đã có, đã xảy ra trong lịch sử. Hình thái tư duy này không chỉ tồn tại trong nghệ thuật và giao tiếp ngôn ngữ mà còn có chức năng như một phương tiện kỹ thuật của nghiên cứu lịch sử. Lối kể chuyện lịch sử và kể chuyện hư cấu đã được nhận biết và phân biệt từ các nhà triết học Hy Lạp cổ đại. Ngữ pháp của truyện kể là hệ thống những nguyên tắc giống như một mô hình tổng hợp, trong đó không có sự cách biệt giữa lối kể hư cấu với lối kể lịch sử. Nếu thế giới nghệ thuật được nhà văn kiến tạo là những “thế giới có thể” (un monde possible) thì ở đó không hề có ranh giới giữa cái hư cấu với cái lịch sử. Và như vậy trong văn chương, tự sự hư cấu và tự sự lịch sử chỉ là sự phân biệt có tính tương đối mà thôi.

Phạm Thành Hưng | Báo Văn nghệ

.........................

(1). Aristotelés, Poetika, Oikoymenho, Praha, 2008; str. 65

(2). Mitoseková Zofia; Teorie literatury (Historický přehled) Host-Brno, 2008; str. 27

(3). White Hayden : Metahistory, Host, Brno-1973); str.181

------------------------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Lời tự sự của chuông gió* Người kể chuyện “Mệnh đế vương” và vai trò người đọc trong nghệ thuật tự sự Tự sự học đa phương tiện và văn hóa đại chúng đương thời: Trường hợp Việt Nam Sức nặng của những tác phẩm văn học viết từ sự thật Tôn trọng sinh mệnh
Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Baovannghe.vn- Sông Hồng đi qua xứ Đoài/ Vác theo vùng trời vỡ rạn/ Đường trung du mốc trắng/ Xanh bãi bờ gọi niềm trai tráng
Chiếc bình đựng ký ức. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Chiếc bình đựng ký ức. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Baovannghe.vn - Mộc cười tự tình với trăng. Trăng chảy ướt đầm vai áo Mộc. Từng sợi trăng vút mềm tao nhã như đổ ra loang mềm trong ánh nhìn bượt bã của nàng.
Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh

Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh

Baovannghe.vn - Hình ảnh Lá rơi... lại tưởng bước chân ai về đã được nhắc đến trong thi ca khá nhiều. Nói cũ thì cũng đúng. Nhưng không hiểu sao với bài Mẹ ngồi tựa cửa của nhà thơ Hải Thanh, tôi lại không nỡ nghĩ như vậy.
Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan

Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan

Baovannghe.vn - Quả thực cô hỏi thế tôi cũng khó trả lời. Có lẽ các nhà văn, nhà thơ tặng sách cứ nghĩ rằng, ở cương vị lãnh đạo tôi là người ham đọc sách, nên họ ra sức tặng
Thời tiết ngày 6/10: Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối có mưa rào và giông rải rác

Thời tiết ngày 6/10: Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối có mưa rào và giông rải rác

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 6/10: Hà Nội sáng sớm có sương mù. Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối có mưa rào và giông rải rác.