Sáng tác

Con của rừng - Truyện ngắn của Phạm Quang Đẩu

Phạm Quang Đẩu
Truyện
10:00 | 19/07/2024
Giữa chốn đô hội nhộn nhạo chen đua này, cô thấy lòng hoang mang, cô đơn trống trải quá. Bỗng nhớ mẹ biết bao, thương mẹ biết bao!
aa
Đời mẹ hạnh phúc vụt sáng, lịm tắt tựa ngôi sao băng cuối trời. Bố, như mẹ thường kể, thực sự sống bên mẹ cộng lại vỏn vẹn được khoảng một tháng, rồi đi, đi mãi không về. Đó là một tháng dồn nén hạnh phúc đậm đặc cho cả kiếp người, những năm tháng dài lê thê còn lại mẹ sống với người đàn ông khác, chỉ là cảnh sống gửi ở nhờ tẻ nhạt lễnh loãng. Dòng sông Mỹ Lâm chảy qua thị trấn quê mẹ thật khó tìm được vị trí trong bản đồ thông thường vì nó nhỏ quá, ngắn quá. Nhưng nó không hề vô danh, bởi cái tên thì không biết ai đặt, tự bao giờ mà đẹp thế, ấn tượng thế trong lòng những đứa con đi xa thị trấn miền rừng? Trước ngày lên đường sang chiến trường Campuchia, bố dặn mẹ: Đẻ con trai hay con gái đều đặt là Mỹ Lâm cả, ta nên nghĩa nên tình trên dòng sông ấy.

Hôm đó trời đổ cơn mưa mùa hạ tầm tã nhiều giờ liền. Lũ thượng nguồn đổ về đục ngầu cuồn cuộn, vậy mà khi vừa dứt mưa mẹ cũng như nhiều người trong xóm nhào ra sông vớt củi. Gỗ mục, cành khô, thân cây bật gốc cứ băng băng thấp thoáng trôi giữa dòng. Sao lúc đó mẹ liều mạng đến vậy, với chiếc thuyền thúng mỏng manh bơi ra xa bờ hòng giành lấy những khúc củi gộc. Một cơn sóng táp mạn, con thuyền bé nhỏ chòng chành, mẹ luống cuống kêu “ối” một tiếng liền bị dòng nước hung dữ nuốt chửng. Đang “giã gạo”, bỗng ai đó cầm tóc mẹ kéo lên. Quay cuồng. Lơ mơ...

Mở mắt. Người đầu tiên mẹ nhận ra là anh Thọ, con ông lái đò. Anh đang quỳ xuống đất làm động tác cầm hai chân mẹ dốc ngược, nước trong mồm mẹ ồng ộc tuôn ra. Anh còn ghé vào mồm mẹ hút mạnh đờm dãi nhổ đi, chỉ ít phút sau ngực mẹ bỗng phập phồng. Sống rồi! Anh Thọ vội đưa mẹ về nhà ủ ấm, uống thêm bát thuốc bắc nóng hổi, môi mẹ tím tái chuyển dần sang màu hồng nhạt. Hai ngày sau mẹ khỏe hẳn. Ông bà ngoại dẫn mẹ sang nhà ông bà lái đò cảm tạ cái nghĩa cải tử hoàn sinh. Ông ngoại nói: Thưa ông bà, cứu một người phúc đẳng hà sa, Phật dạy như vậy. Bởi có chuyện anh Thọ nhà ông bà cứu con Niềm (tên cúng cơm của mẹ) đuối nước, xin cho cháu nhà tôi được làm con nuôi gia đình ông bà.

Sau chuyện ấy, đã nảy sinh một điều kì diệu bất ngờ, mẹ làm con nuôi ông bà lái đò chưa đầy ba tháng đã trở thành con dâu! Thời kì được gần bố, mẹ đẹp hẳn ra, mới đúng là thiếu nữ tuổi dậy thì và một lần đi chơi khuya ở bìa rừng, mẹ đã chủ động ngả vào lòng bố, hiến dâng tất cả cho bố. Khi bố mẹ vừa bén hơi nhau, cũng là lúc nổ ra chiến tranh biên giới Tây Nam, bố cùng nhiều chàng trai trong xóm rục rịch đi khám tuyển, đều có giấy gọi nhập ngũ một ngày. Bà lái đò ái ngại ghé tai ông: Thằng Thọ cái Niềm đã phải lòng nhau, mà nhỡ chúng có chuyện chửa trước thì mang tai mang tiếng với xóm giềng lắm, hay cho chúng cưới quách đi ông ạ. Bố thì vẫn vô tư, bảo hết nghĩa vụ quân sự về cưới chưa muộn. Mẹ lại không nghĩ thế, mẹ ngầm nói với bà nội: Thưa bác, cháu đã có mang với anh Thọ rồi ạ. Đám cưới được tổ chức rất chóng vánh trước ngày bố lên đường, thực ra mãi nửa năm sau bố về phép trước lúc đi chiến trường mẹ mới có mang Mỹ Lâm. Rồi bố đã hi sinh trong trận đánh vào hang ổ bọn diệt chủng Pôn Pốt ở Xiêm Riệp trên đất nước chùa Tháp.

Bố được công nhận liệt sĩ. Bảy năm sau ngày bố mất mẹ đi bước nữa. Ông bố dượng đời vợ trước bị bệnh hiểm nghèo, lại không có con, đến “đặt vấn đề”. Cảnh nhà mẹ lúc đó thật neo đơn cùng cực, không dựa được vào ai. Trong vòng có mấy năm mà hai bên ông bà nội, ngoại đều đã lần lượt rủ nhau đi cả, Mỹ Lâm thì còn bé quá. Mẹ chẳng thể từ chối. Lấy ông ấy mẹ đâu có ngờ là lấy phải kẻ vô tích sự nát rượu, vũ phu. Một lần Mỹ Lâm đi đâu về bắt gặp mẹ thẫn thờ bên bàn thờ bố, nước mắt lưng tròng. Trong cơn say, mẹ nói câu gì đó ông ta không bằng lòng thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với mẹ. Mỹ Lâm xót xa lấy rượu ngâm hạt dổi rừng xoa vào những vết thâm tím trên mặt, cánh tay mẹ. Mẹ ghé vào tai cô thì thào: Đáng đời mẹ lắm, ngay lúc chưa cưới mẹ đã có ý lừa dối bố con rồi. Nhưng cô an ủi mẹ: Mẹ không lừa dối bố đâu, chỉ vì yêu bố, sợ mất bố mà mẹ nói với bà nội là có mang thôi, con vẫn đúng là con của bố mẹ cơ mà.

Dòng sông miền rừng còn chứng kiến những kỉ niệm vui buồn của cô và Chí Thiện. Ngày ấy nhiều bận Mỹ Lâm mải mê đi dọc bờ sông mạn thượng nguồn cắt cây rau dền gai mọc trên bãi cát phù sa về nấu cám lợn. Cô đâu biết mình vẫn nằm trong “tầm ngắm” của một bạn trai cùng lớp đang ngồi câu cá trong bụi cây rù rì, thứ cây chuyên mọc bên bờ sông suối lá cành rậm rạp che kín mặt nước. Đến một lần cô vừa mạnh tay lia đứt gốc dền bự, nghe phát ra tiếng “cạch” khô khốc tia lửa tóe đầu lưỡi dao. Lia phải hòn đá, dao mẻ một miếng khá to. Trời ơi, đây là con dao bài ông bố dượng vừa mua hồi sáng, lúc cô cầm đi, ông đã đe: Dao thái thịt đấy, mang đi mà phá. Giờ cô phá thật rồi!

Con của rừng - Truyện ngắn của Phạm Quang Đẩu
Con của rừng - Truyện ngắn của Phạm Quang Đẩu - Họa sĩ minh họa: Tô Chiêm

Mỹ Lâm ngồi bệt trên bờ cát, gục đầu xuống gối khóc nức nở. Bỗng cô thấy ai chạm nhẹ tay vào vai mình, một giọng con trai quen thuộc: Thế mà cũng khóc. Ngửng lên, Chí Thiện bạn cùng lớp, người dân tộc Mường ở xóm Chùa ven thị trấn. Cô quệt nước mắt phụng phịu: Dao ông ấy vừa mua, về thể nào cũng ăn đòn, ông ấy ác đòn lắm cơ. Chí Thiện liền an ủi: Có gì đâu, mình đền ông ấy cái khác, y hệt. Cô hỏi: Đằng ấy lấy đâu tiền mua? Yên tâm đi. Chí Thiện nhoẻn miệng cười bảo. Tiền bán cá, ngày nào mình chả câu được nửa cân trở lên. Nói xong cậu ta cầm con dao mẻ của Mỹ Lâm tót ngay lên đường cái. Nửa giờ sau cậu về, chìa trước mặt cô hai con dao giống hệt nhau, nói: Cậu cầm con mới, còn mình giữ con mẻ làm kỉ niệm.

Hết tuổi mười bốn, chớm vào tuổi mười lăm, Mỹ Lâm lớn vổng, cô thấy trong người đổi khác lắm. Mắt lúc nào cũng long lanh, gò má lúc nào cũng ửng màu táo chín, ngực lớn lùm lùm. Một lần cô đang tắm, mẹ đánh tiếng mở cửa vào. Cô kể với mẹ là đã thấy kinh lần đầu. Mẹ nhìn cô chợt mỉm cười. Đã lâu lắm mới thấy mẹ cười, cái cười làm khuôn mặt mẹ trẻ lại vài tuổi. Mẹ bảo: Nhiều bà ghen với mẹ đấy, bảo mẹ cú đẻ con tiên.

Sau hôm đền cho Mỹ Lâm con dao bài, Chí Thiện còn sắm cho cô cái cần câu mới toe, mỗi lần hai đứa gặp nhau là hối hả cùng cắt cho nhanh đầy rổ rau dền, sau đó ngồi một chỗ câu chung. Thiện sát cá lắm, giật toay toáy, mương, chép, thè be, đòng đong, cân cấn liên tiếp được cậu ta lôi lên khỏi mặt nước, gỡ ném vào giỏ, còn cô câu tốn mồi thỉnh thoảng mới giật được một chú cá bé tin hin. Đến khi về, Thiện chủ động san đều cá làm hai phần, Mỹ Lâm không chịu, bảo đằng ấy bán cá lấy tiền ăn học cơ mà, mình chỉ là câu chơi cho vui thôi mà. Nhưng cậu ta cứ nhất quyết chia đôi chiến quả. Từ ngày Mỹ Lâm có thêm cá mang về, ông bố dượng khoái ra mặt, đến bữa nhắm rượu với cá rán giòn, thật tuyệt. Ông ta còn bảo: Rượu ngon phải có bạn hiền con ạ. Đến một ngày ông mang về một “bạn hiền” thật. Ông giới thiệu với mẹ: Đây là chú Nàm, em bà vợ trước của tôi, lên ở nhà ta một thời gian để mua gom lâm sản, ra sông cái đóng bè về xuôi bán. Nàm trạc hai lăm, hai sáu tuổi, môi dày, mũi tẹt, mắt trố, người to lớn lộc ngộc như con trâu rừng, cái khoản đối ẩm với ông anh rể thì đúng là kì phùng địch thủ. Giá rượu lên, lo đủ rượu cho hai gã “ba say chưa chai” ấy đã méo mặt, nhưng mẹ không dám nói, sợ kẻ vũ phu. Mỹ Lâm hiểu ý mẹ, gặp Chí Thiện bảo: Mình không câu nữa đâu. Cậu ta trố mắt ngạc nhiên: Hay mình có điều gì không phải làm đằng ấy giận? Mỹ Lâm lắc đầu ngây ngẩy, cô không muốn nói ra nỗi khổ tâm trong nhà mình và cũng thấy thật vô lí khi cứ phải cung phụng mãi cái hạng phàm ăn tục uống ấy làm gì cơ chứ. Đã mấy ngày ông bố dượng không thấy Mỹ Lâm mang cá về thì thắc mắc: Cá sông hết cả sao con? Cô chỉ nhấm nhẳng bảo rau dền ngày càng hiếm, phải vào sâu trong rừng, không còn lúc nào ngồi câu cá nữa. Nghe vậy bạn đối ẩm của ông bố dượng hăng hái: Cháu để cần câu đấy cho chú, chú cũng sát cá ra phết đấy.

Sáng hôm ấy Mỹ Lâm lẳng lặng cắp rổ vào rừng. Nàm đang ngồi ngáp vặt trong nhà nhìn thấy, vội nhao ra ngoài cửa giật cái cần câu gác ở mái hiên, bảo: Đợi, chú đi đào giun rồi chú cháu mình cùng đi. Cô như không nghe thấy, cứ cun cút bước thật nhanh khỏi nhà, mặc xác cái ông chú vô duyên đại hạng đang hì hụi chổng mông bên bể nước bới giun.

Trưa nắng gắt. Đã có một rổ rau dền đầy. Lần này cô chủ ý luồn lách qua các lùm cây bụi rậm rạp tránh không cho Chí Thiện biết, ngược lên nơi ngọn nguồn sông Mỹ Lâm, gặp một vách đá gan gà dựng đứng cao hàng chục thước chắn ngang dòng nước tạo thành một ngọn thác trắng xóa, hơi nước tỏa mát lạnh cả một vùng cây cối tốt tươi ướt đẫm. Đến chân thác, cô còn cảnh giác đứng trên doi cát mịn quay đầu nhìn về xuôi, một vùng rừng im ắng nước chảy rì rào qua các vòm cây hốc đá, chắc hẳn ông chú tham ăn tục uống kia không rành đường đã phải quay lui lâu rồi!

Cô bỏ rổ rau trên bờ, thong thả cởi quần áo để gọn trên ngọn bụi cây thấp gần mép nước, phút chốc phô ra giữa thanh thiên bạch nhật một thân thể thiếu nữ trắng ngần non tơ. Cô nhoài người khỏa tay bơi về phía vũng chân thác đang sôi réo nổi bọt trắng. Làn nước xanh văn vắt. Có thể nhìn dưới đáy tia nắng mặt trời phút chốc làm những hòn sỏi cuội ánh lên đủ sắc màu lung linh. Có lúc cô còn đứng im ngâm mình trong làn nước mát để các chú cá con bâu lại rỉa rỉa vào chân vào đùi. Một cảm giác nhột nhột lâng lâng sảng khoái đầu óc chưa bao giờ được biết tới.

Hơi nước bốc ngùn ngụt trên bờ cát dãi nắng. Tắm táp thỏa thuê, cô khỏa nước thong thả đi về phía chỗ để quần áo. Bỗng cô sững người: Trong bụi cây rù rì có một con thú đen sì đang rình rập? Cô dụi mắt. Không phải con thú, con người! Cô hốt hoảng quay ngoắt người lại chỗ nước sâu. Nhưng con thú -con người ấy đã vụt từ bụi rậm nhao về phía cô. Đó là Nàm. Cô thét lên tuyệt vọng. Tiếng cô bị thác nước phút chốc nuốt chửng. Nàm chạy ào xuống nước kéo tay, lôi xềnh xệch cô lên bờ. Cô vung tay chống cự, nước bắn tung tóe, đến khi cô ngã sõng soài trên bờ cát. Đôi mắt kèm nhèm của Nàm long sòng sọc như con thú điên, gã rứt tung quần áo của gã từ lúc nào, cố sức đè ngửa cô xuống.

Bỗng Nàm kêu “Ối!” Tấm thân đen trũi lăn uỵch xuống cát. Gã giãy đành đạch như con cá trốc thớt. Vai gã túa máu đỏ lòm. Cô co rúm người, nhìn lên. Chí Thiện đang vung con dao bài mẻ chém tiếp nhát nữa vào cánh tay lông lá của Nàm đang giơ lên che đỡ. Nàm lăn một vòng tránh lưỡi dao, nhỏm dậy tồng ngồng chạy vào sau bụi cây rù rì…

Lần ấy tình cờ ông bác ruột của bố từ thủ đô lên chơi thăm mẹ con cô. Ông là một giáo sư âm nhạc có tên tuổi, ông bàn với mẹ cho Mỹ Lâm lên ở nhà ông trên Hà Nội, để nó quên đi cơn ác mộng vừa xảy ra. Ông còn bảo, con bé xinh thế, dễ thương thế, biết đâu lại có một năng khiếu nghệ thuật nào đó, ông sẽ giúp cháu học hành thành tài để có một tương lai xán lạn. Thế là Mỹ Lâm chuyển hẳn về Hà Nội. Học hết phổ thông cô thi đỗ vào trường điện ảnh sân khấu, nhạc sư, người cha đỡ đầu vui mừng bảo, vậy là cháu ông có năng khiếu nghệ thuật, sẽ trở thành diễn viên, chỉ không biết sau này có là một ngôi sao sân khấu hay minh tinh màn bạc được không...

*

Hôm nay Mỹ Lâm về quê thăm mẹ. Ông bố dượng đi đâu không có nhà. (Nàm thì sau lần ấy đã bị nhà chức trách địa phương gọi ra. Đáng lẽ hắn bị truy cứu trách nhiệm hình sự cưỡng dâm người vị thành niên, nhưng ông bố dượng đã nài nỉ xin mẹ và Mỹ Lâm làm đơn bãi nại cho hắn, nên Nàm chỉ bị tòa nghiêm khắc cảnh cáo, tha bổng, hắn đã trở về quê mấy năm nay không thấy quay lại.) Khi cô bước vào căn nhà tranh tối tranh sáng của mẹ, nghe có tiếng rền rẫm vọng ra. Cô vội đi nhanh vào buồng, mẹ đang nằm thượt trên giường, mặt xanh xao bủng beo. Cô ôm mẹ bật khóc: Sao mẹ khổ thế này! Bàn tay gầy guộc của mẹ sờ vào vai, vào mặt, vào tóc cô. Lúc sau mẹ khẽ hỏi:

- Con với Chí Thiện bỏ nhau thật à?

Mỹ Lâm cắn vào môi không nói được câu nào.

- Thiện tốt thế cơ mà. Mẹ rầu rầu nét mặt nói tiếp. Mà sao con chẳng cho mẹ biết. Hôm rồi bà mẹ Thiện ra đây thăm mẹ, bảo là bà ấy cũng nghe ai đó đi Hà Nội về báo cho bà biết vậy, chứ Thiện cũng chưa nói gì với mẹ chuyện lủng củng của hai đứa.

- Giờ con không biết là mình có lỗi hay anh ấy có lỗi nữa mẹ ạ. Mỹ Lâm nói, sống mũi cay xè nước mắt ứa ra. Anh ấy tốt nghiệp Học viện Cảnh sát, do kết quả học tập xuất sắc, được phong trung úy, giữ lại trường. Cưới xong, bọn con thuê nhà ở tạm, định bụng sẽ tằn tiện vài năm đủ tiền mua trả góp một căn hộ chung cư giá rẻ. Cũng vì chưa có nhà riêng nên chúng con chưa muốn có con ngay, nhưng bị vỡ kế hoạch mẹ ạ. Anh bảo có con thì nuôi, vất vả một chút không sao. Nhưng đúng lúc con bắt đầu nhận vai diễn chính cho dự án một bộ phim truyền hình nhiều tập, có con lúc này là bỏ lỡ một cơ hội hiếm có trong nghề, suy đi tính lại mãi, đành phải hủy thai. Chúng con bất đồng với nhau từ đấy. Còn thêm những nghi kị, hiểu lầm. Anh không muốn con giao du rộng, có lẽ anh vẫn ghen bóng ghen gió. Con bảo, anh phải biết thông cảm cho nghề diễn của vợ chứ. Có lần anh cũng bảo: Vợ ơi, hay là chuyển nghề đi? Con hỏi lại: Anh không tin em sao? Anh cười gượng bảo tin, nhưng vẫn lo lo. Lần ấy anh vừa đi công tác về, đến ngay xưởng phim tìm con, thấy con đang cùng anh đạo diễn đi ăn trưa ngoài quán. Anh xịu mặt và nói câu có ý xúc phạm đến cả hai, sau đấy anh đạo diễn nói lại với con, cô làm nghề này mà ông xã hay ghen tuông thế thì về lâu dài ta khó hợp tác với nhau lắm đấy. Việc tham gia dự án bộ phim truyện mới của con có nguy cơ bị đổ bể. Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, mấy lần cãi vã nữa, chúng con đem nhau ra tòa, bà chánh án vẫn một mực muốn hòa giải...

- Thôi, vào thắp hương trên bàn thờ cái đã. Khấn bố phù hộ độ trì hai đứa không bỏ nhau. Mẹ nói.

Đêm. Cô ngủ cạnh mẹ dưới mái nhà tuổi thơ nhọc nhằn. Trằn trọc mãi. Vẳng nghe tiếng con nai tác từ xa vọng về đang gọi bạn nơi thượng nguồn Mỹ Lâm. Cô bỗng nhớ Chí Thiện. Nhớ những lần đi câu hai đứa ngồi vắt vẻo trên cành cây rù rì và nhớ lần anh đã cứu cô thoát khỏi tên quỷ dâm dục. Hình như trong đêm thanh vắng còn vọng về cả tiếng thác mời gọi dạo nào nữa...

Sáng. Mỹ Lâm bỗng nảy ra ý muốn thăm lại nơi ngày xưa thác đổ.

Hơi thở của rừng nguyên sinh phả vào cô mát rượi. Trên ngọn thác trắng xóa đang hiện lên bảy sắc cầu vồng hư ảo trong nắng sớm. Cô chầm chậm bước chân trần trên cát mịn tận hưởng cảm giác hòa vào chốn thấm đẫm hơi sương mờ ảo mát lịm. Cô vén quần lội xuống nước. Lập tức những chú cá tí hin bâu rỉa quanh chân. Lại cái cảm giác nhột nhột lâng lâng thuở nào. Cô liền quay lên cởi quần áo để trên bụi cây và nhảy ào xuống nước, nhoài người khỏa tay bơi vào vùng chân thác ngầu bọt sôi réo. Chao ôi, bao nhiêu năm đi xa, giờ mới lại được đắm mình trong dòng nước tuổi thơ ngọt lịm thanh khiết thế này! Cô ngụp hẳn đầu xuống nước, mở mắt nhìn rõ những hòn cuội đủ màu trắng, lục, vàng, son tuyệt đẹp. Cô ngoi lên, quay nhìn vào bờ. Bỗng sởn gai ốc: Có ai đang đứng trân trân trên bờ cát?

- Em!

Giọng ai đó thảng thốt lên lẫn vào tiếng thác đổ. Cô định thần. Chí Thiện ư? Không, sao anh ấy lại đến đây cơ chứ?

Người đó liền chạy ào ào xuống chỗ nước sâu vụt đến bên cô, bộ quần áo cảnh sát màu xanh bỗng chốc ướt thượt.

- Chí Thiện! Cô kêu lên.

Anh ôm ngang thắt lưng cô ghì sát vào nhau, thì thào:

- Anh vừa đến nhà, mẹ nói em thăm lại thượng nguồn Mỹ Lâm.

Cô yếu ớt muốn thoát ra, anh thì cứ hôn tới tấp lên má, lên môi, lên ngực cô. Và anh bế thốc cô, ào ạt lội lên bờ. Vừa đi anh vừa nói như muốn át cả tiếng thác:

- Anh không thể sống thiếu em! Hãy tha thứ cho nhau. Ta làm lại từ đầu, em nhé.

Lúc đó chùm nắng bỗng lọt qua tán cổ thụ trên thác chiếu thẳng vào hai đứa con của rừng đang quấn chặt vào nhau trên bờ cát phẳng mịn màng. Trong niềm hân hoan vô bờ cô chợt nhìn lên, hình ảnh người cha thân yêu đang hiện ra trên đỉnh thác bảy sắc cầu vồng. Hình như cha đang mỉm cười...

Vậy là cha ơi, cha sống khôn chết thiêng đã luôn phù hộ độ trì cho đứa con gái bé bỏng, nông nổi của cha...

Định Công Thượng, Hà Nội, 2020

Người kháng chiến - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Văn Bổng Con đường của mẹ con A Sử - Truyện ngắn của nhà văn Mạc Phi Lặng lẽ Sa Pa - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thành Long Vườn hoa cổng ô - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Phan Hách Ruộng xấu - Truyện ngắn của nhà văn Y Ban
Báo Văn nghệ số 28/2024
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.